3 thg 10, 2011

NHƯ NGUYỆT

       Trong nhà tắm nước nóng Mimosa, Tiệp nhẩm đọc bài thơ tình anh vừa thuộc ít lâu nay:
       Hái một bông cau chiều tháng Chạp
       Tặng em trong buổi chớm xuân về
       Ra giêng em sẽ xinh thêm chút
       Môi hồng và má thắm hơn xưa…
       Trước kia Tiệp không thích thơ, ngoài những nhà thơ có mặt trong sách giáo khoa, anh không đọc ai nữa. Nhưng gần đây Tiệp chợt thấy mình đổi khác, anh đâm ra thích nghe nhạc, chịu khó tìm đọc thơ. Thành phố hoa này hay Như Nguyệt làm Tiệp đổi thay?
       Từ nhà tắm ra Tiệp đến quán cà phê Duyên, theo thói quen. Hơn ba tháng nay ngày nào Tiệp cũng ngồi ở đó ít nhất một lần. Cà phê và nhạc của Duyên tuyệt hảo.
       Còn sớm, chưa đến một nửa số bàn có khách. Tiệp ngồi vào chỗ thường ngồi. “Chỉ còn vài hôm nữa thôi, ta sẽ giã từ quán này. Sẽ từ biệt luôn các quán chè, các sạp bánh xèo khu Lò Đúc, những gánh bắp nướng trên các ngả đường đêm”. Tiệp nghĩ.
       Thanh Lan hát “Giọt mưa thu”. Tiếp sau là “Tình nhớ”. Rồi đến “Đêm đông”, “Hoài cảm”. Quen thuộc đến chẳng thể nào quen hơn nữa… Ngồi hơn nửa giờ Tiệp thấy mỏi lưng. Trưa nay anh không ngủ được, vì các ông bạn cùng phòng đùa giỡn, làm huyên náo. Các tướng đánh cờ ăn kẹo, rồi kể chuyện tiếu lâm, nghịch như một bọn trẻ. Làm nhiều trò, nhưng không ai nghĩ tới việc tập nhảy.
       “Muốn trở thành một ngài đáng kính trong giới thượng lưu, nhất thiết phải  tập ăn nói. Đúng thế, ăn phải tập, nói cũng phải tập. Sau đó là tập nhảy, nhảy đẹp, bay bướm. Phải nghĩ tới một ngày nào đó mình sẽ lên cao! Không lẽ cứ ngồi lì một chỗ. Chậm hay mau cũng lên. Vậy, ngay bây giờ ta nên tự hỏi mình: bạn biết nghe nhạc giao hưởng chưa, biết khiêu vũ chưa?” Như Nguyệt nói.
       Tiệp muốn về sớm. Bây giờ về nằm cuộn người trong mền, đọc báo chắc thú hơn. Bên ngoài trời tối, sương mù dày, không thể nhìn thấy gì xa ngoài năm, bảy thước. Khá lạnh. Tiệp đi chậm. Đường vắng người. Tiệp lại nhẩm đọc bài thơ tình lời lẽ mộc mạc, có hơi hướng như một tiếng thở dài, một lời thì thầm:
       … Ơi những bông cau chiều tháng Chạp
       Lòng tôi chưa rượu đã nghe say
       Tặng em thêm một bông này nữa
       Lỡ xa, em nhé nhớ nhau hoài. (*)
       “Nếu là thi sĩ mình sẽ làm ngay bài thơ “Đêm Cao nguyên”… Mình chỉ còn ngủ ở căn phòng đó ít đêm nữa, ăn với Như Nguyệt vài bữa cơm nữa”.
       Tiệp đi trên đường ven bờ hồ. Những hàng thông lờ mờ. Những ngôi nhà thu lu, đen sì. Tiệp thấy luyến tiếc khi phải rời nơi này. Nó khác xa các thành phố dưới đồng bằng, cũng không giống những phố núi khác. Khác về cảnh vật, khí hậu, và cả về con người. Nhưng cùng lúc, Tiệp cũng muốn mau chóng chia tay Như Nguyệt, chấm dứt ngay tình trạng ngượng ngập đang bao phủ hai người. Anh nuối tiếc những tháng ngày vui tươi, thoải mái trước kia, trước khi Thanh Nam xuất hiện.
       Tiệp đến Cao nguyên theo học một khóa bổ túc nghiệp vụ. Đây là lần đầu Tiệp tới thành phố này. Trước khi đi Tiệp được Dương giới thiệu cho một gia đình quen, để có nơi lui tới trong những ngày nghỉ, đỡ cô đơn. Dương là bạn thân của Tiệp. Nhà anh ở Sài Gòn, gần chợ Xóm Chiếu. Nhưng Dương biết rành Cao nguyên như biết vùng Quận 4 của anh, vì trước anh đã từng sống ở đây khá lâu… Dương viết một bức thư dài giới thiệu Tiệp với Như Nguyệt, cô em con ông chú ruột của anh. “Như Nguyệt ở Lê Lợi”. Thế là từ đó Tiệp có thêm một người quen.
       Như Nguyệt sinh trưởng trong một gia đình buôn bán nhỏ, ở Chợ Lớn. Lên đây cô làm việc tại ngân hàng, sống một mình trong một chung cư cổ lỗ, thường gọi cư xá Lê Lợi. Dáng người Như Nguyệt thanh mảnh, cân đối, gương mặt đẹp, mắt mũi đều cán mức “lý tưởng”. Tóc Nguyệt cắt ngắn, uốn cụp vào cổ. Đôi môi cô đỏ mọng, dày, cong tớn lên, như môi B. Bardot, diễn viên điện ảnh Pháp ngày trước… Hồi còn ở trung học Như Nguyệt là học sinh giỏi. Cô giỏi toán và ngoại ngữ. Trong lúc nhiều bạn học toát mồ hôi để chỉ mong được điểm trung bình môn tiếng Pháp, thì Nguyệt đã đọc được những cuốn truyện song ngữ Pháp – Việt dành cho thiếu nhi. Nhưng Nguyệt không có nhiều bạn thân. Người ta cho là cô kênh kiệu, điệu bộ hơi nhiều. Nguyệt thích nói về những người đàn bà nổi tiếng trên chính trường, những bà hoàng, những công chúa, nên cô được gán cái biệt danh “Bà Quận Chúa”.
       “Bà lớn – giới thượng lưu”, là điều Như Nguyệt thường nói đến. Nguyệt ngưỡng mộ Nữ hoàng Anh Elizabeth II, diễn viên Ý S. Loren. Trong tủ sách của cô có nhiều cuốn hồi ký của các nữ danh nhân. Cô khâm phục những phụ nữ nổi tiếng, chẳng phân biệt lãnh vực. Trong phòng ngủ, cô treo ảnh nhà bác học Pháp M. Curie, minh tinh Đức M. Dietrich… Nhiều lần tâm sự với Tiệp, cô nói trắng ra, giới thượng lưu là mục tiêu cô nhắm tới. “Có hai con đường dẫn tới đích ấy. Một do tự mình mở ra, một nhờ chồng. Dĩ nhiên nếu chính mình tạo được thì tốt quá… Hiện giờ người đông, mình thì tài cán chẳng được bao lăm, con đường từ cửa ngân hàng đến đó thật xa thăm thẳm!”… Anh Dương từng nói: “Như Nguyệt có nhiều cao vọng. Cỡ như tôi và Tiệp thì dứt khoát không được nằm trong tầm mắt chiến lược của cô ấy”.
*
       Tiệp học ngày hai buổi, ăn trưa tại trường, chiều về Lê Lợi ăn cơm tối với Như Nguyệt… Mỗi chiều, lúc nào ra khỏi cổng trường Tiệp cũng cảm thấy người thư thái, nhẹ nhõm. Thường thì Tiệp không dạo phố lâu. Anh ghé quán cà phê chừng một giờ, rồi đến hiệu sách mua báo, xong về ngay. Nguyệt luôn chờ Tiệp về cùng ăn tối. Những bữa ăn thường kéo rề rà, với những câu chuyện mông lung, bay nhảy:
       “Đừng nhìn Nguyệt như thế!”  Như Nguyệt bặm môi dọa.
       “Nguyệt bảo tôi phải nhìn vào đâu?”
       “Người ta nói: những con mắt cũng biết nguyền rủa, khóc than, vui thích, van nài… ta nên cảnh giác.”
       Rồi cô nhảy qua một ý thật xa, một chuyện hú họa nào đấy, không liên quan gì tới chuyện đang nói… Như Nguyệt đài các ngay cả khi ở nhà, không trang điểm, mặc áo cánh cũ, ngồi bên bếp điện, vừa nấu nướng vừa ăn nhồm nhoàm. Cô bảo Tiệp: “Ngồi xuống đây, mời ngài Nam tước. Chúng ta sẽ ăn ngay trong xoong, cho thuận tiện. Trông không được lịch sự lắm, nhưng sốt dẻo”. Tiệp vừa ăn vừa đọc các tạp chí. Nguyệt thì nói đủ thứ, như chiếc loa của hãng thông tấn: chuyện sinh viên biểu tình ở Nhật. Chuyện Đức Giáo hoàng. Chuyện đánh ghen, sinh đôi. Chuyện về những bí ẩn trong tổ chức bang, hội của người Hoa. Chuyện cuốn truyện đoạt giải Goncourt năm 1998. Nguyệt nói, chẳng để ý Tiệp có nghe hay không.
       “Tiệp nên tập khiêu vũ, và nên nghĩ rằng có ngày mình sẽ bước vào giới thượng lưu. Tôi nghĩ, rồi sẽ đến lúc dân ta không còn tụng ra rả về cày bừa, đồng áng, về nuôi heo, nuôi cá. Ta sẽ lớn tiếng nói về du lịch, về những buổi hòa nhạc, về nghệ thuật cắm hoa… Người ta ai cũng muốn mình được xem là kẻ quý phái, thanh lịch, phải không nào?” Như Nguyệt thở rõ dài.
       “Nếu được ở đây lâu tôi sẽ nhờ Nguyệt dạy cho tiếng Pháp, không phải dạy nhảy.” Tiệp gõ trán “Cái này còn rỗng như chiếc trống làng… Tôi thấy là tôi khó giàu sang, Nguyệt cũng thấy như thế”
       “Tôi thấy? Tại sao?”
       “Nguyệt xem tôi như ông già, như một phụ nữ.”
       Như Nguyệt cười xòa, chồm tới búng tai Tiệp.
       “Đừng phụng phịu thế. Tôi nghĩ, tôi thấy thế nào mặc tình, bạn vẫn có thể trở thành ông lớn chứ!”
*
       Thanh Nam đặt chân vào cư xá Lê Lợi trong hình dạng một tay ăn chơi vừa thua bạc, một bợm nhậu chưa tỉnh. Từ xa đến nhưng anh chàng chỉ cầm trên tay một tờ báo, như người vừa đi dạo phố về. “Độc đáo thực, như tài tử xi-nê!” Như Nguyệt nhận xét… Thanh Nam là con trai út ông Tấn Phát, một thương gia lớn vừa gặp vận đen, bị phá sản… Tuy bị ngã nhào xuống chân dốc đời khá đột ngột, nhưng ông Tấn Phát là người có nghị lực sắt thép nên vẫn còn ít nhiều tỉnh táo, sức lực để thu xếp, gom dọn những gì còn lại. Và ông rút về ẩn dật, đứng bán phở bò trong một ngõ hẻm ở quận Sáu. Nhưng vợ con ông đều suy sụp tinh thần. Người con cả, thủ quỹ của hãng T.P, sinh ra ngớ ngẩn. Bà Tấn Phát và Thanh Nam thì phờ phạc, lờ đờ, như sống trong cơn mộng du dài…
       Thanh Nam bỏ nhà đi lang thang, làm khách lãng du, bụi đời. Anh ta không muốn làm việc, cũng không thể làm được việc gì ra hồn. Anh ta chán ngán tất cả mọi sự… Một người trước kia kiếm được mỗi tháng mười triệu, nay khó đứng ra làm những công việc có lương tháng năm trăm ngàn… Thanh Nam vào ở gian phòng bỏ trống, đối diện phòng Như Nguyệt. Đó là căn hộ của ông giáo Huy, anh họ Thanh Nam. Gia đình ông giáo kéo về Sài Gòn để chữa bệnh cho bà giáo đã hơn hai tháng.
       Trong vòng một tuần Nguyệt và Thanh Nam trở thành đôi bạn thân. Nguyệt thảo luận không chán với anh ta về âm nhạc, ô tô, máy móc; về đua ngựa, bơi lội, phim ảnh; về giới trí thức, thương gia gộc, huê hụi… Cô chăm chỉ hướng dẫn anh ta thăm các thắng cảnh trong những ngày nghỉ. Cô nói: “Nam là một kỳ quan đổ nát… Dù chỉ còn có cái nền, nhưng đó là nền của kỳ quan!” Rồi Như Nguyệt liên tục đưa cái bóng dáng của kỳ quan này đi tham dự các tiệc tùng ở cơ quan, ở các nơi thân quen. Cô nói, như anh nhà quê khoe của: “Nam biết khiêu vũ từ hồi mười ba tuổi. Nhờ anh ấy mình biết thêm được nhiều bước mới.” Không hiểu sao Tiệp không thích Thanh Nam, ngay từ khi chưa nói chuyện với anh ta. Nhận xét thoáng qua thì Nam cũng dễ mến. Anh ta ít nói, và thường nói chuyện với giọng nhỏ nhẹ, chậm, hơi uốn éo. Anh ta thích nghe nhạc và ngủ, ngủ khá nhiều… “Anh Nam là sư tổ, tôi chưa gặp ai nhảy giỏi đến thế. Anh ấy nói: trước, đã có một thời gian khá dài công việc chính của ảnh là ăn, ngủ và nhảy nhót”. Và Nguyệt tiếp, giọng mơ màng: “Bạn nên biết điều này, Thanh Nam chỉ rong chơi thôi, hoàn toàn không làm gì, và anh ấy nói, sẽ cứ như thế mười năm, hai mươi năm nữa. Đừng đánh giá con người theo hình thức bề ngoài mà lầm. Nhà Nam tuột xích nhưng vẫn còn giàu gấp chục lần hạng chúng mình.”
*
       Tiệp lại về Lê Lợi, như đã về hằng đêm trong ba tháng qua. Nhưng nay mọi sự đã khác trước nhiều. Không thể nào tìm lại được bầu không khí trong sáng đã mất. Tiệp tiếc rẻ: “Nếu như ta không biết “sự cố” này thì có lẽ tốt hơn; thì vài hôm nữa, lúc rời khỏi đây, ta sẽ mang theo một thành phố lung linh đầy chất thơ, với đồi thông, thác hồ, sương mù. Và ta mang theo một Như Nguyệt thanh thoát, cao sang, một hình tượng sáng rỡ, lấp lánh… Bây giờ, tuy chẳng có một trận giông bão nào nổi lên, không một quả bom nào phát nổ, nhưng không còn một thứ gì nguyên vẹn. Đã tan hết những lớp vỏ bọc lóng lánh.”
       Hôm đó, lớp Tiệp được nghỉ đột xuất một buổi, nên khác với thường lệ, Tiệp trở về vào lúc 9 giờ sáng, và gặp… sự cố. Tiệp vừa đến trước cửa thì bé Hương, con ông Doanh bưu điện, trờ tới. Cô bé chỉ phòng ông Huy, thì thào:
       “Chú Nam và cô Nguyệt ôm nhau.”
       Tiệp bật ngửa, sửng sốt. Hương kéo tay Tiệp: “Chú tới mà xem.”
       Trên cánh cửa lớn, nằm cao hơn ổ khóa một chút, có một cái lỗ nhỏ. Nhìn qua đó Tiệp… cảm thấy người mình như bồng bềnh, choáng váng, như vừa đánh mất một món tiền to, như bị lường gạt. Một thất vọng lớn, quá lớn. “Lỡ xa, em nhé nhớ nhau hoài.” Sẽ xa đấy, nhưng chẳng biết rồi ra có còn chút gì để chúng ta nhớ nhau không!
*
       Sau khóa học, Tiệp về làm việc tại một tỉnh duyên hải miền Trung, sáu năm qua không có dịp trở lại Cao nguyên, không gặp lại Như Nguyệt. Đến cuối năm kia Tiệp nghe tin Như Nguyệt mất việc, ra khỏi ngân hàng vì dính líu vào một vụ “tiêu cực”. Nguyệt về Chợ Lớn, đứng bán ở một sạp hàng xén trong một chợ nhỏ, và cô vẫn chưa lập gia đình… Đầu tháng Mười vừa qua anh Dương cho Tiệp biết mới gặp Như Nguyệt ở Biên Hòa. Cô ấy ngồi bán cháo gà gần rạp hát Biên Hùng. “Nguyệt già kinh khủng, ăn vận lùi xùi, trông thảm bỏ mẹ!”
       Như Nguyệt không qua làm ở một ngân hàng hay hãng, xưởng nào khác? Sao cô ấy rời bỏ thế giới của những con số, những giấy bút? Tiệp nghĩ không ra... Bán cháo gà cũng là một nghề như những nghề khác. Số người đạt được sở nguyện, thỏa mãn với vị trí, với hoàn cảnh sống của mình trong xã hội chỉ là con số ít. Con đường đời của người ta thường không bằng phẳng… Biết vậy, nhưng sao Tiệp cứ muốn kêu lên, như những bà già thực thà, chất phác ở quê vẫn kêu mỗi khi ngạc nhiên: quỉ thần ơi! ./.


(*)  Thơ ca Phm Cao Hoàng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét