Hai người ngồi uống rượu dưới giàn bông
giấy.
Đôn Cận đến sớm, lúc tám giờ sáng, xách
theo con vịt. Trọng khoái chí, lớn tiếng đốc thúc Kim Hoa chạy kiếm rượu và mồi
đưa cay. Phải “chạy” dài vì nhà không còn tiền, chẳng có đến chục ngàn bạc.
Nhưng biết tới đâu bây giờ. Những nơi quen lớn Kim Hoa đều đã đến thăm, vay
mượn vài lần. Số nợ đã cao lút đầu. “Rồi lấy gì để trả đây. Ta còn mặt mũi nào
đến các nhà quen hỏi mượn nữa”, Kim Hoa nói với mình.
Nhưng Kim Hoa vẫn phải đi kiếm rượu, dù
khi dắt xe ra ngõ chị vẫn chưa biết nên đi đâu. Hoa nghe người bải hoải, hai
mắt nóng, chân tay rũ liệt như vừa làm một việc cực nặng… Trọng uống quá nhiều,
nay với bạn này, mai bạn khác, tuần nào cũng dự hai, ba “trận” lớn. Bốn ngày
vừa qua thì uống liên tiếp, chẳng nghỉ ngày nào.
Đạp xe vòng quanh ngoài phố, từ bến xe
xuống chợ, rồi từ chợ lên bến xe – nửa vòng thị trấn – cuối cùng Kim Hoa lại
tấp vào nhà Xuân Dung. “Chớ biết đi đâu nữa, khổ thân tôi!” Đây là lần thứ ba
trong tháng, Kim Hoa tới cầu viện nhà này. Chỉ là chỗ bạn bè, không bà con cật
ruột gì, nhưng Xuân Dung rất thương quý Kim Hoa, như chị em. “Vay mượn, khốn
khổ quá chừng. Nhưng nếu vay để làm ăn thì còn coi được… Cứ thế này mãi rồi sẽ
tới đâu?” Kim Hoa lại độc thoại.
Chỉ có Phước – chồng Xuân Dung – ở nhà.
Kim Hoa ấp úng trình bày lý do “thăm hỏi” và ngạc nhiên khi thấy Phước sốt sắng
lấy cho mượn ngay một trăm ngàn đồng, đúng như mong muốn của chị. Phước mở tủ
lạnh bê ra một đĩa chôm chôm, nho, mời Kim Hoa. Phước nhìn chị bằng ánh mắt
trìu mến, mơn vờn. “Xưa nay Phước không nhìn mình như vậy”. Kim Hoa lấy một
chùm nho, tới đứng bên cửa sổ. Dường như Phước nói nhiều, cười to hơn mọi lần.
Cục hầu ở cổ anh ta nhảy như quả lắc đồng hồ. Sao anh ta vui…
Tối qua, Trọng tổng kết các khoản cần chi
dùng: “Mình cần gấp ba triệu rưỡi để thanh toán viện phí và tiền thuốc cho má,
và bảy triệu chuộc chiếc xe. Anh bí. Em coi chỗ nào có thể nhờ cậy được thì
xoay giùm. Anh sẽ trả, vài tuần, hoặc vài tháng nữa anh trả.” Nghỉ một lúc,
Trọng nói thêm: “Hiện giờ ta đang đứng ngay ở điểm “cùng”, nghĩa là sắp tới sẽ
đến chỗ “biến”, sau “biến” là “thông”. Sẽ vậy thôi. Lẽ nào chúng mình cứ chúi
mũi xuống mãi?” Hơn mười triệu bạc. Tìm đâu ra đủ con số đó? Trước đây, chừng ấy
tiền là nhẹ như bông, chẳng đáng để Trọng quan tâm.
- Trông em có vẻ lo lắng quá. Có gì khó
khổ, trở ngại nói anh nghe xem.
Giọng của Phước như cụ già hiền từ, nhưng
ánh mắt anh ta là mắt của diều hâu nhìn chú gà con. Kim Hoa thành thực kể hết
tình cảnh của mình. Phước nghe chăm chú, tặc lưỡi luôn miệng: “Tay Trọng bê
bối, hư quá, bậy quá!”
Tiễn Kim Hoa ra sân, Phước nói:
- Nay mai nếu còn cần tiền tiêu em cứ tới
đây, đừng ngại. Xuân Dung đi Cai Lậy chơi mười ngày, anh tự do, không sợ bà ấy
giám sát. Nhớ nhé.
Rồi anh ta vỗ lưng Kim Hoa: “Tội nghiệp
em!”.
“Em tới đây… Xuân Dung đi Cai Lậy… Anh ta
nói gì vậy, hở trời!” Đi khỏi cổng nhà Phước một quãng, Kim Hoa dựng xe bên vệ
đường, ngồi thụp xuống, gục đầu vào gối, khóc.
*
Đã 6 giờ chiều, hai người vẫn ngồi uống
dưới giàn bông giấy. Chưa thấy có dấu hiệu nào chứng tỏ cuộc rượu sắp tàn, cả
hai đều còn tỉnh táo.
Đôn Cận kể một chuyện vui. Kể xong anh
cười lớn, tán thưởng mình. Nhưng Trọng không nhếch mép.
- Không buồn cười à? – Đôn Cận hỏi.
- Tếu lắm, nhưng bụng này đang chứa nhiều
mối lo, chẳng vui được.
- Đâu có gì quan trọng, mọi trục trặc
trong cuộc sống đều là nhất thời.
- Xin hỏi, khi gặp hết thất bại này đến
thất vọng khác, ông có oải không?
- Đương nhiên là oải.
- Khi mà cả trời và người cùng hùa vào xí
gạt ta liên tục hàng chục keo, ông có cáu không?
- Cáu, tất nhiên! Nhưng coi lại, có phải
các vị đó gạt ta, hay do ta bước đi xiên xẹo?
- Ông biết đấy, tôi không phải hạng người
dễ chịu thua, nhưng khi rơi vào cái trận đấu suốt 90 phút ta co chân sút mãi mà
cứ trúng cột dọc với sà ngang…
- Sút tiếp, rồi sẽ “vào”, chắc chắn như
thế, vì sà ngang cột dọc chỉ cách thắng lợi vài phân… Đừng lo, tôi sẽ góp cho
mấy ý mới để bạn bắt đầu làm lại.
Đôn Cận cười thật giòn, và lại kể một
chuyện vui khác… Trọng nắm tay Kim Hoa, bảo chị ngồi xuống cạnh Đôn Cận.
- Em ngồi đây, châm rượu cho anh Đôn.
- Em bận nấu nướng, dọn dẹp.
Trọng cười hềnh hệch:
- Khoan nấu, nghỉ dọn. Đôn là tri kỷ của
anh, em biết đó… Có gì đâu, chỉ rót rượu thôi. Đừng làm anh buồn. Anh buồn
nhiều quá rồi… Em có còn coi anh là… là chồng không?
- Thôi nào, Trọng, để Kim Hoa lo bếp núc.
- Hoa muốn tôi buồn. Thời còn làm ở quán
Chiêu Anh, cô ấy phục vụ biết bao người… Mà nào chỉ rót rượu thôi đâu, còn táy
máy, mơn trớn và chớp nháy nữa kia!
- Anh Trọng! - Kim Hoa kêu lên.
- Bạn say rồi, Trọng ạ – Đôn Cận đứng
dậy, nhưng anh lảo đảo, muốn té, nên lại ngồi xuống – Chúng mình nghỉ là vừa,
tôi cũng mềm rồi.
Đèn đường bật sáng. Kim Hoa đến mở đèn
thềm. Trọng ngồi chống cằm. Anh nói chậm, rành rọt như chưa uống giọt rượu nào:
- Tôi đâu còn là tôi nữa. Tôi kém cỏi,
bất hạnh, sờ vào đâu hư hỏng đấy… Qụy ngã, thua lỗ, xúi quẩy – Anh chỉ Kim Hoa,
và chỉ vào nhà – Tài sản của tôi chỉ còn có cô này, và cái nhà trống huếch.
- Biết rồi, Trọng. Này, làm hớp nước
chanh, giải nhiệt.
- Ông chẳng biết gì nhiều đâu. Xin lỗi,
cho tôi nói thực. Khi xuống chó thì người ta xuống cấp… thành một thứ người
loại hai! Kim Hoa kia, ông biết không, mới năm nào cô ấy còn coi tôi là ân nhân
đáng kính trọng, là phu quân vĩ đại… Nay thì sao? Bây giờ em gọi tôi là gì? –
Trọng đưa ly rượu cho Kim Hoa – Em mời anh Đôn ly này, nhá.
Trọng lại nhắc tới mụ Chiêu Anh, và
chuyện cũ, Kim Hoa cảm thấy chua xót.
- Ông nên tin tôi, khi say người ta
thường nói thực, Đôn ạ… Không chỉ buồn, tôi đang tuyệt vọng. Nhưng tôi vẫn yêu
thương Kim Hoa… Đúng thế, kép Văn Trọng sắp thở hơi cuối cùng nhưng vẫn yêu đào
Kim Hoa mê đắm!
Trọng cười sằng sặc, sắc lạnh, như tướng
cướp trên sân khấu. Rồi bỗng anh thôi cười, gào to: “Kim Hoa, lúc sáng em mượn
tiền ở đâu?”
*
Năm đó Kim Hoa là ngôi sao sáng của quán
Chiêu Anh. Quán có nhiều chiêu đãi viên, nhưng Kim Hoa là người xinh đẹp nhất,
nổi nhất. Quán thu hút khá đông khách, phần lớn thuộc giới khá giả. Các cô gái
bán bia, rượu, tiếng cười, và cả mấy “món cấm”. Các đấng mày râu thì mua vui,
mua sắc, và mua cả những vầng hào quang hão huyền. Người ta không tiếc thời
gian, công sức, tiền bạc. Dường như ai cũng muốn cố vượt lên để tới một cái
đích nào đó, cố nhảy qua những bậc cấp, những chiếc thang mơ hồ nào đó.
Trọng đến Chiêu Anh thường xuyên. Lúc này
bạn bè gọi anh là Trọng Bụng. Anh đang ăn nên làm ra, đang phất. Anh làm gì
cũng trúng, nhúng tay vào đâu cũng êm xuôi, trôi chảy, lời to. Ở Chiêu Anh,
Trọng Bụng được các nàng kiều quý trọng, chiều chuộng. Anh xài “sang hơn Tây”,
vui tính, hào phóng. Cùng nhiều hảo hớn khác, Trọng lao vào cuộc đua tranh nhằm
chiếm đoạt minh tinh Kim Hoa, và anh đạt được mục đích sau hai năm chiến đấu
quyết liệt…
Trọng Bụng bứng Kim Hoa ra khỏi động
Chiêu Anh tối tăm cũng khó khăn, chật vật như viên tướng chiến thắng trong một
trận đánh mà đối thủ là kẻ tài trí chẳng kém mình bao nhiêu. “Tao vớt nàng ra
khỏi vũng lầy. Tao sẽ cưới nàng… Hoa sẽ coi tao như thiên thần sáng láng, hào
hoa.” Trọng Bụng nói với các bạn thân, và sau đó anh cưới Kim Hoa ồn ào, linh
đình như đã nói. Hai người sống với nhau êm ấm, hạnh phúc như những cặp vợ
chồng trẻ tân, như là Trọng chưa hề trải qua một đời vợ, như Kim Hoa mới cởi bỏ
áo học trò tháng trước. Thời gian tươi đẹp ấy kéo dài được ba năm.
Nhưng từ khi bị mấy vụ thất bại, thua lỗ
nặng liên tiếp ập xuống đầu hồi cuối năm kia, Trọng đã biến thành một người
khác. Anh mất tinh thần, không còn thiết gì đến việc làm ăn, và trở nên một kẻ
nóng nảy, hời hợt. Biết vợ không may vá, không buôn bán, không dạy học, không
có một nghề chắc chắn, nhưng anh không biết đặt câu hỏi các món tiền chị mang
về thời gian qua có được từ nguồn thu nào?
*
Chỉ hai ngày sau lần nhậu trước, Đôn Cận
lại đến. Cùng đi với anh có một người đàn ông tuổi chừng năm mươi, tướng sang
trọng. Ông ta mang kính mát, ria mép rậm, mặt ngầu, như mấy tay trùm xã hội đen
trong các phim truyền hình. Đôn Cận gọi người này là anh Năm với giọng kính nể.
Trọng lăng xăng đón khách. Anh vội vã lau qua bàn ghế, pha trà, và vác chiếc
bàn thấp ra đặt dưới giàn bông giấy.
Trọng nói nhỏ với Kim Hoa: “Có anh Năm
Phán đến chơi. Anh ấy ở Hòa Hưng, là dân xịn, làm ăn to, đứng đắn… Em nhớ cho,
đây là khách đặc biệt. Lâu nay Đôn xoay xở, tìm cách giúp chúng mình. Anh ấy
câu Năm Phán tới đây. Anh Năm chính là kẻ mang hy vọng đến cho chúng ta… Hoa ạ,
anh đang cần một chiếc phao, một bàn tay vững chãi để bám víu, lấy đà… Giờ em
chạy tìm chai rượu và đồ nhắm, nghe.”
Kim Hoa ngẩn người. Moi đâu ra tiền để
tìm với mua! Số tiền mượn của Phước đã chi cho cuộc rượu hôm đó. Trọng ôm Kim
Hoa:
- Không tiền? Phải, hết từ lâu rồi. Anh
biết chớ! Biết, nhưng anh khổ quá, em ạ. Anh rối trí, muốn cuồng điên luôn… Hơn
năm qua để mặc em chạy ăn là chuyện đường cùng.
Trọng vuốt tóc vợ:
- Ta tiếp anh Năm chu đáo, em ạ… Anh phải
đứng lên, bày keo khác. Anh muốn được cao lớn, mạnh khỏe trở lại.
Trọng nhìn quanh phòng:
- Em coi còn có gì bán được chăng… Không
à? Hết thực rồi!… Dào, chỉ còn bàn ghế, giường.
Kim Hoa cười:
- Còn em với cái nhà nữa chớ!
- Sao em cười?… Đừng cười anh!
Trọng chậc chậc, chép miệng và thở phì
phì như những lúc say. Rồi anh lại vuốt tóc Kim Hoa, vỗ vỗ nhẹ lưng vợ, động
viên:
- Em cố chạy lần nữa, ráng lên… kiếm chai
rượu loại kha khá, mồi thì gà, vịt, bò, hoặc khô sặc, khô thiều cũng được.
Anh khích lệ, và cười gượng, nói đùa. Anh
vỗ lưng Kim Hoa giống hệt như hôm trước tay Phước đã vỗ. Kim Hoa chết lặng… Cố
gắng, Hoa cố được. Nhưng đối với một kẻ mà sự chạy tiền chỉ có nghĩa vay mượn
thì phạm vi của sự cố gắng hết sức hạn hẹp. Kim Hoa đau đớn thấy mình bất lực.
Cái xui xẻo của Trọng đã lan rộng, hay có một ông trời tai quái theo rình rập
quyết hại gia đình chị? Mấy món tiền cuối cùng, cộng với số tiền bán nữ trang,
Kim Hoa đổ ập cả vô mấy đầu huê, mới đây đã rơi vào tay hai mụ lừa đảo. Mất êm
ái, trong chớp mắt, như là bay biến, như bốc hơi.
Kim Hoa yêu kính Trọng, muốn anh bước ra
khỏi vùng u ám. Chị biết rõ là Trọng siêng năng, tháo vát, và rộng lượng, tốt
bụng, thường giúp đỡ những kẻ thất thế, nghèo khổ. Một người như vậy chắc thế
nào cũng vượt qua được hoạn nạn, sẽ gặp nhiều may mắn, sẽ có đường hậu vận tốt
lành… Nhưng còn chuyện này, bây giờ tính sao, đến gõ các cửa nào?
Họ ngồi bên chiếc bàn nhỏ dưới giàn bông
giấy. Đôn Cận nói liền miệng, tiếng khàn khàn. Năm Phán nói nhỏ, chậm rãi. Trọng
thì luôn miệng vậng dạ, mau mắn, ngọt ngào.
Kim Hoa lấy giỏ, dắt xe đi ra cửa sau.
Chị đứng mấy phút trước cánh cửa mở hé, ôn lại trong đầu những tên người, những
gương mặt thân sơ có thể đến nhờ vả. Cuối cùng thì gương mặt nổi nhất vẫn là
Phước. Anh ta cười cười, giả vờ lắng nghe, giả vờ thương xót. Nhưng khi anh ta
đưa tiền ra, đúng là những xấp tiền thật, không phải “giả vờ”. Khuôn mặt Phước
đung đưa, lấp lóa, lúc mờ lúc sáng như trên màn ảnh. Anh ta nhíu mày, nghiêng
tai lắng nghe, rồi cười tít mắt. Và anh ta nói: “Tội nghiệp em… nếu cần tiền em
hãy tới đây…”, rồi vỗ nhẹ lưng Kim Hoa. Anh ta vỗ lưng nàng!
Kim Hoa ra đường, thờ thẫn đi về phía
trước mặt, như để đến một nơi vô định, một vùng đất trời nhạt nhòa, xám xịt.
Thật là khổ nhọc phải ra đi trong khi trước mặt không có một ngõ lối, một con
đường nào ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét