Chị
Tình nghèo, “nghèo tàn mạt” – nói theo kiểu anh Tình – do nơi hai vợ chồng,
ngay khi gặp nhau đã cùng khổ sẵn, và do đông con, đến bảy đứa. Nên tuy ở cùng
nhà nhưng Bảo phải tự lực kiếm sống ngay từ lúc mười một tuổi. Anh đã làm nhiều
việc: bán thuốc lá trên xe lửa, sửa xe đạp, làm công cho các lò bánh mì, các
xưởng nước mắm, các rạp hát… Tuy vất vả như thế, anh cũng mày mò học được đến hết
lớp 9. Anh có chí, thừa lạc quan, luôn vui vẻ, yêu đời.
Lúc chúng tôi quen nhau, năm 1972, Bảo là
chàng trai vừa tròn hai mươi, đang làm thuê cho một ngôi chùa, rành nghề sản
xuất nhang, xì dầu, tương, chao. “Bảy năm nữa mình sẽ thành kỹ sư trăm nghề”,
anh đùa.
Vào lúc chiến cuộc sôi bỏng nhất số mệnh
đã ưu đãi Bảo: nhờ một người bà con xa, và nhờ may mắn Bảo xoay được giấy miễn
dịch vì lý do kém sức khỏe, khỏi vào lính. Nhưng sau đó, số phận trớ trêu (có
phải là số phận không), đã khiến anh chết đột ngột vì bom đạn.
Bốn tháng sau khi rời khỏi Thanh Hà, tôi
nghe tin Bảo chết. Anh chết trong một cuộc đấu đá nảy lửa giữa hai bọn lính
(Sài Gòn) say rượu.
Hôm ấy, trong quán phở Mỵ Châu, hai tốp
lính dữ tợn đã bất ngờ mở ra một trận kịch chiến. Chúng nó giành gái. Và chúng
cũng muốn chứng tỏ với thiên hạ rằng ta đây anh hùng, – anh hùng theo cách
chúng nghĩ. Chúng choảng nhau bằng ghế đẩu, chai bia, dao phay, và lựu đạn.
Thực khách đông nghịt, nhưng chỉ một số chạy được ra ngoài… Trận đấu cũng đẫm
máu như ngoài chiến trường, với con số thiệt hại được tổng kết: sáu chết, mười
sáu bị thương. Trong số người chết có Bảo. Người ta nói, bi thảm như thế nhưng
vẫn còn may, số thương vong còn có thể cao hơn nữa, vì có những người chỉ ngồi
cách chỗ hai quả lựu đạn nổ bảy, tám mét mà vẫn nguyên lành.
Buổi sáng chia tay nhau ở bến xe tôi đâu
ngờ mình sẽ không còn gặp Bảo nữa. Vẫn như thường ngày, anh tươi tỉnh, luôn
miệng khôi hài mà không cười. Tôi càng không nghĩ Bảo sẽ chết dữ, bởi anh không
sờ đến súng đạn, và ở giữa lòng phố phường.
Đưa Bảo ra nghĩa trang, trong số người
khóc, ngoài gia đình chị Tình, còn có một người không phải là vợ, không phải họ
hàng: Diễm.
Hai năm cuối đời Bảo sống chung với Diễm,
như vợ chồng. Diễm góa chồng năm hăm hai tuổi, có một con gái. Chiến tranh đã
gây ra hàng vạn trường hợp góa bụa tức tưởi như thế. Bảo coi đây là mối tình
lớn của mình, và anh không tiếc lời tán tụng nó. Anh nói: cô ấy đầy nữ tính,
nết na, thùy mị. Cô ấy có tất cả các đức tính của người phụ nữ hiền thục… Quả
thực, Diễm xinh đẹp. Cô ta ăn nói khôn khéo, dịu ngọt. Và đặc biệt cô có đôi
mắt đen láy, sắc. Bảo khen đôi mắt ấy “có cái nhìn thơ dại, ngơ ngác, dễ làm
xao xuyến lòng người”. Anh thường nói với tôi: “Lắm người chê, mới lớn ai lại
đi lấy bà góa. Nhưng mặc họ, dẫu có sáu con đi nữa Diễm vẫn trẻ dại, xinh tươi
và tao vẫn cứ đắm đuối yêu nàng”… Như mọi người khác, anh không có khả năng
nhìn thấy trước tai ương. Nếu giỏi như các đấng tiên tri, anh đã không nói vậy.
Bởi vì, chỉ vài tháng sau ngày Bảo chết, người ta thấy Diễm sống chung với một
người đàn ông khác ở một thị trấn trên Tây Nguyên! Hẳn là cô ấy vẫn đẹp, với
cái nhìn ngơ ngác. Biết nói sao…! Có thể cho rằng, sống mãi với hình ảnh của
người chết là không cần thiết. Nhưng quay lưng, quên nhanh như thế thì cũng không
được bình thường, hơi tàn nhẫn, khác với đức tính thủy chung của người phụ nữ Á
Đông.
*
Trong công việc làm ăn mới của chúng tôi,
tôi ghi vào sổ tay nhiều tên người, tên thành phố, hãng xưởng; là những địa chỉ
tôi sẽ đến, sẽ liên hệ. Trong số đó nổi bật nhất là ông Phát Lợi và thành phố
Thanh Hà. Ông Phát Lợi không có gì đặc biệt, nhưng nhờ ông tôi được về thăm lại
Thanh Hà, nơi trước đây tôi từng sống ba năm, và có lúc tôi đã yêu mến, coi như
quê hương mình.
Đến Thanh Hà lúc bốn giờ chiều, tôi tới thẳng
văn phòng hãng buôn Miền Trung nhưng ở đây người ta cho biết ông Phát Lợi đi
vắng, ba hôm nữa mới về.
Vậy là bỗng dưng tôi có ba ngày nhàn rỗi. Tôi
tìm đến nhà một số bạn cũ nhưng không còn ai cả. Người đã dời về thôn quê,
người thì đi tỉnh khác. Không có thói quen ngủ ngày, tôi cố nghĩ ra một lịch
hoạt động, tiêu dùng cho hết số thời giờ ông Phát Lợi ban thưởng.
Ngày đầu, buổi sáng tôi đi thăm khu phố
mới ở phía nam thành phố. Ngày trước, đây còn là khu đất hoang, toàn cát trắng
và cây bàn chải. Nay trở nên một khu phố sầm uất, chia làm hai phường, có một
chợ nhỏ, một rạp hát khá đẹp. Buổi chiều trời nắng gắt, tôi chui vào rạp Hưng
Đạo xem liền một suất video và một suất phim trên màn ảnh rộng.
Buổi sáng ngày thứ hai tôi đi thăm lại
các thắng cảnh, với cảm giác như thăm những người thân cũ: cầu Đà Giang, núi
Tháp, chùa Phú Sơn. Những “anh bạn” này chẳng khác xưa mấy.
Buổi chiều tôi ngồi lỳ ở công viên Ngã
Năm đọc truyện.
Đọc chán, tôi nhìn ngắm bâng quơ. Người
ta thản nhiên qua lại. Một tốp công nhân đội mũ nhựa xanh vàng. Một toán đàn bà
từ các vùng quê xuống, gồng gánh lỉnh kỉnh. Một tốp học sinh đi thong thả,
chuyện trò râm ran. “Chẳng ai biết mình cả.” Mười bảy năm trước những em bé học
sinh này chưa ra đời… Tôi ăn cơm rượu của bà hàng rong vừa gánh tới. Lát sau
tôi lại ăn bánh su sê, bánh hỏi của một chị hàng rong khác! Có biết bao nhiêu
người đi lên, đi xuống, “nhưng không thấy ai quen cả”… Xưa kia tôi và Bảo hay
đến đây ngồi chơi, thường vào ban đêm, nhất là những ngày hai đứa không còn tiền.
Dưới hàng phượng cỗi kia ngày đó có những chiếc ghế đá dài. Dưới trụ điện cạnh
bồn nước hỏng kia có những cặp tình nhân ngồi ép dính vào nhau, và những người
ăn xin nằm ngủ. “Giờ đây mình là du khách. Bảo thì không còn tăm hơi, đã bước
ra khỏi cuộc đời chẳng khác nào một mảy khói”.
Còn gì nữa? Tôi sắp xếp, tính toán… Cảnh
cũ, nhưng không còn người xưa. Nhiều chuyện của thời đó nay đã là cổ tích, đã
thành kỷ niệm. Kỷ niệm, ôn lại chúng còn có ích gì?… “Có lẽ mình sẽ đi thăm lại
chợ thị xã và bãi biển. Còn nhà chị Tình, đến chăng?”. Lúc Bảo còn sống, đó là
nơi tôi đến chơi hàng ngày.
Rồi tôi cũng làm như đã nghĩ. Hôm sau tôi
đi thăm chợ, la cà non một buổi, trong đó có hơn hai tiếng đồng hồ ngồi uống
rượu nếp với một người không quen biết. Anh này làm ăn ngay ở đây, chuyên chạy
mánh, vừa trúng được một cú lớn, đang muốn chia sẻ với mọi người niềm vui của
mình.
Chợ mới xây cất lại cách đây ba năm,
khang trang, sạch sẽ.
Tôi ngồi uống bên người đàn ông cười nói
huyên thuyên như anh chàng mất trí; giữa những người lạ, toàn người lạ, đi lại
nườm nượp.
Chợ hồi trước vô cùng hỗn tạp. Giống
những chợ trời gần biên giới, như những cái chợ kỳ dị trong các phim cao bồi
Mỹ. Ở đây thường thấy những cảnh cướp giật, những vụ đánh nhau ác liệt trong
các quán nhậu. Ở đây bẩn thỉu, mùi hôi hám bao trùm khắp nơi. Và ở đây người ta
mua bán đủ thứ, từ gói thuốc lá Nam Triều Tiên, đến những chiếc lưỡi lê, những
bộ phận rời của nhiều loại súng. Một thời hỗn loạn.
Ở chợ ra tôi phân vân chưa biết sẽ làm
gì. Đi xuống biển chăng. Giờ này thăm biển không phải lúc, nắng nôi, chắc là
vắng tanh. Suy tính một lúc, tôi đến nhà chị Tình.
Nhà chị Tình nằm cuối đường Tản Đà, một
con đường nhỏ và ngắn ngủn. Hồi đó, Bảo lấy làm lý thú khi thấy con đường mang
tên nhà thơ mà anh yêu thích. Bảo nói: nếu biết được viên chức nào đặt tên cho
con đường, anh sẽ ôm hôn và đãi một chầu nhậu tới tay.
Đường Tản Đà vẫn nhỏ, nhưng sáng sủa hơn
trước. Hai hàng me bên đường đẹp, cao vút, thế chỗ cho mấy cây trứng cá thấp
tè. Có nhiều nhà mới… Đã mười bảy năm qua, ít gì.
Trong trí nhớ của tôi căn nhà chị Tình là
một nhà tôn nhỏ. Nhưng nay nó không còn nữa, đã biến thành ngôi nhà gạch, tuy
không lớn lắm, nhưng đẹp, gọn ghẽ. Và chị Tình cũng không còn nữa. Chị đã chết
khá lâu. Ngồi nói chuyện với Giang, – con trai út của chị – tôi cố nhớ lại dáng
dấp người đàn bà suốt đời lận đận, nhọc nhằn.
Nay những người con lớn của chị đã ra ở
riêng. Chỉ còn Giang chưa có vợ. Anh Tình buôn bán đường dài, đi vòng quanh Gia
Lai, Đắc Lắc, Lâm Đồng, Nghĩa Bình. Mức sống gia đình anh cao hơn trước nhiều.
Sau đó, để tiêu cho hết buổi chiều, tôi
tạt vào các hiệu sách, các quán cà phê. Tôi loay hoay nghĩ mãi về một ý: người
thân nhất của Bảo cũng đã chết, vậy về sau trên cõi trần này còn ai nhớ đến
anh?
*
Tôi thuê một căn phòng ở tầng một khách
sạn Thái Bình. Căn phòng này có ưu điểm là mặt nhìn ra một đường phố nhỏ, yên
tĩnh. Hai phòng kế cận cũng đã có người chiếm. Đó là mấy anh chàng lái xe tải
lớn chạy đường dài.
Lúc tôi về đến cửa phòng thì ba người
trong bọn họ đang bày cuộc ăn uống trước hành lang. Họ nằng nặc mời tôi nhập
bọn bằng tất cả vẻ chân thành như đối với người thân. Không có lý do từ chối,
và cũng không muốn vội vào giường nằm khoèo một mình, tôi ngồi xuống với họ.
“Mấy tay này có vẻ thực thà, vui vẻ, đúng là dân Nam ruột ngựa”. Họ tự giới
thiệu: anh chàng cao lớn có tí râu mép là Út Bảy. Anh chàng cao và đen sạm là
Tâm. Và người mặt tái mét, ngồi dựa vào tường, mắt nhắm rịt là Của.
“Ngồi xuống đây, ông anh, nhăm nhi với
bọn em vài ly… Phải ngủ khách sạn, vậy chắc anh không phải người ở vùng này?
Còn bọn em ở Tiền Giang ra, đã lâu lắm nay mới ghé đây… Từ những phương trời xa
tới đây, nhưng hiện giờ ở sát nách nhau, nên chúng mình là hàng xóm.”
“Coi như hàng xóm”, anh chàng Của chỉnh.
“… Và ông anh ở một mình vậy chắc là dân
độc thân?”
“Coi như độc thân. Khi về nhà vẫn có vợ
con đủ bộ!”
“Tại sao chúng ta không kết làm anh em,
không thân thiết nhau… Anh Hai nghĩ xem. Sau này, khi chúng em trở lại đây thì
chưa chắc gặp được anh. Lúc khác anh Hai ghé lại, thì hẳn không có tụi này.”
“Nói tóm gọn, có thể chúng ta chỉ gặp
nhau một lần trong đời, như nước chảy qua cầu!”
“Này, hơi cải lương rồi, nhưng cũng gần
đúng thế đó… Em không cần nhờ cậy, lấy lòng, nhưng vẫn mời ông anh uống, chơi
đẹp chính ở chỗ ấy… Chúng em ở Tiền Giang… mai đây… nào, thêm ly nữa. Mực này
ngọt lịm, phải không. Mực Sài Gòn thua xa. Mai đây chúng em sẽ tỉnh queo, lại
lên đường, phóng đẹp trăm cây số giờ!”
“Châm thêm vào đây. Tới luôn, bác tài!…
Tụi này cứng lắm, sáng ra là lại đàng hoàng. Cam đoan với anh…”
Ánh điện trắng nhợt trong phòng hắt ra
vẫn không làm mặt hai người bớt đỏ. Họ nói lớn, giành nhau nói, nhiều lúc vừa
đặt câu hỏi vừa tự trả lời.
“Tối nay mát mẻ, hiếm có đấy, và trời đêm
cũng đẹp.” Tôi nói.
Tâm gật gù:
“Và thành phố này đẹp quá, anh Hai thấy
không. Có lẽ em yêu nó rồi. Nó đẹp hơn Quảng Ngãi, Quy Nhơn.”
“Hơn luôn Phan Rang, Phan Thiết” Út bảy
nói “Dường như chẳng phải là đẹp, chú bé ạ, nó xinh xắn, ấm áp.”
“Nó khiến ta dễ quen thân, và nó sạch sẽ…
Có lẽ sạch thế là nhờ gió biển?”
Tôi vỗ vai hai anh bạn mới, khen ngợi:
“Các chú em nhận xét tinh tế lắm. Đã có
một thời tôi yêu thương thành phố này thắm thiết. Nó nhỏ nhắn, dễ thương, như
một cô gái tuy không đẹp rực rỡ nhưng duyên dáng, mặn mà.”
“Mặn mà, có duyên!” Út bảy la lên, và
chồm dậy rót thêm bia vào ly tôi “Uống mừng đại huynh, và mừng thành phố duyên
dáng, nhỏ bé của chúng mình!”
Mặc dù không hứng khởi mấy nhưng chỉ chốc
lát tôi đã nốc cạn ly bia. Ở bên ba tay lái xe này chẳng có vật gì hạng nhì cả.
Quần áo, giày dép, đồng hồ, bia rượu, thuốc lá, tất cả đều hàng ngoại. Bia hảo
hạng, món nhắm tuyệt ngon.
Tâm nói:
“Từ nhỏ đến nay em chỉ say chết có một
lần. Em sẽ kể anh Hai nghe. Hồi đó, còn ở Vĩnh Long, em kết được một cô bé. Cô
ta tên Nhỏ. Cái tên khá quê, nhưng người xinh ác. Hai đứa quen nhau non hai
năm. Bỗng đùng một cái, Nhỏ bỏ đi lấy chồng… Hai hôm trước ngày cưới, Nhỏ ở
suốt bên em. Cô nàng khóc, cha ơi là khóc… Nhỏ bứt tóc, trách em hờ hững, không
cố sức bảo vệ mối tình. Cô ấy còn bảo hai đứa hãy trốn đi, đi xa, tới một nơi
nào đó để sống với nhau tới già! Em điên đầu. Nhưng đi đâu kia chớ. Rồi ăn ở
thế nào, làm gì để sống. Những việc đó có vẻ tầm thường quá, nhưng tới lúc nó
hiện ra trước mặt, bắt mình phải nhìn kỹ thì thấy cũng khó, gay go…”
“Thế rồi sao?”
“Không sao cả! Rồi, như trong các bài ca
ta vẫn thường nghe ấy: đám cưới diễn ra, pháo nổ, xe hoa. Nhỏ lên xe hoa, còn
em thì vào quán nhậu. Em uống lu bù suốt ngày. Mãi tới khuya em mới về, nhưng
về không đến nhà. Lọ mọ thế nào em lại lăn kềnh ra ngủ giữa đường nhựa, suýt bị
một chiếc xe tải mù, (xe chẳng có một cái đèn nào) cán bẹp.”
“Cạn ly, đại huynh.”
“Cũng buồn như các chuyện tình buồn
khác.”
Chưa khuya lắm nhưng dưới đường phố đã
yên vắng. Thỉnh thoảng mới nghe tiếng vài chiếc xe gắn máy chạy vụt qua, tiếng
nói chuyện ngắt quãng của những bộ hành lẻ tẻ.
“… Lúc ấy em cũng tưởng Nhỏ phải lấy
chồng vì bị mẹ ép buộc, như lời nàng nói. Nhưng về sau hiểu ra, không phải vậy.
Đúng như các bậc bô lão nói, cùng trang lứa nhưng con gái bao giờ cũng khôn sớm
hơn con trai. Chính thế, Nhỏ đã biết đắn đo, suy xét. Nếu cô nàng dại dột bám
lấy em thì chắc hai đứa đã cùng treo mõm. Cha mẹ em thì làm sáng ăn chiều. Còn
em vừa hai mốt, khờ khạo, chưa có nghề ngỗng gì… Buồn lắm, tủi thân nữa, mụ cả
người, đến hơn năm em mới khuây được… Có một dạo em cứ lẩn thẩn nghĩ: không
biết trong số nước mắt Nhỏ khóc hai ngày đó, có bao giọt đã nhỏ xuống vì thực
lòng, còn bao giọt chỉ để làm dáng, tô điểm cho cuộc tình?… Nhưng đến nay, lạ
làm sao, toàn bộ cái chuyện to lớn ấy nhòa trắng mất rồi. Nhiều lúc nhớ lại
mình cứ ngỡ đó là một câu chuyện trong sách, hoặc chuyện tình của ai khác. Nó
lùi xa, lẩn sâu vào đầu mình, hay đã biến thành kỷ niệm.”
“Nó chính là kỷ niệm” tôi nói “Đó là tuổi
trẻ, thời kỳ hoa mộng của mỗi con người… Nhiều lúc nét mặt nó còn ngớ ngẩn,
buồn cười, nhưng chắc chắn chúng ta sẽ nhớ mãi.”
Út Bảy rót đầy bia vào ly cho cả ba, (Của
thì vẫn chết ngồi) và nâng ly lên ngang mặt:
“Chúng ta uống mừng cho cái kỷ niệm còn
sống ấy của Tâm.”
“Có những kỷ niệm mỗi khi nhớ lại người
ta bồi hồi, vui sướng. Và có những kỷ niệm chỉ gợi nhớ hàng núi đau buồn!” Tôi
nói như một nhà thơ ngất ngưởng.
“Chí lý, anh Hai!” Tâm vỗ độp vai tôi.
Tôi ực cạn ly thứ năm.
“Dù nói cách nào, dù nhìn bằng con mắt
nào thì những điều đó cũng thắm đượm nhiều vẻ tươi đẹp, sinh động, mà nay giá
như có chục ký lô vàng, ta cũng không thể nào mua được”. Tôi nói.
“Hoan hô, cực chí lý!” Tâm khen “Nhiều
lúc em cũng nghĩ như thế, nhưng chẳng biết nên nói ra thế nào cho xuôi.”
Nghe rõ hơi men bốc lên đầu, lên mắt, tôi
tán khá lớn tiếng.
“Cùng với những hàng me hàng bàng trên
đường đến trường ngày trước, cùng với tiếng rao của những em bé bán bánh mì ban
đêm, cùng với những cuộc rong chơi với bạn bè trong các ngày nghỉ, những kỷ
niệm ấy lặng lẽ chui vào óc mình, nằm yên trong một góc nào đó.”
“Uống hết ga đi, anh Hai. Không biết ăn
chơi thiệt thòi lắm đó. Đời người nào có dài mấy nỗi, chỉ vài chục năm.”
“Sáu mươi đã được coi là già, mà nay mình
đã hơn phân nửa, còn đại huynh?”
“Tôi bốn hai”
“Thấy chưa. Trong khi ấy có những đại thụ
hàng ngàn, những đền đài hàng vạn tuổi.”
“Có những con sông, những khối đá đã sống
hàng triệu năm.”
Có thể gọi đây là những triết lý rượu,
mình đã nghe quá nhiều. Nhưng không sao, cứ nói. Nếu nó nhạt thì nghe cũng đỡ buồn.
Nếu có phần đúng thì nên lặp lại để nhớ. Hơn nữa, chả lẽ lặng thinh như uống
vụng.
Im lặng vài phút, rồi Út Bảy nói:
“Tốp, thôi không nên nói nhiều mấy chuyện
xa xôi đó, có thể khiến đại huynh lo sợ, ông chỉ còn hai chục năm nữa!”
“Vậy mà người ta rình rập, tranh đoạt của
nhau từng đồng, hơn thua nhau từng lời nói.”
Còn Bảo thì thiệt mạng chỉ vì mấy thằng
khốn tranh nhau những cái liếc mắt kịch, những nụ cười vờ.
Cảm thấy người váng vất, sợ mình say tôi
che miệng ly không cho Út Bảy rót thêm:
“Các bạn cho tôi nghỉ, mệt và buồn quá.”
“Vì sao buồn, chúng em nói gì thất lễ với
đại huynh chăng?”
“Không đâu. Chả hiểu sao bỗng nhiên tôi
lại nhớ người bạn thân đã mất cách đây gần hai mươi năm. Anh ấy sinh ra và lớn
lên ở thành phố này. Rồi anh đã chết giữa thời trai trẻ, không còn ai thân
thuộc trên đời, không cha mẹ, anh em, vợ con…”
“Tội nghiệp thực, như cỏ cây. Nhưng vì
buồn thì càng nên uống, đại huynh ạ… Giờ thì chúng mình nâng ly để nhớ anh bạn
trẻ côi cút đáng thương ấy.”
Út Bảy lại rót đầy ly tôi. Và dù bụng dạ
đầy lo ngại, tôi lại uống cạn ly thứ sáu!
Tôi thấy hoa mắt. Những người ngồi trước
mặt, chén đĩa, chai ly chập chờn, lúc gần lúc xa. Tâm lại rót bia, và mời giọng
nhừa nhựa: “Mời anh Hai, tới luôn, anh Hai”. Tôi không muốn uống nữa. “Chết, ta
say mất rồi”. Nhưng chẳng hiểu sao, tôi vẫn đón lấy ly bia. “Điều đáng sợ là
không còn biết từ chối nữa”. Út Bảy cười lớn:
“Nếu đi chung với bọn này, thì sáu tháng
sau đại huynh sẽ thành kiện tướng…”
“Bết, nếu ta không còn đứng lên về phòng
được nữa thì khó coi quá”. Tôi thích uống, nhưng vốn không uống được nhiều. Và
tôi vẫn ghét những cuộc nhậu bét nhè, kéo rê hàng buổi… Út Bảy đứng phắt lên,
khoanh tay, nhại giọng một cậu học trò đọc bài: “Thưa thầy, rượu là một thứ
thuốc độc, nó độc hại hơn cà phê, thuốc lá… ơ, ơ… nó hủy hoại cơ thể và nhân
cách con người.”
“Sao nữa?” Tâm quát.
“… Nhưng nếu không có rượu thì cõi đời
này buồn tẻ biết bao.”
“Ngồi xuống, giỏi, thuộc như máy, chín
điểm.”
Út Bảy nhìn sát mặt tôi. Anh ta thở như
thổi lửa. Đột nhiên khuôn mặt đỏ lựng ấy nhòa đi, và tôi thấy đôi mắt, rồi cả
gương mặt Bảo hiện ra, đăm đăm nhìn tôi. Đặt ly bia xuống, tôi chồm dậy hét to:
“Bảo, Bảo ơi!”. Nhưng Bảo khoát tay: “Em đây, Út Bảy đây. Đừng lo, bọn em sẽ
đưa đại huynh về phòng… chỉ ba bước thôi mà”. Tôi muốn nói với Bảo: không rõ
hiện nay, ngoài tôi còn có ai nhớ đến anh. Diễm chăng? Không có lẽ. Cha con anh
Tình chăng? Họ chưa xa gì mấy, nhưng tình chắc nhạt rồi. Phải chi Bảo có một
đứa con. Phải chi anh có vợ, thay vì chỉ có một người tình… Tôi giụi mắt hồi
lâu. Tôi không muốn mình ngã xuống như một bợm rượu. Tôi lấy làm lạ: tại sao
mắt mình lại không còn nhìn rõ được, trong khi đầu óc vẫn tỉnh táo.
“Thôi, chúng em không ép đại huynh nữa,
em cũng đi nghỉ đây. Nhưng mà đại huynh nên nhớ cho, không ăn nhậu thiệt thòi
lớn đó… Và em thấy thế này: để cho tương lai nhẹ nhõm, chúng ta không nên chìm
đắm vào những đau buồn, nên quẳng phứt những gì không cần thiết và quẳng cả
những kỷ niệm chết tiệt, nặng… nặng nề.” Út Bảy nói, kéo dài, nuốt tiếng.
“Vứt bỏ dĩ vãng, cùng hết thảy những gì
xưa cũ đi ư?”. Tôi bóp trán, nhớ mình đã đọc ở đâu đó: “Có những kỷ niệm làm
phong phú cuộc sống, nhưng cũng có những kỷ niệm làm trì độn con người. Và, như
hai mặt của một chiếc áo, hai thứ này vẫn đi cặp kè, cùng nhau có mặt trên
đời.”
Vậy, trong kho kỷ niệm ta hiện có, những
cái nào làm phong phú cuộc sống, những cái nào làm trì độn con người? Tôi hỏi
mình, và không kịp tìm câu trả lời ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét