Ông Chín
Tưởng có một thời làm lý trưởng – hồi còn Tây – nên dân làng Nho Khánh gọi là
Xã Chín. Tuy sống giữa vùng quê cằn cỗi nhưng ông Tưởng có bốn chục mẫu ruộng,
hơn năm chục con trâu, và là chức sắc, nên nhà Xã Chín được coi như một danh
gia.
Năm đó vùng
Nho Khánh bị hạn hán trầm trọng. Ông trời như một gã trai trẻ tinh nghịch. Chỉ
cách một cánh đồng mà bên Nho Phước mưa nhiều lần, người ta nô nức trồng dưa,
gieo đỗ, gieo mè. Bên này, suốt sáu tháng Nho Khánh nắng ròng, tới giữa tháng
tám giếng trong làng vẫn khô trơ đáy, ruộng vẫn nẻ đất.
Một buổi
chiều, làng Nho Khánh đón khách lạ: một người đàn ông trạc 40 tuổi, thợ đóng
cối xay. Ông ta người miệt ngoài, ăn mặc theo lối quê mùa, quần áo vải ta đen
bạc thếch, đầu chít khăn nâu, chân đi guốc mòn vẹt. Ông nói giọng lơ lớ, pha
trộn giữa tiếng Bình Định và tiếng Quảng Ngãi. Lúc đầu nhiều người không nghe
được, cứ há miệng nhìn ông ta nói, chẳng hiểu gì, bèn gọi là ông Trọ Trẹ. Tên
này về sau mọi người vẫn dùng – như biệt danh thân mật – dù đã biết tên thực
của ông là Của, thợ Của.
Thợ Của vui
tính, thường nói đùa, hay chọc ghẹo con nít, thích kể chuyện tiếu lâm. Nhà ông
Chín Tưởng rước ông trước tiên, đặt đóng hai cối xay… Một tối, trong lúc uống
trà ngắm trăng với ông Chín, thợ Của nói:
“Khoảng bốn,
năm hôm nữa, từ rằm tới mười bảy, trời sẽ mưa to.”
Ông Chín ngó
mông ra đồng, rồi nhìn lên trời, lắc đầu:
“Có dấu hiệu
gì đâu, như thường ngày, trăng tỏ, trời cao thế kia.”
Thợ Của
cười:
“Ai cuộc gì
tôi cũng cuộc.”
Ông Chín nghiêm
giọng:
“Thiệt
không? Nếu mưa tôi sẽ đãi ông bữa rượu nếp cháo gà, còn không mưa ông mất gì?”
“Làm sao
mất. Nhưng… thôi được, nếu chưa mưa thì tôi đóng giúp ông một cối xay, không
lấy tiền.”
Ông Chín
ngoéo tay thợ Của, cười ha hả, gọi mấy người đứng gần đến làm chứng.
Hai hôm sau
trời chuyển, nắng dịu, mây sà thấp. Xế chiều ngày rằm thì trời đổ mưa, như trút
nước, như muốn gội sạch bụi bặm cho làng xóm, và cho ruộng đất uống bù một bữa
no nê.
Chưa trình
làng một cối xay nào nhưng ngay tức khắc ông Trọ Trẹ đã nổi tiếng, được xem như
một thầy bói tài giỏi. Tuy nhiên thợ Của chỉ coi đó là chuyện đùa giỡn, ông
nói: “Bà con đừng quá khen, thiệt ra lâu lâu tôi mới nói đúng vài việc. Nếu
giỏi tôi đã sống bằng nghề bói toán, làm thầy, không làm thợ như thế này” … Một
tối khác, cũng trong lúc khề khà uống trà, nói chuyện đời với chủ nhà, thợ Của
nói:
“Vợ chồng
tôi không con, không người nói dõi đã đành. Còn ông, ông có nhiều con trai
nhưng sau này chỉ còn rặt cháu gái, cũng buồn đấy.”
“Ông nói
sao?” – Ông Chín kinh ngạc, hỏi vặn.
“Ông không
có cháu trai.”
Ông Chín
đứng lên, cao giọng như phân chứng với mọi người:
“Này, thầy
Của kính mến ơi, xin thầy biết cho, hai
thằng con lớn của tôi nay đã có con đầu lòng, và đều là con trai.”
Ông Trọ Trẹ
ôn tồn:
“Thưa, tôi
chỉ nói chuyện sau này… Tôi thấy ông có khoảng hai chục đứa cháu gái.”
Ông Chín nín
lặng, có vẻ sợ.
“Tôi với ông
còn có một điểm giống nhau nữa: lúc lìa đời không nằm trong nhà, lại ở ngoài
đường, hay ngoài chợ, ngoài đồng, gọi chung là chết đường. Cách chết đó trời
dành cho những kẻ bất hạnh… chúng ta, không ruột thịt bà con, mỗi người một
phương, mà giống nhau nhiều thứ, kể cũng lạ.”
Rít một hơi
thuốc, thợ Của tiếp:
“Cơ trời
chẳng nên nói ra, biết vậy, nhưng tôi bất chấp, không sợ. Tôi đoản mệnh. Dù
muốn hay không tôi cũng từ biệt cõi trần ô trược này vào độ tuổi trên dưới năm
mươi. Nhưng ông thì vững, thọ lắm, phải khoảng tám mươi, chỉ nhìn hai tai ông
cũng đủ biết.”
Ông Chín dẹp
ngang bữa trà, ông không muốn nghe thứ chuyện xúi quẩy như thế.
*
Cách mạng
về, ông Chín nằm trong thành phần địa chủ, ruộng đất bị sung công. Ông tiếc
của, buồn rầu, gầy rạc. Tài sản của ông còn lại ít ỏi: mấy cái nhà cổ lỗ – mái
lợp ngói âm dương, tường vách lở lói, nặng nề, tối tăm – vài đám ruộng nho nhỏ,
và mấy con trâu… Rồi bà Chín Tưởng chết. Rồi bầy trâu hao hụt nhanh chóng, vì
phải bán đi để chi tiêu, để thuốc thang chữa bệnh cho người này người kia. Đến
năm ông Chín Tưởng 72 tuổi, không còn vác cuốc ra đồng được nữa thì tất cả của
cải còn lại chỉ là mấy gian nhà cũ mốc và ba thửa ruộng nhỏ xíu. Ba người con
trai ông cựu địa chủ thất vọng, chán nản, thở dài thườn thượt, dù họ đã ra
riêng và đều giàu có. Chẳng ai muốn lãnh cái gia tài xập xệ này, không anh nào
muốn thủ từ đường. Út Quán – người em út, trực tính, thô lỗ – nói thẳng tuột,
không kiêng dè:
“Cái từ
đường này đem quẳng ra ngã ba chó cũng chẳng thèm tha!”
Hai Cử – ông
anh cả, người sâu hiểm, thực dụng, biết che giấu tính keo kiệt thật khéo – cười
nửa miệng:
“Phận sao
chịu vậy, giàu nghèo có số. Giờ đây chúng ta tính toán sao cho gọn ghẽ, để canh
tác mấy khoảnh ruộng lấy tiền giỗ chạp, và nuôi ông già.”
Ba Đặng –
ông giữa – gật gù:
“Nuôi ông
già, một vấn đề trọng đại, bức thiết, một nhiệm vụ hàng đầu.”
Ba Đặng từng
làm đội phó trong hợp tác xã nên hay dùng các từ quen thuộc của báo chí. Bản
tính ông ranh ma, nhỏ mọn, nhưng thường khoác lớp áo thực thà, xởi lởi.
“Giỗ kỵ là
một trách nhiệm không nhỏ” – Út Quán nói – “tôi đã tính kỹ, có tổng cộng mười
hai cái giỗ lớn nhỏ.”
Mới đầu họ
bàn, nên để một người ở từ đường và nuôi ông cụ, hai người kia gieo cấy mấy
thửa ruộng và phụ trách cúng giỗ, mỗi ông lãnh sáu cái giỗ… Chuyện thoạt nhìn
tưởng đơn giản, nhưng qua bảy lần họp bàn, mất toi ba buổi chiều bốn buổi tối
vẫn chưa giải quyết xong. Không ai chịu nuôi cha. Cũng không ai muốn nhận lãnh
nhiều cái giỗ. Họ đùn đẩy qua lại, so đo hơn thiệt, nói cạnh khóe, gài nhau,
mỉa mai nhau. Và tới giai đoạn “cao trào” thì họ lớn tiếng mắng chửi nhau,
chẳng kể tình nghĩa, tôn ti, anh em gì nữa… Đến lúc không khí trong nhà lắng
dịu, mát lại, Ba Đặng nói:
“Chuyện nhà
cũng như chuyện làng nước, phải lấy nguyên tắc dân chủ, công bằng làm chuẩn
mực… Ông già ăn uống chẳng đáng kể, rõ rồi, nhưng còn bệnh hoạn? Cỡ tuổi đó thì
siêng bệnh lắm! Lâu lâu ấm đầu một lần còn được, lỡ ra mỗi tháng ổng nằm ì hai
mươi ngày thì sao, ai gánh, ai đảm bảo?”
Hai Cử cười
nhạt:
“Nói khe khẽ
chớ, chú Ba, kẻo thiên hạ lại bảo con nuôi cha mẹ mà tính tới lui, cân nhắc
từng li.”
Ba Đặng cười
ruồi:
“Cảm ơn anh,
người con chí hiếu… Anh hiếu thảo lắm, nhưng tôi nhớ ít ra cũng đã bốn lần anh
không nhận ông già!”
Út Quán nói
nhẩn nha:
“Phía nào
cũng có điểm bất tiện, bất thông. Theo tôi, chỗ đáng lưu ý của ông già là tánh
tình. Ai cũng biết người già thường sanh tật. Các cụ đâu có khả ái như trẻ con…
Còn phần việc lễ nghi, cúng kính cũng có lắm điều phiền toái. Không phải ta nấu
nướng ra để ăn trong nhà. Bao nhiêu người tới dự, chật trong chật ngoài… xách
miệng đi ăn thôi, nhưng khi về nhiều người còn ngoác mồm chê bai, chỉ trích.”
Nhưng dù sao
họ cũng là anh em ruột, nên rốt cục họ đã hiểu nhau, tìm được một sự đồng tình.
Về nhà cửa và ruộng, sẽ được bán đi, tiền chia đều cho ba người. Về cúng giỗ,
họ giản lược, bỏ bớt các đám thứ yếu, bỏ đi sáu, còn giữ sáu; ba ông cùng nhận,
mỗi người hai đám, ai cúng nấy ăn. Về phần người cha thì cũng chia đều, ai cũng
được nuôi, theo kiểu xoay tròn. Tính cho cặn kẽ, cụ thể, mỗi người con sẽ nuôi
cha nửa tháng, khởi đầu từ ông Hai Cử.
*
Trong những
ngày sống giữa thái độ thờ ơ, lạnh nhạt của con cháu, những ngày trống rỗng,
buồn bã nằm bẹp dí trên giường, ông Chín Tưởng thường nhớ tới người thợ đóng
cối xay thời trước. Chắc ông Trọ Trẹ qua đời lâu rồi. Mấy mươi năm đã qua, vật
đổi sao dời… Ông Chín Tưởng khâm phục thợ Của. Nhiều chuyện ông ấy tiên đoán về
sau đã thành sự thật, đúng một cách quái lạ, đáng sợ. Hai đứa cháu trai của ông
– con của Hai Cử, Ba Đặng – đều chết, một chết bệnh năm 9 tuổi, một chết do tai
nạn xe cộ năm 10 tuổi. Giờ ông còn tất cả mười bảy đứa cháu gái. Việc đã qua
đều đúng, vậy chuyện sắp tới chắc cũng không sai? Ông vẫn nhớ rõ cái chuyện
chết đường. Nhưng ông chẳng sợ gì nữa. Chết trong nhà hay ở đâu không quan
trọng. Từ lâu ông không còn muốn sống. Chết sớm khỏe thân. Hóa ra, lắm khi sống
thọ chưa hẳn là may mắn. Ông thấy tủi cực trăm bề khi phải làm thân phận của kẻ
ở đậu, ăn nhờ… Thợ Của thấy trước nhiều chuyện, nhưng không nói cho ông rõ
những ngày cuối đời của ông là một chuỗi ngày dài chứa đầy xót xa, gian nan.
*
Việc nuôi
dưỡng diễn ra êm đẹp trong một thời gian khá lâu. Tuy là những kẻ chuộng thực
tế, sáng suốt, tính toán rành mạch chu đáo trong mọi công việc nhưng ba anh em
đều thấy đây là chuyện thuộc về lãnh vực tình cảm, khác với bán buôn, không thể
đo bằng thước, cần tế nhị, thận trọng.
“Mỗi nhà
nuôi 15 ngày”, như câu thần chú. Họ rỉ tai vợ con: “Chúng ta sẽ nuôi ông già,
luân phiên, mỗi phiên 15 ngày, nhớ lấy… nhưng phải kín tiếng, chớ để lộ ra
ngoài, thiên hạ sẽ chê cười.” Họ thỏa thuận với nhau, mỗi nhà đều sắm sẵn
giường chiếu, mùng mền, vài bộ quần áo, hộp thuốc lá, cái ấm, bình trà, cây đèn
hột vịt… dành cho ông cụ. Không nhiều nhặn gì, chẳng tốn kém mấy, ai cũng thực
hiện được ngay. Sau mỗi đợt, ông cụ được chuyển sang nhà khác, nhưng chính cụ
cũng không biết. Đám con cháu tạo cho cụ có cảm giác rằng mình đi chơi, thăm
con cái, nay đây mai đó, đổi không khí. Nhưng dần dà rồi cụ cũng nhận ra. Cụ
kêu trời, đau đớn, chán đời, muốn chết.
Đến hơn hai
năm bên ngoài mới biết. Người ta xầm xì, nhỏ to đồn đãi. Sơ hở bắt nguồn từ các
bà vợ. Bà Hai Cử nói rổn rảng, hạch xách chồng:
“Nay đã mười
chín ngày, sao không đưa ông già đi?”
“Thì từ từ,
sao bà nói lớn vậy. Có gì đâu, ông cụ ăn uống bao lăm” – ông chồng nhỏ nhẹ.
“Đây không
nói chuyện ăn… một khi đã phân chia thì phải theo đúng, ta không thua chúng nó…
ta cũng có cái đầu như chúng.”
“Tội lắm.
Chính vì có cái đầu nên ta biết nghĩ suy… Ngày trước ông cụ thương tôi nhất,
tôi được cho lên tỉnh học, các chú nó chỉ học ở trường làng.”
“Biết rồi,
nhưng người có học mà để bọn ngu dốt lấn lướt, qua mặt là khờ, nhục.”
“Nhục thì có
sẵn đấy, cả ba đều nhục.”
“Tôi thấy,
qua nhiều phiên gần đây, lần nào nhà này cũng nuôi mười tám, hai mươi ngày.”
Hai Cử rên
lên:
“Đừng nói
mấy ngày… bà ơi… đừng tính từng ngày!… Trước đây tôi u mê, lẽ ra ba anh em
phải…”
Mấy nhà hàng
xóm của Út Quán nghe bà Út hỏi chồng:
“Mãn phiên
rồi, sao chưa chở ông già qua bên anh Hai?”
Út Quán đáp,
lơ đãng:
“Mãn rồi à?”
“Nay đã mười
chín ngày, biểu bọn trẻ chở ổng đi cho đúng.”
“Chở qua chở
về không phải là đúng… bà biểu chúng nó đi.”
“Ông ấy là cha
của ông!”
“Ổng là cha
tôi, nhưng tôi chưa xứng đáng là con ổng!” – Út Quán thở dài: “Trời thương,
mình làm ăn khá giả hơn cả, lẽ ra mình phải lãnh phần nuôi nấng cha mẹ… chia
như thế này chướng mắt quá chừng.”
“Chướng làm
sao?”
“Nó có cái
gì trai trái, mang một vẻ ang ác… nó giông giống chuyện đời xưa… Lạ thực, sao
hồi đó mình lại hăng hái nhảy vào làm cái vụ chia chác.”
Bà vợ rít
lên:
“Này, ông
đừng giở quẻ!”
“Đấy là điều
tự nhiên thôi… xưa cha mẹ nuôi ta, nay ta phải phụng dưỡng các người.”
Bà vợ cười
khì:
“Tôi qua
tuổi học trò lâu rồi, ông khỏi phải dạy. Theo tôi hiểu, con là con đồng, ai
cũng con, ăn đều chia đủ… Ta quyết không chịu thiệt, không ngu dại hơn bọn họ.”
*
Hôm ấy đến
kỳ ông Chín Tưởng rời nhà Ba Đặng để sang nhà Út Quán. Ông già bệnh đã 20 ngày,
không ăn cơm được, tới bữa chỉ húp lưng bát cháo, ba ngày gần đây thì không ăn
gì. Đã ba ngày ông nằm bẹp trên giường. Nhưng lúc sáng tình cờ ông nghe bà Ba
Đặng rầy la mấy đứa con:
“Sao chưa
chở ông nội đi?”
“Nội bệnh,
để mai cũng được, má à.”
Mẹ con họ
nói nhỏ. Ông già nặng tai, nhưng có điểm kỳ lạ: khi có người nói khẽ, chậm thì
ông nghe được.
“Mấy cái mai
rồi. Nay đã hăm hai ngày, biết chưa?” – Bà mẹ đay nghiến.
“Chỉ sợ nội
ngồi xe không được… Thôi để chiều mát con chở.”
“Không hẹn
dây dưa nữa đấy, 22 ngày rồi.”
Bước đi
không vững, nhưng ông Chín Tưởng cũng gắng sức leo lên ngồi sau xe gắn máy. Xe
chạy được nửa đường, đứa cháu nghe ông kêu:
“Dừng lại,
cho nội nghỉ một chút.”
“Sao vậy
nội? Con chạy chậm đây. Nội ôm con cho chặt” – Đứa cháu ngoái lại nói.
“Để nội nghỉ
một lát… chóng mặt quá.”
Con nhỏ vội
ghé xe vào một cây me lớn bên đường. Nó đỡ ông xuống. Nhưng trong lúc loay
hoay, luống cuống, nó làm ngã cả xe lẫn người. Khi đứng lên nó thấy ông cụ nằm
thẳng đuổng như khúc gỗ, nhắm mắt, mặt trắng bệch.
“Trời ơi,
nội ơi!”
Con bé thảng
thốt, sợ hãi, cố đỡ cho ông ngồi dựa vào gốc me.
“Nội thấy
trong người ra sao?”
Ông Chín
Tưởng lắc đầu.
“Sao nội
không nói trước, để bữa khác hẵng đi!”
Ông cụ không
còn lắc đầu được nữa.
Đứa cháu đón
một người qua đường, nhắn tin về nhà. Khi Ba Đặng ra đến nơi thì ông cụ đã hôn
mê. Chỉ vài phút sau ông tắt thở. Ông chết thật nhanh, thật êm… Đứa cháu gái
chở ông đi chuyến cuối cùng là người duy nhất khóc thương ông. Không rõ nó yêu
mến ông thực lòng, hay nó hối hận vì đã làm ông ngã. Nó khóc suốt mấy ngày,
sưng húp mắt. Đây có thể coi là một điều hạnh phúc của ông Chín Tưởng, dù sao
lúc lìa trần ông cũng được một người tiếc thương ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét