7 thg 9, 2011

CHUYỆN TÌNH


       Thấy thứ gì ở đây Thao cũng nói: “Đẹp, hay, thú vị”. Anh chăm chú nhìn ngắm mọi vật, thận trọng nhận xét, hào phóng ban tặng những lời khen ngợi. Anh chỉ chê một điểm: “Nhiều rác quá! Rác khắp nơi, trên đường, trong vườn, dưới ruộng!”.
       Thao cao ráo, trắng, dáng người như giáo viên. Hà giới thiệu:
       “Anh Thao, bạn con, về thăm ba má”.
       Thao ở chơi ba ngày. Mấy ngày ngắn ngủi nhưng anh làm không khí gia đình ông Chúc nóng lên, nhộn nhịp chưa từng thấy. Bà Chúc trách Hà:
       “Sao con không báo trước. Ta phải chuẩn bị, dọn dẹp trong ngoài cho ngăn nắp, gọn gàng”.
       Hà nói để mẹ yên tâm:
       “Thao dễ tính, ăn ngủ thế nào cũng xong, má đừng lo”.
       Nhưng ngay lập tức nó thì thào dặn bà mấy điều cần lưu ý: “Má nhớ, mai mốt nên điểm tâm bằng bánh mì thịt, không ăn mì tôm, cơm nguội. Ăn cơm, dọn trên bàn, lịch sự, đĩnh đạc, không ngồi xổm dưới đất. Không cười lớn, bình luận ầm ĩ khi xem phim Hàn, Tàu”. Và nhiều chuyện nữa, toàn nhỏ nhặt cả, nhưng cũng đủ khiến bà lo cuống. Xưa nay nhà này chưa hề tiếp một vị khách sang nào.
       Hà mang về một chồng băng nhạc mới cho máy cát-xét, gom mớ băng cũ đem xuống bếp giấu kỹ. Nó may sẵn hai cái màn mới, thay cho hai màn cũ. Nó lên chợ huyện mua một bó bông huệ to tướng, về cắm ba chỗ, nhà cửa trông sáng lên, đẹp ra, như tết.
       Ông Chúc muốn biết Thao làm gì. Hà nói, Thao học nhiều nhưng chẳng tốt nghiệp ngành nào, anh chàng không có nghề cố định. Chuyện làm ăn chính là phần hùn trong mấy chiếc xe tải với bà chị ruột, và hùn hạp vào những bè cá với hai ông anh họ. Cha Thao mới đích thực thương gia lớn.
       “Ba sẽ thấy, Thao vui, đặc biệt lắm”.
       Nghe vậy thì biết vậy, hỏi cho có hỏi.
       “Đặc biệt thế nào?”.
       “Thao sống giản dị, không chú ý đến hình thức bên ngoài, việc gì anh ấy cũng… lớt phớt”.
       “Như nghệ sĩ?”.
       “Dạ, gần như thế”.
       Nhưng với chuyến đi này, Thao chuẩn bị khá kỹ. Anh muốn biết rõ: cái làng Tân Đức của Hà nằm gần thị trấn, hay cận núi, sát biển? Nghề nghiệp của dân làng, họ giàu hay nghèo? Và tính tình, sở thích của cha mẹ Hà. Rồi chính anh dạo chợ mua quà, đầy ắp hai thùng giấy to.
*
       Thao tỏ ra thích vườn mít và sân cây cảnh của ông Chúc. Không ngờ trong ngôi làng heo hút này lại có nơi đẹp vậy. Anh khen: “Thú vị thực!”. Anh đứng suốt buổi xem ông Chúc săn sóc bầy gà nòi, sửa sang những chậu cây cảnh. Hơi khó tin, nhưng công việc có vẻ như chơi vui này lại đem về nhiều tiền… Chiều muộn, ông Chúc ngồi uống rượu đế giữa khóm tùng, Thao ra gặp, xin tham gia. Mồi nhắm là hai con mực, quà tặng của Thao.
       “Cháu thấy ở đây thế nào?”.
       “Dạ, đẹp, hay lắm”.
       Thao ăn miếng mực, hớp ngụm rượu trắng.
       “May là còn có chỗ như thế này… một thế giới yên bình, trong lành, khác hoàn toàn với những xe cộ, khói bụi, đèn màu chớp nháy trên phố”. Thao nói.
       Ông Chúc ậm ừ, chẳng rõ ông bảo đúng hay không.
       “Quê lắm cháu à… vùng sâu, người ta thường gọi: dân ở vùng sâu”.
       Lát sau, uống thêm một ngụm, Thao khen:
       “Rượu ngon, xưa giờ con chưa uống thứ rượu này”.
       Ông Chúc chăm chú ngắm khách.
       “Đế không sang trọng như bia, lít chỉ tám ngàn… nhưng nó nồng nàn”.
       “Dạ, nồng, ngọt dịu trong cổ… nó đầy vị quê kiểng”.
       Hai người ngồi lâu, thật lâu, không nói gì nữa. Trời tối. Có chút trăng non. Gió rung cành mít xào xạc. Có mùi gì thơm nhẹ, lởn vởn quanh đây. Thao hỏi về cái mùi lạ. Ông Chúc nói, đó là mùi mít, dái mít. Ông hái một dái mít, giải thích cho Thao biết về vật không phải lá chẳng phải quả này. Nó như trái điếc, thường không mùi, nhưng lúc ra nhiều, dày, nó thơm. “Thú vị thực!”. Thao khen.
       “Mới lạ, cháu thấy đẹp, ngồ ngộ, nhưng nếu phải ở đây lâu…”.
       Thao cười: “Thì sẽ nhàm chán?”.
       Ông Chúc chuyển sang chuyện khác:
       “Hà là con gái duy nhất của chú”.
       Thao nói, điểm nhịp: “Dạ, duy nhất”.
       “Nó hiền lành, ngoan. Ý chú muốn nói lúc ở nhà nó ngoan, nhưng lên trên đó, nhập vào chốn phồn hoa, chẳng biết nó…”.
       Người ta thường nói đến cạm bẫy đô thành. Ông Chúc lo lắm, nhưng chịu, bất lực. Đành giao phó mọi thứ vào tay trời. Thử nghĩ xem, ông có thể làm gì được?... Hồi trưa ông gặp Thao hôn Hà trong bếp. Hai đứa quấn lấy nhau như trăn, hôn như cắn nhau, thấy sợ! Có phải đó là hình ảnh của cạm bẫy? Chúng hôn miệng như trong các phim truyện. Tại sao lại hôn miệng? Hình ảnh cú hôn dữ dội này về sau còn nằm trong đầu ông Chúc nhiều tháng, mỗi lần nhớ lại, ông luôn tự hỏi: Tại sao chúng nó hôn miệng?
*
       Vùng này không có thắng cảnh. Hà đưa Thao ra thăm chợ làng… Chợ rộng cỡ đám ruộng nhỏ. Lều sạp thấp tè, mái che bằng tôn, vải nhựa. Người đông nhưng yên tĩnh, đến gần vẫn không nghe tiếng ồn ào của chợ búa… Hà đãi bạn món ốc đặc sản. Quán cóc, chỉ có bốn cái bàn cũ xì, nhưng những chiếc ghế mây lại khá đẹp. Ốc hương, ốc hút, ốc ngựa. Chị chủ quán nói, qua mùa kia còn có ốc nhảy, ngao, điệp, sò huyết. Thao muốn nếm qua cả ba loại ốc. Ốc đi kèm rượu nếp. Rượu đặc quánh, nhẹ, chắc khó say. Hà bảo:
       “Uống vừa thôi, nó lâu say nhưng say lâu lắm đấy”.
       “Ngon, quá ngon!”. Thao khen.
       “Cái gì ngon?”.
       Thao tán thưởng: “Ốc và rượu đều tuyệt vời!”.
       Hà hỏi: “Thú vị không?”.
       Thao gật lia lịa: “Trên cả thú vị!”.
       Chị Xinh, chủ quán, kể Hà nghe những chuyện hay hay xảy ra trong làng nửa năm qua. Thao nhìn ngắm, quan sát những hoạt cảnh của cái chợ quê nhỏ bé bằng đôi mắt hiếu kỳ. Anh thích thú thấy ở đây cũng có bán băng đĩa cho máy hát, và các loại sách tử vi, tạp chí phụ nữ đẹp, sách dạy nấu ăn. Anh thấy lạ khi chứng kiến một bà bỏ đi rồi trở lại bốn lần, kỳ kèo thách trả một mớ cá, mỗi lần bà chỉ tăng thêm năm trăm đồng, (năm trăm, giá một viên kẹo). Và hai chị khác cân năm lần vẫn không thỏa thuận được với nhau trọng lượng một con cá… Chợ họp sớm, tan nhanh, mới hơn 8 giờ sáng đã vắng hoe. Chị Xinh hỏi Thao có định trở lại đây không. Thao nói: “Em sẽ về ăn tết, bảy tháng nữa”. Từ đó đến chiều Thao khen nhiều lần: ở làng vật gì cũng tươi rói và rẻ. “Trước khi về, mình sẽ ra chợ làm một chầu ốc nữa, để nhớ lâu”.
*
       Thao ngủ trên chiếc võng treo dưới gốc mít. Bà Chúc nói: “Thằng này dễ nuôi”.
       Hà cười: “Anh ấy ngủ không kể giờ giấc, sáng, trưa, chiều, hễ rảnh là ngủ”.
       Bà Chúc băn khoăn:
       “Con đưa nó về thế này bà con làng xóm sẽ dị nghị”.
       Hà bày quà bánh ra giữa nhà, thật nhiều, đẹp mắt.
       “Nay tân thời. Mình công khai, coi như bạn bè, đồng nghiệp… không giấu đút, chẳng phải hàng quốc cấm là được”.
       Khó thể dùng hết số quà này. Sẽ tặng lại cho bác Sáu hai hộp bánh, vài con mực khô; dì Ba Hưởng một hộp cà phê, hai hộp bánh; dượng Năm Kỷ, chú Năm Cần mỗi người một hộp cà phê, hai hộp trà… Toàn quà thượng hạng, loại để biếu tặng, chắc chợ xã không có.
       Bà Chúc nghĩ, phân vân, chẳng rõ bụng dạ người tặng có “xịn” không. Nhìn qua, Thao đẹp. Nó đi đứng khoan thai, ăn nói nhỏ nhẹ. Dù có đánh chết bà cũng không tin một chàng trai giàu có, sang cả lại trở thành con rể bà… Hà dặn: “Má cứ coi Thao như con cháu quen thân, không e dè, cũng đừng quý trọng quá đáng, anh ấy cười cho. Chỉ là bạn, hay sẽ tiến xa hơn nữa, còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, ta cứ đàng hoàng, tự tin”. – “Có lúc nào nó nói đến các dự định về lâu về dài không?”. Hà nghĩ ngợi, rồi đáp, có vẻ không mạnh lắm: “Cũng có, nhưng con chưa tin. Tin sao được, má. Thao sống trong môi trường khác hẳn chúng ta, khác mọi mặt… Mấy đứa bạn của con ghẹo: Mày câu ở đâu được con cá bự thế? Nhưng con chẳng câu kéo gì. Tự nó tìm đến, rất tình cờ. Thế này có phải là may mắn không, con cũng chưa chắc”… Một con cá to, nhưng nó có cắn câu không lại là việc khác!
*
       Bà Chúc muốn nghe những nhận xét về Thao của chồng, nhưng ông Chúc lắc đầu. Khó quá, chỉ vài hôm, nó xẹt qua như sét… Cười khẽ, nói nhỏ là người sang, cao quý? Đâu phải những người có vóc dáng đẹp, mặt mày sáng sủa đều thông minh. Hơn nữa, ta chú ý cũng chẳng để làm gì. Thoáng cái, mai mốt nó đã đi, có thể không quay nhìn lại… Họ, dân thành phố, như những hộp bánh quà tặng kia. Bánh ngon, hộp đẹp, nhưng nhẹ hều. Ăn lấy thảo, không đã miệng… “Nó, vị khách không mời, có điểm nào giống chúng mình?”. Không. Gặp gì nó cũng khen, là đáng ngại. Nó vui vẻ, nhiều lúc vui không duyên cớ, phải coi chừng. Nó khôn, tất nhiên, và thực dụng nữa. Ông Chúc đúc kết:
       “Tôi không hiểu con Hà coi đây là một chuyến du ngoạn, một cuộc trắc nghiệm, hay chuyện làm ăn nghiêm túc… Bà đừng nhấp nhổm thế, cứ phớt tỉnh như không, quan tâm lắm chỉ tổ mệt xác. Rồi nó sẽ biến mất, chỉ để lại mấy cái hộp thiếc còn vương mùi trà, mùi sô-cô-la mà thôi!”.
*
       Thao thích nằm trên chiếc võng treo dưới gốc mít. Anh nghe nhạc phát ra từ cái điện thoại bỏ túi. Tài thật, cái máy nhỏ xíu lại có thể nói, hát, chụp hình. Nó hát như dế kêu, nhưng Thao nghe suốt ngày không chán.
       Bà Chúc hỏi Thao:
       “Cháu thấy ở đây thế nào?”.
       Thao đáp: “Làng xóm đẹp, vườn tược đẹp. Ngộ nhất là cái chợ. Nhiều cô gái mang vớ, găng tay, đeo khẩu trang, rất hiện đại… Đã lâu, khoảng gần hai mươi năm, nay con mới có dịp ngủ đêm ở thôn quê”.
       Thao kể cho bà Chúc nghe những kỷ niệm về mẹ anh. Mẹ Thao mất sớm, lúc anh năm tuổi. Nếu không có những tấm ảnh chắc các hồi ức về bà đã phai nhạt nhiều: “Con ít nhớ mẹ, ngày ấy con còn nhỏ quá… Có chuyện vui: Hồi con hai, ba tuổi, một lần về thăm nội, gặp hai con ngựa ăn cỏ bên đường, con hỏi đây là con gì. Mẹ bảo, con voi. Con không chịu, voi khác kia, con đã thấy nó trên ti vi. Mẹ cười, thưởng mấy cái hôn lên má. Mẹ nói, đây là ngựa, nếu con gọi chúng là voi mẹ sẽ cốc cho sưng đầu”.
       Bà Chúc nói:
       “Con người, ăn thua là lúc sống, khi chết đi tất cả sẽ phai mờ, tan biến, chẳng mấy chốc… Nếu bảo phải sống ở đây nửa năm, một năm, cháu làm sao?”.
       Thao dạ, dạ, rồi cười. Chắc là không xong. Hỏi vui thôi.
       “Ước gì mang được mấy cây mít này lên phố”. Thao nói “Trưa nằm võng dưới bóng cây, nghe nhạc, ngủ thật sướng”.
       Bà Chúc muốn hỏi, Thao có nghĩ một ngày nào đó sẽ về lại đây chơi không. Nhưng bà ngại, vì nay mới sơ ngộ, chưa đến mức thân thiết. Nhưng bất ngờ, Thao nói, như tâm sự:
       “Đến Tết, hoặc hè sang năm con sẽ lại về thăm chú thím”.
       Bà Chúc ngồi lặng một lúc, cảm động. Bà lấy làm lạ thấy chàng trai trẻ sang trọng thích cái làng nhỏ này… Thao chụp ảnh mấy cô gái làm cỏ lúa, cây mít nhiều trái, hai con gà đá nhau. Bà Chúc nói, nghề nông vất vả nhưng thu nhập thấp, và thường không có việc để làm, nên phần lớn trai trẻ của làng rủ nhau lên tỉnh làm mướn.
       “Hà là con gái độc nhất của thím… thím lo cho nó”.
       Nhiều lần bà nói với Hà về nỗi lo ấy, nhưng Hà gạt đi: “Má đừng sợ, con có cái đầu mà”. Ai chẳng có đầu, nhưng nhiều đứa đã nghĩ sai, làm bậy, hư hỏng, sờ sờ ra đấy.
       Sẩm tối, bà Chúc thấy Thao hôn Hà bên giếng, hôn say đắm, kỳ cục, dễ sợ. Chúng nó bắt chước tây đầm, hôn hít như cắn nhau ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét