Ngủ thấy chiêm bao là thường, “đố ai nằm
ngủ không mơ”, nhưng giấc mộng ông Cấp gặp trong mấy đêm qua làm ông lo ngại.
Hai đêm tiếp ông Cấp thấy nó, lâu, rõ, giống như đoạn phim chiếu đi chiếu lại.
Trong đó, thằng Tương - nhà ở cuối làng, mới cưới vợ - mặc áo thun xanh, đội
mão, như kép hát. Nó cười nói, chạy nhảy lăng xăng như hề. Đùa chán, nó nhảy
tót lên ngọn tre, ngồi vắt vẻo... Đây là giấc mơ thường, hay điềm may, điềm xấu
?
Ông Cấp kể chuyện cho hai bạn thân nghe.
Ông Kiêu bảo: “Mộng mị, chẳng ăn nhập gì đâu, nhưng gần đây anh có thấy trong
người khó chịu, khác thường?”. Ông Biết nghĩ khác: “Hơi lạ. Để xem, đừng nói
với ai, nếu loan ra, mỗi người một tiếng, đồn rùm trời, thằng Tương sẽ hoảng”.
Nhưng không giữ kín được. Dòng đời của vùng quê bình lặng này chuyển dịch chậm,
lắm lúc như ngưng đọng, năm tháng nối tiếp nhau, đến rồi đi, giống như khuôn
đúc, tẻ nhạt, buồn chán. Nên khi có việc gì mới lạ ập đến, người ta đón nhận vồ
vập, thích thú. Chỉ vài hôm ai cũng biết chuyện thằng Tương bận đồ hát bội,
nhảy lên đọt tre. Được nhiều người quan tâm, thằng Tương khoái chí, nhưng cha
nó sợ xanh mặt. Hình ảnh đó dị thường, kì quái, chắc khó chứa đựng các điểm tốt
đẹp?
Thời trẻ, khi còn ở quê cũ ngoài Huế, ông
Kiêu từng biết một vụ mộng mơ, mộng mê hấp dẫn. Một gái làng tuổi đôi mươi,
nhiều đêm, trong giấc ngủ, gặp một chàng trai lạ. Chàng có dáng thư sinh,
trắng, cao, mặt tròn vành vạnh. Anh chị thương yêu, quấn quýt nhau như vợ
chồng. Cô gái nói với mẹ. Mẹ cô bảo: Coi chừng, có thể đây là chuyện ma tà, nên
kín miệng. Sau đó, trường làng đón một thầy giáo mới đến dạy. Anh chàng giống
người trong mộng của cô gái. Cho rằng chuyện này do thần thánh sắp đặt, cô nàng
nghĩ ra nhiều cách để làm quen, chinh phục “đối tượng”. Cô ta thành công, biến
mối tình của hai người thành cổ tích đẹp thời hiện đại.
Hai tháng sau ngày ông Cấp nằm mơ, thằng
Tương đi theo ông bà! Không đau ốm bệnh hoạn ngày nào, nó lăn đùng ra chết...
Tương đi ăn giỗ ở nhà ông chú ruột, chỉ cách nhà nó vài thửa ruộng. Giỗ to, ầm
ĩ, máy móc loa đài hát hò từ trưa đến tối như đám cưới. Khách khứa được ăn no
nê, uống thoải mái, với nhiều dạng chất cay, bia đắt tiền lẫn rượu làng, rượu
nếp tự chế. Những người ở xa, về trước được bình an. Đám trai trẻ quanh xóm hầu
hết say bò lăn, nhiều anh ngã tại trận, ngủ la liệt trong sân, trên thềm. Vui
hết biết! Chủ nhà là tay chịu chơi. Ông bảo, lúc đói khổ cúng qua loa, còn khi
đã dư ăn dư để phải làm cho mát mẻ. Giỗ, cưới là dịp để họ hàng, xóm giềng tụ
tập, kết chặt hâm nóng tình anh em bà con !... Mới xẩm thằng Tương đã bỏ cuộc ,
đến khoảng 9 giờ khuya nó tỉnh dậy, mò về. Nó đi được, nhưng vẫn còn say. Đêm
đen kịt, ễnh ương dưới ruộng kêu như dàn hợp xướng hỗn độn. Chàng say dò dẫm đi
trên bờ ruộng hẹp. Có lẽ nó nhắm mắt đi, hoặc vừa đi vừa ngủ! Khi còn cách nhà
một quãng ngắn Tương bước hụt chân, té xuống vũng trâu đằm. Vũng nước này tròn,
rộng cỡ hai chiếc chiếu, chỉ sâu tới đầu gối. Nó chết, kỳ quặc, dễ dàng, như
đứa trẻ mới biết bò ngã vào thau nước!
*
Hôm đó ông Cấp mắc võng dưới gốc me sau
vườn ngủ trưa. Chim kêu rù rì trên cây, gió thổi nhẹ mát rượi, ông kéo một giấc
dài hai tiếng. Giấc ngủ này tuyệt vời nếu như nó không mang đến một “sự phiền
phức” mới. Ông nằm mơ. Ông thấy chị Hơn, người hàng xóm hiền lành. Chị này còn
trẻ, buôn bán lặt vặt ở chợ xã... Chị Hơn mặc đồ sặc sỡ, mang vàng đầy cổ, nằm
trên võng do hai người khiêng, nhìn qua giống như người đi kiệu trong các đám
cưới xưa. Chị Hơn cười to, hát hò, nhưng hai người khiêng lại khóc rống. Cảnh
này cứ hiện ra một lát rồi biến mất, sau lại hiện, màu sắc lúc đậm lúc lợt như
đoạn phim bị trục trặc... Thức dậy, ông Cấp sợ. Ông nằm yên, nghĩ mãi chuyện
vừa thấy. Có những điểm tương đồng trong cảnh về Hơn và cảnh của thằng Tương
hôm trước. Hai người đều mặc đồ đẹp, mặt mày tươi rói. Rồi đây Hơn có gặp rủi,
đen như thằng Tương? Không lẽ vui cười là dấu hiệu báo trước sự chẳng lành?
Chiều đến, ông bỏ cơm, chỉ uống trà. Ông uống một mạch hai bình trà. Bà Cấp
tưởng ông bệnh.
“Tôi vừa chiêm bao”.
“Lại mơ, lúc nào?”. Bà Cấp giật mình.
“Hồi trưa”. Bà Cấp la lên: “ Ngủ trưa mà
cũng mộng với mị... ông đa sự!”
“Ai muốn... Tôi sợ!”. Ông kể cho vợ nghe.
Bà Cấp than, làm như chị Hơn chết chắc nay mai: “Ôi, trời ơi. Bọn con nó chưa
đứa nào tới mười tuổi!”.
“Bà này, chưa chi đã kêu trời”.
Bà Cấp dặn, ông phải giấu kín, không hở
môi với bất cứ ai. Nếu ta đem đến cho mọi người các điều tốt đẹp, những tin
lành, ai cũng hoan nghênh. Đằng này chỉ liên quan tới xấu xui, bà con sẽ gọi
ông là gã đưa thư của thần chết. “Cái gì có lợi mới làm, ông đã dạy con như
thế, giờ ông phải chấp hành lời dạy đó... Khó hiểu là, sắp gặp tai họa, sao
thằng Tương cười cợt...nay con Hơn lại cười”.
Hứa với vợ, nhưng hai hôm sau ông Cấp
tiết lộ bí mật đó với ông Biết. Miệng dặn người thân, bằng hữu đừng loan tin
này, nhưng thực bụng ông Cấp mong họ thổi bùng nó lên. Ông muốn được người ta
biết tên, nổi tiếng. Nhìn qua, sự việc có vẻ mâu thuẫn, nhưng nếu nghĩ kỹ ta sẽ
thấy nó không lạ: nhiều người sợ mình chìm nghĩm giữa đám đông vô danh... Bên
những ly cà phê đem sánh, hai ông già trầm ngâm. Ai cũng nói ngủ thường gặp
chiêm bao. Chuyện xưa cũ ngàn năm, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ căn nguyên
của nó. Nó liên quan đến trí óc, huyền bí, khoa học, và những gì nữa? Ông Biết
hơi lo, vì Hơn là cháu ông. Ông bảo bạn thuật lại ba lần giấc mơ này. Đối
chiếu, ông thấy có lẽ ông Cấp nói đúng những gì ông ấy mơ. Không chi tiết nào
sai lạc, dư thừa trong hai lần kể sau, so với lần đầu.
“Tôi thấy rõ như xem phim... Gay quá, tại
sao như vậy, hay có loại vi trùng quái quỷ gì xâm nhập vào đầu tôi?”
“Gần đây anh có gặp chuyện lo lắng, buồn
rầu không?”
“Bình thường, chẳng sao cả... Bọn mình ở
đây tìm đâu ra những thứ bất thường?”
Ông Biết căn dặn: “Anh giấu giùm, chớ nói
với ai”. Ông sợ các cháu buồn. Biết trước tai ách là sự “hiểu biết” khủng
khiếp. Ông Biết nói, ngủ ông cũng chiêm bao, nhưng luôn gặp những hình ảnh chập
chờn, mờ xám. Chỉ một lần, cách đây 20 năm, ông thấy cảnh nhà cháy, và người ta
bảo nó báo trước cho cái chết của cha ông. Lúc đó cha ông bệnh. Căn bệnh kéo
dây dưa hơn hai năm. Một đêm, vừa đặt lưng xuống giường, ông Biết thấy một ngôi
nhà to cháy đỏ trời, tàn lửa bay như pháo bông. Ba hôm sau cha ông qua đời.
Nhưng ông không nghĩ trận hỏa hoạn ghê gớm đó hại cha ông, bởi cụ bị bệnh nặng
đã lâu.
*
Anh Đáo, chồng chị Hơn, đến nhà ông Cấp
để nghe tận tai tin anh vừa biết. Chị Hơn khóc vùi, mẹ chị cũng khóc, cả xóm
xôn xao. Không phải chuyện đùa... Anh Đáo đô con, tướng dữ dằn, nhưng nói nghe
có vẻ mềm mỏng. Anh cho biết, lúc này không phải thời điểm than thở, nên tìm
cách ngăn chặn hiểm họa từ xa. Đây là chuyện bí hiểm, như tấm lưới vô hình
trong cổ tích, ta không cầm nắm được, nhưng nó có thể úp chụp xuống đầu ta bất
cứ lúc nào. Cái chết của thằng Tương có thật, còn mới tinh. Anh Đáo sẽ nhờ thầy
tới cúng giải hạn. Anh không tin dị đoan, vụ cúng kính này là “sáng kiến” của
mẹ vợ anh. Anh muốn ông Cấp góp một tay vào cuộc cầu cúng. “Chú biết đấy, Hơn
trẻ, chẳng ai gọi người 37 tuổi là bà già... Bọn con tôi còn nhỏ... Trời ơi,
nếu Hơn bị...” Đáo khóc, cố ghìm tiếng khóc trong cổ, người anh ta rung lên.
Ông Cấp hoảng hồn.
Cuộc cúng giải xui diễn ra trong hai
ngày, khá lớn, nhưng non ba tháng sau chị Hơn vẫn chết. Chị chết khi tập đi xe
gắn máy... Sau nhiều năm làm ăn chí thú, anh Đáo dành dụm tiền mua được chiếc
xe tốt, hai mươi triệu, hách nhất xóm. Vợ chồng anh hãnh diện mở một bữa tiệc
“rửa xe” xôm tụ. Rồi chị Hơn tập đi xe, nhưng mới qua ngày thứ hai đã gặp nạn.
Chị tông vào một xe tải chạy ngược chiều. Anh tài xế không nghĩ chị mới biết đi
xe máy hai hôm. Như yêng hùng xa lộ, chị cúi rạp người trên tay lái, phóng với
tốc độ chừng 90 cây số giờ, đâm thẳng vào đầu xe tải ! Chớp nhoáng, cực mạnh,
thảm khốc!
Ông Cấp nổi tiếng nhanh chóng. Chỉ vài
tuần, chuyện ông nằm mơ thấy đâu trúng đó đã vượt khỏi địa giới làng Đông Phước
bé bỏng. Có người coi đó là hiện tượng thú vị, một tài sản lạ của làng. Những
người khác, đông hơn, xem nó như thứ chim ác gieo rắc hung hiểm, tai ương.
Nhiều người không muốn nhắc đến nó. Nhiều chị không dám chạm mặt ông Cấp, sợ
ông thấy ghi nhớ vào đầu rồi “tung ra” trong gấc ngủ. Nhìn chung, sự việc này
lúc đầu mang dáng vẻ chuyện đùa, nay đã giống một dịch bệnh, đe dọa mọi người.
Kẻ lo sợ nhất chính là ông Cấp. Chẳng giây phút nào ông không bị đại nạn này
quấy rối trong đầu. Ông suy tính, tìm cách để ngủ ít, không ngủ say. Ông ngại
nằm xuống giường như sợ gánh gồng nặng nhọc.
*
Một chiều mưa, trời đất ủ dột, ông Cấp
đón tiếp một vị khách đặc biệt. Anh ta ở Phú Xuyên, một thị trấn mới mọc, mới
giàu. Nhìn qua, đã biết ngay đây là đại gia. Xe cộ, quần áo, máy móc, vòng
vàng, người anh ta cứ cộm lên, sáng bóng! Anh ta nói điện thoại liền miệng, chỉ
trong hơn nửa giờ đã có ba cuộc gọi đến. Anh ta vâng dạ, cười to, ô kê, ừ à
ngậu xị!
“Tôi là Khê, chủ đại lý bia Sơn Khê, chủ
hãng cưa xưởng mộc Hương Khê ở Phú Xuyên”, anh ta tự giới thiệu. Gã này tới đây
làm gì, ông Cấp cố đoán nhưng không nghĩ ra. Đến lúc Khê nói, ông bật ngữa! Anh
ta vừa nghe tin đồn về các dị mộng linh ứng của ông, muốn dùng nó như một thứ
bùa chú, để trù ếm những kẻ anh ta ghét! Qua cách diễn đạt quanh co, khéo léo
của Khê, có thể thấy anh ta có khá nhiều địch thủ, đều là những kẻ cạnh tranh
trong việc kinh doanh. Khê muốn thấy những người đó khốn đốn, lụn bại, điên
đảo. Ông Cấp bảo ngay: “Không được, thất đức!”. Khê nài nỉ:
“Tôi biết là được, không khó chút nào.
Anh chẳng làm gì phạm pháp cả”.
“Hại người mà không bất lương?”
“Ta đập bọn gian manh, không hại người
hiền. Ta không chửi ruả, hành hung ai... Anh chỉ cần phán vài câu thôi. Dễ mà.
Nói như trước đây anh kể về chuyện nằm mơ thấy chị Hơn. Nói thật tự nhiên giữa
bạn bè anh... Những lời đó sẽ lan rộng, bay xa. Tôi có cách làm cho nó bay
nhanh... Anh giúp giùm, tôi nghĩ kỹ rồi... Tôi sẽ bồi dưỡng, đền ơn anh 15
triệu”.
Ông Cấp kinh ngạc, số tiền quá lớn! Nói
thế nào, chỉ vài lời được ngay 15 triệu? Khê thuyết phục:
“Mình không hại người hiền. Thằng này là
tên gian tà, độc ác. Nó chơi tôi nhiều vố, trong sáu năm qua, vố nào cũng đích
đáng, tôi lên bờ, xuống ruộng vì nó”.
Ông Cấp nghe tiếng được, tiếng mất. Số
tiền này nói ra chắc chẳng ai tin, đúng là đại gia! Nó đánh đúng vào chỗ yếu
của ông. Đã lâu, non chục năm nay, từ ngày bước vào thời kỳ già yếu, vợ chồng
ông làm, loay hoay, vun vén giỏi lắm cũng chỉ đủ ăn, chưa khi nào có dư chỉ
vàng hay vài ba triệu bạc.
“Anh nói, anh mơ thấy thằng Lia - tên
thằng ác - cỡi chim công, hoặc đại bàng, bay vút lên chín tầng mây. Tại đó có
nhiều tiên ông chào đón nó... Đại khái thế. Anh muốn nói sao cũng được, miễn là
nghe xong người ta choáng váng, sợ hãi, nghĩ là Lia sẽ chết, y như hai người
trước đây”.
Ông Cấp ngồi im, suy nghĩ. Lia, người làm
ăn nổi bật, phất nhanh trong những năm gần đây của làng Lộc Thọ, láng giềng của
Đông Phước. Đơn giản thật, đúng là không đâm chém, bắn giết, cướp bóc! Nhưng
như thế làm sao có thể tác động đến “đối tượng”? Khê giải thích:
“Mọi người sẽ đồn ầm lên, trăm miệng,
ngàn miệng hợp lại thành bản hòa tấu, dàn hợp xướng! Thằng chó đẻ sẽ tá hỏa,
kinh hãi... Nó sẽ bỏ ăn, quên làm, gầy mòn, suy kiệt... Sự việc sẽ diễn ra như
vậy, không sai, tôi đã thấy trước... Anh biết không, thằng quái ấy chúa dị
đoan. Ở nhà nó, ôi thôi, trong nhà, ngoài sân, góc bếp, chuồng heo, giếng nước,
chỗ nào cũng có trang thờ, kệ thờ. Làm chiếc lồng chim, xây hồ nuôi cá kiểng nó
cũng chọn ngày lành... Giấc mộng từ nhà anh tung ra thì nó chỉ có chết... chết
vì sợ!...Xin nói trước, tôi sẽ bổ sung nhiều “gia vị” vào tin đó, rồi thổi bùng
nó lên, như nghệ sĩ xiếc phun dầu vào que lửa!”.
Khê cười giòn. Cao kiến, mưu kế như Khổng
Minh! Ông Cấp ngạc nhiên. Có thể nói tay này là vua nghĩ lạ, nghĩ xa! Ông thấy
sợ con người đang nói cười hỉ hả trước mặt mình. “Nhận lời giúp gã là ta cũng
thuộc dạng ti tiện, hiểm độc.” Chuyện có vẻ mơ hồ, ảo nhưng có thể tạo ra những
hậu quả... không ảo! Biết vậy nhưng ông Cấp không quay lưng đi, không từ chối
“cơ may”, số tiền gã đưa ra hấp dẫn quá!... Sơn Khê về, để lại một phong bì
tiền đưa trước, đặt cọc, năm triệu.
Khách đi đã lâu nhưng ông Cấp vẫn ngồi
nhìn ra ngõ, hoang mang, bần thần. Được số tiền lớn nhưng ông không vui. Đây là
lần đầu ông biết cảm giác sướng mà không vui!
*
Sáu tuần sau ngày “hội kiến” với Sơn Khê,
ông Cấp lại thấy mộng lạ, nhưng ông không gặp gã Lia, lại chộ mặt chính mình!
Quái đản, kinh khủng! Ông thấy cha ông, người đã qua đời hơn bốn mươi năm. Ông
đi câu, đánh cờ, gặt lúa với ông cụ. Cụ giống hệt ngày trước, cười nói hớn hở,
bước đi như chạy. Cụ ôm ông, xoa đầu, rồi hôn chùn chụt như hôn trẻ con! Ông
còn thấy nhiều người cùng xóm khác, tất cả đều đã chết, lắm người chết hồi ông
còn chăn trâu. Nó như đoạn phim ngắn,
chiếu đi chiếu lại, lần sau chậm và lớn hơn lần trước, như cố ý để ông xem rõ
mọi chi tiết.
Sáng dậy, ông Cấp nghe người rã rời. Ông
khiếp hãi, trực nhận ra mình cũng yếu đuối, sợ chết như ai! Suốt ngày hôm đó
ông ở lì trong nhà, lê bước từ võng đến bàn nước, rồi ngược lại. Ông nghe không
rõ những điều vợ con nói, cũng chẳng nghĩ được thứ gì rành mạch. “Ta già còn
mất vía, vậy người trẻ, như con Hơn, sợ tới đâu?”. Ý nghĩ này quanh quẩn trong
trí ông . Nhớ chuyện cũ, ông thấy trước đây mình rao to chuyện chiêm bao là độc
ác... Giống như Tương, Hơn, trong mơ ông vui, tươi trẻ, hưng phấn. Có phải điều
đó muốn bảo: “thế giới bên kia” thơm tho, đẹp, và chết không đáng sợ?
Ông Cấp bệnh. Căn bệnh thoạt trông có vẻ
nhẹ, triệu chứng mù mờ, vừa giống thất tình, vừa như thương phòng. Ông xuống
sức thật nhanh, xanh mét. Vợ con bảo đi bệnh viện, ông lắc đầu: đây là “tâm
bệnh”, chẳng thầy bà nào trị được. Hỏi tâm bệnh thế nào, ông ú ớ, không giải
thích. Ông ngủ ít, ăn ít, bỏ hẳn thú uống cà phê. Và ông thay đổi tính nết, đâm
ra nhút nhát, sợ đủ mọi thứ. Ông không dám đi ghe, sợ chết đuối. Không leo lên
ghế cao cắm nhang, sợ té ngã. Không bước ra sân khi trời mưa, sợ sét. Mới qua
bảy mươi ngày, kể từ hôm nằm mộng, người ông đã teo lại, khô quắt, còn nặng
chừng hơn ba chục ký.
Bà Cấp rước thầy về cúng cầu an, giải tà.
“Tà gì, cúng gì?”. Ông Cấp hét, nhổ nước bọt phì phì. “Thời buổi này mà còn nói
chuyện tà ma, cúng bái quàng xiên, dẹp đi!”. Mấy đứa con xúm vào vuốt ve, dỗ
ngọt, bảo ông chịu khó ngồi yên để thầy cúng. Cúng không lợi mặt này thì mặt
khác. Ông Cấp đồng ý: “Phải, lợi lắm, ít ra cũng có chè cháo, vịt gà để chúng
mày hưởng... Còn bệnh này, tâm bệnh!”. Ông chỉ vào đầu mình. Tâm nằm ở bụng,
nhưng ông chỉ vào đầu! ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét