8 thg 9, 2011

CÓ và KHÔNG

  * Gởi M.T

        Nay bố nói vài điều về huyền bí, tín ngưỡng, bói toán, mê tín, tử vi, rủi may mà bố biết, hoặc đã trải qua. Bố sẽ không thêm bớt, nói xấu cho cái này, tốt cho cái kia, để con tham khảo (không giáo dục – lãnh vực này thì mỗi người một ý), để con khỏi tốn công sức làm những việc tương tự như nghiên cứu các thứ người ta đã tìm thấy từ khuya.
        Tử vi ra đời lâu rồi, có sách nói 90 năm, sách khác nói 800 năm… Hồi lính Mỹ còn ở VN, ta dễ dàng thấy trong nhật báo của họ (dày 60 – 80 trang, như cái mền) đăng tử vi thường xuyên. Nhật báo Sài Gòn cũng vậy (miền Nam lúc đó nhiều nhật báo, hơn 10 tờ.) Con vào các thư viện lớn hỏi mượn báo cũ Sài Gòn xem, sẽ thấy ngay… Tử vi được coi như trò chơi ô chữ, để phục vụ phụ nữ, thanh thiếu niên, và người già, nó chẳng có gì to lớn và mới mẻ.
        Nếu tử vi, chiêm tinh giỏi, hay thì loài người đã tránh được các loại xui rủi, chết chóc; Mỹ đã không mất hơn 40 ngàn thanh niên ở VN, và mỗi năm không chết 25 – 30 ngàn người vì tai nạn ô tô (ngay trên đất Mỹ). Nói rộng ra, nếu chúng đoán trước được sự đời thì hơn 40 triệu người (của 70 nước) đã không chết trong thế chiến II; gần 6 triệu không chết trong dịch cúm Tây Ban Nha, và vô số người đã thoát chết do thiên tai trong thế kỷ 20… Chúng nó chỉ là dạng ô chữ, cũng có lợi đấy, nhưng cốt yếu để giải trí… Báo Sài Gòn cũ nhiều tờ đăng cả hai loại: tử vi tây và tử vi ta, (ta xem tuổi theo: tý, sửu, dần, mẹo…)
        Là người trẻ, văn minh, lẽ ra con nên cho các bạn một ngày sinh (để họ mừng sinh nhật), như 22-10, hoặc các ngày dễ nhớ: 4-4, 16-6 v.v…, không cần loay hoay tìm kiếm ngày sinh thật… Rồi đây, sống lâu con sẽ thấy: vận mạng mỗi người (và mỗi nhà, mỗi nước) đều được lập trình sẵn, (ai lập trình là một vấn đề khác,) không chối bỏ được, chẳng thoát được. Nghĩ thế, nên bố không tin các thứ đạo, không cầu nguyện, vái van, (riêng chuyện cúng giỗ, cưới hỏi thuộc về tập quán, phong tục.) Tại sao vậy? Rất đơn giản: nếu cầu xin được, ai không cầu xin; thì đâu có người bị hoạn nạn, bị các loại tai họa?… Bố tin vào mình. Cứ mạnh dạn đi tới, không tránh né gì, (bởi làm sao tránh được?) … Thiên hạ than: “sinh ra, làm người sống trên cõi đời này chán quá, cực nhọc quá” nhưng ai cũng ham sống, sợ chết. Chính cái sự sợ chết (và vài nguyên do khác) khiến con người yếu hèn, mê tín… Tin vào các thế lực siêu nhiên, van xin những kẻ đã chết mấy ngàn năm phù hộ là mù quáng, phản khoa học.
        Bố tin gì? Sau những năm sống kề cái chết, hút chết vài chục lần (và thấy tận mắt hàng trăm người – dân và lính, cả hai bên – chết thảm, đủ kiểu) bố dư thì giờ để suy nghĩ, chiêm nghiệm về lẽ sống – chết của con người. Bố tin: người ta có số, (mỗi nhà, mỗi quốc gia cũng có số – ai cho số này lại là vấn đề khác,) nói cách khác là… giai do tiền định. Người xưa từng nói “Ông Thời đi khỏi, thằng giỏi cũng thua” – “Người có thời trồng lau ra lúa, người không thời trồng lúa ra lau” – “Gặp thời, một tốt cũng thành công” (Thơ Bác – Tốt là con chốt, trên bàn cờ tướng.) v.v… Chữ thời này là anh em của vận mạng, phước đức, số hên. (Tin và không tin, đan cài vào nhau, có vẻ mâu thuẫn? Trong đời, chúng ta thường gặp những tình huống không chỉ mâu thuẫn mà còn trúc trắc, phức tạp, ngoằn ngoèo.)
        “Từ 20 tuổi trở đi, ta là giáo chủ của ta, ta giáo dục ta, ta khai sáng ta, ta lớn, ta ngộ, ta thắng ta, và ta sung sướng.” (R.T)… Con đã qua tuổi 20 từ lâu. Hai mươi tám chưa già, nhưng…
        Bói toán, chiêm tinh, huyền bí, tử vi (cùng với giác quan thứ 6, thần giao cách cảm, con mắt thứ ba, ngoại cảm) là bà con gần với tôn giáo, mê tín, hủ lậu, mê muội.
        Nhiều người có học, học cao mà mê tín đậm đặc, điển hình như: ai cũng thấy, trên đường phố nhiều mô tô có bảng số 8, 9 “nút” gặp nạn, thế mà vẫn có người lo lót, chạy chọt để xin số nút “đẹp” cho xe… Âu, Mỹ ngại số 13, dân Tàu thích số 8, người Ý ghét con 17, dân quê ta sợ mùng 5, 14, 23. Các sự ghét, sợ ấy chính là mê tín, chúng bắt nguồn từ những điều rất vu vơ.
        Nếu sa đà vào chiêm tinh, tử vi con sẽ thành một Đạo Dừa mới. (Từ 1920 đến 1960, ở Nam bộ xuất hiện nhiều ông đạo. Đó là giáo chủ của những giáo phái mới. Phần lớn họ xuất thân từ thôn quê, còn trẻ, ít học – trừ ông Đạo Dừa – trong số đó các ông Huỳnh Phú Sổ,  Phạm Công Tắc khá thành công… Các đạo này là sự pha trộn của Phật giáo, Khổng giáo, và đạo thờ Tổ tiên… Ông Đạo Dừa, tên thật Nguyễn Thành Nam, kỹ sư canh nông (cách đây 70 năm bằng cấp cỡ đó rất hiếm.) Lãnh thổ của ông nằm trên Cồn Phụng. Lúc nào có dịp qua cầu Rạch Miễu (nay đang xây) con sẽ thấy cù lao ấy. Phà Rạch Miễu nối liền Mỹ Tho – Bến Tre, chạy ngang qua mũi phía đông cồn Phụng. Ở đó, thời cực thịnh (1966 – 1974) có sáu, bảy ngàn tín đồ, (hai phần ba là dân trốn lính). Trí thức, nhưng ông Đạo viết giáo lý cũng ngô nghê, buồn cười, ngữ pháp sai be bét như các đạo Hòa Hảo, Cao Đài… … Hòa Hảo – tên chính: Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, phát tích từ làng Hòa Hảo, An Giang – do ông Huỳnh Phú Sổ (tín đồ gọi: Đức Thầy) sáng lập… Giai đoạn 1949 – 1958 Hòa Hảo có quân đội riêng. Đến 1972, 1973 có viện đại học riêng – viện nằm ở đầu nam phà Vàm Cống – Nay 1,4 triệu tín đồ của nó ở rải rác trong 6 tỉnh. Đức Thầy (H.P. Sổ) qua đời (bí ẩn) lúc 30, 31 tuổi… … Cao Đài (Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, ra đời năm 1921, Tòa thánh – trụ sở chính – ở Tây Ninh) tào lao, hài hước còn hơn Hòa Hảo. Nay đạo này có 2,3 triệu tín đồ. Giáo chủ là Phạm Công Tắc, (tín đồ gọi: Đức Hộ pháp).
        Mở đầu, để thu phục lòng tin của thiên hạ, các ông đạo thường dùng phương cách chữa bệnh. Kỳ lạ, họ trị được rất nhiều bệnh chỉ bằng nước lã, rễ, lá cây, thuốc nam. Đó là sự thật hiển nhiên, không thể phủ nhận. Đó là huyền bí… Năm 1972, sau bốn ngày ở tại một làng thuộc quận Chợ Mới (An Giang), đọc hết chồng sách giáo lý Hòa Hảo, bố “thu hoạch” được nhiều điều. Bố tin: Nếu nghĩ kỹ, ta sẽ thấy H.P. Sổ: 1/ gốc gác bình dân – 2/ nổi tiếng sớm – 3/ chết yểu – 4/ chết dữ – 5/ cứu nhân độ thế, nhưng không cứu được mình
        Một câu hỏi được đặt ra: Những người chết trẻ thường không có cơ hội hiểu hết mọi lẽ về chuyện sống chết mà số phận dành cho mình, trong trường hợp của giáo chủ Hòa Hảo thì sao?
        (Con cũng nên biết vài điều về trò ma mị của giới cầm bút – đặc biệt là ngành triết – Có những việc nhỏ như móng tay, họ thổi phồng thành vấn đề lớn, gán cho chúng các thứ mặt nạ vằn vện, để nồ người đọc; lẽ ra chỉ cần 300 chữ, họ viết thành 3 cuốn sách, nhằm phục vụ lợi ích riêng, như để có một đầu sách, một văn bằng).

        … Nói vậy, nhưng bố cũng không hoàn hảo. Bố cũng có tin tưởng lơ mơ tí chút, (bố không phải thánh), như: tin cái chữ ký này hên, bố ký từ năm 17 tuổi tới nay… Bố còn một mê tín nữa: sáng nào ngủ dậy cũng cẩn thận xếp mùng mền, quần áo, đặt lên đầu giường, hơi chếch về trái. Bố tin, làm thế thì trong ngày sẽ gặp toàn điều vui. Bố giữ thói quen này đã hơn 40 năm…
        Bàn về sự may, rủi cũng rườm rà, dài dòng lắm. Có người suốt đời luôn gặp hên, có người ngược lại. Có người lúc trẻ hên, về già hay gặp xui, người khác thì ngược lại… Có khá nhiều dạng rủi, may. Lắm lúc may, rủi đan xen vào nhau, như lời một anh chàng tỉ phú da đen: “Tôi xui vì sinh ra ở Châu Phi, nhưng hên lớn khi được nằm trong số 10 tỉ phú của nước tôi.”… Theo cách của anh chàng này, con có thể nói: “Tôi xui vì sinh ra trong gia đình nghèo, nhưng hên lớn khi nằm trong số 3% thanh niên nước tôi được học đại học chính quy.”… Những người không ra trận, không chạm mặt thần chết vài lần, sẽ hiểu “chết hụt”, “điêu tàn”, “chiến tranh”, “số mạng” theo kiểu phơn phớt, như mấy ông thầy tu hiểu về “tình dục”! – Ta thường nhớ các điểm may của mình, sẽ có nghị lực để chống lại những bất trắc trên đời.
        Giải thích thế nào khi Long giúp ta nhiều tiền (hơn 40 triệu) nhưng chẳng cho dì Năm, dì Tám đồng nào? Đó là cái may của ta… Làm sao giải thích chuyện bố được đi Nha Trang học, hồi nhỏ? Thủa đó (1959) Ninh Lâm có 6 chàng thi tiểu học – Bố học 5 năm ở trường Thánh Giuse của Thiên chúa giáo, ngay tại nhà thờ lớn Vạn Giã (gần chắn Giã). Đậu xong, 5 “đứa” nghỉ luôn, chỉ còn bố xin thi vào đệ thất (lớp 6). Gia đình 5 “đứa” kia đều khá giả. Bố nghèo nhất, chưa có nhà, còn ở đậu nhà nội Bốn (mẹ cô Phin), mãi hai năm sau ông nội (Văn Tánh) mới cất được cái nhà tranh nhỏ. Được học tiếp, một may mắn lớn! (May là huyền bí cấp thấp.)
        Còn chuyện huyền bí thì vô số, nhưng rốt cục, theo ý bố, nó cũng như chuyện bói toán, ma tà, không ảnh hưởng nhiều cho người.
        Hãy nghe chuyện số 47 của bố sẽ rõ. Con số đặc biệt này xen vào đời bố nhiều lần, như: - Bố sinh năm 47 (1947) – Thời học ở Nha Trang có hai lần bố ở trọ nhà mang số 47 (1962, 1964) – Ông nội mất năm 47 tuổi (1962) – Bà nội mất khi bố 47 tuổi (1994) – Truyện ngắn đầu tiên của bố được đăng báo, trên tạp chí Văn số 47 (1965) – Người iêu đầu tiên ở nhà số 47 Lê Lợi (TV – 1971). Đây là ngẫu nhiên, hay ai đó sắp đặt?
        Còn rất nhiều bí ẩn, huyễn hoặc trên đời này, dù ta không muốn nhìn nhận, chúng vẫn có. (Chúng nhiều, và đa dạng, nên người ta gán cho chúng đủ thứ nhãn mác, trong đó có những nhãn “ăn khách” như: bất tử, phép lạ, phục sinh…) Có lẽ ta nên coi chúng như các hiện tượng lạ, để trang trí, tô điểm cho đời sống phong phú, nhiều màu sắc.
        “Để chứng tỏ mình là người mới, nhiều anh rao to: Trên trái đất này không có thời vận, rủi may, số má gì ráo! Anh nghĩ sao?” – Bố trả lời: Có thể xếp họ vào loại gàn bướng, đầu đất. Nhưng tốt hơn hết là nói: không ý kiến.
        Lớp trẻ bây giờ, vật chất đầy đủ, nếp sống bằng phẳng, khó nghĩ, suy ngẫm được gì sâu xa về đời, về kiếp người.
        Có những người học vấn chỉ cấp một, cấp hai mà tạo được sự nghiệp lừng lẫy, như: T. Edison, tác giả của nhiều phát minh lớn – C. Dickens (Anh), văn hào – A. Moravia (Ý), văn hào – R. Reagan (Mỹ, tổng thống, 1984) – J. Major (Anh, thủ tướng, 1990). Trong khi đó, hàng triệu thạc sĩ, tiến sĩ khác chìm vào biển vô danh. Lại có những giáo sư đại học ra sức “phát minh” mấy thứ lẩm cẩm, để bị trao giải thưởng Ig Nobel (là giải vui, dành cho các phát minh vô bổ.)
        Còn tín ngưỡng thì sao? – Về tôn giáo ta có thể tóm gọn trong 10 câu:
        1/ Như cỏ, các đạo giáo vừa lợi vừa hại. 2/ Ai bảo: con người chết là hết, là kẻ bất nhân. Còn nói: người ta chết rồi nhưng linh hồn vẫn sống mãi, là kẻ bất trí. (Bất nhân nghĩa là ác). 3/ Các đạo lớn là những chiếc giỏ khổng lồ chứa rác mê tín. 4/ Những bằng tiến sĩ triết học, thần học của ông ta (tu sĩ) chứng nhận ông ta là người mù loại 1. 5/ 900 triệu tín đồ của Bái Thần giáo sẽ kéo rốc lên thiên đường sáng lóa? – Cứ để họ lên! Còn ta, ta sẽ xuống địa ngục nhộn nhịp, vui vẻ với 5,2 tỉ người còn lại! 6/ Trên đời có hàng ngàn thứ đạo, nhưng không ngăn được chiến tranh, đã có hàng vạn cuộc chiến nổ ra. Rõ ràng, đạo giáo chỉ có sức nặng đối với những tội lỗi nhỏ… chúng (các đạo) là một loại cảnh sát tâm linh. 7/ Tín đồ luôn suy nghĩ, lập luận một chiều, bạc nhược: khi thành công họ ca ngợi công ơn (ảo) của các loại thần thánh, giáo chủ; khi bị thua thiệt, thất bại họ cam chịu, không dám phiền trách các vị đó. 8/ Khoảng 2 phần 3 số người chết trong thế chiến II là tín đồ của các đạo lớn, nên có thể nói: các đại giáo chủ thua Hitler nhục nhã? – Nói thế hơi quá đáng, nhưng cũng không hẳn hồ đồ! 9/ Trời không phải Chúa, Phật. Trời làm bão lụt, động đất, núi lửa, sóng thần… Phật, Chúa đi cứu trợ! 10/ Bác học A.Einstein viết: “Tôn giáo thiếu khoa học thì mù lòa.” Các đạo cũng có khoa học, nhưng là thứ khoa học lập lờ, úp úp mở mở.
        Như vậy, ta theo gì? – Ta vẫn giữ đạo thờ Tổ tiên, như xưa nay. Đây là đạo của đa số dân Việt Nam. Có thể nó không phải đạo hay nhất, văn minh nhất nhưng chính là đạo ít mê tín nhất… Nhiều người nói, phần đông dân ta theo cái đạo tài tử, không giáo chủ, không giáo lý, là do lười. Thực ra, đó là do người Việt có cái khôn tự nhiên, một thứ khôn trời cho. (8% dân ta theo Thiên chúa giáo. Khoảng 25% theo Phật giáo – tính những người thông giáo lý, biết hành lễ, có quy y.)… Nếu biết được nhận thức về tôn giáo của một người, ta có thể đánh giá chính xác về trí khôn và trình độ văn hóa của người ấy.
        Xưa nay đã có nhiều công trình nghiên cứu về tôn giáo, và những chuyện bí ẩn, nhưng gần như tất cả đều không đạt được kết quả thỏa đáng, vì ai cũng nhìn vấn đề phiến diện, người nghiêng về trái, người về phải. Có thể gọi đó là những lý giải theo phương pháp hư cấu, tưởng tượng… Có người đưa ra nhận xét, như một nghịch lý: Nếu đọc sách viết về Phật giáo do các đại đức, thượng tọa viết; về Thiên Chúa giáo do các linh mục, giám mục viết, thà không đọc còn hơn!
        Ta hiểu rõ bản chất tôn giáo để không làm những việc lố bịch, nhưng không bài bác nó, vì trong xã hội hiện nay nó vẫn có ích.
        “Thế, còn gì để nói về những chuyện bao la như trên?” – Vẫn còn: Tất cả chúng ta đều có khuynh hướng đứng về phía số đông, bởi ai cũng sẽ xin vào cái hội lớn của 63 tỉ người, (đó là số người từng sống trên thế giới này, và đã chết!) Vào đó tốt. Sáu với ba là chín, số 9 ưa thích của quý ông chơi bài cào, và của các bạn săn mua số đẹp.
        Những chuyện trên thuộc loại đề tài lớn, “nhạy cảm”, phức tạp. Bố cố gắng trình bày đơn giản, nhẹ nhàng, coi như không phức tạp, không lớn.
        “Dù đang sống, nhưng chúng ta (phần đông) đã bước vào bảo tàng quên lãng” (J.P.S). Biết vậy, nhưng ta nên lượng sức mình, đừng tự đặt ra các chỉ tiêu, mục đích quá cao, rồi suốt đời chúi mũi vào đấy, đày đọa, hành hạ mình, lúc nào cũng hấp tấp, lo lắng, khổ sở… dễ tổn thọ.
        Tất nhiên, bố sẽ thất vọng nếu con trở thành ông đạo, hay gia nhập một giỏ rác nào đấy.
        Quái lạ, sống ở nơi ầm ĩ, náo động như Sài Gòn mà sao con nghĩ đến tử vi?
        “Có gieo sẽ có gặt. Vấn đề là ta gieo cỏ hay gieo lúa.” (J.J).
        Con và H tốt nghiệp đại học, đối với bố, chưa phải là huyền bí, nhưng lớn hơn may mắn rất nhiều … Qua đây, có thể đúc kết: nếu cần cù, chăm chỉ, biết sống, ta sẽ gặp may mắn, và gặp cả huyền bí nữa ./.
(11-2006)
 


1. Đạo Dừa: nghe nói, trong một thời gian dài, ông Nam ăn chay, dùng dừa làm thực phẩm chính.
2. Chúa Jesus về trời lúc 33 tuổi.
3. Trong 5 danh nhân nói ở trang 4, có 1 vị không đến trường ngày nào, 2 vị tiểu học.
4. Chưa chắc con nhớ tên ông nội, nhưng đối với bố, Văn Tánh là người khổng lồ.

5. Có thể có vài con số trong thư này không chính xác, do trí nhớ của gã thế hệ 4x …

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét