Lần đó, sau mấy năm đi xa, một ngày cuối tháng Giêng năm
1972, tôi về quê thăm mẹ. Như thường lệ, trước khi về nhà, tôi ghé Nha Trang
thăm thầy Võ Hồng và mấy anh bạn thân. Bấy giờ, nhằm vào những ngày cận tết
Nhâm Tí, thành phố náo nhiệt, rộn ràng, nhưng con đường Hồng Bàn vẫn tĩnh mịch.
Thầy Võ Hồng cặm cụi đọc, viết trong căn phòng đầy ngập
giấy má, sách báo, như tôi từng thấy trong những lần thăm trước. Thầy vẫn sống
một mình… Chúng tôi trò chuyện say sưa. Thầy nói về tình hình báo chí, xuất
bản; về các ý tưởng cho cuốn sách đang viết; về nét độc đáo của một cây bút nữ
mới xuất hiện; về những diễn biến mới trong sinh hoạt văn học nghệ thuật ở Sài
Gòn. Sau đó, tôi đến võng nằm đọc báo. Nói chán, thầy tiếp tục làm việc. Chúng
tôi thân quen nhau, nên không bị các hình thức xã giao ràng buộc.
Thầy gọi tôi là “em”: “Em nhận xét cuốn Trầm mặc cây
rừng thế nào? – Em đọc cái truyện mới của tôi trên Bách Khoa chưa? – Trong
số các cây bút biên khảo hiện nay, em thấy ai vững nhất? – Ít người viết cho
thiếu nhi, vì nó khó, hay bởi người lớn không quay trở lại làm trẻ con được?”
Tôi gọi ông là “thầy”: “Trong các nhân vật nông dân của thầy, em nhớ mãi ông
Túc – Thầy gắn bó với nhà xuất bản Lá Bối là phải, vì tâm hồn thầy trong
trắng – Thầy viết về phụ nữ như thể ve vuốt, âu yếm họ. Thầy nói về họ bằng
giọng dịu dàng, trìu mến, chắc là do thầy chỉ nhìn thấy mặt sáng của họ, hoặc
vì thầy được sống với họ ít quá!” Tôi đùa. Thầy cười. Thầy nói nhỏ nhẹ, lắm lúc
không nghe được, và thường chêm nhiều câu tiếng Pháp.
Tôi thích đến thăm thầy, để thấy mình nhỏ dại. Có lần
tôi hỏi: “Em ở chơi hơi lâu, phiền thầy không?”. Thầy nói: “Lâu gấp hai, gấp ba
cũng được... Sống thế này thoải mái, nhưng nhiều lúc cũng buồn, thấy mình như
con ốc. Con ốc cô đơn, lâu lâu thò đầu ngó ra đường, ngắm người, xe giây lát,
rồi thụt vào khoanh tròn trong cái vỏ quen thuộc!” Thầy kể về thời trai trẻ của
thầy ở miền quê Ngân Sơn (Tuy An – Phú Yên); những mẩu chuyện, những tập tục,
cách sinh hoạt có vẻ kỳ lạ, thú vị, ngộ nghĩnh của dân làng hồi đó. Thầy đưa
tôi xem mấy bài thơ nho nhỏ viết cho thiếu nhi: “Đây là những lời tôi tâm sự
với tôi, viết để con người mình tươi trẻ lại đôi chút.” Tôi hỏi về các con thầy
ở Sài Gòn, ở Đức. Thầy nằm trên ghế xếp, vẫn mang kính, nhắm mắt, nói: “Hôm qua
đọc báo tôi gặp mấy cái chữ tức cười… Em thấy không, tiếng Việt có nhiều chỗ
tinh vi, lắt léo, như từ “lợi hại” chẳng hạn. Nhắm mắt làm liều không cần
biết lợi hại khác nghĩa với Sắc đẹp là thứ vũ khí lợi hại... Cái
“lợi hại” sau đồng nghĩa với gì?” – “Dạ, nguy hiểm.” – “Đúng, tốt, 17 điểm!”
Thầy nói lớn, và cười sảng khoái. Im lặng khá lâu. Thầy vẫn nằm yên, nhưng chắc
không ngủ. Bỗng thầy nói, quay lại với chuyện 17 điểm: “Ít người cho văn 20
điểm, thường là mười bảy, mười tám. Hai, ba điểm thầy cô cất lại đó nhằm giữ
cho đầu óc các em quân bình, khỏi bay bổng, kiêu căng.” Thầy động viên tôi: “Có
truyện em viết giống Daud.” Tôi không mừng vội, biết là thầy “bơm” mình. Tôi
đùa: “Em lười mà lại muốn nổi tiếng, làm sao, thầy?” Thầy đáp: “Ai cũng muốn
nổi cả, nhưng muốn mà lười thì... khó đấy! Em làm tôi nhớ chuyện ngụ ngôn...”
Về việc khen chê, phê bình, thầy bảo: “Người ta phê mình, cũng nên đọc, nhưng
chớ coi đó là quan trọng, ghê gớm. Bị chê lắm khi có lợi, còn khen thì... chắc
em cũng biết câu: lời khen như nước hoa, chỉ nên ngửi, không nên uống.”
Sau buổi ấy, mãi đến cuối năm 1988, mười sáu năm sau,
tôi mới gặp lại nhà văn. Biết bao dâu bể. Tôi đã ngoài bốn mươi. Thầy đã già.
Tôi đã trải qua chặng đường giông bão nhất trong đời mình. Thầy thì ốm, cao,
xanh, như một người khác. Tôi kể thầy nghe chuyện mình đánh vật với cái cuốc
như thế nào để kiếm miếng ăn, đã vượt qua những năm khủng hoảng như thế nào để
gượng dậy được.
Thầy sống một mình, giữa đống sách báo này lâu biết
chừng nào. Hơn ba mươi năm rồi đấy. (Cô mất sớm, năm 34 tuổi, các con thầy ở
xa). Thầy vẫn chăm chỉ đọc và viết. Đường Hồng Bàng vẫn là con đường nhỏ. Thầy
vẫn ở ngôi nhà này, nhưng có khác là bỏ căn phòng trệt, dọn lên gác cao, một
cái gác nhỏ hẹp như chiếc lồng chim lớn... Thầy mới in được thêm hai ba cuốn
truyện, trong số đó tôi thích tiểu thuyết Thiên đường ở trên cao. Thầy
đưa tôi xem xấp thư của bạn đọc gởi về. Thầy bảo: “Nói gì thì nói, em nên cố
gắng viết. Có tác phẩm kha khá sẽ được đời nhớ. Cuộc sống bao la, thiếu gì đề
tài... Viết, không thì già, uổng lắm.” Có khách tới thăm, hai nam hai nữ, đều
là học trò cũ của thầy. Họ nói nhiều, cười to, làm căn phòng nóng lên. Họ khen
thầy đẹp lão, khen cái lồng chim mát mẻ, yên tĩnh. Ở chơi khoảng một
tiếng, họ chào từ biệt. “Cái gì các anh chị ấy cũng khen, tôi sợ lắm.” Thầy
nói... Tôi ăn cơm trưa với thầy. Trong bữa ăn, một ý nghĩ cứ quay đi quay về
trong trí tôi: nhanh thực, lần trước đến đây mình mới hăm lăm. Thầy thanh toán
ba lưng chén cơm một cách vất vả, trong hơn nửa giờ đồng hồ.
Người ta nói đúng: tháng ngày qua nhanh, như chớp mắt ./.
(1991)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét