Ngày sắp tàn, chợ đã thưa người. Những chị hàng xén hối hả
gánh nốt đồ đạc về nhà, mấy đống thúng sắt bị xách ngược va chạm nhau nghe rổn
rảng.
Tôi khó nhọc lê từng bước lên thềm chợ, cái lưng còng cơ hồ
càng còng thêm, mỏi từng đốt xương sống vì trọn ngày phải ngồi ròng rã.
Để cái bị gạo xuống vách tường hàng thịt, tôi thu dọn chỗ ngủ.
Chợ to nhưng chỉ có mái và nền, không có tường bao bọc như nhà. Hàng thịt là
một cái phòng hẹp, dài hút. Nó chiếm cả góc trên chợ. Vào trong, nhìn lên trông
nó giống như một cái thùng sữa, cả dài nhưng hẹp ngang, nền chợ là đáy dưới,
đáy trên chênh vênh, trống rỗng, xa lơ, phải có người mắt tốt hơn tôi mới thấy
được: thấy một khoảng mái tôn chợ với ngang dọc những cây sắt to đen đúa. Ban
ngày, người qua lại tấp nập ở bên ngoài. Bên trong, qua những ô cửa tò vò, mấy
chị bán thịt ra sức cắt xẻo mấy mình heo to đến ngán. Những ngày trời động,
hàng thịt đông khách, mấy chị bán hàng bận rộn luôn tay. Nếu một mảnh giấy được
đưa ra cho người mua, thay vì xâu thịt, người ta có thể tưởng nhầm đó là một
phòng vé trên ga xe lửa, với đám hành khách đang tranh nhau dành vé trước.
Nhưng những hôm nhiều cá, hàng thịt vắng, ba bốn chị bán hàng xích ghế lại gần
nhau tán chuyện gẫu. Các chị ngồi buồn, thỉnh thoảng quơ tay xẻo mạnh một miếng
thịt nhỏ, bỏ lên lòng bàn tay cân nhắc lại một chút rồi quăng đánh phạch xuống
đống thịt vụn. Vào những lúc ấy thằng Láng thường chơi ngổ: nó móc túi lấy một
tờ hai chục thật mới. Tới một cửa tò vò có chị bán thịt gần ngủ gục, nó giơ tờ
giấy bạc ra:
- Bán cho tôi. . .
Chị bán hàng ngồi thẳng người lên, vuốt phắt mấy sợi tóc xõa
dài trên má, tươi tỉnh:
- Bao nhiêu em?
- Chắc bốn chục. Vé đi Nha Trang, khứ hồi.Chị bán thịt đứng
bật dậy như chiếc lò xo:
- Tổ mẹ mày!
Thằng Láng phá ra cười. Nấp sau cái cột gần đấy, thẳng Rớt
cũng cười dòn, thích chí. Chị bán thịt tức giận chửi theo:
- Đồ xạo! …
Hàng thịt chính là nơi chúng tôi nhờ cậy nhiều. Ngày tản mác
nọi nơi, chiều về chúng tôi dựa lưng vào bức tường nghỉ mệt, đợi tối. Trên đầu
chúng tôi một chút là những ô cửa còn thơm mùi mỡ heo béo bở. Đêm đến, chúng
tôi mỗi người chiếm một khoảng, nhắc những chõng hàng án ngữ mặt ngoài. Nằm lọt
ở trong, dựa vào chân tường, chúng tôi yên chí tìm hơi ấm đánh một giấc đến
sáng. Mưa gió không tạt qua được hai bức tường hàng thịt, và bên ngoài căn nhà
hun hút ấy, những manh chiếu rách không bao giờ bị ướt.
Tôi mân mê túi tiền, hôm nay mùng một, dễ chừng cũng được vài
chục đồng. Trước kia, những ngày rằm, đầu tháng, mỗi đứa chúng tôi được ít ra
cũng bốn năm chục, bây giờ thì khác. Những đồng bạc cắc nhỏ nhắn đáng yêu nằm
gọn dưới đáy túi. Tôi nhớ lại những khuôn mặt có nọng của mấy bà nhà giàu, khổ
nhọc bước từng bực cấp lên chùa, có mấy đứa con đi kèm đỡ cánh tay. Tôi đưa mũ
ra: “Lạy bà, lạy cô…” Bà nhà giàu đứng lại, một đứa con gái bước tới bỏ vào nón
tôi một đồng bạc cắc tròn trịa. Tôi xá xá mấy cái đền ơn. Bà nhà giàu lên không
được mấy cấp nữa đã gặp phải vợ chồng thằng Mau, bà ta lại đứng, người con gái
lại đi tới bỏ vào cái lon kẽm hai đồng bạc cắc. Tôi nhướng mắt trông lên thấy
thằng Mau xá xá. Tay cô con gái bà nhà giàu vẫn còn những cắc bạc đáng yêu, và
từ chỗ thằng Mau lên đến sân chùa trên cao, còn ít lắm cũng đến chín mười cái
nón rách chìa ra hứng tiền kẽm, để rồi những chủ nhân của nó ngồi cạnh lại xá
lia lịa khi một cắc bạc lăn tòm vào nón!
Những đồng tiền lẻ đã nuôi sống chúng tôi bao nhiêu năm tháng.
Tôi có một cái chân ốm tong, cong lại, tôi nghe hình như nó là kết quả của
những ngọn ác phong tôi mắc phải hồi nhỏ. Bây giờ tôi phải đi xà lỉa, chân nọ
muốn đá chân kia, thằng Láng bảo rằng chân mặt muốn mắng mẹ chân trái. Thêm
vào, tôi có một con mắt bị tước quyền nhìn thấy vĩnh viễn, chỉ còn là hai mảnh
thịt giao lại, như một cái ao bị lấp đất chưa đầy hẳn. Con mắt kia thì cũng lờ
mờ, chỉ đủ để thấy các bà nhà giầu và mấy đứa con gái dễ thương như những đồng
bạc cắc.
Sau một ngày đi xin về, ngồi dựa vào tường, chúng tôi bày tiền
ra đếm. Hôm nào tôi cũng được nhiều hơn hết.
Vợ chồng thằng Mau trông tội nghiệp lắm. Thằng chồng trông
thấy nhưng không đi được, con vợ đi được lại mù tịt cả hai mắt. Nên, khi ăn
xin, thằng chồng lết trước, con vợ lần mò theo sau. Một sợi nhợ cột ngang hông
thằng chồng nối liền với cánh tay con vợ đằng sau, là sợi tơ hồng gắn bó cuộc
đời hai vợ chồng thằng ăn xin. Giữa những buổi chợ đông, vợ chồng nó len lỏi từ
hàng cá đến hàng rau, xin từng cọng cải héo đến con cá vụn. Thằng Mau lết, một
tay chống đất lấy đà, tay kia ngửa chiếc mũ rách. vợ nó theo sau, tay quờ quạng
cầm sợi chỉ, mồm hát nghêu ngao những thơ tuồng bình dân: Thoại-Khanh
Châu-Tuấn, Lâm-Sanh Xuân-Nương. Giọng thảm não của nó bị cái khối người chen
lấn ồn ào át hẳn.
Giữa chỗ tôi nằm và chỗ vợ chồng thằng Mau, ở tường hàng thịt,
là nơi ăn ngủ của Nhoi. Nó còn trẻ lắm, chưa đến ba chục tuổi. Nó què, đi không
được. Tay nó lại ốm tí teo và cong vòng, nên nó lết rất khổ sở. Mặt mày nó mốc
khính, đầu tóc lồng bồng, rối bời, che kín ót và lấp cả hai bên má. Muốn xem
mặt nó tỏ tường phải rẽ tóc ra. Nó không biết ca biết hát câu nào, nó cũng chỉ
lết và: “Lạy ông, lạy bà” như tôi.
Thân hình bọn chúng khổ não, tiều tụy như thế, nhưng chẳng
biết căn cứ trên những tiêu chuẩn nào mà các vị hảo tâm thường cho tôi nhiều
hơn tụi nó, nên tôi luôn là người giàu nhất trong bọn. Không phải người nào
cũng cho tất cả chúng tôi như các bà nhà giàu. Có ông cầm một tờ mười đồng,
nhìn qua cả bọn một lượt, ông ta đi tới thả vào nón tôi tờ bạc bố thí độc nhất
ấy, và bỏ đi thẳng. Cả bọn ngơ ngác nhìn theo. Tôi sung sướng nhét số tiền to
lớn ấy vào tận đáy túi. Những hôm như vậy, tối về thế nào vợ chồng thằng Mau
cũng bàn tán với Nhoi, và lần nào chúng nó cũng đi đến kết luận: tôi được tiền
vì tôi già, trông đáng thương hơn chúng. Tôi ngồi nghe rung đùi cười không nói.
Nhích người lên, tôi kéo đầu chiếu thẳng ra. Đặt cái bị gạo
làm gối tôi nằm xuống. Hôm nay bọn chúng về trễ, thường ngày vừa chiều là đã có
đủ mặt. Tôi hay về trước, lát sau đến thằng Nhoi, vợ chồng thằng Mau, rồi thằng
Rớt dắt cha nó. Ngoài đường đi im lặng, nhưng vừa đến nơi chúng đã nói cười om
sòm. Chiều bữa đó thằng Nhoi thấy chỗ nó nằm bỗng dưng hôm nay có một vũng nước
tràn lan. Nó bực mình chửi đổng:
- Tổ cha con mẹ nào khéo đổ nước!
Nó mượn thằng Rớt đi kiếm chổi, quét xong nó tần mẩn tìm vài
rách lau cho chóng khô. Thằng Rớt tò mò:
- Nước gì hổng biết. Nếu phải nước mắm thì khổ đa. Hôi dữ lắm.
Nó cúi xuống lấy tay quệt một chút đưa lên mũi ngửi. Nó nhăn
mặt, nhảy cỡn lên, la lớn:
- Nước đái! Con mẹ nào đau quá đái ẩu. Khai xé mây!
Thằng Nhoi vứt nhanh gói giẻ lau, chà mạnh hai tay xuống nền.
Nó ngồi bệt ra mà cười. Vợ chồng con Mau thấy cũng cười theo.
Thế là từ ngày đó, những vũng nước xuất hiện thường trên nền
chợ đều được thằng Rớt đặc biệt lưu ý. Lâu lâu thấy một vũng, nó quyết đoán:
- Vũng này của con Cheo sản xuất chớ
không ai vào. Ngồi ở chõng đây, đau quá, bỏ đi xa thì lâu. Nó lẻn vào chỗ này
nghếch lên xả lù, cũng tránh được một số cặp mắt soi mói.
Nó cười, tiếp:
- Chỉ khổ cho anh Nhoi. Bị có cái cột chắn bên ngoài, chỗ nằm
của anh thành ra kín đáo. Nếu mấy con mẹ ấy cứ đau bất thường hoài thì chỗ đó
biến thành cầu tiêu mất. Hạng con Cheo phốp pháp như vậy hèn chi đái nhiều.
Nó lúc lắc đầu, ngẫm nghĩ, buông một câu triết thòng, lẩm cẩm:
- Con người nhà giàu ăn uống sang trọng, cá mắm dồi dào, ỉa
thúi hạng nhứt, đái cũng thiệt là khai.
Sau đó thằng Láng ra chơi, Rớt thuật lại chuyện mấy vũng nước.
Nghe xong, thằng Láng vội đi tìm một viên phấn, nó viết khắp mấy cột trong chợ
và ở bức tường hàng thịt: “Con Cheo đái ẩu nhứt chợ này.”
Chắc là nhờ vậy, nên lâu nay không thấy những vũng nước đáng
để ý ấy xuất hiện nữa. Nhoi biết ơn thằng Láng, trầm trồ khen và thường nhắc
lại chuyện đó. Láng sung sướng tiếp nhận lời khen tặng và đáp lại một cách rất
ư lịch sự. Những lúc như thế, thấy nó đáng yêu hơn là đáng ghét, vẻ nghịch ngợm
hơi quá lố và gần như lỗ mãng đã biến mất khỏi người nó, trong tiếng nói, cái
cười. Nó vốn tinh nghịch nhưng gương mặt nó nhiều lúc lại buồn và khó đăm đăm.
Cha nó chết, mới đây. Mẹ nó đem về một ông chồng khác. Nó ghét ông này, ghét mẹ
nó, ghét cái nhà, thương cái bàn thờ, chỉ trong mấy tháng nữa, chờ ngày dẹp đi,
đã phải chứng kiến cảnh người đàn bà thân yêu âu yếm với kẻ khác hàng ngày,
cạnh đó.
Bữa kia, đi chơi về, ban ngày, bước vào nhà, nó gặp hai người
trên giường. Nó thấy mắc cở, mà lạ mắt.
Mấy hôm sau nó về nhà, mẹ nó gắt gỏng, hạch xách:
- Mấy ngày nay thằng nào, con nào chứa mày, hở thằng ôn kia?
- Không có ai chứa hết.
- Vậy mày ăn cứt à?
- Tui lớn rồi, tui làm tui ăn.
Thằng Láng chạy ra sân vì bà mẹ vừa nhảy xuống giường:
- A, thằng này giỏi thật! Mày leo lẻo. Mày ỷ làm ăn được mày
một hai lại với tao. Từ nhỏ đến giờ ai nuôi mày hở? Quỉ sứ!
Thằng Láng nắm cánh cửa ngõ:
- Cha tui nuổi tui, bà không có nuôi. Cha tui chết đi để tiền
lại, tui cũng ăn chưa hết tiền ấy nữa. Bà cho lão gì đó hưởng…
Nó giận run lên:
- … Rồi bà tìm cách tống tui đi. Ở đây ai cũng biết.
Nó lách qua cửa, chạy ra đường.
- Thiên địa ơi! …
Bà mẹ nhảy ra sân la lên.
- Hết ngõ nói rồi. Ông con tinh ơi! Ông mà vô đây thì tao xé
xác ra. Tao biết như thế này thì tao đã bóp mũi mày hồi nhỏ, uổng tiêu uổng
nghệ! …
Bà mẹ la lối và tuyên bố từ nó. Nó cũng tuyên bố không sợ bị
mẹ từ!
Thằng nhỏ lâm vào đời lãng tử con con. Cái khổ người đen đủi,
khằn cứng như đứa bé mười hai của nó thấy như nhỏ và đen thêm vì nhiều bữa đã
phải nhịn đói. Nó cũng về nhà nhưng một đôi khi, những lúc đói quá, nó lẻn về,
xuống bếp cuỗm cả nồi cơm. Nó làm đủ nghề vặt vãnh. Nhiều hôm nó đã dắt cha
thằng Rớt đi xin, vì thằng Rớt bịnh, để chiều về lãnh nửa số tiền xin được. Tối
nó ở lại chợ ngủ chung với tôi, với thằng Nhoi, thằng Rớt. Để những đêm tối
trời lại được làm ma chộ kẻ yếu vía. Mấy đêm trăng sáng bọn tôi tụ lại nói
chuyện đời, chuyện mình. Con Mau ho bài chòi, cũng vẫn những bài ban ngày dùng
để sinh nhai với cái giọng não nề. Nhưng ban đêm tiếng nó thanh, hay mà không
buồn. Thằng Láng cũng đâm ra ưa hò hát. Nó ngồi đánh nhịp. Lúc thích chí, nó
hò:
- “Thoại Khanh (ư…) dắt
mẹ qua sông.
Cho mẹ uống nước (ừ)
phình hông (mới) dẫn mẹ (ự) về.
- Thoại Khanh dắt mẹ
qua đèo,
Bẻ roi quất đít (ứ)
biểu mẹ trèo (mau… ứ) cho mau.”
Con Mau la:
- Người ta có lòng hiếu đạo, cảm thấu đến trời. Đừng nói như
vậy mang tội chết, em.
Thằng Láng phục thiện lúc đó, vài hôm sau, hứng, nó lại:
- “Thoại Khanh… ứ… ư…
Cho mẹ uống nước…”
Nó đã không sợ mẹ, nó cũng không sợ mang tội với trời.
… Trời sập tối. Thằng Nhoi lọc xọc lết về, vợ chồng Mau đã đến
thềm chợ, con vợ mắt ngó lơ láo lên trời, tay nâng thằng chồng qua khỏi mấy bực
cấp.
- Ngày nay được mấy
chục, chú? Nhoi hỏi.
Tôi trả lời:
- Được mười tám đồng,
em.
- Cháu mười ba.
Con Mau tới, nghe, nó cười buồn:
- Tui được hơn chú Nhoi
hai đồng.
Nó ngồi xuống ngó về phía tôi;
- Tụi tui gặp con
Thung. Nó theo chuyến xe lửa trưa bán bánh, đi ra. Nó nói cha thằng Rớt bịnh,
thằng Rớt biểu tại ổng buồn quá, nhớ tụi mình. Trong đó kiếm được cũng không
hơn gì ngoài này.
Nó nghỉ một lát:
- Thằng Rớt nói, phải
biết như vậy không đi làm chi. Ở ngoài này ít nhiều cũng có bầu có bạn.
Im lặng lâu. Tôi nhớ tới thằng Rớt và cha nó. Ông đã ăn xin
mấy chục năm qua và cũng đã bỏ làng xóm ra đi từng ấy năm, nhưng ông vẫn còn
nhớ thương đất tổ. Những ngày xin được đủ ăn, no lòng, vui, ông thường đem
chuyện ngày xưa ở quê nhà ra kể. Làng ông có cái đình đổ nát vì bị Tây thả bom.
Cánh đồng khô cứng, ăn nước trời, mỗi năm một mùa, năm được ăn, năm không. Có
một người đàn bà ở đầu xóm đi tự tử hoài mà không chết. Vì một lần mới nhảy
xuống biển và bước ra được tới mực nước đến cổ, thì bà ta chợt nhớ mình đã mang
theo mấy chục bạc, bỏ trong túi. Sợ … ướt rách mất bà trở lên bờ, cầm tiền về
nhà cho con, và sau đó… lạnh quá nên không xuống nữa! Lần khác, tức ông chồng
cứ cờ bạc mãi, can mấy chẳng được, bà khóc lóc bà chạy lên đường xe lửa tự tử.
Bà ta nằm xuống đường rầy, ngửa cổ ra chờ chết. Nhưng lát sau, đoàn tàu sầm sập
chạy đến, cái đầu máy hùng hổ phun ra từng cụm khói đen nghịt. Khiếp quá! Bà vợ
nhỏm dậy chạy miết ra xa đứng ngó. Cái đầu tàu to gớm, cổ người đàn bà chắc
chịu không nổi. Thôi nhịn đi là hơn!
Ông nhắc lại “trường hợp” ra đời của thằng Rớt. Vợ ông đẻ
nhanh lắm. Hồi có mang thằng Rớt, ông chưa mù nhưng cũng đã nghèo, vì nghèo nên
bà vợ phải đi làm luôn, gần ngày sanh cũng không được nghỉ. Bữa đó, bà đi mót
lúa. Ra đồng mới một lát bỗng thấy trong người khó chịu, rồi đau bụng ngầm
ngầm, và… thằng nhỏ lọt ra. Luống cuống bà bọc nó vào vạt áo dài, nơi bỏ lúa
lượm được, lấy lưỡi hái phứt cuống nhau thằng nhỏ. Xong bà lễ mễ mang nó về
nhà. Thấy vậy ông la trời la đất. Tính ra thằng Rớt đẻ thiếu một tháng…
Ông kể say sưa, nét mặt tươi, vui sướng như được sống lại
quãng ngày xưa. Chúng tôi ngồi nghe, cười bà mẹ thằng Rớt đẻ mau như gà , và
người đàn bà tự tử hoài không chết.
Nhoi mở gói lấy cơm ra ăn, tôi dồn tiền vào một cái túi nhỏ,
giấu trong bị gạo. Thằng Mau bỗng nói:
- Lạ quá…
- Cái gì? Con vợ hỏi.
- Chú hai với thằng Rớt
đi mình vẫn nhận được tin tức đều đều. Còn thằng Láng…
Nhoi nuốt trôi miếng cơm khô, góp:
- Ờ nó lưu linh lưu
đại, đời nào chịu ở gần đây, chắc đã đi xa lắm.
Yên tĩnh hoàn toàn. Chúng tôi nằm xuống, mỗi người theo đuổi ý
nghĩ riêng. Lâu lâu lại nghe thằng Mau thở ra, thằng Nhoi thở ra. Trên cổng chợ
có tiếng người rầm rì. Chắc đã đến giờ đóng cửa, canh gác. Từ lâu nay, đêm về
cái chợ bị cô lập. Cồng chính vào chợ người ta đóng cho nó hai cánh cửa rất
lớn, bằng thép gai đan vào nhau. Tối, hai cánh cửa ấy khép lại, một con chó nhỏ
cũng không chun lọt. Mấy lối kia đều có thanh niên võ trang canh gác. Thời thế
khó khăn, cả đêm lẫn ngày tiếng súng nổ ầm ầm, vọng lại nghe rõ mồn một. Tối
lại, cái chợ bị phong tỏa bít bùng như một cái rọ heo. Những cặp nhân tình không
còn chỗ để hò hẹn, dù bấy lâu trời đêm luôn luôn tối. Bên hàng thịt, chúng tôi
buồn. Thằng Láng đi trước, nó đi đâu không rõ. Cha con thằng Rớt đi sau, tìm
chỗ sinh sống. Trẻ nhỏ vui vẻ, sống động hơn người lớn. Thằng Láng, thằng Rớt
không còn, bọn già buồn ngơ. Con Mau không biểu diễn bài chòi vì chẳng thấy
hứng thích. Hôm kia chỗ thằng Nhoi nằm lại xuất hiện một vũng nước, nó dời qua
chỗ khác chả buồn quét, chắc đó là nước tiểu của con Cheo. Những ngày vui xưa
giờ đây chỉ còn như những ngày êm đẹp trong tuần trăng mật xa xôi để đôi vợ
chồng đầu bạc nhìn nhau nghĩ lại mà tưởng nhớ.
Một con mèo trên tường hàng thịt nhảy phóc xuống, nom tới bên
cái chõng hàng, nó bước từng bước nhẹ, thấy giống bộ thằng Láng, mấy tháng
trước vẫn thường len lén men theo mấy chõng tre như thế, để rình xem những đôi
nhân tình ghì nhau trên nền chợ. Chợt có một giọng hát cất lên, tôi nhỏm người
dậy nghe, không phải con Mua hô bài chòi. Tiếng một người đàn bà ru con ở đâu
đây vẳng đến, như tiếng súng vẫn thường nổ ầm ì nơi nào xa xăm, theo gió mây
bay vào đây, vào những chiều xẩm tối ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét