30 thg 9, 2011

NẮNG QUÁI

       Đã mười ngày đêm trời mưa liên tục, không ngừng nghỉ, dù chỉ một phút. Xưa nay chưa bao giờ mưa dữ dội, ghê gớm, kéo dài như thế. Trời đất đục ngầu, bốn bề trắng xóa. Nước lênh láng, phủ kín ruộng đồng, che lấp đường sá. Mấy ngày đầu ai cũng tưởng đang giữa tháng chín bắt đầu bước vào mùa mưa, như mọi năm. Nhưng khi mưa qua ngày thứ tám mọi người hoảng hốt. Dường như có một thứ gì đó lạ, bất thường, một hiện tượng đột biến. Những căn nhà nhỏ bé, yếu ớt đồng loạt ngã quỵ, cầu cống nhỏ bị cuốn trôi … Nước lên, dâng cao, nhanh và mạnh. Làng xóm ở các vùng thấp hóa thành hồ. Người ta đùm túm nhau chạy trốn, ướt mẹp, tái nhợt, lếch thếch.
Tai ương đang phủ chụp xuống thế gian. Không phải mưa lũ, lụt lội như thường thấy… Qua ngày thứ mười bốn thần gió xuất hiện. Gió như bão giật, cây cối, trụ điện ngã la liệt. Mưa nhiều ngày đất nhão nhoét, nay gió tới, chỉ cần thổi vài hơi cũng đủ để cây lớn bật gốc. Không còn biết đâu là đường, đâu là ruộng vườn. Trên không, trong đống mây hỗn độn, đen nghịt, có tiếng ùng ục, ù ù như chục đoàn tàu đang thi nhau chạy … Mờ mịt, quay mòng. Chiếu mền, quần áo, thúng mủng trôi lềnh bềnh trong nhà. Heo, chó, gà vịt bị cuốn đi lúc nào không ai biết. Đầu óc mọi người mụ mị, tê liệt, chẳng còn nghĩ được chuyện gì cao xa… Gió và mưa. Vừa mưa vừa gió. Hai hung thần này bắt tay nhau, tạo ra một cuộc hòa tấu bạo liệt. Vạn vật đục lờ, mỗi lúc mỗi sẫm lại. Rồi không còn phân biệt được ngày, đêm. Khái niệm về thời gian bị đảo lộn. Sắp hết, sắp tan biến, sẽ chết trọn gói chăng ? Người ta không còn ra chợ, ra đồng, không còn đi học, đi làm ! Chỉ mới mười bốn ngày mà mọi việc đã thay đổi, biến dạng, khác hẳn trước, như chuyện xảy ra trong cơn trường mộng.
Ai cũng khiếp vía, chết điếng, sợ đến mất trí. Nhưng có một người không sợ. Quái lạ, phải không ? … Ông Ngôn, kẻ khác đời, không sợ, ở phường sáu, thị trấn Chợ Chùa. Nếu xếp hạng, có thể ghép ông vào thành phần trung lưu thất thế. Ông khó tính , sống co rút, gần như không có bạn bè. Hàng xóm tặng ông biệt danh: “ Đố kỵ”. Ông ác cảm, căm ghét tất cả những người giàu sang, giỏi hơn ông. Ông là loại người bi quan, kiểu bất đắc chí. “ Lão trời luôn theo sát gót tôi, chờ tôi sơ hở để ám hại… Cái giống trời nhỏ nhen, bất lương !” Ông phàn nàn. Hồi nhỏ, đang tuổi thiếu niên ông đã hằn học, thù ghét cõi đời. Trong sáu anh em trong nhà, ông học kém nhất, được đến trường ít nhất. Không hiểu sao, chẳng ai thương yêu ông. Ngay đến mẹ ông cũng đối xử với ông như với người dưng. Sau này ông thường nói với vợ, ông thấy mẹ ruột giống như dì ghẻ: “Bà ấy không thích tôi, tôi ít khi nhìn thẳng vào mặt bả”. Khi lấy vợ, lật qua một trang mới của đời, ông gặp những nỗi khổ mới. Cô vợ trước xinh gái, lanh lợi, nhưng coi thường ông ra mặt. Mới cưới về bảy tháng cô nàng đã sinh con. Và, cô ta tuyên bố, ông không phải cha đứa bé. Nửa năm sau cô ta ôm con về nhà mẹ ruột. Người vợ sau, bà Ngôn bây giờ, đem đến cho ông cuộc sống dễ chịu hơn trước. Tất nhiên ông mừng… Sống lâu, lớn tuổi, ông thấy điều khổ hại rõ rệt nhất, là những trục trặc trong cuộc mưu sinh. Ông luôn gặp trở ngại, đen xui trong chuyện làm ăn, bị vấp ngã hết vố này đến cú khác. Bạn bè, toàn lũ trở cờ, chơi xấu. Đối tác, rặt một loại lừa lọc, ăn bẩn, nham hiểm. Những thứ đó, tích tụ, gom lại nhào nặn ông thành một người “cá biệt”, đa nghi, luôn nhìn đời với đôi mắt cảnh giác. Ông thường kêu than, cầu mong thượng đế nghĩ lại, ngó xuống, thẳng tay chà nát, trừng phạt đám nhân loại gian manh, hôi hám này.
Giờ đây, trời đang ngó xuống ! … Mưa to, vẫn mưa, nhưng nước không dâng cao thêm. Sấm sét mỗi lúc một dày hơn, chát chúa hơn. Có vẻ cường độ cơn thịnh nộ đã mạnh lên, không giảm. Sét xé tai, như giáng xuống ngay trên nóc nhà, lắm khi bảy tám cú nối đuôi nhau, thành dây chuyền. Những tia, làn chớp chói lòa tím đỏ trắng xanh vàng quấn quyện vào nhau, rạch những đường ngang dọc, như đùa nghịch.
“Có phải tận thế không, ông ?” Bà Ngôn hỏi. “Tận thế, đổi đời… Chắc đây là đợt mưa dài kiểu mới… Năm ngoái Bangladesh đã lãnh đủ một trận mưa lũ tám ngày, chết gần hai trăm ngàn người”. “Hai trăm ngàn, nghe sao dễ dàng… con người mà tính như cá, vịt, gà”. “Những xứ khổ nghèo, lạc hậu lại thường bị nhiều tai họa… chắc chỉ do tình cờ thôi, trời đất nào lại chơi hiểm như thế”. Hai chiếc võng cột vào những cây kèo, trính gần mái ngói. Ông Ngôn nằm ngửa, nhìn lên. Không ngủ được. Đã ba, bốn ngày liền ông chưa ngủ chút nào. Nước chảy rào rào ngay dưới lưng. “Mình định bụng dành dụm chừng bốn chục triệu để xây lại nhà bếp. Cái bếp kia già cỗi, xấu xí… Ông biết không, nhà chị Lưu có cái bếp thấy mê. Nó chẳng thiếu gì cả. Chén bát xoong chảo sáng loáng, bình nồi tủ lạnh tủ nóng to cồ cộ. Ở phố, thời buổi này mà thiếu máy giặt, tủ đá là trung cổ !... Ta cứ nhắm mắt làm tới, chơi màn trả góp, chờ đủ tiền thì khó mà đủ… Tôi tính, nếu thiếu sẽ hỏi mượn con Vân vài triệu”. Ông Ngôn cười. Bà này lạc quan! Không ngờ những thứ nhỏ bé ấy vẫn còn trong đầu bà. Thì ra, đó chưa hẳn là những thứ nhỏ bé! Tháng trước, ăn giỗ ở nhà một ông anh họ, ông Ngôn nghe ông anh nhận xét về đặc tính của dân quê: Đám người lam lũ ấy tội nghiệp. Cả cuộc đời dài dằng dặc, nhọc nhằn, tích cóp xây được cái nhà tám chục triệu, mua chiếc xe Tàu bảy triệu đã là sướng thỏa, hãnh diện!
“Ông ăn cơm không ?” “Cơm à ?” “Cơm gạo ngâm”. “Tôi không đói… Buộc bao gạo thật kỹ, nó rơi mất thì mình toi mạng”. Bà Ngôn nói gì đó một mình, chắc bà than thở. Nước từ trên cao vẫn tuôn xuống xối xả. Khó biết được lúc này là sáng hay chiều. Nước trời. Hóa ra trên cao kia cũng có biển rộng, biển nước ngọt ! “Mình ăn gạo sống sao không đau bụng ?” Bà Ngôn nói, lảm nhảm, chẳng biết hỏi ai. “Tôi thiếu con Hoa bảy triệu, đã nửa năm. Nó tốt, tốt nhất trong bọn em cháu”. “Bà nói gì?”. Bà Ngôn lặp lại câu vừa nói. “Bà làm tôi ngạc nhiên… sao bà còn nhớ được… Có khi giờ này con Hoa đã ở Philippines, hoặc Trường Sa !”. “Mình nợ người này người kia, chưa trả, lỡ chết thì mang đọa, nặng chướng nghiệp !”.
Nhiều giờ trôi qua, hình như bà Ngôn ngủ. Ông Ngôn nằm ngửa, nhìn lên những viên ngói. Đã ba ngày nước không cao thêm, nếu nó lên nhanh như mấy ngày đầu chắc ông cũng đã tới Trường Sa ! Điện đài, máy móc, sách báo ở đâu ? Mất tích, mất trắng ! Xây dựng, kiến tạo mấy mươi năm, nhưng chỉ cần vài ngày đã tiêu tan. “Mệt quá, lạnh… Thôi đi, trời ơi, chết phứt cho sướng !” Đương sự còn phát ngôn, tốt ! “Sống thêm vài hôm nữa cũng được, vội gì. Rồi cái thị trấn này, những thành phố lớn nhỏ kia sẽ chết, chết cả, cùng một kiểu… Có cách nào để biết được, lúc này ai còn ai mất ?”. “Biết để làm gì, ông kẹ. Chết ngay cho sướng”. “Tôi kiếm một sợ dây, nhưng chưa thấy. Sẽ buộc chân bà vào chân tôi… Chịu không ?” “Sao cũng được… Cái mặt trời trôi đi đâu ?” “Nó rớt xuống biển, chắc vậy ! Bà muốn cột chân hay tay ?... Chúng mình sẽ không rời nhau !”. “Tôi sợ trôi ra biển… Sợ thiệt !”. “Rồi sẽ sình trương, rã nát, chui vào bụng cá. Và chìm nghĩm vào hố đen mãi mãi… Cái hố ấy rộng như… như…” Bà Ngôn khóc, không ngờ bà khóc. Từ hôm tai họa xảy ra nay bà mới khóc. Có lẽ khóc vì buồn hơn vì sợ. “Ông ơi, mai mốt đây sẽ thế nào ?”. “Làm sao biết. Chắc nước sẽ dâng lên, dâng cao nữa. Ta sẽ uống trăm thùng nước vào bụng”. “Không biết giờ này con cháu mình thế nào”. Ông Ngôn không nói gì. “Chắc mấy đứa cháu sợ chết khiếp”. Ông Ngôn vẫn im. “Thằng Si, con Linh nhát. Tội nghiệp, chúng nhỏ”. Ông Ngôn nổi cáu: “Biết rồi, đừng than nữa”. “Tối quá, chưa từng thấy cái màu đen này !”. Ông Ngôn cười lớn như gặp chuyện đắc ý. “Vậy là xong đời giống con người ! Tan hoang, nát bét, mục rã cái trái đất thúi tha, nhiễu nhương, man mọi”.
Xung quanh đen màu mực, đen mướt. Không còn gà gáy, chim kêu, chó sủa. Tiếng máy hát, tiếng trẻ con cười nói, tiếng mấy mụ đàn bà cãi nhau í ới đã theo dòng nước mất dạng… Chắc bọn tỉ phú, quyền quí cuống cuồng. Chúng nó sợ, do đang mất và sẽ mất nhiều thứ ! Chúng lo cho những nhà mười tầng, hai ba mươi tầng đang run rẩy. Chúng tiếc những hàng quán, hãng xưởng, biệt thự, những du thuyền, những chiếc xe bóng loáng đã đổ ngã, bay vút lên mây. Chúng đau xót nhìn đống nhung lụa, bạc tiền ướt nhão, mềm oặc như những miếng bánh ướt ! Còn ta, “nhà thầu” của các dịch vụ suy nhược, thua lỗ hai mươi năm qua, bỗng nhiên được thụ hưởng khối cảm giác thanh nhàn, sảng khoái ! Hãy mưa nữa đi, hãy sấm sét mạnh hơn để xăng không tăng giá, cá không tẩm phân ! Ta chẳng tiếc chút gì, nhẹ cả lòng. Giờ nằm đây đầu óc rỗng không, nghỉ ngơi cho khỏe xác, dọn mình đón cái chết ! Sẽ chết gọn gàng, đồng loạt, hơn bảy tỉ người, sạch trơn, chẳng kể máy lạnh hay quạt mo! Ta muốn được nhìn thấy một sự công bằng. Hạnh phúc bất ngờ. Phủi sạch, trắng tay. Không có thì không mất!
Nhưng bà Ngôn không thấy xa, nghĩ rộng được như ông. Thông cảm cho bà ta. Đám phụ nữ, hầu hết, đều thế cả ! “Lạnh, ông Ngôn ơi… Phải chi còn cái áo ấm”. “Sắp ngỏm củ tỉ, áo quần làm gì”. “Ông ác, lạnh lắm”. “Cái lạnh này chỉ là tạm thời, chớ để ý, rồi nó sẽ qua, chết hết lạnh… Tôi không lạnh. Xưa nay, chưa lúc nào tôi sướng thế này, ông trời đang làm đúng nhiệm vụ, vai trò của ông ấy, công minh, sòng phẳng, dứt khoát. Ông ấy chăm chỉ phân mưa phát sấm cho nhân loại, bình đẳng, em nào cũng được hưởng !... Chết rồi những linh hồn sẽ về đâu, bà biết không ?”. Bà Ngôn rên rõ to: “Lạnh, tôi tê cóng, tôi không muốn nghĩ về hồn phách… mong sao chết ngay cho xong !”. Ông Ngôn động viên vợ: “Ráng lên. Tôi giống hệt bà, đói lạnh như nhau, nhưng tôi chẳng than van… cứ coi như ta chưa hề có mặt trên đời”. “Hiểu rồi, lạnh lắm !”. Hai người nằm im một lúc lâu. Biển gầm lớn kéo dài nghe ghê rợn. Đất rung lên như rùng mình. Gió rít uôm uôm ồ ồ, như hàng trăm con cọp, voi, hàng bầy sư tử, bò, chó ngoác mồm gào rú cùng lúc. “Không có dây, lấy gì cột nhau lại, đồng sanh đồng tử”. “Lấy bớt sợi dây võng buộc chân, thật chắc vào !”. “Tay để ôm nhau, phải không ?” Ông Ngôn cười, hồn nhiên, thực tình, đáng yêu, như kiểu lãng mạn cuối mùa!
Vùng biển xa, phía đông sấm chớp vang động, sáng rực. Ùng ục, chảo nước khổng lồ đang sôi. Chớp lóe chằng chịt, nhiều màu, như sân khấu nhạc trẻ. Đèn trời. Nhờ nó người ta thấy được biển nước quanh mình. Sấm nổi, gầm gừ, lúc kéo dài, lúc ngắt quãng… Mệt nhoài, bà Ngôn ngủ thiếp. Chập chờn. Ngủ mỏng, như ngất, tai vẫn nghe gió mưa gào rú và sấm đanh chát, ì ầm. Có lúc bà thấy cái võng lắc nhè nhẹ, ngôi nhà rung, dường như nó trôi. Bà sợ. Chợt có tiếng ai nói. Bà nghe, lẫn trong gió một giọng đàn ông: “Sợ không con ?”. Ai vậy. “Mưa lớn, sợ không ?”. Ai hỏi bà. Hay gió mưa phát ra tiếng nói ? Hay mây nói ? Bà Ngôn nhỏm dậy nói lớn: “Con sợ”! “Can đảm lên”. “Ông là ai, chừng nào hết mưa ?”. Một tràng cười dài. “Hai mươi ba hôm nữa”. “Bà nói gì thế ?”. Ông Ngôn hỏi. “Ông Thần bảo, còn mưa hai mươi ba ngày nữa”. “Bà này điên, mê sảng rồi… Tôi đã nói, đừng sợ, vì sợ vô ích. Đây là cuộc tổng dượt của thiên nhiên, nó tẩy rửa trái đất bẩn thỉu… Chúng ta phải mừng, hào hứng đón chào”.
“Ông là Thần, phải không ?”. Bà Ngôn lảm nhảm. “Ta là mưa”. Giọng nói nghe rõ như sát bên tai. “Thần Mưa ơi, người ta chết đầy !”. “Sẽ còn chết nữa… Ta đâu muốn thế”. “Thần ơi, con sợ !” “Con hãy hét lớn: Tôi không sợ, con sẽ bớt sợ”. “Con chỉ là người”. “Ta biết. Người không chết cách này thì cách khác. Đây là trả giá, không phải chết thường con ạ. Sống thế nào chết thế ấy.” “Bọn trâu chó, gian trá, tàn ác, đê hèn, đần độn, điên rồ chỉ là số ít”. “Nhưng chúng có mặt trên khắp quả đất. Chúng quậy bạo, chúng thải ra bùn sình, cặn bã, ô uế, nhớp nhúa, ô nhiễm thế gian, không xóa đi chúng sẽ sinh sôi nảy nở”. “Nhưng như vậy người hiền lương cũng bị chết lây”. “Hiền, vẫn có tội. Tội nhu nhược, hèn yếu, để cái xấu lộng hành”. “Con sợ”. “Trước đây đã từng có nhiều năm 2024, con biết không ?”. “Dạ, nay là năm 2024”. “Trong tương lai còn có nhiều năm 2024. Nếu hiểu như thế con sẽ không quá sợ… Như quy luật, hết đêm lại ngày. Cứ vài ngàn năm ta lại ra tay tẩy uế vũ trụ một lần !”. Bà Ngôn khóc rống. “Nghe đây, khi hết mưa mặt đất sẽ nứt nẻ, hàng tỉ đường rãnh dài, sâu hoắm, giăng mắc mọi nơi. Những thứ còn lại sẽ lọt thỏm, ngã nhào xuống đó. Số hào, rãnh ấy sẽ ăn nuốt tất cả. Rồi mặt trời sẽ làm công việc cuối cùng. Nó rang, đốt, thiêu, như chiếc máy quét… sẽ cháy to cháy sạch, vạn vật bốc hơi !”.
*
Sau bốn mươi hai ngày sấm sét, gió mưa, trời tạnh đột ngột, nước hạ xuống từ từ. Vắng lặng. Điêu tàn, tang thương hiện ra chầm chậm. Không còn thứ gì nguyên vẹn. Đa số xóm làng, thị tứ, thành phố bị san phẳng, đổ nát. Nhìn qua số người sống sót, sẽ thấy số chết quá nhiều. Xơ xác, ai lo thân nấy. Không còn đoàn thể, không còn bộ máy quản lý xã hội… Nước trôi xuôi, về biển. Con người cũng ra biển, để trở về nguyên quán của nó.
Vẫn chưa thấy mặt trời. Nhưng đã có thể nhận biết ngày hay đêm… Bầu trời thấp, mây sà xuống đen kịt. Nhưng mới được bốn hôm, bỗng nhiên vào một buổi chiều biển chuyển động trở lại. Lại gầm thét, sấm chớp loang loáng. Rồi biển đẩy tung vào bờ những đợt sóng cao hơn hai chục mét, tràn cả vào những cánh đồng cách biển sáu cây số. Trên không chớp xẹt ngoằn ngoèo, xé nát màn mây dày. Kế đến, đất rung, rung liên tục. Mặt đất nứt toác lộ ra những đường hào dài, sâu, toang hoác. Những gì còn lại ngã tòm xuống đó.
Yên bình trở lại. Mặt trời mọc, sau những ngày lặn sâu, rụt rè chiếu những tia sáng mới lạ lên mặt đất hoang tàn. Đây đó lại thấy hiện ra những con người ốm nhẵng, lỏng khỏng, lặng thinh. Nhưng họ không còn là người như trước kia. Suốt ngày họ đi loanh quanh, cúi tìm, sục sạo chỗ này chỗ nọ, chẳng nói gì. Họ đã quên mất tiếng nói, và quên luôn những thứ một thời họ từng coi là to lớn: tiền bạc, chức quyền, nhà, máy móc, xe cộ. Họ đi, vật vờ, nhìn ngó quanh quất, nhưng dường như chẳng thấy gì… Hai ngày sau, mặt trời sáng hơn, đỏ rực, nóng hơn trước. Nó sáng suốt ngày đêm – không còn đêm – liên tục phả xuống một tấm màn trắng chói, như một thứ điện mới, nóng bỏng. Các nhà tiên tri còn sót lại phán rằng: Trong tương lai gần, mọi vật trên mặt đất sẽ tiêu vong vì thứ nắng này ./.

MƯA LẠ

Có phải chết là hỏi không đáp, đi không đến, gieo không gặt? Trong phòng bệnh A12 rộng thoáng, sạch sẽ, cái chết vô hình vẫn lẩn quất đâu đó, chẳng ai thấy, nhưng dường như ai cũng biết rằng nó ở ngay bên lưng.
Phòng có tám người, đều bệnh nặng. Bà nội Vinh vào đây đã hơn tháng. Bà nhận cái giường trong một góc phòng, nơi trước đó nửa ngày người “tiền nhiệm” – một ông già – đã quy tiên. Nghe nói thế, Vinh nổi da gà, nhưng bà không biết. Bà nằm thiêm thiếp, nửa thức nửa ngủ, suốt ngày chẳng nói tiếng nào.
Vinh ngồi trước hành lang với mấy tờ báo và những người nuôi bệnh khác. Bộ ba bám trụ kiên trì, lâu ngày ở đây, ngoài Vinh, còn có anh Hiệp, và bà Điều… Ngày thật dài, ngày nào cũng dài. Mệt mỏi. Không làm gì nhưng mệt còn hơn gồng gánh, khuân vác. Người rã rời. Đầu óc đặc sệt, mụ ra. Y tá qua lại lặng lẽ. Những tiếng rên. Mùi thuốc, dầu, mùi “nhà thương” gây gây ám ảnh… Vinh khâm phục nội. Bà cụ không sợ chết. Ở nhà, bà ráng chịu đau để các con không biết, chỉ rên lúc nằm một mình.
“Đến 60 mà còn sợ chết, không đáng sống.” Bà đúc kết nhận định của mình về lẽ sống chết, cô đọng, chắc nịch. “Nay má ngót 70 rồi, để má ở nhà.”
Nhưng con cháu bu lại, bàn luận, bảo nhất thiết phải đi bệnh viện, mặc cho bà van xin. Bà nói:
“Ngay từ 50, ta đã nghĩ tới cái chết… Không né tránh, mạnh dạn nhìn thẳng vào mặt nó. Suy cho cùng, dù ta muốn tránh cũng chẳng thoát, thế thì ta chấp nhận đối đầu. Không dễ. Để tăng thêm quyết tâm, cần nhớ điều này: “Con người, ai cũng chết.” Ta thuộc lòng, suy ngẫm về nó hàng ngày. Đó là lẽ đương nhiên. Khi nó ngấm vào máu thịt ta, mọi thứ sẽ hóa thành đơn giản, sẽ không có thần chết, không có bất hạnh.”
Tốp nhi đồng ăn xong ngủ ngay, không đánh răng, vì chưa có răng. Các lão bà ăn xong đánh bài ngay, không xỉa răng, răng đâu mà xỉa! Rõ quá! Nhưng giữa hai lớp người này có một quãng ngày chắn ngang. Thời gian đó được gọi bằng nhiều tên, nó sẽ đưa họ đến cùng một đích, cái đích nằm kế sau tuổi già, ai cũng biết, có thể hình dung ra, nhưng ít người muốn nhắc đến, dù đã nằm trong phòng A12!
Như Vinh, Hiệp cũng ngồi thường xuyên trên chiếc ghế dài trước cửa phòng A12. Anh là cha bé Lãng, bệnh nhân trẻ duy nhất trong phòng. Anh đã ngồi ở đây ba tháng. Trước đó, anh cũng ngồi như thế tại hai bệnh viện đa khoa gần năm tháng. Khủng khiếp. Bé Lãng mắc căn bệnh ác nghiệt – một loại ung thư máu – đã tới giai đoạn cuối. Hiệp ngồi đó, mắt mở trừng trừng, mặt đờ đẫn. Anh ốm giơ xương, râu tóc như người rừng. Không ngờ khổ đau có thể giày xéo một người mạnh lành tới mức này… Hiệp cho biết, cái tổ ấm của vợ chồng anh đã rách nát. Hơn nửa năm lê lết qua các bệnh viện. Bán hết mọi thứ có thể bán được. Anh mất việc. Nợ nần không nhớ xuể. Vợ anh như con mụ lẩn thẩn… Nhưng mọi chuyện chưa dừng ở đây. Bên cạnh nỗi bất hạnh khổng lồ này, trước mặt anh đã hiện ra một “khả năng”, một viễn cảnh mờ mịt: vợ chồng anh chắc sẽ chia tay nhau, sau khi bé Lãng qua đời.
Hiệp nói:
“Cưới xong, sống chung vài tháng, tôi nhận ra: tôi và Thanh không hợp tính. Rõ khỉ, làm việc chung mấy năm, tìm hiểu khá lâu, hai đứa lại chẳng nhìn thấy những nhược điểm của nhau, phải đợi khi ở cùng một nhà mới biết! Từ quan niệm sống đến các sở thích vụn vặt chúng tôi đều nghĩ khác. Cãi cọ, xích mích luôn luôn, có thể nói “ba ngày choảng một trận nhỏ, bảy ngày nổ một trận lớn”. Chúng tôi đứng đâu lưng lại, đăm đăm nhìn về hai hướng. Nếu không sửa đổi sẽ mệt to… Chỉ có một thứ rắn chắc trong nhà, là bé Lãng. Bé như sợi dây dài ràng buộc chúng tôi. Nay sợi dây ấy… Cách đây mấy hôm, cha Thanh nói thẳng: cuộc hôn nhân này đã chôn sống con gái ông, nó như đại dịch tràn vào tàn phá gia đình ông.”
Chưa hiểu chết là gì, Lãng có thể bình thản nhìn cái hố sâu trước mặt. Bé cũng không biết nói câu: con người ai cũng chết, để tự trấn an.
Bà Điều có cách nhìn riêng về chuyện sống chết. Bà nói, lâu nay bà ngại, ít dám nghĩ và nói đến cái chết. Khi vào đây, tiếp cận với môi trường đặc biệt này, nhìn thấy “nó” nhiều lần, bà đâm ra dạn dĩ, và “ngộ”. Bà chế giễu mình:
“Tôi thương cha mẹ, nhưng khi hai vị qua đời tôi không dám tới gần quan tài… Mặt mũi cái chết ra sao mà ta sợ?”
Ông Điều to cao rắn rỏi, 64 năm qua chẳng hề đụng đến thuốc thang. Ông thường đùa: “Ai cũng như tôi chắc các bác sĩ chết khô… nhưng người ta nói, dạng này hễ ngã bệnh là “đi” ngay!” Ông chưa đi, nhưng bệnh mới non hai tháng trông ông khác hẳn, và câu ông đùa dường như sắp ứng nghiệm!
“Ông ấy còn đấy, nhưng tôi sợ ổng chết. Sợ lắm! Nay, nói thực, tôi muốn đổi chỗ cho ổng… Sáu mươi là trọn đời. Ăn rồi ngủ, ngủ xong lại ăn. Vậy, sống thêm mười năm hay thác ngay lúc này khác gì nhau? … Lỡ mai này, ông Điều nằm xuống… Tháng trước tôi về thăm nhà bốn hôm. Nhiều đêm, không ngủ được, tôi nằm nhìn mấy con gián bò trên tường, lắng nghe gió thổi lào xào sau hè… Xưa nay dường như mình quên lũ gián vẫn có mặt trong nhà… Ra sân rửa mặt, nhìn lên bầu trời đen hun hút, tôi nghĩ được những điều từ trước đến giờ chưa hề nghĩ tới. Trời đất, gió, trăng sao, cao rộng mông lung, bao trùm lấy mình, vừa vuốt ve vừa đe dọa… Nếu đứng lâu thêm, sẽ nghe lũ dế cơm gáy rì rì sau vườn, tiếng gõ khô đanh của ngư dân xua cá từ hướng biển vọng lại. Hóa ra, đời sống không chỉ là cày cấy, học hành, mua bán, cưới hỏi, ca hát… bên cạnh đó còn có cúng vái, vận mạng, bất trắc, ước mơ, sinh sản…”
Hơn sáu tỉ người đang sống trên trái đất này, bao nhiêu người có hoàn cảnh như bà? Chắc cũng có nhiều người nghĩ về sự sống và cái chết rất kỹ và sâu?
“Vốn yếu đuối, nên tôi muốn được chết trước, để ông Điều nhà tôi gánh vác giùm cái việc chôn cất nặng nề… Ông ấy dữ tướng, như con gấu, nhưng tốt bụng, rất thương yêu vợ con, mấy mươi năm qua đã giành làm tất cả những việc nặng nhọc cho tôi… Mọi người rồi ai cũng chết, tất nhiên, nhưng lắm người không muốn nhớ điều đó… Mấy tháng ở đây tôi thấy và hiểu được nhiều điểm đơn giản mà sâu sắc, hay ho.”
Anh Hiệp nói, như nhà hiền triết:
“Xã hội loài người mỗi ngày một tiến lên, khác đi, đẹp hơn, nhưng trọng lượng và áp lực của cái chết đối với chúng ta vẫn không thay đổi!”
*
Buổi sáng âm u, trời mưa nhỏ, dai dẳng. Chị Thanh – vợ Hiệp – thay anh, ngồi trên chiếc ghế dài. Chị ốm yếu, xanh mét, mang kính cận. Trông dáng chị hiền lành, không giống người đàn bà anh Hiệp mô tả: khó tính, hay gây gổ, cứ ba ngày lao vào choảng anh một trận nhỏ… Một bà mập mạp tới ngồi cạnh chị, hỏi thăm bệnh tình bé Lãng. Chị Thanh lắc đầu. Chị nói, vẫn vậy, giống như tuần trước, tháng trước. Thằng bé mỗi ngày một yếu thêm. Tốn gần sáu trăm triệu. Thay máu nhiều lần. Hình như nay nó không còn là nó nữa. Máu của những người lạ, của ai đó giúp bé sống, nhưng làm nó thay đổi tính nết? Bé cáu gắt, hung hăng, hay la hét. Một lần nó mắng mẹ: “Đồ quỷ!” Chị Thanh khóc sướt mướt: “Đây đâu phải là Lãng của mẹ!” Bác sĩ bảo, căn bệnh chó chết hành hạ bé, khiến nó như thế, không phải do máu lạ. Ông bà nội, ngoại vái van sưng mồm, đội bánh đội chuối đến cầu cúng mòn các sân chùa.
“Nói chị nghe, chúng tôi không hạp nhau, mà vẫn lấy nhau. Chẳng hiểu tại sao! Đâu có ai bắt ép. Tự nguyện, như tự đưa đầu vào thòng lọng. Chắc do số mình đen, nó xui khiến thế!” Thanh tâm sự.
Bà mập nuôi mẹ chồng, ở phòng A19. Bà kể, mẹ chồng bà là một cụ ngoài 70, như cọp, rất sợ chết. Cụ than thở con cái bất hiếu, chưa nuôi mẹ đúng mực, chỉ đưa cụ đến các bệnh viện rẻ tiền với những thầy thuốc lơ mơ, mới ra lò! Ai tới thăm, phải biết ý, đừng mở miệng nói tiếng “chết”, nên khen cụ đã có vẻ khỏe, tướng tốt hơn hôm nọ hôm kia.
“Chán phèo! Em biết không, con người sống chết, giàu nghèo có số cả!” Bà mập thở dài. “Chừng ấy tuổi vẫn chả hiểu gì, khổ thân! Cứ ăn, uống cho lắm vào rồi có kêu cũng muộn!… Thế này nhé, 80% dân ta sống ở thôn quê, nhưng gần 70% số người nằm trong các bệnh viện là dân kẻ chợ! Thống kê mới đấy. Chẳng phải dân quê không có tiền vào nằm viện đâu! Cái chính, dân phố hít nhiều bụi bặm, nghe tiếng ồn quá độ và tộng vào bụng nhiều thực phẩm có hại, như bột ngọt, đường hóa học, hàng chục hóa chất trong các loại nước ngọt, rượu, và thức ăn đóng hộp, cùng dư lượng phân vô cơ thuốc trừ sâu trong rau quả.”
Chị Thanh nói:
“Từ lâu các nhà khoa học đã khuyến cáo nên dùng đường vàng, hạn chế ăn đường trắng, nhưng mấy ai nghe… Hơn ba ngàn năm trước, một nhà thông thái Hy Lạp đã nói về việc ăn nhiều: một phần ba số thức ăn ta ăn vào để nuôi sống mình, còn hai phần ba là nuôi các thầy thuốc”.
“Quá hay! Thế đấy, người dân bây giờ đẹp, giàu, giỏi lắm nhưng tối ngày chỉ lo săm soi quần áo, tóc tai, rồi chúi mũi vào màn ảnh nhỏ với mấy chuyện tình yêu ướt át. Phần đông lười đọc, cứ đem so số dân với số sách báo in ra là biết!… Chuyện ăn còn dài. Như, ăn trứng, thịt thế nào cho đúng. Như, ta thường nghe ti-vi nói về rau củ. Lâu lâu lại có người la om lên, rau bẩn rau sạch! Thế nào là rau sạch? Chỉ các vị nông dân, các mệ trồng, buôn rau mới biết rau nào sạch! Đọc báo sẽ biết được nhiều chuyện… Chị phì nhiêu không phải do cái miệng vận động nhiều. Chị ăn bình thường, hơi ít nữa là khác, vẫn tăng cân. Chị ý thức (bà vỗ trán) sức khỏe trên hết! Không cầu nguyện suông, chị muốn nắm chắc sinh mạng mình một cách sáng suốt, khoa học… Nên biết, các báo ghi, số tử cả nước nằm ở khoảng sáu phần ngàn. Nhưng vùng quê chị, một xã nghèo, con số đó dưới ba phần ngàn. Bà con ở đấy thế nào? Tiềm tiệm, đủ ăn thôi, chẳng có mấy người dư tiền để xài sang, tẩm bổ cái dạ dày. Thế là, rõ rồi, khảnh ăn sống lâu!… Ăn ít, vừa phải, vẫn không táo bón, không suy dinh dưỡng, bởi cơ thể của ta co giãn, nó tự điều chỉnh, tự thích ứng, tốt như máy Nhật vậy!” Bà cười khà khà.
*
Đến 12 giờ trưa, trời vẫn mưa, nặng hạt hơn lúc sáng. Các mái nhà của dãy phố bên kia đường trắng mờ như bị một lớp sương bẩn bao phủ… Loan – cô gái trẻ – tới ngồi giữa bà Điều và Vinh. Loan nuôi cha, mới vào một tuần. Bà Điều nói với cô gái những chuyện bà đã nói nhiều lần: bệnh ông Điều nặng. Bà ngồi đây đã mấy tháng. Trước, bà rất nhát, sợ chết. Nay, bà sẵn sàng chết thay chồng. Ông Điều hơi cục cằn, nhưng tốt. Mấy chục năm qua bà không phải làm gì đổ mồ hôi, ông ấy giành làm tất. Ông trời vô tình, muốn hại con người hiếm có như vậy. Nói dại, nếu ông mất đi, bà sẽ sống chuỗi ngày còn lại thế nào? Thời gian ở đây đã biến trí óc hời hợt, trẻ con của bà trở nên chín chắn, già dặn… Loan ngáp dài, than:
“Mưa mãi… Bước vào cổng bệnh viện là nghe đủ thứ chuyện rầu rĩ… Mình buồn, trời lại mưa, càng buồn thêm!… Loài người, nếu không ăn vẫn sống, và về già không chết, cùng bay hết lên trời, thì sao?”
Một cô y tá ra nói, ông Điều hấp hối. Bà Điều và chị Thanh chạy vào phòng. Mưa lớn, dưới đường xe chạy phải bật đèn. Mưa xối mạnh, đè mấy ngọn cây xà cừ trước cổng nghiêng ngả… Vinh và Loan ngồi nhìn mưa.
“Mưa có từ bao giờ? Chắc trời tạo ra nó để tô điểm cho những chuyện buồn?” Loan gục gặc đầu, tán thưởng câu nói của mình. “Xem truyền hình, nếu để ý anh sẽ thấy, khi người thân chết, thiên hạ khóc thương giống hệt nhau. Iran giống Ấn Độ, Tây Ban Nha. Palestine giống Nga, Israel. Nét mặt của họ bị phết lớp keo tang tóc, biến dạng… Nếu lúc chào đời con người không khóc, mà cười, thì sao?”.
“Hồi còn đi học, lúc mới biết đọc những cuốn sách triết Tây, anh nghĩ: Không rõ, khi tạo ra mọi vật, ý của thượng đế là muốn loài người làm đẹp trái đất hay hủy hoại nó… Ý em thế nào?”
“Để em nghĩ xem”.
“Người ta đã làm nhiều chuyện rồ dại, từ đó sinh ra vô số tai họa… Anh ước, trên đời không có đau bệnh, con người cứ đến tuổi nào đó thì ngã ra chết, lặng lẽ, êm ái. Ta sẽ bỏ hẳn tiếng “chết”, gọi nó là ra đi, phiêu du.” ./.

MƯA CHẾT

Chiếc áo hoa đang thành hình trong tay cô thợ. Hai cánh tay ngăn ngắn, hàng nút ngà, cái cổ bầu. Áo con gái. Đảo xoa xoa chéo áo bỏ thòng ngoài mép bàn, hỏi vẩn vơ:
- Anh biết người chủ chiếc áo này trẻ, rất trẻ, và đẹp nữa. Phải không?
Vang ngừng đạp máy. Chiếc kim trắng chúc mũi mổ thêm mấy cái nhẹ nhưng không tới mặt vải, xong đứng yên. Cô thợ lườm anh lính. cái lườm dài thườn, mấy đứa nghịch gọi là lườm có lông.
- Học bói bao giờ đấy ?
- Ơ, không tin sao. Bà cụ nào lại mặc cổ áo thế kia.
Máy được quay tiếp, chuỗi tiếng xành xạch kêu chậm theo nhịp chân đạp, và theo tinh thần làm việc cầm chừng của cô chủ.
- Trẻ già không rõ, nhưng tôi biết là không đẹp.
Đảo xích gần vào nữa, nó chống khuỷu tay lên bàn máy, hích mũi cười.
- Phỉnh quá. Này nhé, đã con gái thì đẹp rồi. Không phân biệt, đẹp tất.
Máy lại ngừng quay, hai người chụm gần nhau hơn, nói gì nhỏ. Sau nghe tiếng cười của Vang, sắc lẻm.
Chị chủ nhà dọn cơm ra giữa bếp. Thằng con xách một chiếc mâm gỗ định để bày chén dĩa, nhưng chị quắc mắt làm hiệu khiến thằng nhỏ vội đem cất. Chiếc mâm gỗ tròn, nặng, thô kệch, vành bị mẻ mất một miếng lớn. Theo sự dò hỏi tài ba của Xao thì chị Vang nay chưa tới bốn mươi. Xao vò tai kêu là chị chủ còn quá tươi, nó có thể điên khùng được nếu chị ấy muốn. Hai mẹ con chị Vang im lặng ăn cơm. Thằng nhỏ ngồi bệt dưới đất. Chiếc rế quá lớn chắc không tương xứng đít nồi nên bị bỏ nằm sấp cạnh đó. Với đà ăn khá nhanh tay của đứa nhỏ, thì nồi đồng cơm thật quá ít, dù người mẹ vẫn khua đũa rất nhẹ nhàng. Nhìn nồi cơm người ta nhớ ngay đến cánh đồng bát ngát quanh vùng đầy ngút cỏ. Ruộng đồng chỉ để gieo cỏ.
Sung hỏi:
- Em không ăn cơm với má?
Đàm mắt không rời trang vở. Các cô nàng chúa vờ vịt, tâm trí bay chơi đâu rồi, còn làm như ham học lắm.
- Tôi với chị Vang ăn trước lúc chiều. Chỉ thằng Bài coi bò về trễ. Ơ, ai cho ông gọi “em, em” vậy?
Sung làm nghiêm. Nhỏ tự nhiên là em. Với lại, con gái nên chịu nhận bé bỏng mới tốt.
Trên sợi dây giăng ngang đầu Vang treo mấy xấp vải mỏng, và khoảng hai chục chiếc áo cánh đã may xong.
- Chị ấy may có lẽ dư tiền ăn gạo?
Đàm cười buồn:
- Số áo ấy còn nhiều hơn số con gái cộng với lớp đàn bà một hai con ở làng này. Chị Vang may sẵn để ai cần thì lấy, thường lấy chịu, hoặc đổi lúa. Nằm chơi không cũng phí.
Ở nhà trên Đảo có vẻ làm ăn tấn tới. Nó kín đáo nháy Sung, láu lỉnh. Cái mồm truyền tin của nó được dịp phát âm, như máy đang hồi điện còn mạnh. Chợt Vang vùng cười lớn, nghe dòn.
- Vang đây Đảo, trả lời. Thại Vang, Thại Vang đây Ngô Đảo, trả lời!
Đảo cuộn tròn cuốn vở dùng ghi chép công may thành một hình ống, nói vào một đầu của hình ống đó như đang nói trên máy. Vang tròm nắt, ra vẻ thích thú.
- Vang, đây Đảo. Báo cáo tình hình trong đêm vô sự. Em có gì cho gia đình tôi không, trả lời!
Nó đem nghề ra biểu diễn theo sách điếm miệng sở trường, khiến người đẹp ngẩn ra nhìn. Nai tơ tuồng như sắp chịu đèn. Cái máy được đứng yên khá lâu. Chiếc áo sắp xong vẫn còn ở tình trạng sắp xong hoài.
- Em gạo cứng thế này dám không tháng nào thèm đứng hạng nhì, hạng ba?
Sung quay về đối tượng của mình. Đàm thôi học, xếp mạnh tập vở.
- Anh đoán trúng phóc ngay mà?
- Sai xa thầy ơi. Trước giờ chỉ có mỗi một lần được xếp thứ tư, mừng muốn chết, nhớ mãi đến giờ. Còn thì – Đàm cười, che miệng – cứ bị đè bẹp, nghẹt thở luôn… Có điều, nhiệm mầu, là chưa hề đội sổ.
- Vậy giống anh lắm.
Đàm hứ, quay sang phía khác, tưởng Sung giỏi nịnh. Mặt cô nhỏ hinh hỉnh, nhìn mà đoán, chỉ năm tới, hay năm sau chắc sẽ có bao anh hùng chết mệt vì khuôn mặt này.
Khi chiều ông lão nhà bên cạnh có nói về chị em Đàm. Ông gọi Đàm là cô nhỏ học dưới tỉnh. Ông lão đã quá già, nên ít sợ những điều mà người trẻ vẫn sợ. Ông cho hay nên tinh ý đề phòng nhà chị láng giềng. Nhất hạng mấy đứa con chị ta, chúng có thể quỷ quyệt, lợi dụng. Chồng chị Vang lên núi gần tám năm. Anh ta đi biệt tăm. Cho đến đầu năm ngoái, cùng với một trận đánh khá lớn bùng nổ ngay xóm đầu làng, anh ta xuất hiện, trở về. Toán quân hùng hổ của giặc sẽ không làm nên trò nếu không được sự góp công của vài kẻ quen biết địa thế nơi đây. Người ta đồn anh Vang là một tay quan trọng trong tốp người chỉ dẫn này. Dân làng gọi họ là kẻ làm mũi, mũi dùi, mũi tên dẫn đường. Trận đánh lớn đầu năm không được kết quả tốt, đám dân quanh xóm thấy rõ sự thể qua nửa trăm xác người nằm lỏng chỏng khắp dải ruộng, dưới các lòng mương. Những xác người mặt mũi biến hình kỳ quặc, áo vàng rộng gài chẽn nút cổ như mấy anh Tàu dưới phố. Liền sau, hình như tập thể vừa bị xác xơ ấy đã dời đi xa. Chỉ còn một nhóm nhỏ ở lại, ở lại để làm cho số dân ít ỏi trong làng ngày một ít thêm nữa.
Chồng chị Vang cũng nằm lại. Sự hiện diện của anh ta ồn ào, hùng hồn hơn hết. Việc đầu tiên, Năm Vang hạ sát ông công an của làng. Vị này chết chẳng ai thương. Nhưng nếu được thấy Năm Vang cùng chết với vị công an thì có lẽ mọi người thích lắm. Không ai quên rằng gần phân nửa dân làng đã có dịp bị tra vấn, làm khó dễ, hay vào khám, bởi một tay vị an ninh quý của mình. Hành động giết chóc ấy của Năm Vang có thể được lãng quên, nếu ngay sau đó đừng xảy ra vụ thứ nhì. Nạn nhân bây giờ là một cựu giáo viên, một kẻ già ốm. Ông ta ốm yếu tới độ hiếm ai có thể ốm hơn. Chiều đó ông giáo gây gổ với chị Vang về chuyện một con vịt đi lạc. Hai bên chửi nhau lớn tiếng suốt đến tối. Vụ này ông giáo dù không lỗi cũng bậy. Nhà giáo, dù là cựu, mà ồ chấy chửi rủa, phàm tục như thế bậy thật, ráng gánh hậu quả. Tối hôm sau, ông giáo bị bắn một phát. Từ ấy, Năm Vang như một luồng gió độc, thổi len qua xóm nào thì xóm ấy trở mình. Nhưng rồi, những tháng gần đây hình như anh ta đã đi đâu, thấy vắng bóng im hơi. Có thể trên núi cao, hay trong góc rừng còi cọc nào đó trời đã dành cho Năm Vang một cái chết, chết bần thần. Đang ngủ, đang đi, hay đang ăn uống nói chuyện chợt nhiều trái đạn từ cao giáng xuống, vang động! Chết không trăn trở. Vậy rồi, vài tháng, một năm sau mấy bà già đi mót củi sẽ thấy được các cái chết ấy. Thấy đống xương, giống xương cá đã bị mút sạch hết thịt. Những chiếc đầu lâu đôi hố mắt rộng toang. Hai ba cây súng vãi ra cỏ, trong vị thế chờ, chờ những chủ nhân đã chết rục ấy ăn cơm xong trỗi dậy mang đi… Dù thế nào, làng này cũng được yên mấy tháng tiếp – Ông lão nói, bày tỏ mạnh miệng không e dè. Ông bảo đã hưởng được bảy chục tuổi rồi, quá đủ. Lớp trẻ nay ít ai dám mong được một kiếp sống dài ngoằng như thế. Ông lão căn dặn coi chừng mấy con yêu ranh mê hoặc, canh gác hờ hững mà chết. Sung cảm động. Mái tóc bạc phơ, với một căn nhà bên trong rộng không hơn năm bước, lủng củng những bàn thờ đèn nhang, có vẻ gì lạ lùng kỳ dị. Sung biếu ông lão năm chục bạc. Ông tròn hai mắt mờ, ngạc nhiên. Đã nhiều năm nay chưa khi nào ông kiếm trong một lúc được số tiền lớn như thế. Ông không cảm ơn, nhưng hình như tay run khựng.
Sung ngắm cô học trò, gương mặt kia thấy khó tìm ra ẩn nét yêu tinh.
Ngoài trời mưa lại phủ xuống, mỏng, rỉ rả với nhịp điệu yếu nhưng có mòi khó dứt. chỉ tạnh được khoảnh khắc, lúc xẩm. Mưa liền hơi, trong nhiều ngày, tạo nên một bầu trời ẩm tối, nặng buồn.
Đêm thế này những bóng đen lẩn lút rình mò có thể khó bị phát giác. Qua khe cửa sổ, nhìn lâu mới thấy được những chùm lá dừa đen sậm, hình như lay nhẹ trước giếng. Cửa nhà bếp kêu khò khè, như bị ai đẩy nhẹ, rồi mở ra một cánh. Xao lách vô, lột nón sắt xuống cầm tay, giậm chân mấy cái giũ đất, xong khép cửa. Nó a tới bên chị Vang ngồi lượm rau, xuýt xoa:
- Úi chà, lạnh ác, lạnh dữ ác.
Chị Vang nhìn nó, nhìn bằng nửa con mắt.
- Tới đây con, Bài. Ngồi đây cho ấm – Xao chỉ vào đùi, vẫy thằng nhỏ vẫn đứng chống nạnh trong xó bếp. Thằng nhỏ lạ mặt thu người đứng im.
- Đống rau này độ mấy trăm?
- Bảy tám chục – Chị đàn bà trả lời nhấm nhẳng. Thằng già muốn giỡn mặt, chép miệng, than:
- Vậy sống sao nổi trời… Này, người ta nhiều khi chẳng phải khổ thế này mà vẫn có ăn, lại sung sướng. Muốn vậy không?
Chị Vang lườm:
- Định khoe các ông đấy chắc?
- Đâu phải, bọn này tiền xương máu, đói thấy mồ - Xao chối. Bộ mặt nó lúc này giá bà vợ nhà thấy được thì trăm phần bà ta sống không nổi. Đàn bà cỡ ấy lúc ra tay phải biết. Còn thêm đám con bảy đứa sau lưng tiếp ứng nữa, sắp dài một dọc, xôn xao.
- Mưa mãi, rì rầm suốt đêm gớm quá – Chị Vang cằn nhằn. Chợt cánh cửa bật tung, mưa bay tốc vào. Người đàn bà giật mình. Một khung tối đen kịn như nhựa đường rải hiện đột ngột nơi cửa. Và gió.
Cô nhỏ học dưới tỉnh ký tên lòng vòng hàng trăm chữ trên tập nháp, hai mí mắt được cố tình cho sụp thấp một nửa, và lúc lâu mới nháy đôi ba cái. Dưới kia, Xao mở bóp nhựa lấy cho thằng bé một tấm ảnh màu, làm thân. Cạnh những giấy má xếp ngay thẳng, ngăn bóp bên kia thấy một xấp bạc còn mới, rất dày. Tập bạc chúc nghiêng ra ngoài, nhiều quá. Chị Vang liếc, tia nhìn ngừng khá lâu nơi bàn tay đen cứng, và chị chớp mắt. Một cái chớp mắt nhanh – Sung dặn:
- Sáng đi học cho anh gởi.
Đàm tiếp tục vẽ cua còng. Nhìn nghiêng cô nhỏ rất giống chị Vang.
- Qua bưu điện bỏ giùm anh một cái thư, bảo đảm.
- Thư cho chị nhà?
- Ừ. Sao không?
- Ơ, sao lại sao – Đàm bật cười. Mấy ông có nhiều cái ngộ lắm.
- …
- Ngộ thật sự. Như lối sống, nói, ăn uống, và lấy vợ… Hồi chiều thinh không lục tục dọn dẹp kéo đi một mạch. Tường đi luôn sang ấp khác, bỗng tối quay lộn về. Lại nằm y chỗ cũ.
Sung giải thích:
- Lý do nghề nghiệp đó, bí mật thương mại.
Đàm nói còn lắm việc lạ nữa. Cưới vợ chẳng hạn. Mới thấy nói chơi qua lại mấy hôm trước thì hôm sau đã cưới – Đám cưới, đàng trai người ta thấy có ông đơn vị trưởng thủ vai cha mẹ, chàng rể, đám họ chừng bảy người. Tất cả đi hàng dọc trên bờ mương hẹp, không ai đeo súng nhưng có mang dây đạn. Xóm nhà bên phải mương được một trung đội giữ an ninh. Rải rác quanh những ngôi mộ vôi sau nhà cô dâu thấp thoáng những tốp khác. Nhà gái trịnh trọng khăn đóng áo dài ra ngõ đón. Họ trai vào, cùng cởi bỏ dây đạn, cất nón sắt trước hiên. Tiệc tùng diễn ra, cũng trà nước, cũng chuyện vãn ồn ào. Trong câu chuyện những ông già bên gái thì nói về thời tiết, cày bừa. Phía họ trai thì bàn về thời thế, địa hình chiến trận. Đằng sau, mẹ cô dâu bưng một mâm cỗ đầy, đi từ từ, đem ra cho toán gác thập thò ngoài nghĩa địa.
- Làng này ai được cưới theo kiểu ấy?
Cô gái trề môi:
- Không có đâu, không thèm.
Xao ra vườn tuần vòng, trở vào đồ ướt mẹp, nó kêu:
- Báo hại, mưa hoài. Nhưng khá chẳng đứa nào ngủ gục.
Trời mưa dầm, vườn cây đọng nước, bùn sình ngập, nhão bẩy. Đêm như muốn che kín những đôi mắt cố mở lớn quanh đây. Các chiếc lều thấp trải đều ven rào lồng gió, mưa tung vào đám người co quắp bên trong. Xao vuốt nước trên tóc. Chị Vang trao nó chiếc khăn lông. Nó không cười, dù mặt lộ rõ vẻ hài lòng.
Nhà trong, chẳng hiểu vì sao tự dưng cô thợ gục đầu xuống máy. Chiếc áo may dở bị xô đẩy, rơi thòng nửa thân ra ngoài mép bàn. Đảo luồn tay dưới ổ máy, hình như nó nắm tay cô gái. Nếu đèn mờ thêm chút nữa thì chắc không ai thấy hành động của nó.
Sáng ngày Đàm dậy sớm, cô gái lui cui bơm xe đạp. Trước sau chưa ai thức. Đàm bước nhẹ đến lay võng Sung.
- Thư đâu?
Đàm ngồi xuống, đợi. Chiếc võng nghiêng qua, chúc xuống.
- Học chi sớm vậy?
Hai cánh tay đen sì vói kéo cô gái vào gần.
Hôm sau đoàn quân dời đi. Chị Vang nấp sau bếp nhìn theo cho đến người sau chót khuất qua ngõ trước. Ngày đó Xao là người buồn nhiều nhất. Mưa đã nhẹ, nhưng vẫn còn đủ làm ướt đoàn người im lặng di chuyển chậm men bờ ruộng. Còn đủ làm Xao thấm ỉ lòng. Sung không vui được, nhưng trông mặt Xao thảm sầu quá độ bỗng thấy muốn cười. Qua cuối con mương, toán đi đầu rẽ sang đồng mía xanh dày bên phải. Đảo có mặt trong tốp dẫn đường, nó bước những bước thật dài. Cuộc làm ăn đêm qua chắc không gặt hái được gì, nên nó thoát cảnh bịn rịn.
Tiếp mấy hôm Xao bơ phờ ngu ngơ như con vịt lạc bầy. Nó tỉ tê rằng, đêm ấy, trong phút đã trao tâm thần cho nhau, nó nói:
- Mùa này ban đêm nằm nhà thật đầm ấm.
Nhưng chị Vang dường như tỏ vẻ buồn, và bồn chồn:
- Nơi nào đầm ấm chứ miền này thì khác. Gió mưa thâu đêm thấy nặng nề, ghê khiếp lắm.
Gặp khi đang cơn nên Xao mê muội, nó chẳng nhận ra ý kín trong giọng người đàn bà.
Mười ngày sau chị Vang bị bắn chết, hồi nửa đêm. Chết bởi một phát đạn, hệt như anh giáo gầy trước kia. Đàm tìm xuống báo Sung hay tin ấy. Đàm oán Xao, cô nhỏ ngậm ngùi: “Vì chú ấy mà má em chết.” Sung lặng người bàng hoàng.
Vang đã bỏ đi mất ngay sau lúc mẹ chết. Chiếc máy xếp lại, xấp áo may xong còn treo trên dây, cả hai bơ vơ. Xác chị Vang bỏ ngoài trời đến sáng, nước mưa kéo máu loang vòng trong sân vôi. Vang đi, giờ chắc cô gái đang có mặt trong hốc núi hay khu rừng nào đó, đeo súng, bên người cha độc như một luồng gió độc. Đàm chảy nước mắt, chỉ thấy nước mắt, như khóc. Mặt cô gái u buồn, xanh xao. Trời sắp đổ mưa trên khuôn mặt đó ./.

MỘT LỐI TIỆN LỢI

Ngự đến ngồi bên trái tôi, chị kín đáo ngó xuống hai gối mình, vuốt nhanh mấy sợi tóc phủ trước trán rồi mới cầm đũa. Bà cụ bưng cây đèn lớn từ nhà trên đem đặt lên tủ ăn. Độ này điện hay cúp bất thường nên phải phòng hờ. Tiền đang xóc đũa lọc xọc, thấy vậy la lên:
- Cụ lo xa quá, chắc chi điện tắt mà cụ lo.
Phàm trừng mắt:
- Lo thì sao. Mày chọn gì trong bó đũa dữ vậy, ồn ào.
- Tìm hai chiếc đũa đồng nhau, ăn đũa so le xốc hông – nó cau mặt – đùa tí, gì mà ồn ào bà.
- Mày đùa với cụ hở? Phàm sừng sộ.
Viết bưng chén xới xới cho cơm rời, la:
- Thôi giảng hòa đi. Mời anh Trạng, mời quý vị.
Bà cụ ra ngoài, Tiền thấy, kêu đón:
- Ơ, cụ không dùng cơm luôn.
- Tối tao ăn sau. Mới làm miếng bánh lúc xế, giờ còn nằm trong cổ.
Chị Ngự nói:
- Lâu lâu lại nghe bảo thức ăn nằm nơi cổ. Bánh chặn cổ mà cụ thở được.
- Có lý chứ. Miếng bánh chỉ kẹt dính một nửa thực quản thôi, bên nửa còn lại trống tha hồ thở – Tiền nói xong cười hích hích.
Cái bàn rộng bằng hai chiếc mâm, vừa dùng làm bàn vừa làm mâm. Chân nó quá thấp nên người ngồi thật khó tìm một lối ngồi thích hợp. Lần đầu ăn chung với tập đoàn này, tôi cố tạo cho mình một tư thế vững vàng, đẩy sự ngượng ngập đi xa, để khỏi mất mặt. Dù gì mình cũng là phái mạnh. Lại nữa là lính, lính tráng yếu chúng cười vào mũi. Tôi cẩn thận lùa cơm, cẩn thận gắp cá, và từ tốn múc canh chua. Tiền vẫn giữ tính làm rộn của nó:
- Ngày nay có mấy người đẻ chị Phàm?
Phàm giả lơ, chăm chăm ăn, dù hai người ngồi gần, tay muốn thúc vào hông nhau.
- Mùa lạnh thiên hạ gieo giống, để mùa nóng gặt. Bây giờ còn là mùa nóng – Tiền gật gù như ngẫm nghĩ, rồi thêm – trách gì thấy chị Phàm làm phờ người ra.
Viết xì:
- Tiên sư, bà dốt. Sắp tháng chín mà kêu mùa nóng. Trời xụt xịt muốn trút nước đến nơi kìa.
Chị Ngự ăn uống chậm rãi, không chú ý đến bọn nhỏ.
- Mùa mưa lính khổ lắm anh Trạng hỉ – Viết hỏi.
Tôi ậm ừ:
- Khổ, thường bị ướt.
Tiền bắt bẻ:
- Như anh ai nói không được. Khổ là khổ làm sao chứ. Khổ thường bị ướt, dở quá, hì!
Hai đứa, Tiền và Viết xòa ra cười. Tôi cũng cười.
- Khổ lắm, nhưng thấy không có gì đáng nói. Ai cũng khổ cả. Như mọi người đang túng đói vì lương quá ít, mà mấy ai kêu than. Họ sao mình vậy.
Tôi lùa miếng cơm chót chén thứ ba xong đứng dậy, chị Ngự khẽ hỏi:
- Thôi à.
- Thôi.
- Anh mắc cỡ hả – Viết ghẹo.
Tôi nheo một mắt, làm như nguýt. Mấy đứa nhỏ dễ làm người ta mất bình tĩnh.
Xong bữa, trừ bà cụ, mọi người dời lên nhà giữa.
Phàm đem ra cho tôi hai tờ nhật báo và tập truyện. Ngự mang chiếc xách đồ bày giữa nhà để làm thêm một ít, theo thói quen trước khi ngủ. Chị soạn vung vãi những dao kéo, bột hồ, cùng từng xấp giấy báo lấy từ tạp chí cũ của Mỹ. Chị cắt, xếp, dán rất nhanh được hàng loạt túi vừa nhỏ vừa lớn. Túi dùng chứa nhiều món tạp nhạp tại mấy sạp hàng lẻ ngoài chợ.
Phàm kể hôm nay trực nhưng rất nhàn, chẳng có bà thân chủ nào lê tới làm rộn. Chắc hẳn nhằm ngày xấu nên thiên hạ không thèm đẻ. Nghề nào cũng lúc khổ lúc sướng. Có hôm từ sáng tới tối làm bù đầu, chẳng rỗi để dùng cơm nữa. Một lúc đến ba bà sinh, năm bà chuyển bụng, và hàng tá đang thập thò đợi thăm thai. Tôi biết Phàm có mấy cô bạn đồng nghiệp khá xinh, tôi hỏi:
- Trông bà con sinh nở khốn khổ như vậy, quý vị chắc ngán vụ lấy chồng?
Phàm nhíu mũi mấy cái liền, nhún vai:
- Sao lại ngán?
Như để nghĩ chín chắn Phàm không tiếp ngay, tôi thích thú chờ.
- Ai cũng rõ chuyện đấy, nhưng rõ chỉ để mà biết rồi lo tí tị thôi. Nếu sợ thì nay dám không còn người để … để đáp ứng nhu cầu chiến tranh.
Tôi cười cười. Phàm bạo dạn và ranh mãnh. Không hiểu do bản tính hay ảnh hưởng của nghề nghiệp.
Bữa trước Phàm hỏi tôi:
- Tháng rồi về phép anh bắt cái vợ chưa?
Tôi lắc đầu. Phàm tỏ ý không tin.
- Tôi nghi sẽ phải lấy vợ miền này quá.
Tôi vờ nói với giọng nghiêm trang:
- Có triệu chứng gì chưa mà nghi đấy? Nhưng anh đùa, sức mấy mà chê gái quê mình. Trâu ta ăn cỏ…
Mẹ tôi vẫn thường nhắc nhở về chuyện này. Mẹ nói vụ vợ con để trong nhà mẹ liệu cho. Hễ mày ừ là khi về có sẵn vợ mà dùng. Đừng lấy gái người – không hiểu vì sao mẹ chú trọng chuyện ấy. Mẹ bảo, sống phải biết tùy thời, mẹ ngại tôi chần chừ gia tộc sẽ tuyệt tự. Con một như sao treo bằng chỉ mành, dễ đứt dễ rơi. Mẹ làm như chuyện mua bán không bằng, thích lúc nào tậu ngay lúc đó.
Phàm bảo:
- Anh cũng chẳng lo gì, trai tráng sướng, không sợ muộn. Cực thân đàn bà con gái. Như bà Ngự bây giờ, hâm thiu ế ẩm ngó mà ngán… nay đến nước cùng chưa chắc beo mà lấy.
- Cô bi thảm hóa vấn đề.
- Thèm bi quan. Tính toán thực tế đấy chứ. Này, bấm đốt ngón tay làm con tính nhỏ thì biết. Các ông thi nhau ngỏm…
Tôi kêu:
- A! Phải rồi, con trai cũng có cái lo lớn đó chứ, lo ngỏm…
Im một lúc Phàm nói:
- Nghĩ thật kỳ, sao lại cần đàn ông đến như vậy hỉ. Sống son son một thân không nổi, không kham.
Rồi tán phét:
- Thời trước, thiên hạ nói, có vùng nọ toàn đàn bà ở một nơi rất cách biệt với các xã hội loài người khác. Họ cũng tổ chức quy củ, có vua quan thần dân đàng hoàng. Họ sống với nhau độc lập tự chủ như thế được khá lâu. Nhưng bỗng một ngày có lẽ môt ngày giông bão mưa to gió lớn, vị vua không phải là đàn ông ấy ra lệnh cho đám thuộc hạ rằng trong vòng bảy ngày phải tìm cho vua một tên phái mạnh. Quá hạn không có sẽ lãnh tội mất đầu. Lần lượt ra đi từng người. Nhưng rồi lần lượt những kẻ đó được xem như mất tích. Chẳng rõ chúng bị lạc đường, chết theo bờ bụi. Hay tìm không được sợ, nên trốn. Hoặc giả, các y thị tìm thấy mà lười mang về vua, để riêng một mình khai thác. Chỉ biết vương quốc sau đó cạn người. Nữ hoàng buồn võ vàng rồi tịch… Tóm tắt, thì đàn bà sau trước cũng giống u mê, bụng luôn thích đời bị trị.
Chị Ngự làm có vẻ không chăm lắm nhưng đều đặn. Trông Ngự ngồi có cái dáng cần cù nhẫn nhục. Chị đã ngồi như thế trong bao năm với sạp tạp hoá ngoài chợ. Hồi mới quen Hiếu, một lần tôi thấy ảnh chị Ngự trong ví nó. Tôi tưởng bậy ngỡ là bồ nó. Chị Ngự đẹp nhất nhà, chị trẻ, dáng điệu quý phái. Thấy thật không hợp chút nào với số tuổi lớn lao mà chị phải mang. Thằng Hiếu thương chị nhất. Bởi chị làm có tiền.
Hiếu thân tôi trong những ngày còn ở quân trường. Sau ra tôi được đổi về quê nó, nhưng nó thì lại theo một đơn vị ở xa, quá xa nếu phải về thăm nhà theo đường bộ. Con đường bị cắt đứt từng đoạn, như sợi cao su răng cưa chằng chịt, tưởng không xài được nữa. Ba năm Hiếu chỉ về được một lần bảy ngày. Mỗi lần tôi ghé thăm, bà cụ lại nhớ Hiếu, và buồn. Sau đó tôi đi. Bà khóc. Bà cụ nói nhà đông người nhưng thật ra thì bên trong trống rỗng. Nếu chị Ngự không muộn màng chị đã theo chồng con từ lâu, chỉ còn mỗi một Viết. Chị em Phàm thì sống tùy ý thích, khi buồn thì hai đứa lại kéo nhau về nhà ở với mẹ. Bà cụ nhận xét lũ con gái chúng nó chỉ tạo nên một sự nhộn nhịp vui vẻ từng đợt. Có lúc thì ẫm ĩ vang vầy, nhưng sau đó vắng ngắt, buồn lạnh. Nhà thiếu bóng đàn ông. Tôi nghĩ, chắc là đúng. Đàn bà con gái sống với nhau có lẽ khó tìm được sự thương mến thân mật thật tình. Ngày mới quen, một lần Phàm dịu giọng nói với tôi:
- Bà cụ em ruột mẹ Phàm. Tụi con Ngự là em, vai em, nhưng chúng ưa làm cha lắm đấy nghe.
Tôi không hiểu ưa làm cha ra sao, tôi vẫn gật tỏ rằng đây hiểu. Tôi thừa rõ nếu chẳng cần nhờ vả thì chắc Phàm không trọ bên dì.
Nhà Phàm trước ở làng quê, cách với tỉnh lỵ. Thời này nằm ngay trong ruột phố may ra, chứ có gần chăng nữa cũng vẫn dễ ngại. Làng quê gần thành phố, hay xa thành phố, cũng là làng quê. Nơi chứa sẵn ít nhiều khuấy động, bất an. Nay sợ giặc, còn trước kia thời mới xáo trộn thì sợ lũ độc mồm. Người mạnh khoẻ rục rịch đi hết, nên những đứa chức phận chút đỉnh còn rúc lại được dịp lên chân. Có những đứa lên đến nỗi đám bô lão, đàn bà, con nít nằm lại đã kiêng dè chúng còn hơn kiêng dè đám giặc núi. Làng xa quận nửa ngày đường bộ, cộng thêm rừng cây, truông cát cùng sự ngu dốt của đám dân. Nên chi những giấy tờ muốn xin được mau phải nộp tiền, tiền trăm hay ngàn, gọi là lộ phí trả công các ngài chức việc. Công đạp xe đi làm giấy cho. Thư người xa gửi về có thể sẽ không được nhận một cách bình thường, nếu trước đã làm các vị mích lòng. Ai có con đi lính Quốc gia được nể một ít. Nhưng thành phần ấy cũng chịu phép lắm. Bởi ngại là nếu sau gặp buổi mạt, con tử trận thì vẫn còn có thể sống yên được. Quyền thế ấy muốn giam nhốt thiên hạ lúc nào tùy hứng. Ai mở mồm lớn hơn người khác thì kẻ ấy chính là địch nằm vùng. Cách thế yên thân, là im lặng dọn đi, bỏ nhà, dời lên phố trú ngụ. Phàm sợ một hôm nào sẽ bị gán ghép chức vụ này nọ, đại loại nữ giao liên, hay rắp tâm dụng kế mỹ nhân phá hoại. Nên giục mẹ đùm túm đi trước. Với lại, lên đây gần sở làm.
Trầm ngâm vài phút, Phàm lại nói về Ngự. Nói theo giọng tâm sự, nhỏ:
- Quanh năm lết ở chợ mòn đít. Sắp-ba-mươi đến nơi chẳng ai chịu khó rước cho xong.
Nhiều ngày tôi đã nghĩ mông lung về cái sắp-ba-mươi của Ngự. Ngự thật ít nói. Hay phải nói quá nhiều với đám đông hỗn độn từ sáng tới xẩm, rồi về chị không còn thích nói nữa. Ngự có nụ cười thật đẹp, nhưng Ngự không mấy khi cười. Hay là cái sắp-ba-mươi đã khiến Ngự chẳng thể nào cười được.
Tiền rủ Phàm ra quán. Nhường chị đi trước, Tiền lùi lại tới rỉ tai tôi:
- Có một chuyện đại bí mật
Nó liếc chừng chị Ngự, véo tai tôi một cái:
- Muốn đây tiết lộ không?
Tôi ngờ vực, sợ mắc lừa. Tiền nhắm tít một mắt, cái miệng đẹp của nó chun lại nghịch ngợm.
- Này, mấy tháng vừa rồi ông lính không ghé thăm con Viết nó nhớ, nhớ muốn phát đau. Báo hại phải nghỉ học gần tháng.
Tôi nạt:
- Xuỵt, đa sự, bậy!
Cô nàng vụt chạy và cười đắc chí.
Đêm mai giờ này không rõ mình sẽ nằm ở đâu. Trên một ngọn đồi không cây, cỏ tranh phủ mịt, cuộn áo mưa lạnh ngủ đất. Hay trong một ngôi nhà sụp đổ nào của những xóm làng bỏ hoang. Hai ngày nghỉ qua lẹ không ngoái theo kịp. Trọn ngày ngủ yên trí chẳng ngại bị đánh thức bất thần, vì chó sủa, vì súng nổ, vì di chuyển. Đêm được quyền cởi bỏ đồ ngoài, chỉ mặc quần cộc áo thun. Nằm ngủ mà tai còn mơ hồ nghe tiếng máy hát nhà bên cạnh, tiếng chiếc đồng hồ bàn gõ nhẹ và đều, bầy ngỗng sau chuồng kêu bất chợt. Những thứ ấy tầm thường quá mà lâu lắm mình mới được gần.
Tay chị Ngự đưa lên đưa xuống, chồng bao giấy thành hình được xếp ngay ngắn cạnh lon hồ. Tôi sung sướng được sống những ngày thanh nhàn nơi đây. Bà cụ thương tôi như thương Hiếu. Hôm tháng Giêng sau lần đụng giặc dữ nơi làng nhỏ sát nách tỉnh lỵ, chúng tôi được nghỉ một ngày. Bà cụ sai chị Ngự ra thăm xem tôi yên lành không. Ngự đi xe đạp, đem thêm mấy phong bánh với bốn tập truyện. Gặp tôi Ngự mừng rỡ nhưng hơi lúng túng. Lũ bạn đông đảo của tôi lấp ló đằng sau làm chị nhát nói. Tôi cảm động, lần đầu tôi thấy Ngự ngượng nghịu. Tay mân mê bọc giấy làm như sợ mấy sợi cao su bong mất, chị thường phải quay nhìn nơi khác. Trưa đó, dù chị từ chối tôi cũng kéo được vào một ngôi nhà gần đó, bắt chị ăn một bữa cơm lính. Lũ anh em tỏ ý nghi ngờ, Ngự không có vẻ gì là chị tôi cả.
Bà cụ xem tôi như người nhà. Cụ thố lộ, không hiểu đường tình duyên của Ngự ra sao mà gian nan bạc bẽo vậy. Từ mới lớn đến giờ cũng có vài nơi đánh tiếng, nhưng tất cả bất thành. Con nhỏ lạ, nó không chịu ai hết. Nòi ngu độn, còn nằm chờ chi nữa. Từ ấy, đã mười năm hơn. Hay do cái tuổi Dần nó trót đa mang. Sách chép đàn bà tuổi Dần cao số. Kỳ tháng Chạp có người muốn thăm dò con Viết. Nhưng đâu được, để nó học. Với tiện thể để chờ chị nó ít lâu – mười năm nay. Mười năm. Một thời gian đủ để người ta thực hiện được vài chương trình thuộc phạm vi quốc gia, quy mô dài hạn. Bao nhiêu dâu bể. Từng ấy ngày đủ để những nhà cách mạng hoàn thành nghiệp cả. Nhưng, cũng số năm tháng đó đã không đem lại cho Ngự được một tấm chồng.
Chị em Phàm mang về bốn ly chè đá. Chị Ngự kêu còn no. Tôi cũng lắc đầu. Nhưng Phàm đã kéo tay tôi ra, nhét ly chè vào, ép buộc. Tôi kêu ép dầu ép mỡ ai nỡ ép chè. Tôi không cầm ly chè, mà bóp nhẹ tay Phàm. Mấy ngón tay thuôn và xinh. Tiền thì bỏ nhỏ:
- Ăn đi nào, chờ người ta đút từng muỗng sao… Ờ, mà có làm vậy cho nhau cũng chờ lúc vắng vẻ đã chớ.
Điện phụt tắt. Tiền kêu ồ thích thú. Phàm xuống mồi đèn xong bỏ đi ngủ. Chị Ngự dời lại gần tôi hơn, gần ánh đèn, lầm lì tiếp tục công việc. Tôi ngắm chiếc áo cánh trắng điểm rải rác những hoa nhỏ xanh nhạt, cái gáy trắng nhờn nhợt màu đèn, mấy sợi tóc đi lạc. Bất thần Ngự ngửng lên, bắt gặp hai mắt tôi. Ngự cúi mặt ngay, và chớp mắt.
- Khuya rồi, ngủ chứ Ngự – tôi nói, giọng dại đi, mơ hồ.
- Ngự không buồn ngủ.
Tôi nhớ, cũng câu đó nhưng nếu là trước kia thì Ngự sẽ nói “Tôi không buồn ngủ”. Ngự thu dọn đồ lại một góc. Tôi vặn thật nhỏ ngọn đèn, rồi ra ngoài, xuống sân. Tôi nghe tiếng chân Ngự nhẹ nhàng về hướng lu nước. Nhanh hơn, tôi tới giựt lấy chiếc gáo, đem móc lên cao. Không hiểu Ngự loay hoay thế nào, nhưng sau đó thì bị tôi ôm được vai. Ngự run lên trong bóng tối. Ngự run quá làm tôi lúng túng. Tôi chợt nhớ nụ cười thật đẹp của Ngự lúc ban ngày. Vội vàng tôi hôn lên nơi làm ra nụ cười đó.
Một tay vòng sau lưng tôi, bấu chặt bên hông phải, Ngự nói như hơi thở:
- Chúng nó sẽ cười anh… anh Trạng.
Nhưng lúc đó tôi không nghĩ tới chuyện cười chê mà chợt lại thoáng nhớ đến mẹ tôi ở nhà. Và nghĩ rằng tối mai chắc mình chưa phải ngủ núi hay ngoài làng quê. Tôi sẽ còn ở đây, còn ở lại nơi bình yên này vài hôm nữa ./.