30 thg 9, 2011

MỘT ĐỜI BAY NHẢY

Trở về sau chuyến đi buôn, ra Bắc, gần ba tuần, Mận nằm ườn ở nhà Chương hai ngày, trò chuyện với Dung – em Chương – hôm nào cũng kéo dài từ sáng đến khuya. Chuyện gì lắm thế? Tình yêu, rặt chuyện tình. “Như hai con điên!” Mẹ Chương nói.
Dung từng có mối tình đầu khá đẹp, nay đã dang dở, nhưng cũng giúp nó trở thành người từng trải, có tí chút kinh nghiệm trong lãnh vực yêu đương. Giờ thì nó như một nơi đáng tin cậy để Mận trao đổi, tâm sự… Quan niệm về tình yêu của Mận hơi khác đời. Chị yêu nhiều người, nhưng không bền. Vài tháng lại nghe chị có một mối tình mới. “Tao không hiểu đây có phải là yêu không. Tao cũng chẳng biết trạng thái này là lo lắng hay xúc động. Lắm lúc tao không điều khiển được trái tim tao!” Chị nói lớn như thế.
Lần này Mận đem về “hai chàng”, hai, không phải một. Chị đưa ra hai tấm ảnh màu: “Đây là Đạt ở Đà Nẵng, tay này là Nguyên ở Bắc… Tao thích cả hai. Giờ chưa thể nói tao yêu hai chàng. Mới quá, chắc chưa yêu được đâu! Hai gã đều đẹp, như diễn viên. Có thể yêu cùng lúc hai người? Thiên hạ bảo rằng không nên. Tao thì chưa trả lời được, còn phân vân. Sống giữa xã hội, ta phải tuân theo các khuôn phép do xã hội đặt định, nếu làm ngược sẽ bị coi là lập dị, ngỗ nghịch, bị khép vào đủ thứ tội… Hiện tại tao coi hai chàng ngang nhau. Để xem, sau một thời gian sàng lọc, cán cân tình cảm của tao sẽ nghiêng về bên nào. Phải cho nó nghiêng, để chọn một. Một yêu một, ta sẽ được làm người bình thường… Nguyên như thầy giáo dạy văn, ăn mặc trang nhã, đúng mốt, giọng nói êm dịu “diễn cảm”. Đạt giống Lê Minh, mũi cao, môi hồng, cười quyến rũ, hơi kiểu cách… Dung, ngó kỹ xem, ai đẹp hơn? Nhìn phớt qua, dĩ nhiên chỉ thấy bề ngoài. Còn tâm tính, “nội dung” chắc phải chờ kiểm nghiệm, phải mất nhiều ngày ta mới biết được. Tâm hồn quan trọng hơn cái vỏ… Nói ra thì có vẻ tự khen, lố bịch nhưng tao biết tâm hồn tao bao la, trái tim tao lớn và nhân hậu. Đừng cười, đúng là nhân hậu! Nên tao sẽ chọn bạn đời thật kỹ, chọn kẻ giống mình, giống càng nhiều càng hay… Tuy thích nói kiểu châm chọc, thẳng thừng, đốp chát, nhưng tao hay xúc cảm, dễ mềm lòng. Tao yêu thương kẻ yếu đuối, nghèo khó, trẻ con lang thang, người già cô độc. Tao muốn nâng đỡ, cứu giúp họ. Như vậy, dù nhìn theo khía cạnh nào, tao cũng là người đáng quý… Hiện giờ tao thường chụp lên đầu chiếc mặt nạ vằn vện, lạnh lùng, lãnh đạm. Nhưng đó là mặt nạ, chỉ khoác ít lâu cho vui thôi… “Đời như sân khấu lớn”. Ta có thể vẽ mặt, phùng mang trợn mắt, diễn trò chút ít, nhưng cuối cùng chắc cũng phải quay trở lại đúng như con người mình, chính mình”.
Mận là con của bà Năm Thủ, chị ruột mẹ Chương. Chị có bốn anh trai, “bốn ông tướng nhà trời”, cao lớn dềnh dàng, chuyên ăn chơi phá phách. Là con gái duy nhất, Mận được cha mẹ thương yêu, nuông chiều, muốn gì được nấy. Và chị cũng cứng đầu, ngang bướng, “quậy” như các ông anh. Trong xóm nhiều người ghét Mận, người bảo rằng chị nhố nhăng, kiêu ngạo; kẻ nói chị đỏng đảnh, mát, gàn. Nhưng đối với Chương và Dung chị tốt, rộng rãi, dễ mến… Mận không coi trọng việc đèn sách. Chị học uể oải, lớt phớt, như phải làm một việc đáng chán. Nhưng Chương biết Mận thông minh, nếu chăm chỉ chị sẽ là học sinh giỏi… Do những dấu hiệu xộc xệch đã bộc lộ từ trước nên khi con đường học hành của Mận bị cắt ngang, không ai ngạc nhiên. Chị nghỉ khi trong tay chưa có được bằng cấp nào đáng kể, bỏ lại sau lưng nhiều chuyện vui, giai thoại, để thỉnh thoảng lũ học trò nhỏ nhắc lại “bà Mận chạm điện”, cùng cười với nhau… Năm học lớp 9, có bữa Mận không thuộc bài. Thầy hỏi: “Em chẳng thuộc câu nào cả. Em không học bài?” Mận nói: “Văn gì khô rúm, cạn cợt, nhạt phèo, đọc nghe lục cục như xe lu cán đá… Nếu hay, em học hai mươi phút xong ngay!” Thầy kinh ngạc, cả lớp cười rần. Lần khác, Mận phát biểu với thầy Huy, giáo viên dạy sử: “Có lẽ nên xem lại phần nói về nguồn gốc dân Việt. Người ta đã vẽ nên một ông Lạc Long Quân tính khí thất thường. Đang sống sum vầy, hạnh phúc, bỗng dưng la lên: nàng vốn là tiên, ta là rồng, nên khó ăn đời ở kiếp với nhau… Truyền thuyết này không ổn, từ đầu đã lộ rõ mầm mống chia rẽ, chồng vợ hai đàng, con cái chia đôi. Rạn nứt ngay ở nền móng, xúi quẩy, nên nước ta giặc giã triền miên, chia cắt nhiều lần… Ta giữ lại các chi tiết rồng, tiên, trăm trứng, nó đẹp và lãng mạn, còn những chuyện kia thì nên sửa.” Thầy Huy nói: “Ý em lạ, như một phát kiến, mười tám năm dạy sử thầy chưa nghe câu hỏi nào tương tự. Nhưng vấn đề này quá lớn, nằm ngoài tầm tay của chúng ta, của mọi người.” Đối với bạn bè, những ý nghĩ kiểu ấy chỉ tô đậm thêm cái nhãn đen trên lưng Mận: “bà hâm.”
Hết năm lớp mười Mận tuyên bố nghỉ học. Ông Năm Thủ nói: “Chán thì nghỉ, lớn rồi, mày quyết định đời mày.” Tính ông dễ dãi, xuề xòa. Ông sống nhàn nhã, tối ngày quanh quẩn bên những chậu cây cảnh và bầy gà chọi, năm mươi năm qua chẳng làm gì đổ mồ hôi. Bà Năm buồn rầu: “Nó còn nhỏ, dại dột, chắc ai xúi bậy nó đây… Tại sao nghỉ, con?” Mận hỏi lại: “Học để làm gì?” – “Trời Phật! Tới nay mà con còn hỏi như thế! Con không thấy người ta học đêm học ngày, bốn năm mươi bạc tóc, rụng răng vẫn còn học đó sao?” – “Tới đây là tạm đủ. Đã biết đọc báo, xem truyền hình, viết hóa đơn, tính toán sơ sơ.” – “Chưa đâu, còn lâu mới đủ!” – “Con không định dạy học, làm y tá, làm thư ký, kế toán…” – “Dù suốt đời chỉ rong chơi, đi du lịch, thì cũng nên học.” – “Con thích bay nhảy… con sẽ làm những nghề tự do.”
Mận nghỉ thẳng. Ba năm đầu chị phụ giúp mẹ đứng bán ở sạp vải chợ huyện. Sau đó chị buôn heo, từ huyện lên tỉnh, sáng đi chiều về. Rồi bước qua buôn trầm kỳ, trái cây, tôm sú, xe máy, chính thức “bay nhảy” trên đường nhựa; làm những chuyến đi dài ngày, vào Nam ra Bắc, có chuyến một tuần, lắm khi nửa tháng, hai mươi ngày. Chị lột xác, biến thành một người khác hẳn; ăn vận, kiểu nói, dáng điệu, cách pha trò, cười đùa, như diễn viên trên màn ảnh. Chị nói với Dung: “Bước ra đời mình tức khắc khôn ngay. Không nhập vai nhanh, lơ mơ quờ quạng thì chỉ vài tuần là thẳng cẳng, không còn xu dính túi… Mày biết không, tao đóng rất đạt. Có những vị nom lớn hơn tao năm bảy tuổi vẫn dõng dạc gọi tao là bà chị. Nhìn mặt biết người, tao đoán trúng phóc bà này nghĩ gì, anh kia toan tính gian hay ngay. Lúc nào nên mềm mỏng, khi nào cần nói thẳng. Tao bắt mạch được nhu cầu thị trường, nắm bắt sở thích của khách hàng rất nhanh và chính xác… Tao đang bơi giữa cái chợ hỗn độn, rối mù, xưa các cụ gọi là “chợ đời”. Tao cố gắng mở căng mắt ra, quan sát, ghi nhận… cam go, nhiều cạm bẫy nhưng vui, hấp dẫn, tao lớn từng ngày.” Hình như Mận không nói khoác, chị làm ăn suông sẻ, tiến bộ, thường lời và lời khá. “Nó lanh lợi, có khiếu buôn bán!” Bà Năm Thủ nhận xét.
Đi đôi với việc thu thập, tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc làm ăn, Mận cũng “đạt những thành quả nhất định” trong đường tình. Chị bước vào lãnh vực này cũng dứt khoát và mạnh mẽ, đúng như bản tính chị.
Sau các chuyến buôn xa về Mận đều tặng quà anh em Chương, trong đó Dung thường được phần lớn nhất. Chẳng bao lâu Dung đã có dây chuyền vàng, nhẫn, đồng hồ loại hảo hạng; và son phấn, kem dưỡng da, nước hoa, giày mũ, quần áo chất chồng, dùng không xuể. “Biết nghe cũng lợi như biết làm” mẹ Chương đùa.
*
Sau một chuyến “gọt” xe máy Mận dẫn về một anh tài xế xe tải chừng bốn mươi tuổi. Anh này vóc dáng đẹp, da màu đồng, tóc bàn chải, mắt thô lố, mặc quần màu vàng nghệ, áo hoa sặc sỡ. Mận giới thiệu “Anh Bằng, quê Hải Phòng, chưa vợ, là người tốt, vừa qua đã cứu chị thoát chết hụt mấy lần.” Chị nói, tuy mới quen nhưng họ đã thân nhau. Hai người hợp tính. Bằng đã đưa chị về nhà ra mắt bố mẹ anh, đó là “một gia đình sáng lóa, những con người tuyệt vời!” Nhưng mẹ Chương nghĩ khác: “Cho phép tao được nghi ngờ. Tướng này tuổi ngã xế, ít ra cũng đã ba con!” Bà Năm Thủ lo ngại: “Về chuyện trai gái con Mận hơi ngốc nghếch, u mê. Ui dào, cái dân tài xế! Chém chết anh chàng cũng có ba, bốn vợ... Có phải anh ta dân Hải Phòng? Những kẻ ở trong cái nhà đó có đúng là cha mẹ anh ta?” Chị Mận nói riêng với Dung, Bằng đã ngỏ lời cầu hôn chị, chị nói anh hãy đợi vài tháng để chị cứu xét, cân nhắc. Dung mạnh dạn bày tỏ ý kiến: “nói gì đi nữa, em vẫn nghĩ rằng anh Bằng không phải ... trai tơ!” – “À, anh ấy hơi lớn chớ gì? Chẳng sao, mày nghe chưa? Không ăn thua! Dù Bằng có vợ tao vẫn lấy... Tao chấp nhận làm bé. Ta làm ta ăn, nhà ai nấy ở.” – “Em sợ, nó sẽ không đơn giản...” – “Anh Bằng đặc biệt, cá tính mạnh, trung thực, không sợ gian khó, chẳng biết luồn cúi... người như thế khó kiếm.” – “Chị cũng đặc biệt. Chị mới quá!” Mận cưới lớn: “Đầu mày nghĩ gì, tao biết, mày muốn nói chị lẩn thẩn, như bà điên!... Bọn học trò ở đây vẫn thường bảo tao tốc. Ai không a dua, không ba phải, ngu độn như chúng đều là điên khùng!”
Nhưng con người tài giỏi, hay đẹp mọi mặt ấy nhanh chóng biến khỏi khu vực tình cảm của Mận. Sau lần ghé thăm đó chẳng ai còn nghe chị nhắc lại cái tên Bằng. Một hôm vui chuyện, Dung hỏi, chị gạt đi: “Đừng nghĩ đến Bằng nữa... anh ta sống không rõ ràng, không biết mình muốn gì, sẽ đi tới đâu, bất định, mông lung, giả tạo, trống rỗng, nặng phần trình diễn!... Thật may, tao có hai mắt sau lưng. Tao bỏ anh chàng, như phủi con sâu trên áo!”
Tuy vai em nhưng Chương lớn hơn Mận bốn tuổi, đã “kinh qua” nhiều mối tình khá ồn ào, nên Mận cũng lưu tâm, nhiều lần nhờ Chương giải thích, “gỡ rối” giùm những điều khúc mắc chị vướng phải, đại loại: “lắm người bảo tình yêu có hai thứ: nghiêm túc và mây gió, phải không? – Nhiều người nói, đúng ra chẳng có tình yêu gì hết. Đó là thứ thiên hạ bịa ra, rồi cố sức vun đắp, tô điểm để trang trí cho phần tình cảm trong đời sống con người?” Và Mận cũng đưa ảnh của các bạn trai, nhờ Chương xem tướng. Chị rất quan tâm ngoại hình của “đối tượng”, từ tổng quát đến các chi tiết nhỏ. Có lần Chương phải chạy mướt mồ hôi, mượn về một chồng sách tử vi, tướng số, để chị xem tận mắt về phần cái trán và chân tay, vì anh bạn mới của chị lúc đó hơi lùn, tứ chi đoản, trán thấp!… Chương muốn nói với chị: nên để mọi thứ diễn ra tự nhiên, như hoa nở về đêm, như cơn gió mát ban chiều. Hãy xem quanh ta: ngôi nhà nào xây cũng coi ngày lành tháng tốt, đôi lứa nào cưới cũng chọn năm tháng tỉ mỉ, nhưng rồi thế nào? Bao giờ bên cạnh những nhà vững chắc, phát đạt cũng có nhà xui rủi, lụn bại; bên cạnh những cặp vợ chồng răng long đầu bạc cũng có các đôi xào xáo, chia lìa… Xét nét, cầu toàn trong tình yêu chẳng khác gì chuốc lấy nợ nần, cực khổ cho mình.
Đầu năm nay, sau chuyến đi Gia Lai, Mận đem về một bé gái hai tuổi, bảo rằng xin để làm con nuôi. Con bé tên Út Mẹo, xinh xắn, trắng hồng, mũm mĩm như búp bê. Mận rất cưng Út Mẹo, nó cũng mến chị. Nó thường lẵng nhẵng chạy theo bên chân Mận, kêu “mẹ… mẹ” như con nghé bò, trông thật buồn cười. Ông Năm Thủ phê nhẹ nhàng: “Con Mận không bình thường, hết biết!” Bà con lối xóm kéo tới xem, ồn ào như hội chợ, xôn xao gấp hai lần so với hồi anh Bằng về chơi. Bà Năm than: “Chuyện quan trọng thế này mà con tự ý làm, không hỏi qua cha mẹ!” – “Con làm việc thiện, cứu giúp người nghèo khó, có gì xấu?” Mận hỏi lại – “Còn nhỏ sao lại nuôi con nuôi? Rồi chuyện chồng con mai sau thế nào? Nó đâu phải cái nón, giày dép!”
Mận kể với Dung, chị gặp Út Mẹo ở bến xe Pleiku, mua ba triệu, không phải xin. Mẹ Út Mẹo nghèo xơ xác, dắt ba đứa con gái nhỏ đi “giang hồ”, sống lông bông, không nhà cửa. Chị đàn bà khốn khổ đó cầm được số tiền lớn mừng cuống, trao con cho người lạ mau lẹ, không luyến tiếc, như người ta bán gà. “Con bé đẹp quá, phải không? Hãy nhìn miệng nó cười kìa, như hoa!… Út Mẹo sẽ lớn lên trong nhung lụa. Nó sẽ học cao, thành người quí phái!” – “Dù gì em cũng thấy cái ý nghĩ xin con nuôi là kỳ quặc.” Dung nói. “Tao cũng không tính trước, chuyện rất tình cờ… nhưng, sẽ tốt thôi, chẳng thiệt đâu, ta thương nó, nó khắc thương ta, rồi mình được cái hậu.” – “Làm sao Út Mẹo mến chị nhanh vậy?” – “Cho mặc đẹp, ăn ngon ba hôm là nó mê!… Về lâu dài, có khi sau này chính nó là người nuôi dưỡng mình ngày mình già yếu; để tang, cúng giỗ lúc mình trăm tuổi!” Chắc Mận muốn đùa, nhưng không ngờ mấy câu này lại trở thành điềm gở, báo trước kết cục của một thiên tình sử u ám, buồn thảm.
Ít lâu sau Mận sa vào cuộc tình mới. Lần này chị đưa Dung xem tấm ảnh nhỏ, chụp chị đứng bên một người đàn ông, dưới chân một tháp Chàm Qui Nhơn. “Đây là Ghi, 36 tuổi, cựu giáo viên cấp hai; nguyên kế toán trưởng hợp tác xã ngư nghiệp; nguyên trưởng phòng tài chính của công ty xuất nhập khẩu APA; nguyên chồng một người đàn bà, cha của hai đứa bé (nhưng tất cả đã chết vì tai nạn giao thông). Anh có đủ mọi đức tính của những người tình cũ của chị gộp lại!” Anh chàng cao hơn Mận một cái đầu, mặc đồ ấm lụng thụng, đeo kính râm, mang túi xách; nhưng ảnh nhỏ, không nhìn rõ mặt. Và, tiếp sau, liền trong nhiều tháng, Mận luôn mồm nói về chàng Ghi này. Cũng trong thời gian đó công việc làm ăn của chị tiến triển thuận lợi, chị trúng nhiều cú lớn, đúng như câu “đi buôn gặp chầu”. Mận yêu đời, người tươi tắn, trông như cao lớn hơn, đẹp ra… cho đến chuyến cuối cùng, vào giữa tháng mười.
Tối hôm đó một anh xe ôm đưa Mận về. Chị ủ rũ, tái xanh, như bị ướp nước đá… Liền một tuần Mận nằm mẹp trong buồng. Bà Năm Thủ hỏi, chị nói vắn tắt, vừa bị vấp một vố nặng, mất toi mấy chục triệu: “Chỉ trong một chuyến đi mà hai xe dưa hấu gặp tai nạn, một xe bị ốp, tiếc đứt ruột.” Nhưng sau này Dung biết, những điều Mận kể trên chỉ là một phần nhỏ của sự việc. Chắp nối lại những lời đứt khúc, các câu nói ngắt quãng, nói trong thổn thức, những đoạn bỏ lửng, lúc oán hận, lúc than thân của người bệnh, Dung đi đến kết luận: Mận bị lường gạt, cả tình lẫn tiền. Sự thật đúng như thế. Chị sạch tay, và tệ hơn nữa, lại có thai mấy tháng. Người gây tai họa là Ghi. “Mất tiền, tiếc lắm, nhưng còn đau ở chỗ bỗng nhiên ngu muội, để bị mắc lừa!” Mận than. “Giỏi mấy, mình cũng đàn bà!” Chị khóc. “Tất cả những xui xẻo này đều do tao sơ suất… Chỉ mất cảnh giác một lần đã chẳng còn dịp sửa chữa… Thì ra, trên đời vẫn có kẻ cao tay hơn ta!” Chị nói, như đay nghiến mình. “Hơn bốn năm, bao nhiêu tiền của, sức lực, phút chốc bốc thành hơi!… Đau đớn nhất là thua đứa không đáng thua!” Mận uống thuốc ngủ tự tử. Vợ chồng ông Năm Thủ chết điếng. Nhưng bà Năm cố che giấu nguyên do cái chết, bảo là Mận uống lậm thuốc. Bà nhanh trí dựng nên một màn kịch nhỏ: mướn xe chở cái xác cứng đơ lên huyện, nhờ… súc ruột cấp cứu! Bà sợ miệng đời đàm tiếu, mang tiếng xấu với xóm làng.
Hôm đưa đám chị Mận, Dung ẵm Út Mẹo. Nó mặc tang phục, quần áo sô trắng, giày trắng, chít khăn trắng. Thấy nhiều người khóc, con bé cũng khóc vùi, và thỉnh thoảng lại gọi “mẹ… mẹ”, giọng khàn khàn, như con nghé ốm yếu ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét