Tấm giấy mỏng in chữ mờ
trông chẳng có một chút giá trị, nhưng ta đã ký vào đó chữ ký sáu nét đẹp mắt,
nhận rằng vừa vui lòng moi ra ba mươi bốn ngàn, để chỉ mua tấm giấy, ông tán
Hoàn nghĩ, buồn. Dư biết nay giá hớt một cái tóc một trăm, tiền xuống giá ghê
gớm, nhưng bỏ đi hơn ba chục ngàn đồng mau lẹ thế này không thể kềm giữ cho
lòng đừng tiếc. Đây là giấy chứng nhận, gốc tích của nó là những “phiếu kháng
chiến” ngày trước, dân quê nhiều người đã được dịp mua thứ phiếu này. Toán cán
bộ miệng lưỡi ngày đó đã bảo quốc dân giữ lấy phiếu, sau cách mệnh thành công
thì những gói giấy sẽ biến ngay thành gói tiền. Trước đóng góp giúp kháng
chiến, sau như là để dành. Lâu nay ông Tám cũng chẳng nhớ mình đã nhận từ tay
giáo Vân bao nhiêu “tờ chứng nhận”, vì hễ Vân quay mình khỏi ngõ là ông vội
thảy lò đốt. Nghĩ đùa, biết chừng nào thứ cách mệnh này mới chường mặt về đây.
Chữ ký của giáo Vân có giá trị chăng, muốn ký lúc nào chẳng được. Trong cuốn
học bạ của thằng Trang, giáo Vân ký trong cột dành cho giáo sư sử địa nằm thật
khiêm nhường, đâu thấy vẻ ngạo nghễ như cái chữ nằm cuối tờ chứng đã trao tiền.
Ông Tám thường thấy bà
Tám tùy tâm giúp chùa này một ít, hội nọ một ít, để đúc tượng, xây trường sở. Vừa
rồi giáo Vân nói hai tiếng “tùy tâm” làm ông muốn cười, dù đang rầu. Lần này
không phải tiền hai tháng góp một lần, thường lệ. Hình như một chiến dịch gì đó
đã mở ngoài miền quê, trên rừng cao, đã “thắng lợi lớn”, “dân quân hết lòng nô
nức”, chỉ còn một điều mọi người nên làm, có thể làm là đóng tiền “để bộ đội
tùy nghi dùng, chứng tỏ chúng ta luôn quay đầu hướng nhìn tiền tuyến”. Giáo Vân
nói thông, nói mau, mặt mũi lộ vẻ hớn hở như cái bộ đội anh nói đó đang nằm sau
bến xe hay tại sân vận động. Quay nhìn về tiền tuyến! Lúc nào nói tới tiền
tuyến là thấy hao của, hao sức. Thằng Trang đang có mặt ở tiền tuyến, tháng nào
nó cũng gửi thư về nạo tiền. Thư mới nhất chạy về hôm thứ tư nó kêu om đang đói
lại mất đồng hồ, cần ít ra cũng hai lăm ghim, “trông thư cha từng phút”. Vân
nói:
- Thầy tùy tâm, mấy cũng
xong mà, ai bắt ép chi đâu… hà. Chiến dịch tiến triển tốt lắm, thầy. Ta, mọi
người phải tỏ rằng, vâng, luôn luôn…
Dưới nhà mấy ông khách
cười to. Quạt rần xoay chành chạch buồn nãn. Vân cuốn cong tập báo trong tay.
Các tập báo này, như các phiếu nhận tiền, chỉ đem đến cho ông Tám nhiều lo
buồn. Vân vẫn thường biếu “thầy Hoàn” tập báo, tài liệu, đọc nó sẽ rút ra được
nhiều bổ ích.
- Sao thầy cứ chịu để
thằng Trang trong ấy, nó về đây ai dám động nó, thầy dư dả lo chuyện gì chẳng
xong, tiền mà. Đi mãi như vậy, chống nhân dân…
- Tôi, tôi nói nó đâu
nghe cho. Hồi đăng lính nó mạo chữ ký tôi… nó lại cho tiền lũ ở xã, giấy nào
cũng xong trớt, kể gì cái giấy vụn cha mẹ thuận cho con đi lính.
- Thầy, tức quá…
Vân có nhiều chuyện để
nói, chuyện nào nghe cũng mạnh và ngọt. Năm trước trông anh ngù ngờ ít nói, ai
ngờ. Bao giờ cũng thế, lúc mới tới, chào hỏi, uống ly nước, rồi anh ta nói
chuyện gần, nhỏ, nội bộ, như tại sao lại lấy tên tiệm hớt tóc là Mỹ Tiến. Còn
hàng vạn tên khác, đẹp gấp trăm lần, như Bích Đào, Tiến Dũng, Túy Hằng, hay là
Tiệp Tiến, Nga Tiến. Nga lại không tiến nhanh hay sao, đâu phải chỉ Mỹ mới biết
tiến. Lại còn cái tiệm sắt “Mỹ Tiến Mãi” nữa, sao không đặt là Mỹ Tiến đệ nhị,
Mỹ Tiến số hai La Mã. “Thầy… có nhiều cái không chỉnh, dù nhỏ”. Sau, chuyển lần
sang việc chính, đóng tiền, ti thế giới xã hội.
- Cụ Quảng Dân nghe lọt
tin thắng dồn dập của ta trong chiến dịch đầu hè này cụ mừng lắm. Ngoài việc
góp phần cho chiến dịch như mọi nhà, cụ còn xung phong đỡ đầu một thôn miền
Trung, hứa sẵn lòng giúp thôn này máy móc, đồ đạc, thuốc men…
Vân sung sướng:
- May mà có tôi nói ông
cụ mới biết đó chớ. Suốt ngày cứ hì hục làm việc, hàng này chạy sang hàng khác,
nào chịu bỏ thì giờ nghe ngóng tìm hiểu chi đâu… nói dại, bộ đội ta vào sát bên
lưng, dân chúng liên hoan mít-tinh ngợp trời, có khi cụ cũng chưa biết. Nhưng,
cũng được, tích cực vậy cũng khá rồi.
Thầy Tám thường nghe Vân
ca ngợi ông Quảng Dân. Không hiểu trong phố này ngoài ông và bên Quảng Dân ra,
giáo Vân còn bắt mối với ai nữa. Nhà Quảng Dân hăng hái cũng phải. Và, chỉ phải
chịu khổ với một giáo Vân, chớ có đến bảy giáo Vân họ cũng thừa hăng hái. Tiền
của ấy đem buông sông suốt buổi hông hết. Miễn làm sao nhà cửa nguyên vẹn, con
cái đừng bị khó dễ. Các tiệc tùng đãi đằng, này nọ, thuế khóa, cộng với vụ giáo
Vân chỉ tốn hao nhiều lo nghĩ, thì giờ hơn là tiền bạc. Thì giờ sinh ra tiền.
Tiền dàn trải được nhiều chuyện. Thằng con Quảng Dân coi một quận trên cao
nguyên, nó chức tước địa vị mà vẫn bám vào túi của cha như hồi còn đi học,
nhưng nó làm ông Quảng Dân hãnh diện.
- Tôi có đề nghị cụ
Quảng đổi Quảng Dân ra thành Quân Dân, nghe mạnh, thầy nhỉ? Quảng Dân, Quản Dân
nghe Tàu quá!
Ông Tám đồng ý:
- Hay đổi thành Thương
Dân cũng được. Nhà hàng Quân Dân, tiệm trữ âu dược Quân Dân, còn nhà ngủ thì
nhà ngủ Thương Dân… đẹp biết mấy.
Ông Quảng Dân chỉ còn ở
nhà một đứa con gái, vừa coi tiệm ăn vừa coi nhà thuốc. Công việc hàng núi, bề
bộn chắc không còn giờ để nghĩ đến chuyện mỹ thuật này. Mấy mươi năm hình như
chưa ai thấy ông Quảng Dân ngồi nguyên hai giờ liền trên một cái ghế. Ông lăng
xăng, nôn nóng, bước ra bước vào, chạy đây chạy đó. Nhờ lăng xăng vậy mỗi ngày
ông mỗi giàu dữ.
Anh thợ chạy lên lấy
tiền lẻ. Anh nói hôm nay lính về, đông quá, còn năm người ngồi đợi, “mọi bữa
thì mình ngồi đợi khách mỏi cả lưng, ngoáy tai chơi muốn chảy máu!”. Ông Tám
muốn chạy xuống làm vài cái đầu, giúp họ, nhưng vẫn chưa thấy khách quý nhích
lưng. Ngồi im lặng Vân lấy trở lại cái dáng ngờ ngệch thường thấy của anh ta.
Vân nói xưa anh có học “thầy Hoàn” mấy tháng, còn nhớ bộ dạy giọng nói của thầy
đến giờ. Ông Tám cám ơn, thực tình ông không nhớ, lâu quá rồi, đã biết bao
nhiêu học trò qua đi trong các lớp học ông đứng liền hai mươi năm dài.
- Năm ngoái tôi có nói
với Trang ngày trước tôi học thầy… không nói nhưng tôi để ý giúp Trang, ngặt
cái Trang nhát quá.
- Tôi biết, nó làm biếng
nổi tiếng. Chỉ mấy cái quán nước dưới bờ biển là khen nó.
- Đặc tính thầy là cho
19, 20 điểm nếu đúng, còn sai thì không điểm, chớ không có ba điểm rưỡi, bốn
điểm an ủi, tôi nhớ… thầy thường nói học hành chớ đâu phải ở chợ mua bán, kỳ
kèo.
Ông Tám cười, chịu anh
chàng nhớ dai, đúng anh chàng có học mình.
- Đi dạy tôi theo điều
này của thầy… À, có lần thầy cho tôi không điểm vì sai bốn lỗi chính tả trong
bài toán, tôi gần muốn khóc thầy mới sửa lại.
- Đúng rồi… đúng, tôi
ghét những anh cẩu thả. Ngày đó, tôi cho không cẩn thận như vậy là vô lễ, là
tập tính hư cho mình. Viết đúng chính tả tốt lắm chớ.
Ông Tám lại cười, vui
vui. Vân cũng cười. Một đoàn xe nhà binh chạy rề tới, rồi đậu lại. Chiếc đầu
qua khỏi quán ông Tám năm căn nhà, chiếc chót nằm đằng cuối đường. Xe lớn chở
thùng cây, thùng hộp, bao gai, bàn tủ và lính. Xe dừng chắn ngang cửa Mỹ Tiến
chở gỗ, những cây gỗ dẹp lớn bó từng kiện, vừa như gỗ cột nhà vừa như gỗ làm
cầu. Tốp lính ngồi nghểu nghến trên cao tụt xuống, cởi áo giũ bụi, rút vào
quán, vài người tới nhìn các ảnh ca sĩ, mấy người khác mượn sắt ngoáy tai, và
mở dao tự cạo mặt, khen, cười, bình phẩm rùm nhà. Lính các xe khác túa lại bu
kín hai xe trái cây xay, ngoài nhìn vào không thấy được các cô đứng bán, chỉ
thấy mấy chiếc đầu tóc và nghe tiếng phân bua của các cô. Giáo Vân nhăn:
- Ồn quá. Sao mà bọn họ
tới đâu là… làm như…
Rồi anh mở cuốn báo chỉ
cho ông Tám mấy bài đáng đọc, đặc sắc “nói lên được một phần công cuộc chiến
đấu thần thánh đang tiếp diễn và tinh thần dũng mãnh của bộ đội”. Thầy Hoàn
nhìn trang báo và thấy cái rộn rịp của cửa quán bên dưới, thấy tờ bạc thẳng của
người lính móc ra trao cho anh thợ nhà. Anh trời ơi này ngồi lâu quá, hay còn
muốn bày thêm việc gì.
- Cụ Quảng Dân góp bốn
hai nghìn đó thầy, cụ rộng rãi.
Biết rồi, lúc nãy ông đã
nói rồi, khi nào cụ Quảng cũng rộng rãi, ông Tám bực bội.
-… người bụng dạ cởi mở
vậy hèn chi làm ăn cứ phát luôn, về già càng giàu lớn. Không biết phải gọi cụ
là gì, vượt triệu phú, tỉ phú, ngon hơn các tỉ phú của nước này.
- Tỉ tỉ phú – Bỗng dưng
ông Tám khôi hài.
Nhận xét thế nào mà giáo
Vân bảo ông Quảng Dân mát tay. Ông Tám kỳ nào cũng cho tiền góp thêm lên, đầu
hai mươi ngàn, rồi hăm lăm ngàn, sau này đến ba mươi chẵn, và kỳ đặc biệt này
đã lên quá. Giáo Vân đến ngồi lâu, chuyện vãn càng dai thì ông móc tiền càng
mạnh tay. Y ngồi mãi ông nhấp nhổm, trong lòng chẳng yên. Ngày đầu tới đây
thuyết phục, Vân đưa ra tờ biên nhận về phần ông Quảng Dân làm bằng, để thầy
Tám yên tâm, noi gương. “Cả phố này ai cũng đã hưởng ứng, hoan nghênh quân dân
đấu tranh, thầy khỏi ngại. Thầy nên lấy làm buồn là thầy đã không được vinh
hạnh làm một trong các nhà đứng lên đầu tiên, vì tôi biết, tinh thần thận
trọng”. Anh ta làm bộ thấp giọng: “Ta thắng đến nơi, nói theo kiểu dí dỏm: ta
đã thắng đến đít rồi. Mở mắt lúc này còn là chậm… từ từ, tôi sẽ giải thích thầy
rõ!”. Ông Tám đã quên mất cái mặt rầu rầu, cái lưng hơi khom của thầy giáo Vân
thường ngày vẫn ngồi trên xích lô đạp chạy chậm qua trước quán trên đường đến
trường. Giờ anh ta có vẻ lạ, miệng mồm, da bớt xanh đi, sao sao ấy. Anh đưa cả
bàn tay chỉ ông Tám thấy số tiền cụ Quảng vừa “rất vui mà đóng”, cùng cái chữ
ký dài cụ đã “vui mà ký xuống”. Sáu mươi bốn ngàn năm trăm lẻ. Nay ông cụ chỉ
đưa trên bốn chục, vậy chỉ có ít đi, rộng tốt chỗ nào.
Vân đứng lên, tưởng muốn
bước, lại ngồi xuống. Anh ta đẩy tập báo về trước:
- Thầy giữ, đôi tháng mới
lãnh được vài tập, phương tiện eo hẹp… mình nên thông cảm với Mặt Trận.
Vân đứng lên, quay ra.
Ông Tám đứng theo, vỗ lưng mình vài cái, cảm thấy dễ chịu. Ông bắt tay khách
hơi chặt. Vân tươi tỉnh nói câu chào, hẹn gặp “thầy đã giúp tôi hoàn thành tốt
công tác”. Anh ta mạnh dạn bước xuống lầu. Nhưng thầy tám Hoàn vừa đem tập báo
bỏ vô tủ chưa kịp khóa thì đã nghe nhiều tiếng nói lớn, như có cả tiếng la, như
đánh phá dưới đường. Ông chạy xuống thấy lính và thường dân, nhiều đàn bà, bu
quanh chiếc xe díp. Giáo Vân nằm ngửa, sát bánh xe sau, chiếc gắn máy móp nhiều
chỗ. Anh giáo bị chiếc díp kè, làm anh té. Đám đông nói inh về lỗi do bên này,
lỗi do bên kia. Một anh lính giả nói đớt chọc chị đàn bà đang lớn tiếng bênh
nạn nhân. Nạn nhân chẳng hề gì, nằm mở mắt, nói được. Một bà già nhanh nhẩu bỏ
rổ, ngồi xuống, mở khuy áo, dây nịt cho ông giáo. Đồ bung ra, một cuốn sách
trước bụng anh ta rướt xuống đường, anh lính đứng gần cúi lượm. Đó là tập báo,
tài liệu , như tập ông Tán Hoàn vừa được tặng. Anh lính nhìn hoài cái bìa báo,
rồi bỗng đọc to lên. Đám người bốc ồn thêm, ùn ùn bám theo anh lính cầm báo, có
người đạp cả lên chân kẻ té xe.
Hôm sau trong phố ai
cũng hay vừa có vụ lường gạt lớn bị bể xảy ra ở đây. Báo thủ đô tường thuật lại
rất nhiều chi tiết, ly kỳ, đầy đủ, rõ ràng hơn ai hết. Họ bảo giáo sư Vân dạy ở
trường trung học tỉnh là anh bợm, bịp tài tình, mánh khóe đầy bụng, công nhiên
hành nghề từ hai năm nay chẳng ai biết. Anh ta kiếm ở đâu đó những tài liệu cũ
của quân đối nghịch chính phủ, đem về dọa, làm tiền hầu hết những tay có máu
mặt trong vùng. Tội nghiệp hơn hết, trong số nạn nhân có cả ông anh trai của
quan tỉnh. Tờ Đại diện Phụ nữ còn kể: “Giáo sư Lý Phi Sơn Vân nay băm chín
tuổi, vợ bốn con, trước khi vụ này nổ ra giáo sư Vân trông cũng như bao nhiêu
giáo sư khác, ông làm viêc tận tâm, đều đặn, không thấy triệu chứng nào tỏ rằng
trong người ông chất chứa cả một trời bí mật, ghê gớm. Bổn báo phái viên đã có
mặt tại nhà riêng giáo sư, số 96 Lê Đại Hành, xin được tiếp chuyện bà Vân. Theo
sự dò hỏi…” Cạnh đó là hình bà Vân ẵm đứa con nhỏ nhất mới chín tháng. Và, họ
bảo, vưa bịp Vân chưa hề giữ trong tay khẩu súng nào, vua có sáu cô vợ nhỏ, mỗi
cô ở một nhà riêng khá lớn. Câu kết của tờ báo đông khách nhất là: “Chính trời
xanh oái ăm vừa chấm dứt cuộc sống của một tiểu vương” Kèm sau một dấu chấm
than ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét