9 thg 9, 2011

ĐÊM LANG THANG


       Nằm khá lâu nhưng không ngủ được, Sáu Tải xuống giường tới bàn ngồi. Bình khô, trà hết. Anh tìm thuốc lá, bao thuốc rỗng. Xong, cạn, sạch, chẳng còn gì. Đã một năm rưỡi anh rơi vào tình cảnh này, mọi chuyện mọi việc, từ nhỏ đến lớn, tắt nghẽn, suy sụp, bí bết.
       Sáu Tải xuống nhà dưới, anh thấy hai con ngủ trên ván; qua phòng Hiếu - vợ anh - thì đèn sáng nhưng giường trống. Khuya rồi Hiếu còn đi đâu. Chiều qua Hiếu đấu khẩu với anh một trận khá căng. Không phải xô xát, chưa tới mức chửi bới nhưng lằng nhằng, nặng nề, khó chịu. Trước đây, lúc anh làm ăn phấn chấn, gia đình khá giả Hiếu dịu dàng, nhu mì, ra dáng phu nhân hiền thục đài các. Thế đấy, đổi thay chớp nhoáng, như chuyện trên sân khấu, như tiểu thuyết, phim ảnh! Vợ con còn như vậy, người dưng thì sao? Sáu Tải đứng nhìn cái giường rộng với quần áo, chăn gối bề bộn một lúc lâu, xong đi xuống bếp. Nhưng anh lại quay ra, trở lên, bởi trực nhớ là mình thèm thuốc, không phải đói bụng.
*
       Sáu Tải mở cửa, nhẹ nhàng bước ra ngoài. Trời mát, gió hiu hiu. Tối mịt, nhiều nhà đã ngủ. Từ xa vọng đến tiếng xe lửa chạy ầm ì. Tàu ra, chuyến chín rưỡi. Anh đến quán tạp hóa mua thuốc nhưng quán đóng cửa. Không nản, anh đi tiếp sang quán khác. Tới trước nhà Năm Lắm, thấy trong nhà còn sáng đèn và nghe có tiếng nhiều người nói chuyện, anh rẽ vào… Năm Lắm vai em, con ông chú họ của anh. Hắn tốt, biết điều, sống có tình nghĩa. Nhưng gần đây, hai năm nay, khi bước qua nghề nuôi tôm sú và trúng liền mấy vụ lớn, lọt vào nằm giữa tốp người giàu trong xóm, Lắm đã đổi khác, bắt đầu cười to nói lớn, đi đứng khệnh khạng. Mau thực, thay vai đổi áo, chuyện biển dâu không cần tới vài chục năm, chỉ một sớm một chiều. Hồi đó, như mới hôm qua, Năm Lắm kính trọng phục tài làm ăn của Sáu Tải hết mức. Hắn nhìn anh như gã thanh niên nhìn cô ca sĩ thần tượng. Đến nhà anh Lắm bỏ dép từ giữa sân; khi vào phòng khách hắn cóm róm khép nép như ông lý trưởng đứng trong dinh quan phủ.
       Chính Năm Lắm ra mở cửa. Không đợi nghe Sáu Tải nói hết lý do đến chơi, Lắm lôi tuột anh vô nhà.
       - Thuốc hút, có nhiều, đủ hiệu. Vào uống tí cà phê cái đã. Sẵn đây xin giới thiệu mấy ông bạn Phú Yên với anh Sáu.
       Bên bàn trà có hai người đàn ông lạ, cả hai to cao, ăn mặc đẹp, cùng trạc tuổi Năm Lắm, ngoài ba mươi. Họ bàn chuyện mua đìa, nuôi tôm. Năm Lắm pha cà phê.
       - Đây là anh Phi ở Thạch Tuân, và anh Hải Tùng ở Hòa Hiệp, bạn làm đìa.
       Nuôi tôm nghề mới, dân đìa giai cấp mới. Hải Tùng đang mặc cả để mua "một ao" cỡ bảy, tám sào của Lắm. Diện tích đó không lớn, nhưng số tiền nói ra lại rất to, mấy chục lượng vàng, hàng trăm triệu… Kể ra con người ta thích nghi với môi trường sống mới cũng khá nhanh. Trước đây không lâu, khoảng năm 1996, hầu hết dân vùng này chưa hề sờ đến triệu bạc.
       - Lúc nãy từ đìa về tôi tạt vào quán bà Cúc mua đường, thấy chị Sáu ở đó, chị đánh tứ sắc - Năm Lắm nói. Chị Sáu là Hiếu - Khuya lơ còn đánh bài, chắc không phải các mẹ giải trí giết thì giờ nữa mà biến thành những con nghiện rồi… Đừng tưởng mấy bà chơi cò con, nghe đâu ăn thua bạo lắm, mỗi ngày có thể bay ngót trăm ngàn! - Năm Lắm tặc lưỡi.
       Bỗng nghe Bích - vợ Năm Lắm - ở trong buồng, nói lớn:
       - Anh Lắm! Anh lại nhảy xổm vào chuyện riêng tư của người ta đấy phải không?
       Năm Lắm thè lưỡi, im thin thít.
       Vậy là Hiếu đánh bài. Gần nửa năm nay cô ta bài bạc thường xuyên, hầu như ngày nào cũng có mặt tại các sòng quanh chợ. Nhưng nay có khác là đánh thâm cả vào đêm, và tự tiện đi chẳng buồn nói qua với chồng một tiếng. Thêm nữa, ngay điểm này, còn thấy hiện lên một dấu hỏi lờ mờ: Hiếu lấy đâu ra tiền để chơi suốt trong nhiều tháng?
       Hải Tùng nói, khi cuộc sống đổi mới, khá lên, nó kéo nhiều "mắt xích" khác của xã hội lên theo, tất cả thay đổi, phần nhiều theo hướng tốt đẹp, và số ít theo chiều ngược lại. Ở quê anh, một xóm nhỏ ven biển, tám mươi hộ, khổ nghèo kinh niên, gần đây, khi biết làm đìa tôm và buôn bán đất đìa, bỗng lột xác nhanh như trong chuyện thần thoại. Nay khoảng 70 phần trăm số hộ đó đã giàu, xây nhà mới, mua xe máy, đã quen chi tiêu làm ăn tính tiền bằng đơn vị chục triệu, trăm triệu. Con người như tươi tắn, phổng phao, cao lớn. Nháy mắt, trong xóm đồng loạt mọc lên nhiều tiệm tạp hóa, quán cà phê, quán nhậu, tiệm sửa xe máy, "trung tâm" làm đẹp phụ nữ. Thoạt nhìn cứ ngỡ số người bán nhiều hơn người mua, nhưng bao nhiêu bánh trái bao nhiêu bia rượu đều bán chạy, bán đẹp.
       Năm Lắm nói:
       - Ở đây cũng gần như thế, chỉ khác số người giàu ít hơn, khoảng 40 phần trăm thôi. Nhưng cái mặt "phát triển tiêu cực" hình như hơi đậm. Đám trai trẻ ăn nhậu ì xèo, bất kể đêm ngày, quên trời đất. Rồi đèn mờ, gái đĩ. Rồi đâm chém nhau, lừa đảo, trộm cắp, gian manh. Các bà các chị thì son phấn lòe loẹt, se lông mặt sơn móng chân, biếng nhác, bài bạc, ăn tiêu như me Mỹ, lấy bậy. Phải, dạo này xuất hiện khá nhiều vụ ngoại tình, là cái món đã biệt tích mấy chục năm.
       Trong buồng Bích ho nhỏ mấy tiếng, và nói vọng ra:
       - Anh Lắm, đừng nói leo sang chuyện của thiên hạ! Họ làm gì mặc họ!
       Năm Lắm cười cầu tài.
       - Không sao đâu, anh nói thầm, vui thôi mà!
       Anh Phi, người có nước da nâu, tóc bàn chải, hay cười, kể một chuyện "giàu mau như cổ tích" mà anh biết. Đó là Thưởng, một thanh niên mới ngoài hai mươi, chưa vợ, ở cùng xóm với anh. Đầu năm 1996 Thưởng còn khổ, nhà chỉ có một thửa ruộng hơn một sào, phải đi làm thuê để nuôi cha mẹ. Khi trong vùng rộ lên nghề nuôi tôm sú, Thưởng giữ đìa cho ông Thu An, chủ tiệm vàng, giàu nổi tiếng ở thị trấn. Qua mấy vụ ông Thu An trúng lớn. Sau mỗi lần thu hoạch, ngoài tiền công, ông An còn thưởng cho những người làm thuê một số tiền kha khá, người một hai triệu, kẻ ba bốn triệu. Ông ta tốt bụng, biết người biết của… Sau bốn vụ, gom góp được hơn mười triệu, Thưởng xin ông chú ruột cho thả nhờ hai vạn tôm con. Trúng ngay. Lời gần hai mươi triệu. Dồn hết số tiền có được trong tay, Thưởng hùn hạp với một người anh họ mua một đìa mới. May mắn kỳ lạ, anh em Thưởng luôn luôn lời, chỉ biết lời. Tôm thả xuống là ăn tốt, lớn mau, không biết nằm vạ, không đòi thuốc thang. Có những kỳ dịch bệnh hoành hành, chín phần mười số đìa bị nhiễm bệnh, hàng trăm người trắng tay, kêu trời, nhưng đìa Thưởng vẫn bình yên, phẳng lặng, ung dung tiến tới như vị thần sức mạnh! Nay thì Thưởng đã có hẳn hai đìa riêng, mỗi đợt bán ra hàng tấn tôm, thu vài trăm triệu đồng. Để ra dáng một tay làm ăn già dặn anh để tóc dài, dưỡng râu cằm ria mép. Tuy vậy, dưới mắt dân làng, nhất là các cô gái, anh vẫn chưa già, còn măng tơ, có vẻ ngộ nghĩnh, và rất được nể phục.
       - Tay Thưởng này hên lạ! - Sáu Tải khen - Ở đây nhiều người phất to nhờ đìa, nhưng cũng có mấy chục anh chết đứng vì đìa, phải bán ruộng đất, xe cộ, bò trâu, hai tay sạch như rửa bằng xà bông Ô mô!
       Phi nói:
       - Yếu tố rủi may đóng vai trò khá lớn trong việc nuôi tôm sú… Nói về kỹ thuật, quyết tâm hay cần cù thì như nhau… Sau mấy năm quan sát bà con làm đìa tôi nhận thấy: anh được thắng anh thua ở bốn điểm. Một: địa lợi. Lòng hồ sạch; nguồn nước sạch, dễ lấy vào tháo ra, độ mặn của nước thích hợp với con tôm. Hai: mạnh vốn. Nhiều tiền dễ nuôi. Cho ăn đúng mức, xuống thuốc kịp lúc. Ba: con giống tốt. Mạnh, lớn mau. Bốn: may mắn. Điểm này có vẻ mơ hồ, nó ẩn mình dưới hàng chục chiếc mặt nạ, ta không nhìn thấy, nhưng nó tác động chi phối nhiều khâu, nặng nhất ở hai khâu nước, giống.
       Sáu Tải tán thành:
       - Anh nói đúng. Chính tôi cũng đã được nếm vị đắng chát của tôm. Năm 99 chú Lắm đây cho tôi gá theo hai vụ, trôi tuột cả!
       - Anh Sáu đúng xui, số con rệp! - Năm Lắm cười. Những người đang lúc phát đạt thường hay cười, và thích nói! - Có ảnh góp vào, hai keo, mất trớt cả hai. Ngay sau đó, ảnh hết tiền, ba vụ liên tiếp tôi ăn ngon… Tội nghiệp, anh Sáu số con rệp!
       Bích lại can thiệp:
       - Sao ăn nói kỳ vậy, ông trời con! Anh Sáu buồn khổ, ông lại cười cợt!
       - Có gì đâu, em, anh đùa chút cho vui!
       - "Ông Thời đi khỏi, thằng Giỏi cũng thua!" - Hải Tùng nói.
       Năm Lắm hỏi đố:
       - Có nhiều rủi ro đe dọa, sao người ta vẫn đổ xô vào nuôi tôm?
       - Vì lợi nhuận hấp dẫn. Vì ai cũng biết đó là đặc điểm của những công cuộc làm ăn to. Muốn chơi, phải chấp nhận.
       Năm Lắm xuống giọng, hỏi vợ:
       - Bích ơi, cho bọn anh nhậu chơi ít chai bia, nghe? Giấc này uống cà phê lạt miệng, buồn quá! - Anh ta hỏi, như gã lính xin phép cấp chỉ huy.
       Cô vợ không trả lời ngay. Hai ông khách giả lơ, làm như chẳng chú ý… Chừng hai phút, Bích nói:
       - Được, nhưng vừa phải thôi, và uống tại đây.
       - Ồn ào làm sao mấy đứa nhỏ ngủ… Còn món gì làm mồi không?
       - Có ít thịt vịt, ở trong cái xoong cũ, anh chịu khó hâm lại… Nói chuyện nho nhỏ là được, ra ngoài muỗi cắn chết… Tiền đây. - Bích quay sang hỏi Sáu Tải - Để hai đứa nhỏ ngủ ở nhà, không sợ mất trộm sao, anh Sáu?
       - Không, còn có gì quí giá đâu.
       - Chẳng còn gì để sợ mất?
       - Phải, anh nói thực đấy.
       Năm Lắm đi mua bia. Hai người khách lại bàn chuyện tôm tép, buôn bán. Sáu Tải dựa vào tường, nhắm mắt, như ngủ. Anh nghĩ đến vợ, nghĩ về tình trạng túng quẫn đang vây chặt lấy mình. Anh hình dung ra cái dáng lầm lũi cam chịu của hai con, nụ cười nửa miệng gương mặt giá băng của Hiếu. "Đau hơn thiến, mình tuột dốc không phanh!"… Mọi sự bắt đầu chuyển biến mạnh khi Sáu Tải bán tám sào đất thổ cư tốt nhất, và dốc hết số tiền dành dụm cả chục năm, hùn vốn với Tuấn Tú - người bạn nối khố - đi buôn trầm. Đây là nghề Tú rành, đã làm lâu năm, ngon ăn. Qua hai năm, được tám chuyến êm ả, trót lọt, lời không to, nhưng nếu so với làm nông thì nó vẫn lợi hơn nhiều lần. Đến chuyến thứ chín "sự cố" xuất hiện, Tuấn Tú vớ phải hàng giả, bay đứt phân nửa vốn. Choáng váng. Rồi, tiếp đến, họa mới theo sau họa cũ, băng anh vấp phải cú lừa đảo lớn. Gã đại lý quen biết ở Sài Gòn trở mặt, hất hai mươi bạn hàng ruột, ôm hàng chục tỉ đồng vù qua Thái Lan… Từ chỗ khá giả, trong chớp mắt Sáu Tải rơi xuống "vùng nguy hiểm". Buồn rầu, tiếc của, nhưng anh chưa tuyệt vọng. Nghỉ chơi vài tháng, tâm trí trở lại cân bằng, anh bán ruộng, bán bò, tính chuyện bày keo khác. Nhưng có một trở lực, hình như là cái vận đen, vẫn còn bám theo chân anh. Nó quấy rối, che phủ, ngăn cản tầm mắt, bước đi của anh. Anh trồng dưa "công nghiệp", gieo đậu xanh đại trà thì bị mưa dầm, úng héo, hư thối! Anh bước sang nuôi tôm thì bão vỡ đìa, đốm trắng! Anh xuống tinh thần, ngã quị. Anh gào to, nguyền rủa phước phận nhà anh, chẳng còn kiêng sợ gì nữa. Anh đập nát cái bàn thiên trước sân, thẳng tay quẳng tượng ông thần tài ra đường! Vợ anh khóc, anh cũng khóc…
*
       Sáu Tải về. Anh nói với hai ông bạn đìa, trong người không được khỏe, xin cáo từ… Sáu Tải tránh cuộc nhậu, vì ngại mắc nợ miệng. Anh đã uống của Năm Lắm nhiều lần, chưa có dịp nào mời lại. Hơn nữa, anh cũng không muốn ngồi nghe người ta ca tụng con tôm, con vật từng góp phần làm anh sạt nghiệp!… Ra đường, Sáu Tải đứng một lúc lâu, định thần, để mắt quen bóng đêm. Đi đâu bây giờ. Anh không buồn ngủ, cũng không muốn chạm mặt vợ… Hiếu về chưa nhỉ? "Cô ấy coi thường ta, lâu rồi! Lòng dạ con người thế đấy. Ta chỉ có giá trị khi còn làm ra nhiều tiền." Trời đầy sao. Có tiếng còi xe lửa ở hướng thị trấn. Tàu vô, chắc đây là chuyến mười giờ rưỡi. Chẳng buồn ngủ, không muốn về nhà, lạ thực. Chỉ buồn. Nỗi buồn mỗi lúc một lớn phình lên, thành đống, thành khối. Thấm thía, đau đớn không chỉ bởi ta thất bại, mà còn vì xung quanh ta thiên hạ thành công, thắng lợi giòn tan!… Sáu Tải đi, về phía xóm trên, hướng đường xe lửa. Đi đâu cũng được, miễn không về nhà… Dế gáy ran dưới ruộng. Có tiếng chim gì đó kêu chiêm chiếp trong lùm tre trước mặt.
       Sáu Tải đến đường nhíp xe lửa, ranh giới giữa xóm trên và xóm dưới. Anh ngồi xuống đường ray. Đã có thể nghe tiếng xe thình thình, nhưng hãy còn xa. Xưa nay người ta vẫn đồn chỗ này lắm ma. Ông Hai gặp, bà Ba thấy tận mắt, nhưng thực hư ra sao thì chưa ai dám nói chắc. Dù thế dường như ai cũng sợ, chẳng mấy người dám đi một mình qua đây vào ban đêm. Còi xe lửa lại thét lên, rõ dài. Đường nhíp, không có chắn, nên tại đây đã xảy ra nhiều tai nạn. Mới năm nào xe đụng ông già đi cắt cỏ chết tươi; năm ngoái thì tung chết một lúc ba con bò, và cán nghiến cô gái chán đời. Cô bé còn quá trẻ, chưa đến hai mươi, tự tử vì một lý do hết sức vu vơ. Cô nàng đi chơi về khuya, bị mẹ chửi, thế là ngã vật ra khóc suốt buổi rồi lên nằm cản đường tàu. Chấn động, dữ dội!
       Xe đến gần hơn, đường ray rung rền. Rồi ánh đèn đầu máy nhô ra, sáng lóa, chỗ khúc quanh cuối xóm Gò Cát… Cô gái gan dạ, coi cái chết nhẹ như bông. Chẳng phải chuyện quan trọng, không thất tình, không mất của mà chán sống… Tự tử, một giải pháp, một cách chọn lựa. Tự chọn cho mình cách chết, là một thái độ sống. Như thế tốt hay không? Ngu dại hay khôn ngoan? Tự vẫn, một ý mới, là điều Sáu Tải chưa bao giờ nghĩ đến. Nhưng lúc này, ngồi đây, nhớ lại cái chết của cô gái, hai tiếng "tự tử" bỗng choán lấy trí óc anh. Có nên chết chăng? Chết! Có thể đây là một cách giải quyết tốt, gọn? Chết, để chấm dứt mọi sầu khổ, lo âu, u uất bấy lâu nay. Để dứt bỏ tất thảy các mối phiền lụy đen đúa đeo bám chân ta như một bầy sâu róm gớm ghiếc. Để được yên thân, thanh thản; để khỏi phải thấy những ánh mắt nhìn ái ngại, nghe những lời an ủi thương hại kiểu bề trên, và những phiền trách chì chiết ỉ ôi mệt mề? Nhưng rồi, cùng lúc, anh lại nghĩ: "Không được, như thế là bạc nhược, yếu hèn. Tình cảnh của ta chưa phải bệnh nan y hết thuốc chữa. Phải có trách nhiệm với con, ta chưa làm được gì cho chúng. Còn trẻ, ta không đầu hàng số phận một cách dễ dàng. Con người chỉ sống có một lần. Sông có khúc người có lúc. Nên kiên trì năng động chịu khó hơn nữa… Vừa qua ta làm ăn trầy trật, gặp toàn xui rủi với thua lỗ. Đau buồn, buồn đến thối ruột, gầy mòn, nhưng ta chưa buông xuôi, chưa hề nghĩ đến chuyện phải chết." Đoàn tàu rầm rập lao đến, tiếng động ù tai, đèn sáng rực. Sáu Tải đứng lên, nhảy vọt ra xa, chạy thêm chín mười bước mới yên tâm quay lại nhìn ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét