9 thg 9, 2011

GẶP LẠI


       Hôm đó, trên chuyến xe đò từ Cầu Đúc đến Thới Thuận – hơn 200 cây số – tình cờ Lộc ngồi cạnh chị Thủy. Ở cùng làng, hai nhà chỉ cách nhau vài trăm mét, nhưng xưa giờ Lộc chưa trò chuyện với Thủy lần nào. Thú vị, vui, nhờ chị mà quãng đường dài qua nhanh. Thủy thích nói, biết pha trò, có những nhận xét phân tích đánh giá về nhiều mặt của cuộc sống khá tinh tế. Được như thế, theo chị, nhờ sách báo. Chị đọc nhiều, “nhiều nhất xã”, thượng vàng hạ cám, mấy chục năm qua không nghỉ ngày nào… Đi đôi với nói là ăn. Mỗi lần xe dừng nghỉ, đội quân bán hàng rong ào tới, Thủy sẵn sàng mua ngay. Cốm, mè xửng, hột gà, bưởi, nho, trứng cút, thơm, măng cụt, chuối ép, táo, chôm chôm… không sót thứ nào. Chị nói:
       “Mình ăn cho vui, ủng hộ bà con nghèo… Lộc thấy đấy, họ bươn chãi kiếm sống cực nhọc lắm.”
       Chị đưa cho Lộc một túi trái cây đầy tú hụ, bảo:
       “Ăn đi, xơi hết cũng được!”
       Trong túi xách của Thủy có mấy cuốn sách, và xấp báo. Chị không giống dân quê.
       “Lộc đọc báo không?” Lộc lắc đầu:
       “Cầm tới sách, chỉ đọc vài dòng là tôi ngủ, mỏi mắt lắm.”
       Thủy có vẻ thất vọng:
       “Nhiều người như vậy, Lộc nằm trong đám đông… Cả làng ta, hơn hai ngàn người, chỉ tám chín người mua báo thôi.”
       “Người ta thích nghe nhạc, xem phim, ăn uống.”
       “Ăn nhậu, biết bao nhiêu quán… Thị trấn huyện mình nhỏ, nhưng mỗi tuần tiêu thụ ba xe hơi bia… Uống thế cũng tốt, nhưng không cân đối, cái bụng được nuông chiều, cái đầu bị xử ép!”
       Lộc ăn măng cụt, nho. Thủy ăn không ngớt, hết món này tới món khác.
       “Người  Nhật không phải Tây, dáng vóc họ chỉ nhỉnh hơn ta chút xíu, nhưng họ đá banh giỏi, viết văn hay, khoa học kỹ thuật siêu việt.”
       “Chẳng so với Nhật được, chị ạ. Đài nói, họ giàu, dân họ học đại học rất nhiều… tất cả các thành tựu đều từ cái nền học vấn ấy mà ra.”
       “Họ có những tờ báo in mỗi kỳ hơn chục triệu bản… Ta phải nhìn thấy chỗ mạnh, chỗ yếu của ta…”
       Một ông ngồi hàng ghế trước quay lại, cằn nhằn:
       “Bà chị nói nhỏ giùm,  Nhật với nhọt!… Ta đi xe đò. Các chuyện loại đó cứ để những kẻ đi máy bay lo!”
       Thủy xuýt xoa:
       “Xin lỗi anh, tôi sẽ nói khẽ.”
       Nhà Thủy giàu nhất nhì làng, chị tháo vát, biết làm nhiều nghề, kiếm tiền có vẻ dễ dàng. Chỉ có cuộc sống riêng tư của chị là xộc xệch, bất ổn. Cách đây ít lâu chị “quan hệ” lén lút với một ông hàng xóm, có vợ con, lớn hơn chị hai chục tuổi, cung cấp đề tài “thời sự” nóng sốt cho các bà các cô bàn tán. Trong lãnh vực này, xem ra sách báo chẳng giúp chị được mấy!
       Thủy đọc báo. Khoảng hơn mười phút sau, chị nói:
       “Có khi đọc hàng chục cuốn sách vẫn không ích lợi bằng biết câu này: hãy suy nghĩ kỹ những điều bạn nói, nhưng đừng nói hết những gì bạn nghĩ.”
       Lộc nhớ mang máng đã nghe câu này ở đâu đó:
       “Hình như tôi có đọc câu chị vừa nói.”
       “Trên các cuốn lịch ấy mà, người ta in đi in lại!”
       Bác tài mở nhạc, một giọng ca buồn thảm cất lên, than khóc cho các mối tình dang dở. Không còn yên tĩnh. Thủy có cơ hội nói thoải mái:
       “Thực ra, chị đọc sách chủ yếu để giải trí. Chị không để ý đến việc thu gặt ít hay nhiều trong việc đọc… Xưa kia, khi chưa có chữ viết, thiên hạ làm gì cho hết thời gian rỗi?”
       “Không rỗi đâu, họ bận rộn trong các việc tế lễ, hái trái, săn bắn, để duy trì sự sống.”
       Thủy khen:
       “Lộc giỏi đấy, chắc đúng như thế… Đâu phải người thượng cổ nào cũng u mê… Có nhiều ý tưởng, triết thuyết, đọc qua mình cứ nghĩ nó mới ra đời năm ngoái, không ngờ đã có từ thuở chúng ta còn ở trần đóng khố.”
       “Cũng như các kim tự tháp vậy mà, đã mấy ngàn năm”, ông khách ngồi ghế trước góp chuyện, chắc để khỏi phải nghe nhạc. Lát sau, ông tiếp: “Bà chị biết hơi nhiều… Phụ nữ sành như vậy sẽ… gay! Tôi dám nói, bà chị không có chồng.”
       Ông này nói lạ, chẳng lẽ phụ nữ giỏi đều không chồng cả sao?
*
       Mười sáu năm sau, vào một trưa nắng gắt, Lộc gặp lại Thủy trên một đoạn quốc lộ I vắng vẻ. Chiếc xe gắn máy của Thủy trở chứng, không chạy nữa. Chị đi quanh nó, sờ chỗ này, lắc chỗ kia. Thủy khác xưa nhiều, từ dáng người đến cách ăn mặc. Chị là Việt kiều ở Úc mới về nước.. Nắng trưa nung quãng đường nhựa sáng bóng lên, như được dội mỡ. Lộc tới giúp Thủy. Thủy nhìn anh, không nói gì. Mồ hôi chảy ròng ròng trên khuôn mặt đỏ au của chị. “Thủy quên mình rồi chăng… lẽ nào quên?” Chị phát phì, to lớn hơn trước gấp rưỡi. Cũng do mập thế, nên nét duyên dáng của chị mất đi nhiều. Lộc không rành xe cộ, máy móc, nên sau một lúc lâu loay hoay, tình hình vẫn không được cải thiện. Chiếc xe đứng ì xác ra đấy, nắng càng lúc càng dữ hơn… Từ đây đến cầu Nước Mặn bốn cây số, ở đó có tiệm sửa xe. Lộc đem chiếc xe câm và cái cuốc của mình vào giấu trong đám rừng chồi, trở ra dắt chiếc gắn máy của Thủy:
       “Ta đi, vô cầu Nước Mặn, sửa xe.”
       Thủy gật, mặt buồn xo. Lên đàng. Thủy đi chậm, ì ạch, cái mũ trắng rộng vành kéo sụp xuống trán, chiếc túi lớn mang xễ trên vai. Chị thở phì phò, như đô vật Sumo xuống sức. Lộc nhớ chuyến xe năm nọ. Không hiểu giờ Thủy làm gì, có còn đọc sách nhiều như xưa? Chỉ thấy rõ một điều, nay Thủy ít nói. Hồi đó chị nói liền liền, không để miệng nghỉ. Lộc nhớ hai cái túi nhựa lớn đầy ắp trái cây chị mua, và chị bảo: “Lộc ăn hết đi… mình mua ủng hộ bà con nghèo.” Ở nơi Thủy sống hiện giờ có người nghèo không? Chị ấy làm mặt lạ, coi như chẳng biết Lộc. Quên sao được, đâu phải con nít. Nhưng mặc kệ chị ta, cái quan trọng lúc này là quãng đường khá dài, trời lại nắng đổ lửa… Lộc nhớ, trên chuyến xe đò năm ấy, ông khách khó tính ngồi ở băng ghế trước lúc đầu cự nự Thủy nói nhiều, về sau lại cùng chị “đấu” ra rả. Thủy bảo ông ta: “Đọc, chẳng thể nhớ hết. Vậy mình tìm cách để nhớ những gì mình thích. Tốt nhất là gom, đúc chúng lại, như nấu thùng nước mía thành những tán đường… Tôi thường nhớ những cái là lạ, vui vui, như:  ngay ở nước Pháp văn minh cũng có khoảng 12 phần trăm hộ không có cuốn sách nào trong nhà (không kể sách giáo khoa.) – Chỉ vì một nhúm thằng điên cuồng, chó đẻ mà hơn 40 triệu người đã chết trong thế chiến II – Phấn đấu để trở thành người đầu tiên trên thế giới đặt chân lên đỉnh Everest? Tuyệt vời! Nhưng phấn đấu để thành người Việt Nam đầu tiên lên đó thì hơi lẩn thẩn!” Ông khách thích quá, ông ta hỏi đi hỏi lại: “Bà chị chưa chồng, phải không nào?”
*
       Đi hơn nửa đường, Thủy kêu đau chân, hai người tấp vào dưới bóng mát lùm cây bên đường nghỉ. Thủy lấy trong túi xách ra một chai nước khoáng nhỏ, mời Lộc. Chị nói, Lộc khác trước, đen quá, mất đến chục phút chị mới nhớ ra. Gần một phần năm thế kỷ, khác cũng phải!
       “Chị còn nhớ là mừng rồi.”
       Thủy cho biết, mốt chị sẽ bắt đầu chuyến đi chơi xa, trong nửa tháng, ra Mỹ Sơn, Hội An, Huế, Phong Nha, Hà Nội, thăm những nơi chị chưa biết. Thủy nhận xét, quê nhà có phát triển, mới, nhưng không nhiều. Mặt ngoài, nhà cửa đẹp, không còn nhà tranh, xe máy nhiều, nhưng đường, chợ vẫn hẹp, nhỏ, đầy rác. Mặt trong, em cháu của làng học cấp ba trở lên còn mỏng; số người ngồi đánh cờ tướng, tán phào cả ngày trong các quán vẫn còn đông.
       “Họ không lười, nhưng chẳng có công việc cho họ làm.”
       Thủy kể về cuộc đổi đời của chị. Chị qua Úc bằng con đường không chính đáng. Tại đó, chị lấy một người có hoàn cảnh tương tự như mình. Sống với nhau tròn sáu năm, có một con, anh ta bỏ chị, theo người tình mới. Nay chị sống với đứa con gái, làm nghề tự do.
       “Tiện nghi, vật chất tốt đấy, nhưng luôn bận rộn, ít khi có dịp nghỉ ngơi ba bốn ngày… Cái lận đận, xui rủi vẫn bám theo tôi. Lão chồng cũ ấy nói giỏi, làm giỏi, tướng đẹp. Do có nhiều ưu thế, nên lão ta hất mình. Đau, bên đó đa số đàn bà “đá” đàn ông!… Mà thôi, không dằn vặt nữa, mọi thứ qua đã lâu! Nhưng, nói chung, tôi không đạt được sự thảnh thơi, sướng thỏa theo như tôi tưởng hồi xưa.”
       Lộc muốn biết nay chị có chồng mới chưa, nhưng ngại, không hỏi.
       “Thời đó, tôi thích mấy câu nói về những người không có cần vẫn câu cá: bằng cấp là chiếc cần, tiền bạc là con cá. Nhiều người chẳng có cần vẫn tóm được cá. Họ bắt bằng tay, lưới, hoặc rổ rá… Người ta có thể câu được cá, kiếm được tiền bằng nhiều cách. Du lịch Úc theo kiểu đi chui là chiếc cần mạo hiểm, nhưng lúc đó trẻ, thừa nhiệt huyết, nên tôi dám “câu”.
       Thủy hỏi, nay Lộc sống thế nào, khá hơn xưa ít nhiều? Lộc kể ngắn, gọn. Thực ra, cũng chẳng có gì nhiều để nói, Thủy dư biết, chị hỏi vì xã giao thôi.
       “Ước mơ lớn nhất của anh là gì?”
       “Thằng con học đến tú tài.”
       “Còn anh và bà xã?”
       “Tôi chưa nghĩ tới.”
       Thủy cười xòa: “Ít quá, anh khiêm tốn, không lẽ chỉ cần chừng ấy.”
       Lộc lấy làm lạ, tại sao Thủy không tin… Có phải những người không đi xa, không đọc nhiều, thì thấy gần và nghĩ thấp?
       “Bên đó có người nghèo không?”
       Thủy gật: “Có chớ, ở đâu cũng có… Tôi đã đến Anh, Ý, Pháp… Nó, cái nghèo, như cỏ dại, có mặt khắp nơi.”
       Trông mặt Thủy tươi tỉnh, vui hơn lúc nãy.
       “Tiếc, trên chuyến xe đò năm nọ chị nói nhiều câu hay, nhưng nay tôi quên mất cả… Tôi nghĩ, biết rộng cũng thú… nhưng có điều này, tôi muốn nói, sợ chị giận.”
       “Ai giận sẽ chóng già, anh nói nghe!”
       “Ở bên Tây thích đấy, nhưng khi ta về già, chết đi, thì buồn quá.”
       “Anh muốn nói?”
       “Nằm ở đó đâu phải đất mình… lại nữa, nghe như họ đốt xác?”
       Thủy cười: “Tưởng gì! Nhiều người cũng nghĩ về chuyện đó… mới đầu tôi cũng lo như anh, nhưng…” Ngẫm nghĩ khá lâu, Thủy tiếp: “Suy cho cùng, trên đời đâu có gì hoàn hảo, tuyệt đối, hễ được cái này sẽ mất cái kia… trong nhiều trường hợp, ta phải nhắm mắt sống theo mọi người, theo số đông… Vấn đề anh nói, nhiều người giải quyết gọn lắm: già, họ về chết ở quê.”
       “Được quá!… không phải chỉ có một con đường trên đời.”
       Thủy lục tung chiếc túi xách, tìm thứ gì đó, không thấy.
       “Ở đây chẳng có tấm ảnh nào… tôi muốn cho anh xem mặt cháu, nó đẹp lắm!”
       Rồi chị nói, thủng thẳng:
       “Tôi không nói quậy như tôi là tốt. Có điều, anh làm tôi ngạc nhiên… Sống ở đâu cứ sống, làm nghề gì thì làm, tùy hoàn cảnh và khả năng của mình. Nhưng ta nên tập nghĩ rộng rộng, ráng nhìn ra khỏi lùm tre đầu làng, để biết mơ mộng, và nâng cái ước muốn của mình lên cao chút nữa.”
       Thủy cũng có lý. Nếu phải kể ra, Lộc sẽ nói: muốn xây cái nhà mới to đẹp, mua một chiếc gắn máy đắt tiền, được “cỡi” máy bay, được đi thăm hết thắng cảnh khắp nước… Nói chi xa, nay tuổi đã khá dày, anh vẫn chưa biết Huế và các tỉnh từ đó trở ra. Lộc không muốn bộc lộ những điều ấy, sợ chị Sumo sang trọng này cười. Chẳng hiểu sao, từ xưa đến giờ, từ sâu thẳm trong lòng, anh luôn kính nể những kẻ giàu có.
       Chiều hôm sau, Thủy đến thăm gia đình Lộc. Chị tặng vợ con Lộc hai chiếc áo ấm và một gói bánh, chắc để cảm ơn anh đã giúp sửa chiếc xe. Thủy nói, sắp tới chị sẽ mua một ngôi nhà tại thị trấn Tân Thanh. Cha mẹ chị đảm trách việc lựa chọn, mua sắm. Mai sau, già yếu, chị sẽ về. Về, không phải do sợ bị hỏa táng. An dưỡng tuổi già ở quê, đối với chị, là điều tự nhiên, đương nhiên, không có gì phải đắn đo, không cần suy nghĩ nhiều ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét