Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Anh rủ nhà văn
Thanh Quang đi ăn tối. Hai người ra khỏi Nhà sáng tác lúc đèn đường vừa bật
sáng. Thái Anh muốn đi bộ, để ngắm Đà Lạt về đêm lần cuối. Đường hẹp, điện mờ,
vắng người. Từ đây lên chợ lớn khoảng hai cây số. Điện yếu, tù mù, như các cột
đèn thắp bằng dầu. Càng hay, nó mờ mờ nhân ảnh, lãng mạn!
Đoàn văn nghệ sĩ của tỉnh miền biển lên
đây nghỉ ngơi, sáng tác trong nửa tháng. Nhạc sĩ, nhà văn, nghệ sĩ nhiếp ảnh,
họa sĩ, mỗi ngành ba bốn người. Du ngoạn, thăm thú nơi này nơi kia là chính.
Chuyện viết lách, sáng tạo, nghiên cứu chỉ được coi như thủ tục, nghi thức.
Phần đông đã có sẵn tác phẩm hoàn chỉnh, cất kỹ trong cặp, khi cần có thể “nộp
bản, báo cáo” lúc nào cũng được… Hai tuần qua đi, khá nhanh.
“Mai về, anh buồn không?”
“Không mừng, chẳng buồn… thực ra, nếu đi
một mình, anh chỉ ở đây chừng năm ngày.”
“Thế à, anh khó tính đấy.”
“Buổi sáng và ban đêm đẹp, nhưng trưa
chiều thì sao sao ấy… bụi bặm, chói gắt, khó thở.”
“Nó như sân khấu, phải có đèn màu, lúc
xanh lúc đỏ mới tạo được không khí kịch”
“Núi non bao quanh, thung lũng, không
nhìn thấy xa, gây cho ta cảm giác…”
“Đồi, hồ, thác nước đẹp đấy nhưng nhìn
nhiều lần thì cũng…”
“Tối mai, vào giờ này có lẽ mình ngồi xem
phim truyện trên ti-vi, tối mốt cũng thế, và mình sẽ nghĩ về Đà Lạt như…”
Thái Anh cười. Trời trong nhưng không
thấy sao. Đây là khu phố nghèo, nhà san sát, nhỏ, thấp, xưa cũ. Trần trụi, dây
điện ngang dọc, ăng-ten truyền hình tua tủa. Không thấy hoa mọc bên đường. Chất
Đà Lạt không vào được trong các ngóc ngách, ngõ hẻm?
“Em đã bấm hết tám cuộn phim.”
“Em xài kỹ đấy. Văn Sơn đã chơi mười bốn
cuộn.”
“Số lượng chẳng nói lên điều gì, chỉ cần
một ảnh đạt là sướng mê.”
Đi qua nhiều tiệm tạp hóa, một lớp học
đêm, một quán cà phê, một ngôi chùa nhỏ. Thái Anh nói:
“Ồn thế này làm sao tu… Các thầy có uống
cà phê không?”
Xưa kia, khi mới xây chùa, có lẽ ở đây
còn hoang vu. “Ai lên xứ hoa đào, đừng quên mang về một cành hoa.” Thái
Anh hát nhỏ. Mùa này anh đào chưa ra hoa.
“Anh nghe chú Bá Phước hát bài này chưa,
mùi ác!”
Những câu ca buồn khiến người ta nhớ lại
những tháng ngày đã qua, những kỷ niệm bảng lảng, phai mờ xa lắc.
“Sáng sớm em sẽ đem bình hoa phòng em qua
để cạnh bình hoa của anh, không thì lúc chúng ta đi rồi, ở lại một mình nó sẽ
buồn lắm!”
Cái bình hoa buồn? Ý nghĩ ngộ nghĩnh đó
làm Quang giật mình.
“Em biết anh đang nghĩ gì không?”
“Làm sao biết”
“Em nghệ sĩ thứ thiệt, tâm hồn đầy ắp
mộng mơ mà sao cứ sống một mình.”
Nhờ chuyến đi này Quang và Thái Anh thân
nhau. Trong Nhà sáng tác, phòng của hai người kề nhau… Thái Anh mượn chiếc gắn
máy cà khổ của ông anh họ, suốt ngày đi thăm các thắng cảnh, các buôn làng vùng
sâu để săn ảnh. Quang hơi khác. Sau hai ngày cùng đoàn dạo một vòng khắp những
nơi cần thăm, Quang nằm nhà đọc sách và ngủ. Anh than: “Mỏng quá, cũng chỉ bấy
nhiêu chỗ ấy, đơn điệu, chán ngắt.” Anh ngủ, ngủ đến sưng mắt. Thế nên khi nghe
Thái Anh cần “tài xế, vệ sĩ” để tham quan các huyện xa, Quang xung phong ngay.
Đi chơi, vui là chủ yếu.
“Dùng anh là đúng người đúng việc… Phí
của, mấy ngày qua không biết, em đi một mình mệt đứ đừ… Chịu khó đi với em, anh
sẽ thu được nhiều cái lợi… Biết đâu, vào các buôn làng anh sẽ chộp được nhiều
chuyện hay để viết.”
“Thì đi, gần em là anh thích rồi.”
Thái Anh đùa: “Anh muốn trả công bằng
tiền hay bằng sản phẩm?”
“Người cao cả như anh rất dị ứng với vật
chất tủn mủn. Ngồi xe, em cứ ôm anh, ôm chặt vào… chỉ vậy, chẳng cần tiền bạc
gì ráo!”
Thái Anh cười: “Các quý ông ma tà, trăm
ông như một!”
Qua hai đường nhỏ, rẽ trái, vào một đường
lớn. Đoạn này nhà đẹp, nhiều biệt thự. Chỉ vài người đi bộ. Xe gắn máy chạy
xuôi ngược, vun vút.
“Em mê những phố đi bộ của các nước châu
Âu… Hôm qua trả xe, anh Khoa hỏi: Đà Lạt đẹp không. Em đáp, đẹp lắm, hơn đứt
Pleiku, Kon Tum. Lúc ra về, em nói, thú thực em chưa biết Kon Tum, Pleiku!”
“Ở đây anh thích nhất là những đồi thông.
Pleiku cũng có thông, nhưng không đẹp bằng.”
Hai người tấp vào một quán cơm nhỏ, gần chợ.
Quán bình dân, đông khách. Bảng thực đơn khá dài nhưng chẳng món nào đáng gọi
là đặc sản. Khách, toàn đàn ông, cắm cúi ăn.
“Nghe nói cà phê Tùng nổi tiếng, anh đến
chưa?”
“Gần đây thôi, ở khu Hòa Bình, cạnh rạp
xi-nê, năm 1998 anh có ghé… Trước kia Tùng có hai ưu điểm: cà phê ngon và nhạc
hay, nay thì nhờ cái mác cổ xưa, nhưng nó nằm giữa phố, không thơ mộng… Mấy năm
gần đây anh không thăm những nơi được thiên hạ ca tụng ồn ào, vì đọc được câu:
ra Huế bạn ngủ đò sông Hương, lên Đắc Lắc bạn cỡi voi, vào Sài Gòn bạn thăm Đầm
Sen thì bạn không phải người kém cỏi, nhưng cũng chẳng đặc biệt.”
Thái Anh mua mấy tờ vé số của một bé gái
có gương mặt buồn rầu. Nhiều người bán vận may quá … Bữa cơm kéo dài non một
tiếng. Quang luôn miệng khen ngon. Ngon thật, bởi anh đã bỏ bữa cơm trưa. Ăn
sáng lúc 9 giờ, trưa chưa kịp đói. “Ra Huế ngủ đò, cũng như lên đây thì thăm
vườn hoa thành phố, chùa Tuyền Lâm, thung lũng tình yêu… cũng như giày dép phải
là Biti’s, cà phê thì Trung Nguyên, quần áo thì Việt Tiến!”
*
Quay về, anh chị lại đi bộ, theo lối mới,
vòng qua phía nam hồ Xuân Hương. Đường này rộng và sáng sủa. Một nhà nhiều tầng
mới xây. Khách sạn Palace lộng lẫy.
“Lạ, sao em sống một mình.”
“Một mình, bốn mươi xuân, có gì lạ… một
mình nhưng vẫn yêu đời, không cô đơn… Chẳng ai mướn anh thương hại.”
Có một lúc, chừng hơn mười phút, họ im
lặng đi bên nhau, không nói tiếng nào.
“Vào các buôn xa ta sẽ thấy đồng bào
thiểu số không biết trồng hoa.”
Quang đi sát vào Thái Anh.
“Lạnh không?”
“Hơi lạnh.” Nàng hít hà.
“Thế này mới là Cao nguyên.” Quang đọc
thơ: “Tưởng đụng đầu ngàn mây, Khi ta về Đà Lạt, Người tình trong mơ đây,
Bao năm giờ mới gặp.”
“Hay, anh đọc tiếp nghe.”
“Lòng bồi hồi khẽ hát, Mây xuống phố
cuối chiều, Dã quì vàng bên thác, Mơ mơ đồi thông reo.”(1)
Chờ cho thơ ngấm vào người nghe, Quang
nói nhỏ:
“Cho anh cầm tay em chút.”
“Sao phải cầm tay, bổ béo gì đâu… về mà
cầm tay vợ!”
Thái Anh ra dáng nghiêm trang. Quang vẫn
cầm được. Bóp nhẹ bàn tay nhỏ nhắn, Quang khen:
“Ấm chi lạ!… Đây chín ngày làm vệ sĩ tận
tụy, lẽ nào tiếc nhau cái chuyện cỏn con.”
Thái Anh than: “Các quý ông lươn lẹo,
ngàn ông như một!”
Gió nhẹ,
chỉ vừa đủ vuốt ve cây lá. Những hàng thông xa mờ mờ, nhiều cây như
không có ngọn. Hình như sương mù vừa hiện ra.
“Bông hoa không ăn được mà người ta nuôi
dưỡng chúng từ đời này sang đời nọ… Anh phỏng vấn em, rời Đà Lạt em nhớ gì đi.”
“Hỏi à? Thưa nghệ sĩ ưu tú, khi rời khỏi
đây chị nhớ gì?”
“Thưa ông, tôi nhớ hoa. … Nếu tóm Sài Gòn
vào chữ “trẻ”, Nha Trang vào chữ “biển” thì Đà Lạt là “hoa”… Thiếu hoa sẽ không
có Đà Lạt.”
Quang lại đọc thơ: “Tiếng ngựa xe lốc
cốc, Người về bên kia đồi, Sương nhòa trên đỉnh dốc, Tôi đứng nhìn mây trôi.”
“Thơ tượng hình, như phác
thảo tranh thủy mặc!… Thơ cũng giống hoa, không ăn được, mà con người vẫn gìn
giữ nó!… Đi chậm chút, anh.”
“Ờ, chậm đây… đi nhanh là đặc điểm của
dân quê, anh muốn bỏ nó và tật nói lớn nhưng chưa được.”
Đường vắng tanh, chẳng lẽ mới giờ này mọi
người đã lên giường.
“Tự nhiên em muốn hát to lên… Sau câu Tôi
đứng nhìn mây trôi còn gì nữa?”
“Thông đứng kề bên tôi, Như người già
từng trải, Còn tôi thì vụng dại, Chẳng tính nổi điều chi…”
“Ai mà chả vụng dại!”
“Trăm năm nữa chắc gì, Có một lần tái
ngộ…”(2)
“Buồn hết sức!”
“Chuyện buồn được người ta nhớ lâu.”
Đến quãng đường thưa nhà, tối hơn.
“Em chưa thăm nhà thờ con gà.”
“Đằng kia, sau lưng chúng mình, ban ngày
mới thấy, nó chỉ có con gà sắt trên nóc là đáng kể.”
Gió lào xào trên vòm thông. Những chiếc
lá khô chạy trên đường.
“Hai lần lên đây nhưng anh vẫn chưa biết
mấy cảnh nằm trong phố: đồi Cù, thác Cam Ly, dinh Bảo Đại, vì nghe nhiều người
bảo đó chỉ là những món xinh xinh, như cà phê Tùng vậy.”
Thái Anh cười hích hích: “Ví von thú vị
đấy.”
“Báo chí nói, nếu các ông chủ chịu khó
suy nghĩ thì thành phố này còn đẹp hơn, và có thể có thêm nhiều dịch vụ mới để
câu khách.”
Gần tới nhà, Thái Anh rút tay lại, đi
nhích xa Quang một chút.
“Thưa nhà văn Thanh Quang, lúc này ông
nghĩ gì?”
“Tôi nghĩ, không biết đến bao giờ mình
lên đây lần nữa.”
“Chỉ vài ba năm thôi, sẽ có ngày tái
ngộ.”
*
Về đến Nhà sáng tác, vừa bước lên thềm
anh chị đã gặp ông Nguyên, nhà văn, trưởng đoàn. Ông cho biết, 7 giờ sáng mai
lên xe. “Muốn cho người tỉnh táo, khỏe khoắn, nhị vị nên đi ngủ sớm.” Trong
phòng khách có nhiều người, có cả bia rượu, kẻ nằm người ngồi, và dường như
chẳng ai còn tỉnh táo! Cuộc họp mặt trước khi chia tay. Ca nhạc, đọc thơ. Mực
khô và đậu phộng rang. Nhà thơ trẻ Phan Dương kéo Quang ngồi xuống, ấn vào tay
anh ly bia đầy. Tâm sự, thức với nhau đêm này, mai về rồi… Về là sa ngay vào
vòng thực tế đời thường quay cuồng, chán ngấy; là hấp ta hấp tấp, gạo cá điện
nước, miệng nói chân bước, công kia việc nọ, khó gặp thơ ca lắm! Nhạc sĩ Bá
Phước, người lớn tuổi nhất đoàn vừa đàn vừa hát “Ai lên xứ hoa đào” của Hoàng
Nguyên: “Ôi, màu hoa đào, màu hoa đào, chiều xuân nào…” Giọng ông trầm,
ấm, ngọt ngào: “Ai lên xứ hoa đào đừng quên mang về một cành hoa.”.
Nửa đêm, tiệc rượu tan. Quang về phòng,
nằm mãi vẫn không ngủ được. Cái bàn tay trắng, mềm mại, ấm nóng ấy hiện ra ám
ảnh anh. Thái Anh chưa nói gì, không hẹn hò, nhưng tay trong tay trên một quãng
đường dài như thế… chẳng phải có tình ý là gì? Còn hơn một lời hò hẹn! Quang
dậy, mở cửa ra ngoài, đến trước phòng nàng. Cửa khóa, bốn bề yên lặng. “Nên ngủ
sớm, 7 giờ lên đường.” Sáng về rồi, chẳng còn dịp nào khác. Quang gõ cửa, cộc
cộc, hai lần, bốn tiếng, như gõ vào hư không!… Trở về phòng mình, nằm một lúc,
nhờ sự tác động của mấy li bia, Quang thiếp ngủ, quên mất cái bàn tay…
Lúc gần 4 giờ sáng, Thái Anh dựng ông
trưởng đoàn dậy, nhờ giúp đỡ. Đến phòng cô ta, nhà văn thấy ông nhạc sĩ Bá
Phước nằm thẳng đuột trên giường, mặt trắng nhợt, sùi bọt mép. Hoảng sợ, ông
Nguyên hô hoán ầm lên!
Cuộc chơi chấm dứt. Kết thúc một hành
trình. Vở kịch hạ màn! Thái Anh ở lại chăm sóc “chú Phước” trong bệnh viện.
Đoàn văn nghệ sĩ lên xe, từ biệt thành phố sương mù lúc 8 giờ. “Tiếng ngựa
xe lốc cốc, Người về bên kia đồi.” Về thôi. Về để gặp lại những nhà những
cảnh cũ mòn, những bận rộn những lo toan thấp bé ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét