Hạnh bán cháo vịt và cà phê “kho” trên hè
phố, dưới bóng một cây bàng lớn, khách quen gọi là quán Cây bàng… Ở lớp học
tiếng Anh ra, hơn 10 giờ khuya, Thuần và Lạc ghé lại, Cây bàng vẫn còn khá đông
khách. Không chờ gọi, Hạnh bưng đến hai tô “ấm bụng”. Giá phải chăng ăn ấm
bụng!
“Sao về khuya thế?” Hạnh hỏi.
“Bận làm bài kiểm tra.” Lạc đáp.
Hạnh ngồi xuống cạnh Lạc. Lạc bảo:
“Thứ bảy đi Ba Hồ chơi.”
“Đi với ai?”
“Với Thuần và Như Quỳnh.” Lạc chỉ vào
Thuần.
“Em bận, tiếc quá.”
Lạc nắm tay Hạnh.
“Em thu xếp nghỉ một bữa, nên đổi gió cho
người khỏe ra.”
Khách gọi, Hạnh đến tính tiền. Hai ông
khách đi, bốn cô học sinh tới ngồi vào bàn. Quãng đường này yên tĩnh, ít xe
máy, người đi bộ đông. Lát sau, Hạnh lại đến ngồi bên Lạc.
“Em bán ở đây từ bao giờ?” Lạc hỏi.
“Sáu năm. Sao, anh?”
“Hỏi cho biết vậy thôi… sáu năm, khá
lâu.”
“Lâu, nên quen và thân.”
“Nếu một ngày nào đó em không còn bán…”
“Thì tìm một nghề khác… nhưng chắc khó
rời bỏ chỗ này.”
“Có thể phải bỏ, như thành phố cấm bán
chẳng hạn.”
Hạnh giơ nắm đấm, dọa Lạc:
“Anh đừng nói trước, xui đấy… Còn lâu mới
cấm, làm sao hết người nghèo.”
Hạnh chưa hề nghĩ đến sẽ có ngày mình
không còn đứng bán ở đây. Từ một công việc tình cờ – của một người bạn tặng
không – nay cái quán nhỏ đã thành một chỗ dựa cứng cáp của Hạnh, là nguồn thu
nhập chính, nuôi vững chắc bốn miệng ăn… Hàng bàng đứng trầm ngâm trong sương
mù sớm mai. Những đêm mưa ướt át lạnh lẽo vắng khách. Những câu chuyện trên
trời dưới đất của mấy ông khách vui tính… Tất cả các thứ đó đan xen, quyện vào
nhau tạo nên nét riêng của quán “giá phải chăng…”
“Cà phê không, anh?” Hạnh hỏi, Thuần lắc
đầu.
“Bỗng dưng anh muốn nói về những điều gì
đó.” Lạc nói.
“Muốn nói?” Hạnh có vẻ ngạc nhiên.
“Ờ, nhưng chẳng rõ là nói gì!”
“Lạ vậy, bí hiểm!” Hạnh cười.
“Và muốn làm một chuyện gì đó.”
Thuần nói với Hạnh:
“Em đừng nghe Lạc, chẳng hiểu sao mấy bữa
nay anh chàng bỗng đâm ra nói nhiều. Hôm kia hắn xung phong đọc một đoạn văn
Anh dài, diễn cảm, được cô khen!”
Hạnh hỏi:
“Muốn làm, như làm gì?”
“Cũng chẳng rõ… bụng dạ cứ nao nao, xốn
xang vô cớ, như đợi chờ mong ngóng điều gì.”
“Đi Ba Hồ là sáng kiến của ai?” Hạnh hỏi
Thuần.
“Của Như Quỳnh.”
“Để em nghĩ lại, mai trả lời… Hơi khó,
biết nhờ ai coi giùm quán đây.”
Ngẫm nghĩ giây lát, Hạnh đổi ý:
“Được rồi, nhất trí, thứ bảy đi chơi! Mấy
chuyện râu ria để tính sau.”
Nhưng cuộc du ngoạn ấy không diễn ra. Hai
hôm sau, thứ sáu – ngay trước “ngày N” – Lạc chết, trong một tai nạn giao
thông.
Hai tháng sau, Thuần cưới Như Quỳnh. Bảy
tháng sau vợ chồng Thuần từ giã Nha Trang, dọn đi Cần Thơ, làm ăn sinh sống
luôn trong đó. Tất cả đều là chuyện bất ngờ. Từ nhỏ đến giờ Thuần chưa biết Sài
Gòn, chẳng mấy khi nói đến hai tiếng “Cần Thơ”, không buồn để ý xem nó nằm nơi
nào trên bản đồ, thế mà… “Trên đời chuyện gì cũng có thể xảy ra,” câu nói nửa
đùa nửa thật này hình như thường đúng?
<>
Tám năm qua nhanh.
Một ngày mùa hạ mát mẻ Thuần về thăm Nha
Trang.
Thuần ngồi trong một quán cơm trên đường
phố có nhiều cây bàng ngày trước. Nay đường được mở rộng, lớn gấp hai, nhà cửa
đều “lên đời”, thành lầu hai, ba tầng, không còn căn nhà trệt nào. Hàng bàng
biến mất, thay vào đó là những cây hoa sữa, còn nằm sát mặt đất… Thuần nhìn
sang bên kia đường, chỗ quán cháo vịt ngày xưa. Giờ đây muốn thấy nó phải nhắm
mắt lại, huy động trí nhớ, hình dung ra. Cuộc sống thay đổi từng ngày, như
người ta thường nói. Ngày qua, giờ qua, thời gian đều đặn trôi đi, không dừng
lại một giây, đó là một trong những điều kỳ diệu trên đời! Kỳ diệu, đúng vậy.
Sự xoay vần, chuyển dịch, như hóa chất tẩy rửa bộ mặt quả đất. Nó khiến con
người phải hoạt động, tiến bộ liên tục, không đứng yên, nếu không muốn trở nên
thoái hóa, cằn cỗi.
Như chiêm tinh gia, Lạc đã nói: có ngày
Hạnh sẽ không còn bán cháo vịt dưới bóng cây bàng nữa. Nói thế, do ngẫu nhiên,
hay Lạc linh cảm, thấy trước? Chắc ngẫu nhiên, đang lúc buồn, thuận miệng thì
nói. Nếu giỏi, Lạc đã biết cách tránh cái tai ương sắp giáng xuống đầu mình.
Xe máy chạy dày đặc trên đường. Xe và
người. Người quá đông. Có cảm tưởng như thiên hạ không chịu nỗi sự bức bối tù
túng trong các căn phòng hộp nhỏ hẹp, túa cả ra diễu hành giữa phố cho thoáng
đãng!… Lạc mất đã gần chín năm. Chín năm, thật lâu, biết bao nhiêu sự việc đã
xảy ra trong từng ấy ngày. Chỉ người chết là không thay đổi, chắc thế! Thành
người thiên cổ. Mười, mười chín, hay năm mươi, tám mươi tuổi cùng thiên cổ như
nhau. Sống thì bon chen, ganh đua, tranh giành, len lách, phấn đấu, chụp giựt,
chết thì được quàng cái vòng thiên cổ!
Quán cơm này mới tinh, nhà mới, bàn ghế mới,
những cô nàng tiếp viên trẻ xinh. Các cô ăn mặc đẹp, đi đứng điệu bộ, khác xa
cô Hạnh cháo vịt “một tô ấm bụng”! Thuần chơi trò làm người nước ngoài. Từ lúc
vào quán anh chỉ ra dấu, chưa nói tiếng nào. Bây giờ Thuần gọi tính tiền, anh
giả bộ trợn mắt nhíu mày, nói tiếng Anh với hai cô tiếp viên, (thứ tiếng Anh có
sự hỗ trợ đắc lực của hai tay.) Anh “boa” hết số tiền lẻ khá nhiều, hai cô gái
mừng, cười rạng rỡ. Lúc Thuần ra đến cửa, một cô nói: “Thằng này chắc dân Thái
Lan!” Cô kia bảo: “Không phải, Thái đen hơn, đây là Tàu! Nó không uống rượu mà
sao giống như gã say!”
<>
Thuần đến thăm Hạnh. Giờ Hạnh bán tại
nhà. Nhà, quán đều mới. Nhà kiểu hiện đại, mặt tiền hẹp, dài như toa xe lửa.
Quán trang trí hoa hòe, cầu kỳ, bảng hiệu “Hạnh – cháo vịt – nem nướng” lớn đến
chướng mắt. Nem nướng thay cho cà phê kho… Thuần ra nhà sau chào bà Quảng, mẹ
Hạnh. Bà Quảng mù, nặng tai, người phốp pháp, da dẻ hồng hào. Bà nhận ra Thuần
ngay: “À, cậu Thuần, chồng cô Như Quỳnh.” Bà nói nhiều, vui vẻ. Bà bảo, có
khách đến thăm mừng lắm, bởi tối ngày nằm co trong cái hang này, quẩn quanh,
mệt mỏi. Trò chuyện với bà hơi vất vả, vì bà nghe tiếng được tiếng mất. Hỏi thế
này bà trả lời thế kia, bà nói và nói, theo lối suy luận, phỏng đoán.
“Cô Quỳnh giờ thế nào, làm gì?”
“Dạ, Quỳnh khỏe. Cô ấy đã nghỉ dạy, nay
trông coi sạp trái cây cho bà già cháu.”
“Vậy là mừng, dạy cũng nhàn, nghề đó hợp
với phụ nữ, có đồng ra đồng vào… Con Hạnh nay đã lớn, quá lứa, mà cứ ở vậy, hễ
dì nhắc chuyện chồng con là nó gạt phăng.”
“Dạ, chắc Hạnh chưa gặp người…”
“Nó chờ gì, chờ ai… năm tháng đâu có dừng
lại theo ý ta.”
“Gần đây Hạnh có quen ai không, dì?”
“Rồi sẽ thành gái già… tuổi tác chất
chồng.”
“Vợ chồng là chuyện duyên số, dì ạ.”
“Cháu lựa lời khuyên bảo nó, không thể ở
một mình mãi được… chim chóc còn có đôi có bạn.”
“Dạ.”
“Dì thế này khác chi cái áo rách… mai đây
dì xuôi tay về với ông bà, thì nó sống thế nào.”
Thuần ra phòng khách, nói chuyện với
Hạnh. Một dĩa nem nướng đầy vun chờ hai người. Hạnh đẫy đà, nét mặt đăm chiêu,
dáng chậm chạp hơn trước. Và, đương nhiên, già hơn trước. Ăn nem, nên chuyện mở
đầu là nem.
“Anh đã thành dân Cần Thơ rồi. Có lúc nào
anh nhớ về Nha Trang?”
“Nhớ luôn. Đi xa, nhớ nhiều… Em biết
không, cách nơi anh ở sáu cây số có một thị trấn nhỏ sản xuất nem nướng nem
chua nổi tiếng. Khắp các tỉnh quanh Cần Thơ chẳng nơi nào có món đặc sản này.
Nó ngon, giống hệt nem Ninh Hòa mình. Thật tình cờ, kỳ lạ. Gần như chủ nhật nào
anh cũng đi ăn nem, nem Cái Răng.”
“Cái Răng?”
“Trong đó có nhiều địa danh lạ tai: Lấp
Vò, Gò Quao, Tắc Cậu, Giồng Trôm, Trà Nóc, Cái Vồn, Cầu Kè…”
“Đi xa biết nhiều, thích nhỉ.”
“Nước ta dài, rất dài… Cái Răng cách Cần
Thơ không xa. Nó cũng giống các xã, huyện quanh vùng. Sông nước, kinh rạch,
đồng ruộng bao la, vườn cây trái sum suê, dưới sông tắc ráng (xuồng máy) chạy
dập dìu như xe máy ở đây… chỉ nem chua nem nướng là khác.
“Anh vào Nam đã tám năm?”
“Tám năm… Lạc mất non chín năm rồi… khách
cũ của Cây bàng có đến đây ăn không?”
“Có, nhưng ít lắm, anh ạ.”
“Có lẽ do xa, trái đường.”
“Môi trường, khung cảnh hai nơi trái
ngược nhau… Em thường tránh, không muốn nhìn lại chỗ quán cũ. Mấy cây bàng… anh
Lạc…”
“Hồi đó vui thực… ê, cô chủ, hai ly đen,
hai tô ấm bụng!” Thuần cười.
“Cây bàng khác ở đây nhiều thứ, nó nhộn
hơn, trẻ hơn, bụi hơn… Chắc má em lại nói về chuyện chồng con của em?”
“Phải.”
“Cụ hơi nghễnh ngãng, gặp ai cụ cũng nói
chuyện ấy.”
Hai người ăn hết nửa dĩa nem.
“Chừng nào anh đi?”
“Khoảng bốn, năm hôm nữa.”
“Mai mốt anh đưa Như Quỳnh và các cháu
đến đây chơi.”
“Anh quên ngày Lạc mất.”
“Mùng 4 tháng sáu, âm lịch.”
“Nhớ rồi, những con số chẵn… Cái chết,
thực không hiểu nỗi.”
“Nó như sợi dây đứt phựt, như mất điện…
nó hiển nhiên, nhưng hết sức mù mờ, vô lý… Mỗi khi cúp điện là em nghĩ ngay tới
nó, em nói: tắt phụt, cứ như chết!”
Hạnh vẫn còn nhớ Lạc.
“Em sắp quên Lạc, anh ạ. Nhiều lúc, suốt
mấy tháng dài em không nhớ anh ấy… Em muốn quên. Nhớ cũng chẳng ích gì!… Em
nhét album ảnh của Lạc xuống tận đáy tủ!”
“Không còn ở đây thì dễ quên.”
“Hai năm nay em không đến nhà Lạc.”
Người ta nói: biết ơn là đặc tính của
loài người. Còn biết nhớ, nhớ lâu có phải cũng là đặc tính? Nhưng Thuần mong
cho Hạnh quên cái dĩ vãng buồn. Nhớ như thế quá đủ… Không thể kéo lại tháng
ngày đã qua. Người chết không sống lại được, trong khi người sống vẫn phải
sống. Sống khó hơn chết, khó hơn rất nhiều, phải không? ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét