Ngày
nào Kim
Châu cũng xuống vườn đào lộn hột của ông Hiểu tắm giặt, vì quán cơm Gió trên
dốc Găng, nơi cô làm việc, không có giếng. Khu dốc Găng khô khan, chẳng tìm đâu
ra nước. Các hàng quán ở đó phải mua nước từng thùng, từ xa chở đến... Vườn đào
cách quán vài trăm mét, đứng ở cuối vườn vẫn có thể nghe rõ tiếng máy hát,
tiếng xe khách ra vào quán ầm ĩ. Mới làm ở đây bốn tháng nhưng Kim Châu đã thân
quen với ông Hiểu, được ông thương mến, coi như con cháu.
Khác hơn mọi khi, trưa nay Kim Châu không
giặt giũ. Cô mang đến hai giỏ thịt cá, rau quả, bánh trái, như sắp nấu cho một
bữa tiệc.
“Cháu làm ít món để giỗ thằng con.”
Ông Hiểu trố mắt ra. Giỗ con? Cô nàng có
con! Ông không ngờ, bởi Châu quá trẻ.
“Cháu nó mất lúc vừa tròn ba tuổi, đã hai
năm.”
“Còn chồng cháu?” Ông Hiểu muốn biết,
nhưng không hỏi. Chuyện riêng của người ta, mình chẳng nên tò mò xen vào... Kim
Châu loay hoay nấu nướng khá lâu, mất chừng hai tiếng. Ông Hiểu giúp người mẹ
đáng thương bằng việc lau rửa bàn và tìm hái một bình bông.
“Ở đâu cúng đó, phải không chú?”
“Đúng, ăn thua là lòng thành của ta.”
“Nó tên Lân, cháu thương nó... Có lúc
cháu muốn chết theo con, chú ạ... Lân đẹp như mấy đứa nhỏ trong tranh.”
Giọng Kim Châu nghẹn nước mắt. “Vì sao
thằng bé chết, cha nó đâu?” Ông Hiểu lại muốn hỏi.
“Lân khôn lắm, nó thương cháu vô cùng...
hễ cháu đi đâu về là cu cậu chạy ra đón, ôm hôn cháu trơ trấc... nó thuộc nhiều
bài hát, biết hỏi những câu lắt léo, thông minh.”
Ông Hiểu an ủi:
“Những đứa như thế ít khi ở đời với ta...
nồi đồng thường mất, cháu à.”
Kim Châu múc đồ cúng bày lên bàn, năm
món, mỗi món vài tô. Dĩa bánh ú thay cho bánh ít, hai nải chuối, ba trái thanh
long, đơn giản, do nó còn nhỏ. Hơn nữa, đây là nhà người ta. Xưa bày nay làm,
thương thì cúng, chắc nó cũng chẳng ăn uống gì. Kim Châu thắp nhang, khấn khứa
một lúc, rồi ra đầu hè ngồi khóc.
Ông Hiểu thông cảm nỗi đau của người
thiếu phụ, mới cách đây sáu năm ông cũng đã trải qua tình cảnh tương tự. Năm đó
bà Hiểu qua đời. Sau non bốn mươi năm chung sống, bà bỏ ông ra đi. Bà bệnh quặt
quẹo khá lâu, cái chết đến chậm, từ từ, có thể thấy trước, chẳng bất ngờ, nhưng
nó vẫn tác động vào ông như một cú đập. Ông choáng váng, đau đớn, thấy trời đất
tối sầm. Ba bốn năm sau nỗi buồn mới vơi đi, nhưng cái khoảng trống bà để lại
trong gia đình thì y nguyên. Không ngày nào ông không nhớ đến vợ, vì ngày nào
ông cũng phải vô bếp, phải ngồi vào bàn ăn, phải giặt quần áo. Nhiều đêm ông
khóc, ngạc nhiên khi thấy mình khóc. Và ông nhận ra một điều: vấn đề rộng lớn
nhất, mờ mịt nhất trên đời, trong cuộc sống của con người, là cái chết.
Nhang tàn, coi như xong, Kim Châu dọn đồ
ăn xuống, bày ra giữa nhà, chú cháu cùng ăn. Cơm nguội, canh lạnh, buồn quá,
nuốt không trôi. Hai người ăn qua quít. Kim Châu khóc nhiều, mắt đỏ kè, son
phấn trên mặt bị lau quẹt lam nham, như mặt anh hề...
Kim Châu xếp gọn số thức ăn còn lại lên
bàn, lấy cái thúng đậy kỹ.
“Mâm này để phần cho anh Tòng” Kim Châu
nói “cháu ra quán đây. Chú bảo giùm anh Tòng ráng ăn hết, bỏ thiu uổng.”
Cô gái đi rồi, ông Hiểu lên võng nằm
nghỉ. Ông nghĩ thương Kim Châu. Tội nghiệp, không rõ nó con cái nhà ai, chắc
khổ lắm nên mới làm cái nghề nửa nạc nửa mỡ này. Ban đầu ông tưởng đó là làm
công, làm mướn, phụ việc nấu ăn, dọn bàn. Nhưng sau ông nghe nhiều người nói
dạng ấy là “tiếp viên”, theo cái nghĩa không đẹp, như một thứ mại dâm trá
hình... Trong số tiếp viên dốc Găng thường xuống đây tắm giặt ông Hiểu thấy Kim
Châu đàng hoàng hơn cả. Những cô kia cũng trẻ, xinh, nhưng ồn ào, lấc cấc; bước
đi thình thịch như đàn ông, mắt láo liên, muốn lấy gì cứ tự tiện lấy chẳng buồn
hỏi xin; có lần còn vỗ vai vỗ lưng ông, gọi ông là “anh già đẹp lão”.
Lát sau thằng Kén đến, nó là cháu họ ông
Hiểu, ở chăn bò cho ông. Thấy bánh, chuối, Kén mừng rỡ reo to: “trúng mánh
rồi!” Ông Hiểu dọn đồ cúng cho Kén ăn, giải thích để nó rõ nguồn gốc của bữa
tiệc nhỏ này.
“Chiều hôm qua con thấy chị Châu tiếp
khách, cười cợt đú đởn, khó coi lắm.”
“Sao mày thấy?”
“Thì giữa ban ngày, ai chẳng thấy. Bò ăn
trong nghĩa địa, con với thằng Cả vào quán xin nước uống... Chị Châu ngồi trong
lòng một ông đen thui, râu ria xồm xoàm. Ông ta nựng nịu, hôn má hôn miệng chị.
Kỳ quá chừng!... Xung quanh đầy người, sao họ chẳng thấy ngượng?”
“Chắc họ quen.”
Kén nói nhỏ lại, như sợ người ngoài nghe
được.
“Mà không phải chỉ hôn thôi đâu. Con nghe
nói ban đêm họ còn ngủ với nhau, ngay sau nhà tắm của quán... lúc nào động thì
dắt nhau ra vườn bạch đàn, ra nghĩa địa... Chắc là có thực, nhà tắm gì mà to
đùng, lớn còn hơn nhà bếp.”
“Loạn quá. Mày cũng biết nhiều chuyện
đấy... Sao mấy ông xã cứ để yên?”
“Ôi, người ta vây ráp, bắt bớ nhiều rồi.
Ngoại nằm co trong xó vườn này nên chẳng nghe đấy thôi... Không chỉ quán Gió,
hai quán Hồng và Tơ Vương kế bên cũng như thế.”
“Mày nói quán gì?”
“Tơ Vương, Hồng, đều là quán treo bảng
bán cơm cho xe tải, xe đò. Nhưng người ta nói chính ra thì họ mở để làm những
trò lập lờ đó... Ông nghĩ coi, trên cái dốc Găng trơ trụi, không nước, vắng
teo, xa làng xóm mà chợ quán gì.”
“Cũng có lý... có lý!”
Nghe khen, cậu bé khoái chí.
“Công an biết cả, họ ra ốp hụt mấy lần,
không bắt được quả tang, nên đâu vào đấy... Ngoại biết bà vợ của ông chủ quán
Gió không?”
“Bà ta làm sao?”
“Lạ lắm! Già rồi mà bận đồ mỏng tang, hở
lưng hở bụng, móng tay móng chân bôi tím bầm, mặt sơn xanh đỏ như đào hát bội.”
“Nhà đó giàu nhứt nhì xã mình đấy.”
“Ba con nói gốc tích bà ấy rất bầm
giập... Hồi trẻ bà ta đã từng làm đĩ nhiều năm ở cây số 9 Cam Ranh, (chỗ đó,
thời chiến tranh, nhiều lúc đĩ đông cỡ tiểu đoàn.)”
Ông Hiểu chép miệng chậc chậc, như tiếc
điều gì.
“Chà, hay quá! Nhưng giữa thời buổi này,
người tứ xứ đổ về đây ùn ùn, xô bồ, đâu còn ai biết rõ các thứ ngọn nguồn, lai
lịch... hiện tại dân xã ta kiêng nể vợ chồng tay Gió, bởi gã rất giàu.”
“Có chuyện này muốn nói với ngoại mà con
sợ.”
“Bày đặt, sao sợ?”
“Ngoại hứa giữ kín con mới nói.”
“Tao hứa.”
“Trưa hôm kia con gặp cậu Tòng uống bia
trong quán Gió... cậu ngồi với chị Châu.”
“Trời đất!”
“Con không nói láo đâu. Ngoại hỏi thử
thằng Cả, nó cũng thấy.”
Ông Hiểu chới với. Tòng, con ông, một
thằng hiền khô, quê mùa, mà nay lại nhậu nhẹt trong cái động âm u ủm thủm như
thế.
“Nó có ôm không?”
“Dạ không, hai người ngồi gần nhau, chị
Châu cầm tay cậu Tòng... cậu nhậu khẳm, khật khưỡng, mặt đỏ lựng, dưới bàn có
sáu bảy vỏ chai không.”
Ông Hiểu quính quáng. Ông hoảng khi nghĩ
tới những tệ nạn xã hội, bệnh hoạn của thanh niên mà gần đây các đài thường nói
đến. Ma túy, si đa, đĩ điếm. Tuy chẳng hiểu rõ lắm, nhưng ông cũng biết những
cuộc ăn chơi như thế có liên quan đến nhiều bệnh nguy hiểm, khó chữa. Mềm yếu,
buông thả, rơi tõm xuống hố! Chắc thằng Tòng cũng biết, mà nó lại không sợ...
Không phải con một, nhưng nay ông Hiểu chỉ còn một mình Tòng, vì hai chị nó đã
theo chồng, ở xa.
“Ngoại hứa với con rồi nha?”
Ông Hiểu gắt:
“Nhớ mà, tao bỏ bụng, kín lắm.”
“Cậu Tòng biết thì con chết.”
Thằng Kén ăn khá mạnh, chỉ chốc lát đã
tém sạch số thức ăn đầy vun trong năm, sáu chén tô. Xong nó còn tráng miệng nửa
trái thanh long và mấy trái chuối. No cành, Kén đứng lên cầm roi cầm nón, đi
ngay. Ra thềm, nó quay lại nói:
“Chị Châu tướng ngó dễ thương, hiền hậu
mà sao lại làm nghề đó, ngoại?”
Ông Hiểu cười buồn.
“Không biết, đúng là nó hiền... lâu nay
ngoại cũng nhiều lần thắc mắc như mày... mỗi người một hoàn cảnh.”
*
Nhà ông Hiểu ở dưới làng, gần biển. Vườn
đào lộn hột
của ông nằm
cạnh
quốc lộ I, gần núi. Hai nơi cách nhau khoảng hai cây số. Do mắt kém nên ông
Hiểu chỉ giữ vườn đào ban ngày, đêm đến ông về nhà, phần việc đó do Tòng đảm
trách...
Chạng vạng, Tòng lên, cha con “bàn giao”
vườn cho nhau sau khi ông Hiểu giải thích để Tòng biết tại sao có mâm cỗ trên
bàn. Không nói gì, Tòng bưng mâm thức ăn ra thềm, ngồi ăn trong màn đêm buông
xuống mỗi lúc một dày, trong tiếng muỗi kêu inh tai.
Ăn xong, Tòng ra giếng rửa chén, rửa chân
tay. Trở vào, anh tới bàn sờ soạng tìm quẹt diêm thắp đèn, nhưng anh giật mình
vì đụng phải bàn chân của một người nằm trên võng. “Hù, ma!” Tiếng Kim Châu.
“Trời, em làm anh hết hồn!”
Tòng mừng quính. Đèn sáng. Kim Châu nói,
không chờ Tòng hỏi:
“Nay em xin nghỉ sớm, trong người hơi
mệt.”
“Buồn phải không?”
“Mệt, buồn, bải hoải, cứ muốn ngủ.”
Tòng tới ngồi sát bên võng, cầm tay bạn.
“Anh mừng quá, tối nay ở đây ngủ, nghe?”
“Chơi chút, rồi lên quán... ở lại không
tiện.”
Tòng ngồi thụp xuống đất, ôm hôn hai bàn
tay rồi hôn lên cổ, lên ngực Kim Châu.
“Em thơm quá.”
Cô gái cười.
“Anh biết mấy nhỏ bạn em phê anh thế nào
không?... Cao ráo, đẹp giai, tướng sang!”
“Sang nỗi gì, dân ruộng vườn cày cuốc
mà... Em thơm mùi xà bông, mùi áo mới, mùi dầu thơm.”
“Mũi chó Tây! Có nghe mùi bia?”
"May, không có, anh ghét mùi đó...
Phụ nữ mà bưng ly bia đầy, cười nhăn nhở, cụng ly, thấy nó ghê ghê... Em có để
ý không, trẻ con có mùi đặc biệt, giống mùi rạ mới cắt, mùi bắp non.”
“Sao anh lại nói đến trẻ nhỏ?”
“Vì anh con út. Trước kia nhiều lúc anh
rất muốn có một em gái để ẵm bồng.”
“Con gái làm gì, anh... phận đàn bà bấp
bênh, long đong.”
“Em không giấu chuyện có con, ngang ngạnh
lắm, anh thích.”
“Tại sao phải giấu? Em thương bé Lân. Em
muốn khóc nó thỏa thuê, trước mặt mọi người, không khóc vụng trộm.”
Tòng nói nhỏ vào tai Kim Châu:
“Em ở lại đây luôn... Chúng mình sẽ cưới
nhau... Từ khi quen em anh khổ... À, hôm nọ em gọi anh là gì... gì?”
“Là “thiên thần của em”!”
“Thiên thần! Lạ, cao xa. Em đẩy anh hơi
mạnh!... Anh nghĩ về em suốt ngày, lúc cuốc, lúc ăn, lúc ngồi với bạn bè... Thế
còn chuyện hôm kia anh nói, tức là anh bảo em đừng làm ở quán Gió nữa, em tính
sao?”
“Anh quên em góa một con?”
“Anh đã nói mấy lần rồi, một con, hai con
không thành vấn đề.”
“Em lại là tiếp viên. Nhiều người xếp
nghề này vào loại lăng nhăng, không đứng đắn... Ba anh, và bà con ở đây chắc
khắt khe lắm... Cứ thư thả, chầm chậm, để vài tháng nữa xem sao.”
Tiếng xe khách ra vào, tiếng người cười
lớn trên quán vọng đến, nghe rõ mồn một. Tòng nói với Kim Châu, suốt tuần qua anh
suy nghĩ, dự tính sẽ thực hiện ý định của mình về tương lai cuộc tình hai đứa.
Anh sẽ nói với cha những gì, sẽ đối phó ra sao trong trường hợp ông không đồng
ý. Anh đã hỏi ý kiến Quảng, bạn thân của anh, nhờ Quảng làm cố vấn, vì anh ấy
khôn ngoan, từng trải, có kinh nghiệm trong chuyện hôn nhân. Quảng nói, theo
anh, thì kết quả sẽ thuận lợi bảy mươi phần trăm. Một con số khả quan. Hiện
giờ, khâu quan trọng nhất là chọn lúc thích hợp, thưa với ông Hiểu, trình bày,
thuyết phục sao cho ông chấp thuận. Tòng nghĩ, chắc ông già sẽ gật đầu. Ông
thương con, xưa nay chưa bao giờ ông từ chối một thứ gì khi Tòng xin. Mặc dù
vậy, gần nửa tháng qua, Tòng vẫn chưa dám nói. Và kéo dài càng lâu anh càng
thấy đây thực không phải chuyện nhỏ, là việc khó nhất từ xưa đến giờ anh mới
đụng phải.
“Anh không muốn em làm ở Gió ngày nào
nữa... Anh không thích cái mùi bia trong áo em.”
Kim Châu cười, cốc nhẹ vào đầu Tòng.
“Anh tưởng em thích sao?... Mà này, về
đây, nếu về với anh em làm gì?”
“Chẳng cần làm, chỉ anh làm là đủ!... Ờ,
thì em đi chợ, nấu cơm, quét dọn, nuôi heo gà... Anh chỉ xin em bỏ một thứ
thôi.”
”Bỏ?”
“Đừng tô vẽ móng tay, móng chân.”
Kim Châu cười xòa.
“Còn “đừng” những gì nữa?"
Tòng nói vội vàng, như sợ Kim Châu giận.
“Hết, anh không cấm em điều nào khác nữa,
anh thề!”
Kim Châu cù vào cổ Tòng:
“Ông cả thộn! Ông nói lại câu buồn cười
hôm trước xem... cái câu làm tôi cười đến bắn cả bia vào áo ông đấy.”
Tòng ậm ừ, lúng túng:
“Thôi mà, nhắc lại kỳ.”
Kim Châu giả bộ giận, như muốn đứng dậy
bỏ về.
“Không có em thì anh chết”! Tòng nói, và
bật cười sằng sặc.
Trong lúc đó, ở nhà mình, ông Hiểu thay
bộ đồ mới, thắp ba nén nhang đến khấn vái trước tấm ảnh bà Hiểu, như ông thường
làm trong những ngày giỗ bà. Ông cầu xin bà khôn thiêng hãy phù hộ cha con ông,
khai mở tâm trí cho Tòng, đứa con trai độc nhất, kẻ nối dõi tông đường, cái
thằng lớn xác mà khờ khạo; để nó lanh lợi, sáng suốt, không sa vào bài bạc,
rượu chè, không rơi xuống vũng bùn nghiện ngập, bệnh tật; để nó biết chọn bạn
chọn vợ, biết thế nào là người tốt kẻ xấu, không dính vào cạm bẫy bọn bất
lương; thoát khỏi vòng tay tội lỗi của lũ yêu tinh mắt xanh mỏ đỏ ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét