Hè
vừa qua tôi theo ba tôi đến thăm cụ Phan tại Ninh Hòa. Cụ Phan là thầy dạy ba
tôi ngày trước. Nhà cụ ở Xóm Mới, nằm trên một con đường lớn nhưng khá vắng vẻ,
thưa tiệm buôn, hàng quán.
Trong ngôi nhà lớn, cổ lỗ này có nhiều
thứ làm tôi ngạc nhiên. Trên cái sân rộng bày đầy kín cây kiểng. Trong nhà thì
hai gian phòng thênh thang chứa toàn những giá, những kệ sách, sách chất chồng,
như một thư viện nhỏ.
Cụ Phan dáng người cao lớn, tráng kiện,
râu tóc như mây trắng. Cụ đón tiếp chúng tôi niềm nở:
“Mời vào, hai bạn, quí hóa quá”.
Cụ và ba tôi ngồi trò chuyện ở bộ ghế
bành giữa nhà. Tôi ngồi nơi cái bàn thấp cạnh cửa sổ với một dĩa quít và một
chồng báo.
Ở trong nhà nhưng cụ Phan vẫn đội mũ,
chiếc mũ nồi cũ màu nâu nhạt. Ba tôi nói:
“Con mê cái sân nhà thầy”.
Cụ chủ nhà cười:
“Có hơn 50 loại cây trong đó… Đây là công
việc lao động có tính chất bắt buộc của tôi. Tôi ép mình đứng vào khuôn khổ.
Phải làm để giữ cho chân tay nó khỏe. Chân tay mạnh thì đầu óc sáng, bác sĩ bảo
thế… Bao lâu rồi chúng ta mới gặp nhau đây, anh Phú ?”.
“Thưa thầy, hơn mười năm ạ”.
“Hơn mười năm! Lâu hơn cuộc kháng chiến
chống quân Minh của Lê Lợi!… Nào, mời anh uống nước, rồi anh kể tôi nghe chuyện
xóm làng, vợ con, làm ăn ra sao”.
Trong lúc ba tôi uống trà cụ Phan nói,
lúc trước, khi mới nghỉ hưu, cụ sống với người con gái ở Phan Thiết, cách nay
bốn năm chuyển về đây nương nhờ người trai út. Thật ra trồng cây cảnh đối với
cụ, chỉ như một thú tiêu khiển, chẳng phải là công việc kiếm tiền. Cuộc sống ở
đây bình lặng, nhàn nhã nhưng buồn… Cụ nhắc đến một số thầy cô cũ của ba tôi.
Thầy Bá, cô Anh hiện ở trong Nam, chẳng biết ra sao. Thầy Điểm, thầy Nhơn đã
qua đời. Cô Tuất được con bảo lãnh đi Úc năm ngoái. Thầy Đào nay làm chủ một
hãng buôn lớn ở Phan Rang. Thầy Trữ đã lòa, phải ngồi một chỗ… Nghỉ một lúc, cụ
nói, nhỏ giọng:
“Mình còn sáng mắt nhưng chẳng hơn lòa
bao nhiêu, cứ quanh quẩn ra vô trong cái nhà này… Học trò cũ của tôi, những
người nay tôi còn gặp lại, đều tốt. Phải, không ai bê tha, chẳng ai xấu cả.
Chắc họ nghĩ, nếu không làm được gì nổi bật thì cũng đừng hư hỏng… Năm 1998 có
việc cần tôi phải đi Sài Gòn. Ở đó tình cờ tôi gặp anh Dương Thanh. Chắc Phú
còn nhớ anh Thanh lớp phó giỏi văn, hát hay? Lẽ ra tôi phải ở trong đó vài
tuần, đi lại tốn kém vất vả, nhưng nhờ Thanh giúp nên chỉ mấy hôm là xong việc…
Kể ra có nhiều người quen cũng có lợi!”.
Cụ cười rồi đứng dậy tới mở chiếc tủ gần
chỗ tôi ngồi, lấy ra một gói giấy. Cái gói vuông vức bọc giấy bóng vàng.
“Đây là cà phê Ban Mê Thuột, loại ngon,
của cô Trúc Quỳnh gởi tặng. Anh Phú nhớ Trúc Quỳnh không? Cô bé như con chim sẻ
ấy mà! Quỳnh đang làm hiệu trưởng một trường gì đó ở Biên Hòa. Không chỉ cà
phê, còn có một bịch trà to và bốn chai rượu nữa. Chắc Quỳnh tưởng tôi đang bán
tạp hóa!
Cụ Phan cười xòa, tới đặt gói cà phê
xuống trước mặt ba tôi.
“Tôi xin tặng lại anh. Gần đây tôi chỉ
uống trà. Cái quả này của tôi không còn vững lắm”.
Cụ chỉ vào ngực trái của mình. Ba tôi
nói:
“Nay nếu gặp lại các bạn ấy chắc con cũng
không nhận ra, ba mươi năm rồi”.
Cụ Phan gật gù:
“Phải, đã lâu quá. Chúng tôi đều cụ kỵ,
các anh cũng bắt đầu ngã xế”.
“Chỉ có ngôi trường là lâu già. Con thấy
dường như nó vẫn thế, bất chấp tháng ngày”.
“Vậy à? Ba bốn năm nay tôi không thăm
nó…. Giờ mắt yếu, chân run, lười đi. Lắm khi trực nhớ là đã nhiều tháng mình
không bước ra khỏi cổng nhà, giật mình”.
Cụ Phan vỗ trán:
“Vừa rồi tôi nói về cái lộc muộn của nghề
dạy học, nhưng ngoài nó ra còn có món phẩm tước muộn nữa. Hồi trẻ tôi chẳng có
chức vụ gì đáng kể, nhưng hiện giờ lại được đến hai: tổ trưởng lão ông của Khóm
và hội phó của câu lạc bộ hoa kiểng. Oai như quan lớn!”.
Hai thầy trò cùng cười vui vẻ. Chợt có
tiếng chuông reo trước thềm. Vài phút sau một cô bé bê vào một xấp báo và mấy
lá thư. Chỉ chồng báo, cụ Phan nói:
“Đây là một phần trong lịch sinh hoạt
thường ngày của tôi. Chăm sóc cây lá, họp hành với các bạn già, đọc sách báo…
Đấy, toàn cảnh đoạn đường gần đến đích của tay đua kỳ cựu!”.
Cụ nghiêng đầu, nheo mắt nhìn ba tôi:
“Tôi nhớ anh là người khá văn, siêng đọc
sách”.
Cụ đứng lên tới bên giá sách.
“Tôi sẽ tặng Phú cái này”.
Tìm một lúc, cụ rút ra hai cuốn sách khá
dày, bìa đẹp. Trở lại bàn, đặt sách lên trên gói cà phê, cụ Phan nói:
“Tặng anh bộ Liêu Trai Chí Dị, để anh đọc
lai rai, và nhớ tôi lâu lâu”.
Ba tôi nâng hai cuốn sách lên, cám ơn
thầy rối rít.
“Điều đáng nói không phải là giá nó đắt
hay rẻ, nhưng quý ở chỗ tôi giữ nó đã mấy mươi năm”.
Ba tôi kể cho thầy cũ nghe công việc làm
ăn của mình, những chuyện vui vui lạ lạ ở quê tôi, chuyện học hành của anh em
chúng tôi. Cụ Phan trầm ngâm:
“Mừng cho anh, thế là quý, tốt lắm rồi.
Có lẽ ta cũng không nên đòi hỏi được cao hơn nữa. Tùy theo hoàn cảnh. Tùy theo
trường hợp… Trên đời còn có biết bao người thiếu thốn, lận đận hơn ta. Cầu mong
sao cho mọi người đều no đủ, và gặp toàn những điều tươi đẹp trong cuộc sống…
Còn anh, riêng anh, thì xin nhớ thỉnh thoảng lại về đây chơi, thăm tôi, đừng để
hơn mười năm mới tới một lần… Tôi không thể nhớ hết các anh chị, và dù nhớ thì
tôi cũng không đi lại được… Đã ngoài bảy mươi, tôi nhận thấy rằng mình sống khá
đủ, khá vuông tròn… Nếu như có một phép màu, có thể trẻ lại, bắt đầu bước vào
đời một lần nữa thì tôi lại chọn nghề dạy học. Nghề này vừa sức tôi. Nó bình
dị, trong sáng, có trước có sau, và vui”.
Chúng tôi ra về. Đi được một quãng xa,
tôi nói:
“Mình chỉ tặng mấy trái cam, ông cụ tặng
lại đủ thứ, mình lời!… Cụ Phan vui tính, cởi mở quá, ba nhỉ”.
Ba tôi cười: “Hầu hết các thầy cô của ba
đều như thế”.
“Cụ nhặm lẹ, chu đáo, và hơi hơi buồn
cười”.
Ba tôi hỏi lại: “Buồn cười à? Có thể. Còn
tùy cách nhìn của mỗi người”.
Ngẫm nghĩ hồi lâu, ông tiếp: “Thời đó các
cụ vừa là thầy vừa như những người anh cả, dạy dỗ tận tình, thương yêu học trò…
Nay, lúc nào nhớ về các vị ba cũng thấy như nhớ chú bác, anh chị thân thuộc xa
cách lâu năm… cảm nghĩ ấy thường khiến bụng dạ ta nao nao, bồi hồi”. ./.