Phụ vào phòng
Giai thay bình nước, thay hoa, quét dọn sơ qua. Giai ngắm cô nàng. Không chú ý
cũng thấy ngay có điểm mới, đôi môi Phụ tô son. “Môi đẹp lắm!” Nếu như mọi ngày
Phụ đã cười lớn, nhưng hôm nay không. “Chị Kim Lai cho, em xài thử.” Mặt nàng
bí xị, chắc có chuyện buồn. Nhí nhảnh, hời hợt, ruột để ngoài da cũng biết
buồn!
Khách sạn nằm
trên con đường nhỏ, xe lớn không vào, nên yên tĩnh. Giờ cao điểm ở các nơi khác
ầm ĩ, khu này vẫn không ồn, chỉ thoảng qua tiếng taxi, xe máy rì rì, sáng chiều
như nhau, dễ chịu.
“Cho anh ôm em
chút.”
“Giờ hành chánh,
em còn nhiều chuyện.”
“Chỉ năm phút,
ôm suông thôi.”
Không thích,
nhưng Phụ vẫn chiều bạn.
“Ôm chay nghe,
năm phút.”
Giai mừng: “Được
mà, ôm chay!”
Giai hôn khắp
mặt mũi, cổ ngực nàng, và mân mê, và âu yếm sờ nắn.
“Mai anh về?”
“Không, thứ năm,
ở thêm với em hai ngày… Chậc, về nhớ nhau phải biết!”
Phụ cười: “Nói
nghe cảm động, giọng chung tình như Trương Chi!”
“Anh là Rômêô,
sẵn sàng chết vì…”
“Rô nào vậy?”
“Đó là chàng
trai trẻ người Anh si tình.”
“Nay anh ta ở
đâu?”
“Ở trong kịch,
đã chết hơn bốn trăm năm rồi.”
Phụ cười sằng
sặc: “Vậy à, em ngốc… Thời nào cũng có người lãng mạn.”
“Trời sinh thế,
nếu không thì loài người đã tuyệt chủng… nghĩ cho cùng, nhìn thì rườm rà, nói
thì dông dài, nhưng con người sống trên đời chung qui chỉ có hai việc trọng
đại: làm để có cái ăn, và tìm cách để ôm lấy nhau.”
Khi Phụ quay ra,
Giai hỏi: “Hình như em có chuyện buồn?” Phụ cho biết về cái tin nhà mới nhận
được: Mẹ nàng bệnh, đang nằm ở bệnh viện tỉnh. Nhưng Phụ không nói về số tiền
cần để chạy chữa đang là nỗi lo của anh chị em ở nhà: khoảng chín, mười triệu.
Một con số lớn đối với người làm nông và người làm mướn ăn lương thấp. Cú điện
thoại của ông anh khiến đêm qua Phụ mất ngủ: “Mới ngày đầu nhập viện, đã bay
gần hai triệu… Em ráng xoay, gởi cho anh tám triệu, càng sớm càng tốt. Anh chỉ
có trong túi ba triệu thôi.”
*
Ba lần về Sài
Gòn, trong vòng một năm, Giai đều trọ ở đây. Giá cả vừa phải, khu vực đẹp, an
ninh tốt. Lần đầu, mới ở ba ngày, Giai đã chiếm được cảm tình của Phụ, đến bảy
ngày anh chị trở thành tình nhân của nhau. Giai ngạc nhiên khi thấy ở giữa lòng
phố xá náo nhiệt lại có một thôn nữ thứ thiệt. Phụ có gương mặt dễ nhìn, vóc dáng
đẹp, ăn vận nói năng còn rặt chất ruộng đồng. Sau này, hơn cả bất ngờ, Giai
kinh ngạc khi biết Phụ còn trong trắng. Như chuyện quái đản, khó thể tin được!
Một lần, trong
lúc hưng phấn, Giai hỏi:
“Sao em chọn anh
để “vào đời”?”
Ngẫm nghĩ giây
lát Phụ đáp: “Em chẳng chọn lựa gì, tất cả đều tình cờ… Có lẽ nó cũng như gà
mái ấp trứng, đến ngày thì trứng nở.”
“Tới ngày! Anh
xuất hiện đúng vào ngày thứ hai mươi, hai mốt?”
Giai vui sướng
điên người… Chín ngày, xong công việc, Giai về. Nhưng ở nhà, anh đứng ngồi
không yên. Gần như chẳng giây phút nào anh quên căn phòng nhỏ trong ngôi nhà
nghỉ như chiếc hộp lớn đó. Anh suy tính, cố tìm một lý do để gặp Phụ. Nghĩ mãi
cũng chẳng moi ra cớ nào, dù vậy, tám mươi ngày sau Giai vẫn đi Sài Gòn. Đó là
lần thứ hai Giai trọ ở Kim Lai, kéo dài mười chín ngày. Chẳng có việc gì cần
Giai vẫn ở ngót ba tuần, như một thiếu niên dại gái, một tỉ phú thừa tiền.
… Khi cần mới có
thể suy nghĩ nhiều, động não, thấy được những điều khác lạ. Phụ nhận ra, trong
thành phố rộng lớn, bảy tám triệu người này, mình chỉ quen ba người. Quen ở mức
có thể tâm sự chút ít, và… mượn tiền. Nhưng ba người này lại nằm ở ba cấp độ
khác nhau… Cô chủ Kim Lai trẻ, tốt bụng, nhưng ít nói, nghiêm trang như ông
thầy tu già. Chị lơ đãng, lúc nào cũng như bận nghiền ngẫm một vấn đề lớn nào
đó. Lúc cần nói, chị nói cụt ngủn, không thừa một tiếng. Chắc do tính tình như
thế nên đến nay, đã chạm ngưỡng 40, chị vẫn ở một mình. Làm sao Phụ dám mở
miệng kể lể với Kim Lai về cái tình cảnh rối mù của mình. Chưa chắc chị chịu
nghe. Chưa bao giờ chị nói với người làm công quá bốn câu. Lằn ranh chủ tớ vô
hình nhưng có thật, khá đậm… Tết vừa qua, lúc Phụ về quê, Kim Lai đưa Phụ một
phong bì tiền: “Đây, lương tháng chạp và tháng 13, em về chơi năm ngày, nhớ
đúng năm ngày.” Chị ngó ra đường, không nhìn người đối diện. Dường như Kim Lai
không biết nói đùa, ít khi thấy chị cười. “Lâu lắm rồi, tôi không biết Tết.”
Gần Tết, chị nói thêm được câu ấy!... Sáng nay, nhiều lần Phụ định hỏi mượn
trước hai tháng lương, nhưng nhớ lại nét mặt lạnh băng, thái độ xa cách của
chị, Phụ mất hết can đảm.
Người Phụ quen,
kế sau Kim Lai, là ông Qui. Ở gần nhau, sống chung trong một nhà lâu ngày thành
quen, nhưng nếu hỏi đã quen đến mức có thể mượn tiền chưa, Phụ cũng không rõ.
Có điều, chỉ mới nghĩ đến chuyện phải hỏi ông này mượn tiền nàng đã chán, thấy
mệt!... Người quen thứ ba là Giai. Giai, sao tính Giai vào đây được? Nghĩ vậy,
nhưng Phụ biết không đời nào mình hỏi anh mượn tiền, dù chết cũng chịu. Do sĩ
diện? Vì khó nói?... Đồng tiền, là vật nhạy cảm, là một thứ gương của phù thủy.
Những người khá giả gọi nó là vật chất, thường tỏ ra rẻ rúng, coi thường. Nhưng
đối với dân nghèo, và những kẻ gặp cơn
túng bấn thì nó to lớn, quan trọng, Nó là nước để uống, cơm cá để ăn. Một nhà
hiền triết vỉa hè đã đúc kết: Trong nhiều trường hợp, tiền bạc đối với người
nghèo cao như núi, nặng như núi, lớn như núi!
*
Khách sạn mini
Kim Lai có mười phòng. Chỉ ba phòng lớn, loại 30 mét vuông, số còn lại vuông
vức, nhỏ hẹp. Nhân sự có ba. Phụ đảm trách phần nấu ăn, giặt giũ. Ông Qui đón
khách, bảo vệ. Cô chủ Kim Lai chỉ huy tổng quát. Phụ vào làm ở đây gần hai năm.
Công việc không nhiều, những tháng ít khách chẳng có gì làm, giống như thất
nghiệp. Cũng vì nhàn, sướng thân nên lương nhẹ.
Theo lời Phụ,
ông Qui là người kỳ quặc, khó gần. Ông ở Giồng Riềng, làm ruộng, mới lên đây
chừng ba năm. Tuy tuổi đã ngũ tuần nhưng trông ông rắn chắc, chưa có dáng người
già. Ông ăn ngủ trong căn phòng dài và hẹp, bên cạnh cửa ra vào, tầng trệt.
Hình như ông không có bạn bè, cũng chẳng thấy con cháu tới thăm. Ông thường nằm
trên chiếc giường nhỏ, hoặc ngồi trên cái ghế bành cũ, nghe radio, đọc báo.
Không đọc báo thì nghe đài, chẳng làm gì khác, quanh năm như thế… Lương ông Qui
gấp rưỡi lương Phụ. Ông đáng được hưởng số lương đó. Ông làm tròn bổn phận, chu
đáo, chắc chắn. Những chàng bảo vệ trẻ lơ mơ có thể thua kém ông nhiều mặt, rõ
nhất là “khâu” sức khỏe. Có lần, hai anh Tây ba lô tìm cách gây sự, tính chuyện
bỏ đi, quịt tiền. Ông Qui hét lớn, giận dữ: “Mọi, mọi!” Trong chớp mắt, ông lột
hai cái ba lô ra khỏi hai tấm lưng rộng, quẳng vào phòng mình, rồi nắm cổ từng
đứa xô mạnh ra đường. Chị chủ Kim Lai thích quá. Chị vỗ tay khen, như khán giả
xem đá bóng cổ vũ cầu thủ.
*
Một
buổi trưa, không định trước, Giai có cuộc trò chuyện thú vị với Kim Lai. Cô Lai
này khác xa bà chủ Kim Lai của Phụ. Chị cười nhiều, hoạt bát, nói luôn miệng.
Chị nhận xét, Giai thuộc dạng người bí hiểm, khó đoán tuổi tác và nghề nghiệp.
Ngụ khách sạn nhỏ, ăn mặc loàng xoàng, nhưng mang đồng hồ xịn, hút thuốc loại thượng
hạng. Anh vừa giống ngôi sao điện ảnh, vừa giống thám tử tư!... Kim Lai kể về
chuyến du lịch mười hai ngày của mình, năm ngoái. Đúng là có đi có biết, thu
thập được nhiều thứ bổ ích, đáng đồng tiền. Đoàn lữ hành mười tám người, toàn
già, hai chị trẻ nhất cũng đã thuộc hạng U40. Trong đó, đặc biệt có ba cặp vợ
chồng… Từ đầu đến cuối, mọi chuyện diễn ra êm đẹp, suôn sẻ. Chỉ một chi tiết
lạ, khá lớn, phơi bày trước mắt mọi người, nhưng dường như chẳng ai thấy: ba
đôi ấy không phải vợ chồng! Vậy mà họ vào vai như thật, giống hệt những diễn
viên thượng thặng. Họ tung tăng tắm biển; vào chợ biên giới mua quà cho các
con; vào đền chùa lạy lục, cầu nguyện cho hạnh phúc gia đình. Thời mới, xem
phim nhiều quá, nên họ diễn giỏi, ngọt ngào! Kim Lai kết luận: “Đời mình, bao
năm qua lợt lạt, bềnh bồng có lẽ do mình ngu ngơ quá, không biết đóng kịch.”…
Qua lần tiếp xúc này Giai thấy Kim Lai
cởi mở, có nhiều nét vô tư, chẳng giống như Phụ mô tả: chị ấy khô khan, lầm lì.
Ngay
sáng hôm sau, một “sự cố” nhỏ xảy ra, làm cầu nối giúp Giai cơ hội nói chuyện
khá lâu với ông Qui. Chiếc radio của ông trục trặc, Giai sửa giùm, vậy là hai
chàng thân nhau… Ông Qui kể chuyện gia đình, những nhận xét của ông về cuộc
sống phố phường, và các dự tính tương lai. Nhà ông đủ ăn, đôi khi còn được xếp
vào dạng dư dả. Nhưng bốn năm cuối, trước khi lên đây, ông bị mấy vố nặng, hao tài tốn của, do vợ con gây
ra. Thằng con lớn của ông làm ăn thua lỗ nhiều keo, bắt ông phải bù đắp. Nó
cưới vợ, bỏ vợ, rồi cưới vợ khác, cũng bắt ông bao giàn chi phí. Kế đến, tới
lượt vợ ông. Bà bệnh hai năm, chữa chạy từ Cần Thơ đến Sài Gòn. Ông kiệt quệ,
bán sạch mọi thứ quí giá, bà vẫn không mạnh, phải nằm dán trên giường, không
đứng lên được nữa… Những người có máu mặt, ở quê, thực ra tiền bạc không bao
nhiêu, nên từ vị trí no đủ họ ngã xuống vùng suy sụp rất nhanh! Vậy nên ông
khổ, lao đao, trôi dạt lên đây… Ông Qui lắc đầu, trên này thấy ớn, giả trá gian
manh thực thà lương thiện lẫn lộn; hối hả chụp giựt, quay cuồng hấp tấp; nói
một đường làm một nẻo, bán giá hai đồng thách hai chục đồng… Giai phân tích cho
ông thấy, những điều nói trên vừa là mặt trái vừa là đặc điểm của thành thị.
“Cô
Kim Lai nói, cỡ tuổi tôi ở đây có lợi, khỏi phải lội bùn sình, không lo lũ lụt
hạn hán, thu nhập ổn định… nhưng cái mà cô gọi là “thu nhập” nó… nó…”
Giai
khuyên ông bình tâm, dù gặp gì, dù rơi vào tình huống nào cũng không nao núng.
Lỡ sinh ra trong môi trường như thế thì ta can đảm chịu đựng. Đứng giữa phố
nhìn lớp lớp nhà, xe, thấy muôn vạn người diễu qua trước mắt cũng không khớp,
đừng cho rằng mình nhỏ bé. Đúng ra, ai cũng nhỏ bé cả!
Ông
Qui nói, trước kia ông không ngờ có ngày mình bỏ quê đi làm mướn. Ông không
hình dung được có lúc mình thèm nghe tiếng gà gáy khuya, nhớ những chiều đứng
trên bờ ruộng nhìn đàn cò bay như trôi trong ánh hoàng hôn chấp chới… Ông không
ghiền cà phê, không uống rượu, không mê ăn ngon mặc sang nên những ánh đèn màu
chẳng làm ông lóa mắt, vậy mà… Ngẫm lại, sách xưa viết hay: khi chưa đậy nắp áo
quan thì chưa thể tổng kết được đời một con người.
“Đọc
báo để giết thì giờ, còn nói về hiểu, tôi hiểu ít lắm. Chuyện phố chợ cũng vậy,
dù có ở đây chục năm nữa chắc tôi vẫn không hòa hợp được với kiểu sống mới…
Nghe chuyện nhà tôi, cô Lai nói: “Khó tìm thấy gia đình hoàn hảo, nhà này được
cái này mất cái kia; nhà khác thứ cần không có, thứ không cần lại thừa!”… Tôi
biết ơn cô Lai… Không thể biết trước, mai kia mốt nọ sẽ có điều gì ùa tới vồ
lấy mình, như cô Lai thường nói: Trong túi chúng ta luôn có sẵn hai chữ “bất
ngờ”… Tôi sẽ ở đây vài năm nữa, ấy là định thế, cố dành dụm ít tiền, rồi về
quê… Phải về làng thôi! Dù ai nói gì, dù có ăn toàn tôm cá loại một, uống rặt
bia rượu cao cấp, tôi cũng cứ muốn về nhà!”.
*
Anh chị quấn lấy
nhau, như muốn nghiền nát nhau ra. “Anh chết mất!” Giai luôn miệng nhai mấy
tiếng đó. Anh hôn từ các bình nguyên cho đến những núi đồi tuyết phủ trắng nhễ
nhại của Phụ. “Anh điên mất!” Phụ cười: “Ghê, y như ông cọp đói!” Tĩnh lặng.
Nếu có thêm tiếng ễnh ương, tiếng gió rít sẽ giống hệt đêm ở làng.
“Chị Kim Lai bảo
em phục vụ anh tận tình. Chị ấy nghi anh là đại gia giả dạng.”
“Giả dạng!” Giai
cười xòa. “Tại sao?”
“Em không rõ.
Phục vụ thế này được chưa?”
Giai gật: “Khó
thể tốt hơn… Chắc anh sẽ xin nhập hộ khẩu về thành phố.”
“Anh cũng bợm,
nói toàn chuyện khó khăn.”
“Em lật gối lên,
xem có gì dưới đó.”
Chiếc hộp đỏ.
Một sợi dây chuyền vàng, một chiếc nhẫn vàng. “Đẹp quá!” Phụ cười rạng rỡ.
“Tặng em.” Mặt Phụ bừng sáng, nàng mừng. Niềm vui đến bất ngờ nỗi mừng càng lớn
hơn. Không thể biết nàng nghĩ gì, nghĩ về mấy tiếng “đại gia” của Kim Lai, hay
nhớ đến lá thư kể khổ của ông anh. Giai muốn Phụ được hưởng trọn cảm giác vui
sướng, thú vị. Anh nhớ câu ông Qui nói hôm trước. Anh biết câu đó, nó nằm trong
một truyện tình Pháp nổi tiếng: “Chúng ta
thường thủ sẵn trong túi áo mảnh giấy có hai chữ “bất ngờ”, nhưng chúng ta
không biết.”
4 giờ sáng, Phụ
dậy, trở về phòng mình. Nàng bước rón rén, không dám động mạnh, nhưng Giai vẫn
nghe.
“Em, còn sớm.”
Giai nói, giọng người say rượu.
“Mở mắt ra xem,
mặt trời mọc kìa.” Phụ cười. “Có chuyện này lạ, anh muốn nghe không?”
“Lạ, lớn hay
nhỏ?”
“Chị Kim Lai và
ông Qui ngủ với nhau.”
Giai giật mình,
anh ngồi bật dậy: “Thật sao?”
“Em mới biết hôm
qua, nhưng… nhưng dường như họ lấy nhau đã lâu.” ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét