Thức gặp Hiền Chi trong một hiệu sách lớn
trên đường Hàm Nghi – Quận I – Sài Gòn, vào một chiều cuối tháng Giêng năm
1975, ba tháng trước ngày giải phóng.
Dạo đó Thức theo một anh bạn thân đi buôn
bán vụn vặt, làm những “phi vụ” nhỏ trên tuyến Nha Trang – Ban Mê Thuột – Sài
Gòn. Làm ăn kiểu này không ổn định, lời lãi ít, bấp bênh… Chiều ấy nhàn rỗi,
sau khi ngồi mòn ghế của hai quán cà phê, Thức dạo một vòng quanh chợ Bến
Thành; rồi băng qua bùng binh, sang Trần Hưng Đạo, Hàm Nghi. Đi không chủ định,
không tính sẽ tới đâu. Khi bước vào hiệu sách Thức chưa nghĩ vào mua gì, và
cũng không ngờ sẽ được gặp người mà vài chục năm sau mình vẫn còn nhớ.
Hiền Chi làm quen trước. Cô nàng chọn một
cuốn sách, đưa ra hỏi Thức: “Anh đọc truyện này chưa? Ông nhà văn này người
nước nào?” Nói qua nói lại, thế là quen nhau. Dễ dàng. Nhanh và mạnh như điện.
Thức mời bạn mới đi uống sinh tố. Ngồi bên nhau hai tiếng đã biết khá nhiều về
nhau. Hiền Chi chuyện trò vui vẻ, dễ thương. Ban đầu Thức tưởng đây là con “bò
lạc”, nhưng về sau biết không phải. Chi trẻ trung, nước da hơi sậm, gương mặt
đẹp, thanh tú. Nàng mới nghỉ học hai năm, nay buôn bán rau quả, nhà ở khu Khánh
Hội, đường Hoàng Diệu, quận 4. Cha Chi mất đã lâu, còn mẹ, anh chị em hơi đông.
Chi nói, nếu Thức muốn, ít lâu nữa nàng sẽ đưa anh về nhà chơi cho biết. Rồi
chia tay, sau khi hẹn sẽ gặp lại nhau vào 5 giờ chiều hôm sau.
Hiền Chi sống theo lối mới, mạnh mẽ,
phóng túng, thấy “đối tượng” hợp nhãn là kết, xáp vào… Lần gặp thứ nhì, đôi bạn
đến rạp Nguyễn Văn Hảo xem một suất cải lương. Sau đó ăn cơm tối trong một tiệm
nhỏ kế ga xe lửa, rồi dìu nhau vào khách sạn. Cái nhà ngủ này nằm trên đường
Calmette, gần hiệu sách hai người gặp nhau hôm trước. Nó đã lên lão, như một
hang chuột lắm ngóc ngách, tường lem luốc, giường nệm bẩn thỉu. Nhưng không hề
gì. Đôi tình nhân chẳng quan tâm nhiều đến cảnh vật xung quanh… Trong ba buổi
chiều tiếp sau, anh chị lại đến đây, tâm sự, ngủ nghỉ, đắm đuối, mê mệt, quên
trời đất! Nếu nhìn thấy cảnh này chắc cô giáo Xuân Hà chết giấc! (Xuân Hà là
người yêu của Thức).
*
Hiền Chi theo Thức về Nha Trang, làm
chuyến du lịch xa đầu tiên trong đời. Nhà Thức ở miệt quê, cách thành phố non
một giờ xe đò. Nhưng anh không thể đưa Hiền Chi về đó. Biết nói với mẹ anh thế
nào. Cũng như những người lớn tuổi khác, chắc bà không ưa các trò lăng nhăng
kiểu này. Xuân Hà đã đến nhà Thức nhiều lần, mẹ Thức rất mến nàng.
Do túi tiền eo hẹp, anh chị tới trọ tại
khách sạn Lạc Cảnh, cạnh ga xe lửa Nha Trang. Mang cái tên khá thơ, nhưng Lạc
Cảnh nhỏ, cũ xấu, tồi tàn.
Hai người đi thăm nhiều thắng cảnh. Đến
đâu Hiền Chi cũng thích, không tiếc lời khen ngợi. Chi say mê núi và biển, vì
nàng chưa gặp hai thứ này. Trong mấy ngày ở Nha Trang, ngày nào đôi bạn cũng có
mặt ở bãi biển. “Nếu không quen anh thì còn lâu em mới biết biển và thành phố
thơ mộng này. Đến bao giờ em được trở lại đây, anh?” Chi hỏi. Cân nhắc một lúc,
Thức nói: “Năm, sáu tháng nữa rảnh việc anh sẽ báo em biết, em ra chơi.” Miệng
nói, nhưng Thức nghĩ chắc mình sẽ không giữ lời hứa. Hiền Chi nắm tay Thức:
“Anh nhớ, nhứt định em sẽ ra”. Nàng nói thực lòng, thiết tha. Nhưng, như một em
bé khờ dại, nàng không cho Thức địa chỉ rõ ràng để anh gởi thư. Thức thấy chỗ
sơ hở ấy, nhưng cố tình khỏa lấp, cho qua. Tuy bắt đầu cảm mến Hiền Chi, nhưng từ
một chỗ nào đó, một nơi sâu kín trong tâm hồn, Thức bảo mình hãy dừng lại ở
đây, không nên kéo dài cuộc tình bất chợt, lãng mạn này nữa.
Ngày cuối cùng sống với nhau anh chị
giành trọn cho biển. Trời đẹp, cảnh đẹp nhưng biển vắng người, vắng đáng ngạc nhiên.
Mấy anh xích lô chụm lại tán gẫu dưới các bụi dương. Không thấy khách du lịch
Tây. Thức mướn hai ghế bố của một chị bán dừa. Chị này chiếm một khoảng đất
nhỏ, bày ra sáu bộ bàn ghế mây thấp, bán dừa xiêm, nước ngọt và thuốc lá. Chị
tên Loan, vui tính, nói cười xởi lởi theo kiểu xã giao. Chỉ chốc lát Thức đã
biết chị có ba con, chồng miễn dịch do sức khỏe kém, đang làm thợ sửa đồng hồ.
Chị thường kín đáo ngắm trộm Hiền Chi. Chị tưởng cặp này là vợ chồng. Và Hiền
Chi nhanh miệng nhập ngay vào vai người vợ. Loan cho biết, chị có hai em trai,
một làm y tá, một thợ hàn. Nghĩa là đàn ông nhà chị không ai phải đi đánh nhau.
Chẳng hiểu chị nói thật hay nói cho có chuyện, để vui tai khách. Nếu đúng thế,
gia đình chị quá may mắn. Hiền Chi nói: “Tụi em có hai con, mấy năm qua sống
với cha mẹ, nay mua được một căn nhà nhỏ, vừa ra ở riêng cách đây nửa tháng”.
Chi bịa thêm, lúc nào nàng cũng lo lắng cho Thức. Thời loạn lạc bom đạn giăng
mắc khắp nơi, đi buôn phải qua lại thường xuyên trên vùng tranh chấp, như các quận
ở Ban Mê Thuột, có thể gặp rủi ro bất cứ lúc nào. Khi chị Loan vào ki-ốt mua
nước đá, Hiền Chi hỏi Thức:
“Em diễn giống không?”
“Hay lắm, như kịch!”
“Em đùa chút, anh đừng để ý.”
Rồi Chi tiếp, sau giây lát ngẫm nghĩ:
“Em muốn có một chuyện y như thế, để
chúng mình sống với nhau lâu lâu.”
Khá lâu không ghé lại phố biển, Thức thấy
Nha Trang chẳng thay đổi bao nhiêu. Biển vẫn như xưa. Các đường phố vẫn đông
nghẹt lính tráng. Trong sinh hoạt của người dân, hiện rõ cái dáng vẻ gấp gáp,
tạm bợ. Những tiệm buôn, những con người tất tả ngược xuôi, những hàng dương
cỗi, mấy cây dừa lỏng khỏng… Thành phố bụi bặm, thân quen và đáng thương.
“Em biết không, có người ở Nha Trang này
bốn, năm mươi năm mà chưa hề tắm biển.”
“Thiệt sao, kỳ vậy?”
“Có đấy, nhiều lắm… cũng chẳng lạ, chỉ vì
người ta không thích.”
“Lần sau ra đây em sẽ tập bơi, để tắm
biển.”
Tối hôm đó anh chị ở lì trong phòng khách
sạn, không đi dạo phố. Thức đọc cuốn truyện dịch mới mua trong một tiệm sách cũ
gần chợ Đầm. Hiền Chi nằm trên ghế dài đọc báo Điện ảnh. Những lúc mỏi mắt,
giải lao, Chi hát hoặc kể chuyện, đủ các chuyện xa gần. Nàng thuộc nhiều nhạc
tiền chiến. Thực không hỏi nhưng Hiền Chi cứ kể về gia cảnh nàng, chẳng hiểu vì
sao. Chi nói, nàng muốn lập gia đình sau 25 tuổi, và thích có một con thôi. Con
nhiều chẳng để làm gì, chỉ chuốc lấy khổ vào thân. Chi có bảy anh chị em, nhà
nàng không ngóc đầu nổi cũng vì con số 7 này. Trước kia ba Chi thường nói: “Lúc
khổ người ta kêu “Trời ơi!”, nhưng coi lại nghèo cực khốn đốn là do mình gây ra,
đâu phải do trời.” Hát chán, Hiền Chi ngâm thơ: “Áo nàng vàng anh về yêu hoa
cúc…(1)” Vui lây, Thức cũng đọc thơ. Anh đọc
bài “Màu tím hoa sim”. Hiền Chi khen:
“Giỏi quá, em cứ tưởng anh chỉ biết uống
bia.”
“Em quên rằng chúng ta đụng đầu nhau
trong nhà sách.”
Thức ôm Hiền Chi, nhìn ngắm, nhìn thật
gần gương mặt đẹp, tác phẩm tinh xảo của tạo hóa, tình cờ mình được gặp.
*
Một ngày giữa tháng 2 năm 1976 Thức gặp
tai họa. Trong một bữa nhậu với mấy người bạn cùng xóm, anh hăng hái nhảy vào
cuộc tranh cãi lẩn thẩn, về một đề tài vô bổ, không đâu vào đâu. Cuộc đấu võ
mồm giữa bốn người chuyển hướng đột ngột thành trận ẩu đả. Và, trong một phút
thiếu kiềm chế, Thức đã đập chai bia vào đầu đối phương. Cú đánh quá mạnh, anh
bạn ngã lăn ra bất tỉnh. Được đưa vào bệnh viện kịp thời, nhưng anh ta nằm ì
trong đó bốn tháng, và mất trí vĩnh viễn, do chấn thương sọ não. Thức bị truy
tố, ra tòa, bị phết cho bảy năm tù… Nếu hỏi Thức: “Xưa nay có điều gì bạn chưa
hề nghĩ đến?” Anh sẽ đáp, ấy là: “Có một ngày mình phải vào tù.” Vào tù! Bất
ngờ, kỳ quái làm sao! Thức vốn hiền, mát tính, luôn sống hòa thuận với hàng
xóm, với mọi người. Từ nhỏ đến giờ anh không tham dự một cuộc đánh đấm nào, dù
chỉ là đánh giặc giả cùng trẻ con. Thế mà, ngay lần đầu ra tay, đã lãnh đủ. Một
lần đích đáng!
Thức vào “nằm ấp” ở trại Đồng Găng, một
vùng núi rừng hẻo lánh, cách Nha Trang non ba mươi cây số về phía Tây. Nơi này
cách nhà Thức không xa, nhưng chín tháng trôi qua chẳng một ai đến thăm anh. Mẹ
Thức già, không chịu được mùi dầu xăng xe cộ. Hai em gái anh đều ở xa, cùng
túng quẫn vì đông con. Bạn bè, bà con cũng mất dạng. Trong cái phòng K5 hơn ba
mươi trại viên, Thức là người duy nhất không có thân nhân thăm nuôi. Thức không
buồn, còn thấy thoải mái là khác. Không mượn khỏi phải trả. Anh từng đọc nhiều
sách, tiếp xúc với nhiều hạng người trong xã hội, thừa hiểu thế nào là tình
đời, lòng người. Chỉ có một điều khiến lòng Thức không yên, là Xuân Hà. Nàng
cũng im lặng, biệt tăm. Lẽ nào Hà như vậy? Thức không nguôi nghĩ về Hà. Ban đầu
anh nhớ nàng như nhớ người yêu. Về sau, như nhớ một người quen, người phụ nữ
đặc biệt. Trước kia Thức nhìn Xuân Hà thế nào nhỉ? Tội nghiệp, anh đánh giá cô
ấy cao lắm, rất cao.
Những ngày chủ nhật không làm gì, những
đêm dài không ngủ được hoặc thừa ngủ – vì đi ngủ quá sớm – Thức nghĩ lan man đủ
mọi chuyện về đời, về người… Thức quen Xuân Hà khoảng bảy năm, và họ thành
người yêu của nhau đã hơn bốn năm. Hà học sư phạm ở Qui Nhơn, còn vài tháng nữa
là ra trường. Thức đã đến Qui Nhơn thăm Hà mấy lần. Anh nhớ lại cái cảm giác
vui sướng, thích thú khi ngồi ở phòng khách trường Sư phạm nhìn Xuân Hà từ trên
lầu đi xuống, nhún nhẩy như con sơn ca. Nhớ những chiều cùng Hà dạo chơi trên
bãi biển. Biển Qui Nhơn không có bờ cát đẹp, bãi tắm tốt như biển Nha Trang,
nhưng vẻ mặt nó hiền hòa, êm ả. Cũng như các cặp tình nhân khác, anh chị đã nói
vô vàn điều lơ lửng và cũng nói nhiều đến dự định mai sau, đến những ước mơ.
Nay chắc cô ấy ngại. Bảy năm, làm sao Hà chờ đợi được trong quãng thời gian dài
như thế. Hay là cô ấy không muốn bản lý lịch nhà giáo thơm tho của mình bị cái
vết đen lớn của Thức vấy bẩn? “Ai quên mình cũng được, được tuốt, nhưng Xuân
Hà… Không ngờ, vô lý biết chừng nào!”
*
Vào một chiều chủ nhật có thăm nuôi (hai
tuần thăm một lần), quãng
hơn
4 giờ, Thức được gọi ra nhà khách để gặp thân nhân. Người cảnh vệ trẻ hối thúc
anh tới tấp, vì gần mãn giờ. Thức đi như chạy, vừa đi vừa mặc áo, và nghĩ mãi
không ra kẻ đến thăm mình là ai.
Thức sửng sốt khi thấy Hiền Chi ngồi
trong nhà khách. Sắp mãn giờ thăm, khu tiếp tân đã thưa người. Hiền Chi mừng
cuống quít. Nàng bày quà bánh ra mặt bàn dã chiến. Mấy gói đường, vài hộp bánh
khô, một xoong thịt heo kho mặn, ba ổ bánh mì, hai lon thịt chà bông. Chi hỏi
han tíu tít. “Em tưởng anh ốm o, đen đúa hơn nữa kia… Hàng ngày anh ăn uống thế
nào, ngon không, no không… Các anh được đi làm ở ngoài hay bị nhốt trong phòng…
Họ có chửi mắng, đánh đập không?” . Thức nắm tay Hiền Chi, bóp nhẹ bàn tay mát
dịu thân thương. Mặt trời đã xuống khuất sau cánh rừng phía tây trại. Công lên tiếng
“tố hộ”, báo hiệu sắp hoàng hôn. Hiền Chi thích thú khi thấy những dãy bàn dài
làm bằng cây tròn, chân dày như chân rít, chôn cố định xuống nền nhà. Da Hiền
Chi xanh, dù mặt có đánh một lớp phấn. Mặt nàng nom khang khác, là lạ. Trước
kia Chi không dùng son phấn. “Em nhớ anh… em muốn ra thăm anh lâu rồi.”. Thức
hỏi nàng làm ăn ra sao, những tháng qua gia đình có gì đổi thay không, vì sao
biết anh ở đây. Nhưng, cố nhiên, Thức không nói rằng anh không nhớ Chi, đã coi
nàng thuộc về quá khứ.
Thức nói để Hiền Chi yên tâm, là nay
không còn lo âu nữa. Lúc mới vào đây đầu óc anh mụ mị, người bơ phờ bởi bị cái
tổng hợp của những cảm giác buồn rầu – lo lắng – chán nản vây bọc. Nay đã
thoáng, đã nghe thấy ít làn gió nhẹ. Anh đã bắt đầu nghĩ rằng nếu chịu khó cải tạo
tốt thì con số 7 năm sẽ được rút ngắn, anh có thể về sớm.
Hết giờ thăm nuôi. Hiền Chi dồn quà vào
một chiếc giỏ nhựa. Nàng dặn kỹ nên ăn món nào trước, và cách bảo quản thịt
rim. Nàng hỏi vớt: “người nhà có thường đến thăm anh không.” Nàng lính quính làm
rơi cái này làm ngã cái kia. Thức nhìn Hiền Chi chăm chăm, mở to mắt nhìn để
thu hình dáng nàng, in thật rõ, thật đậm vào trí mình. Và anh muốn được ôm nàng
một lúc, ôm và hôn suông thôi. Thức hỏi: “Tối nay em ở đâu?” Hiền Chi im sững,
rồi bỗng bật khóc.
Thức không ngờ nửa tháng sau Hiền Chi lại
lên thăm. Nhưng trước đó mấy hôm, anh bị sốt rét phải nằm trạm xá, nên không ra
gặp nàng được. Chi gởi vào một giỏ quà bánh, gần giống lần trước, kèm theo một
bức thư nhỏ, dài một trang giấy học trò. Chi cho biết hai tuần qua nàng ở Nha
Trang, đi lòng vòng tiêu khiển, chẳng biết làm gì, buồn thỉu. Lần này nàng lên
sớm để có rộng thì giờ, hy vọng được gặp nhau lâu hơn. “Em dậy lúc 3 giờ.
Mới 4 giờ em đã xớ rớ ở bến xe… Nay em phải về. Em đi đã lâu, không báo cho nhà
biết, chắc má sợ… Mong anh chóng mạnh, ít tháng nữa em sẽ ra thăm.” Thức
bồi hồi, muốn khóc, muốn kêu lên “Trời ơi!”. Trong nhiều đêm sau đó anh cứ mơ
thấy Hiền Chi ngồi trên xe đò. Nàng nhảy nhót, múa may, ca hát om sòm. Chiếc xe
không người lái, rộng thênh, chạy như giông như gió.
Từ ấy chủ nhật thăm nuôi nào Thức cũng
trông ngóng Hiền Chi, suốt ngày nhấp nhổm chờ phòng tiếp tân gọi tên mình.
Nhưng một trở lực nào đó đã hiện ra chặn đường, cánh chim đã bay thẳng, bằn
bặt, mất hút. Hiền Chi không đến nữa. Nằm trong trại giam thời gian rảnh rỗi
nhiều, Thức đâm ra chăm đọc thơ. Anh có một cuốn sổ dày chép nhiều bài thơ nổi
tiếng. Trên trang đầu cuốn sổ này anh viết: “Chi là cơn gió mát, nàng chỉ len
vào căn phòng ta chật hẹp, nóng bức có một lần” ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét